Thứ ba, 23/04/2024,


Đến với bài thơ hay “Đuối thu…ai đắm?” (Đường Văn) (10/10/2016) 


ĐUỐI THU…, AI ĐẮM…?!


Đường Văn

   

Tháng mười thủng thỉnh, hoài thu,

Mơn mơn hanh mỏi chẳng ru nổi… tình.

Rạc rời, khung cứ xa tranh?!

Chong khuya, hoang hoải giấc thành mộng du…

 

Chông chênh, chấp chới sa mù,

Lạnh lưng chiếu cũ, ầm ù sấm xa.

Lang mang, lạc lối cùng ma,

Nửa trời nhạt thếch, nửa ta bẽ bàng!…

 

Tận thu, mướp rũ hoa vàng,

Thui thủi sen tàn, mình thoáng mình ai…?

Khẳng khô, khế rụng cành sai,

Xiêm hồng xao xác, chat bài ve ngâm.

 

Hoài thu, riêng chuốc âm thầm,

Hồn lây lặng lặng, lầm lầm đợi đông!

Tháng mười, cười méo* thinh không,

Nghiêng chiều lá đổ, dốc đồng oải phơi…

 

Đuối thu,… ai đắm… cùng tôi?!...*

ĐV

                                  --------------------------------

 

- Họ và tên: Nguyễn Văn Đường (BD: Đường Văn) – Nguyên CBGD ĐHTĐ Hà Nội

- Địa chỉ: 1A/65/359, đường Thụy Phương, TDP Đại Đồng, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

- ĐT: 01 666 800 831; ĐTB: 04. 38 386 276

- E Mail - Facebok: d0988502105@gmail.com

 

     LỜI BÌNH

 

                                                                               HOÀNG DÂN

 

   Chỉ với cái nhan đề bài thơ này cũng đủ để “gây sự” với tác giả! Người ta quen gặp cách nói, ví như “học lực của cháu hơi đuối” (hơi kém) hoặc “hai cháu bé bị đuối nước” (chết đuối)…; còn Đường Văn dùng “đuối thu”, nghe có vẻ là lạ? Vậy, nên hiểu “đuối thu” của Đường Văn như thế nào? Mùa thu đang hấp hối hay là đã chết hẳn rồi? Thiên nhiên và cuộc sống trong thơ là thiên nhiên và cuộc sống của tâm trạng. Mùa thu trong tâm trạng Đường Văn thê thảm như vậy mà sao còn hỏi “ai đắm”? Phải chăng chính cái nghịch lí này là một dụng ý nghệ thuật của tác giả?

Những câu hỏi trên hình như đã được hé mở lời đáp ở ngay khổ thơ đầu:

Tháng mười thủng thỉnh, hoài thu,…

… Chong khuya, hoang hoải giấc thành mộng du…

  Tháng mười là tháng đầu tiên của mùa đông (tháng chín âm lịch, tháng cuối mùa thu), nên tác giả mới “hoài thu”, tức là nhớ mùa thu đã thành hoài niệm (đã chết). Nhưng đây là cái chết trong tâm trạng chứ không phải cái chết cơ học; thế nên thiên nhiên cũng thấm đẫm cái mệt mỏi, ngơ ngáo của tuổi già, với “mơn mơn hanh mỏi chẳng ru nổi… tình”! Già rồi, còn tình gì nữa để mà ru với rín đây? Xin thưa, tất cả những gã đàn ông đa tình trên cõi đời này chỉ cam chịu “già bộ phận”, “già xôi đỗ” thôi chứ nhất định không bao giờ chịu thừa nhận già toàn bộ và tuyệt đối! Không “ru nổi… tình” có thể là không tán được gái trẻ như thời thanh niên hoi thôi chứ đâu phải là đã… triệt sản ham muốn?! Vẫn ham, vẫn thèm, vẫn đắm đuối…! Nhưng nếu dại dột mà mở mồm ra thì sẽ rời rạc, lố bịch như “khung cứ xa tranh”! Và cái hiện thực tàn nhẫn trong những ngày tàn của một kiếp người là “chong khuya” (những đêm thức trắng) và “mộng du” (những giấc mơ bản năng mụ mị, ma quái).

Đến khổ thứ hai:

Chông chênh, chấp chới sa mù…,

…Nửa trời nhạt thếch, nửa ta bẽ bàng…

thì ngoài những cơn mộng du còn là nỗi cô đơn pha chút ê chề. Cô đơn vì cái “chông chênh, chấp chới” như ngọn đèn dầu leo lét trước gió; ê chề bởi cái “chiếu cũ” gần nửa thế kỉ vẫn còn… dùng tốt!!! Để tìm cảm hứng sống động, cảm hứng sáng tạo…, các nghệ sĩ thường ưa thích chủ nghĩa xê dịch, tức là ưa kiếm tìm cái mới, cái lạ; còn ta thì đang sống với chủ nghĩa… đổ bê tông, tức là cũ, mòn tới mức dị ứng, phản cảm! Thế mà vẫn cứ phải sống, thậm chí còn luôn phải nhe răng cười hềnh hệch như thể đang vui lắm! Đây chính là tấn bi kịch tinh thần đau đớn và dai dẳng của những gã đàn ông có máu thơ phú văn chương, tức là máu nghệ sĩ. Hai câu cuối của khổ thơ này thật buồn! Nhịp điệu chẵn, ngắn (2 - 2 – 2), chẵn, dài (4 – 4) như cố ý muốn kéo không gian và tâm trạng lê thê mãi:

Lang mang lạc lối cùng ma,

  Nửa trời nhạt thếch, nửa ta bẽ bàng!

          Thực ra, ta đang sống những ngày tàn, trong hình hài của một bóng ma vật vờ. Khi tỉnh, chỉ thấy đời nhạt thếch và bẽ bàng; khi mê, ta chỉ là một kiểu nạn nhân đáng thương... Theo tôi, đây là 2 câu được nhất trong bài. Từ đắt nhất trong đó là từ ghép nhạt thếch! Đặc tả chính xác cái vị nhàn nhạt, ghê ghê, rờn rợn của thế giới âm hồn – ma quái (âm) loang rộng tới cả nửa bầu trời (hòa, lấn phần dương).

Khổ thứ ba:

Tận thu, mướp rũ hoa vàng,…

… Xiêm hồng xao xác, “chat” bài ve ngâm.

Câu đầu có hai chữ “tận thu” khá hay! Chúng ta quen nghe “năm cùng tháng tận” thì cũng có thể suy ra “tận thu” là “ngày cuối cùng của mùa thu”, nhưng thời gian trong bài thơ là tháng đầu đông, vậy “tận thu” phải hiểu là “mùa thu đã chết rồi”. Cái chết của mùa thu dường như kích hoạt cho một sự sụp đổ không sao cưỡng nổi: mướp rũ hoa vàng, thui thủi sen tàn, khế rụng… Mùa thu còn là một ẩn dụ chỉ tuổi tác, ví như “ba mươi mùa thu cái lá vàng rơi”. Vậy, “tận thu” ở đây cũng có thể hiểu là “tận mạng” – những ngày cuối của một kiếp người. Ngày xưa, Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều 2 câu tả cảnh thiên nhiên 4 mùa lưu chuyển trong 1 năm đã trở thành kinh điển của thơ trữ tình dùng hình ảnh thực – biểu trưng để tả dòng thời gian – tâm trạng:

Sen tàn, cúc lại nở hoa,

Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân.

    Nay, Đường Văn cũng dùng lại hình ảnh sen tàn của tiền nhân Anh chỉ thêm vào từ láy thui thủi và sử dụng biện pháp tu từ đảo vị ngữ - chủ ngữ. Kết hợp với ngữ mình thoáng mình ai?! Điệp từ mình vừa chỉ mình (bản thể người thơ) vừa chỉ người khác trong tâm thế bâng khuâng, nửa tin nửa ngờ, vừa hỏi vừa than, trong một khoảnh khắc (thoáng) lướt qua, ngơ ngơ ngác ngác… rất thú vị! Những cố gắng đổi mới nghệ thuật ấy bỗng làm cho ý thơ trĩu nặng cảm xúc, tâm trạng cô đơn, lẻ loi của con người cá nhân trước thế giới bao la và khoảng thời gian chấp chới, dùng dắng chuyển mùa.

Thoạt nghe có vẻ bi quan, nhưng nên nhớ: ngũ thập thọ vi niên, lục thập thọ vi nguyệt, thất thập thọ vi nhật, bát thập thọ vi khắc.  Xưa, và cả nay, cũng vậy! U70 là sống ngày nào biết ngày ấy! Chữ chat (khái niệm công nghệ internet) định đưa bài thơ trĩu nặng u hoài quá khứ xa xôi trở về thời hiện tại với thế hệ @ sôi động, nghe cũng hơi là lạ!

Khổ cuối:

Hoài thu, riêng chuốc âm thầm,…

…Nghiêng chiều lá đổ, dốc đồng oải phơi…

    Đây là khổ thơ hô ứng với khổ đầu tiên, có sự lặp lại của “hoài thu” và “tháng mười”, nhưng là một “hoài thu” chết lặng của tâm hồn và một “tháng mười” nhăn nheo, dị dạng.  Không phải ngẫu nhiên mà 5 phụ âm l được xếp liền trong 5 tiếng liên tiếp nhau: lây, lặng lặng, lầm lầm nhằm diễn tả sự loang ra, lan tỏa một cách âm thầm của hồn cuối thu trong tâm thế nặng nề, bức bối, bực bội, buộc phải đợi đón những ngày đầu đông đang tới. Thiên nhiên thì ầm ầm chuyển động, còn lòng người thì meo mốc, tơ hơ. Một sự đào thải tất yếu đang diễn ra, âm thầm, lặng lẽ mà dữ dội, nghiệt ngã. Kẻ nào ngu si không cảm nhận được sự đào thải đó thì cứ nhăn nhở, vô tư mà hưởng… thái bình!

                               Cười méo thinh không?!

  Về từ loại, từ méo vốn gốc là tính từ, từ láy méo mó được động từ hóa: làm méo. Cái tiếng cười thê lương, có phần rợn ghê chừng như có thể tác động mạnh, làm cho bầu không yên tĩnh, lặng lẽ bị xô chuyển, méo mó, dị dạng đi trong cảm giác đau đớn mênh mông. Tác động đến cảm giác và tưởng tượng của hiện tượng ngôn ngữ động từ hóa tính từ (chuyển tĩnh thành động) gây ra bởi từ méo ấy vốn chịu ảnh hưởng từ câu thơ của người bạn cùng làng viết từ hơn 40 năm trước (Tiếng bom làm méo cả vầng trăng! (Nhớ em tận Trường Sơn; (Nguyễn Hiếu); Nhưng ở đây, trong Đuối thu…, ai đắm, đã được Đường Văn nâng thêm mức độ trừu tượng cả về chủ thể (tháng mười) cùng đối tượng (thinh không – bầu không yên tĩnh, lặng lẽ) khiến liên tưởng của người đọc được chắp cánh bay bổng hơn…

   Còn những kẻ có dăm ba chữ giắt lưng, ý thức sâu sắc được điều đó thì có hoảng hốt, có sợ hãi, có buồn, có tiếc…, nhưng cũng đành bất lực, buông xuôi…!

Câu kết:                 Đuối thu,… ai đắm… cùng tôi?!

  vừa có vẻ như một lời than ai oán, khắc khoải, tuyệt vọng; lại vừa giống như một cú giãy bản năng cuối cùng của mọi sinh vật khi bị… cắt tiết, hóa kiếp! Đặc tả nỗi buồn, nỗi thất vọng, sự cô đơn, mặc cảm bẽ bàng, ngán ngẩm… đến như thế, kể cũng đáng gọi là một câu thơ hay, ám ảnh… chứ sao?!

  Một trong những thành công trong nghệ thuật sáng tạo hình ảnh ngôn từ của Đường Văn trong Đuối thu, ai đắm là ở cách sử dụng khéo, tinh các từ láy tượng hình, tượng thanh, loại từ láy âm thuần Việt độc đáo.

Số lượng, mật độ dày đặc, liên tiếp: 15 từ/17 câu. Câu ít nhất: 1 từ (11 câu); câu nhiều nhất: 2 từ (2 câu). Chỉ có 3 câu không dùng tới loại từ này. Láy tượng thanh: 4; Láy tượng hình: 11. Có những từ láy bị đảo ngược 1 cách cố ý gây ấn tương lạ: rạc rời (rời rạc), khẳng khô (khô khẳng), có khi 2 từ láy phụ âm đầu đặt liên tiếp để nhấn thêm hình dáng, đường nét sự vật – tâm trạng: chông chênh, chấp chới, lặng lặng, lầm lầm; có khi dùng 1 từ láy rất ít dùng để tạo cảm giác mới lạ, ngỡ ngàng, khắc khoải của tâm trạng chủ thể trữ tình: hoang hoải.

    Tác dụng nghệ thuật của hệ thống từ láy mà Đường Văn đã dụng công chọn lọc và sắp xếp như thế khiến các hình ảnh thơ trở nên cụ thể hơn, động hơn, sống hơn, lung linh hơn, điệu thơ trở nên mềm mại hơn, rất phù hợp với nhịp thơ, thể thơ lục bát.

   Về tạo nhịp, ta cũng thấy rõ thành công sự cố gắng làm mới nhịp thơ lục bát truyền thống của người viết. Ấy là bên cạnh các loại nhịp phổ biến, cổ điển: 2/2/2/; 2/2/2/2; 4/4/; 3/3/; 2/4/2…xuất hiện những câu được cắt nhịp khá mới lạ. Chẳng hạn:

- Tháng mười thủng thỉnh…/hoài thu (4/2);

- Rạc rời/ khung cứ xa tranh (2/4);

- Mơn mơn/ hanh mỏi/ chẳng ru nổi/… tình  (2/2/3/1).

   Nhịp chẵn xen nhịp lẻ, hoàn toàn nương theo, biến đổi theo nhịp điệu của cảm xúc, tâm trạng, mà cơ hồ quên đi nhịp điệu đều đều, đơn điệu của thể thơ 6/8 có tự ngàn xưa.

    Tứ thơ “Đuối thu”…đọc qua, tưởng đơn giản, nhưng xem xét kỹ, hóa ra không phải thế! Bởi đó là sự thể hiện sâu sắc cái trạng thái cảm xúc, tâm trạng đầy mâu thuẫn, phức tạp, chằng chịt, vân vi tận đáy thẳm tâm hồn người thơ: vừa nuối tiếc, nhớ nhung vừa đắm đuối, mê ly của hồn người cố giao hòa, giao cảm với hồn thu trong khoảng thời gian giao mùa: thu chưa hẳn qua mà đông chưa hẳn tới. Tâm trạng cô đơn, yếu đuối, mong manh mà thăm thẳm ấy chỉ khổ tâm vì khắc khoải, khao khát được sẻ chia, đồng cảm, đồng điệu, đồng hành với mùa thu vừa qua, với bạn thơ và… với cả chính mình!

   Một tứ thơ giàu ngẫm ngợi như vậy ắt phải là kết quả của quá trình lao tâm khổ tứ, đào sâu vào thế giới bên trong bản thể người thơ, gắng tìm ra đôi chút dấu ấn riêng của cá nhân mình, dù chút chiu, nhỏ bé!

 Một tứ thơ như thế, chẳng đáng gọi là 1 đặc sắc cấu tứ của thơ trữ tình Đường Văn hay sao?

    Phải chăng, tôi nghĩ: Đó chính là những yếu tố, thành tố tư tưởng – nghệ thuật góp phần làm nên sự xúc động, thấm thía, đồng cảm với cái hay, vẻ đẹp, sự hấp dẫn nơi bài thơ Đuối thu, ai đắm của Đường Văn, khi anh tiếp tục khai thác một trong những đề tài cũ mèm nhất của thi đề thu đông tây – kim cổ, thì khi ấy, nhất định thi tứ thu cùng hình tượng, ngôn từ thể hiện cũng phải sao cho vừa quen vừa lạ, bình cũ - rượu mới, tinh lọc, cất chưng và tổng hợp từ cảm hứng mãnh liệt và quá trình kỳ khu kiếm tìm, nấu nung sáng tạo?! ./. *

                                                                                    HD

-----------------------------

 

- Họ và tên: Hoàng Dân – Nguyên CBGD ĐHTĐ Hà Nội

- Địa chỉ: 98/100,  phường Thạch bàn, quận Long Biên, Hà Nội

- ĐT: 0912357667.   E mail: mrhoangdan@yahoo.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: