Thứ sáu, 19/04/2024,


Vẻ đẹp trong bài thơ" Yếm đào ai buộc vào thơ" (11/05/2016) 




                    YẾM ĐÀO AI BUỘC VÀO THƠ *


Phạm Tự



                    Con đò lạc bến đi xa
                  Bỏ quên dải yếm giao thoa nỗi buồn
                         Cau vàng ngủ giữa hoàng hôn
                  Trầu không thức giấc khát mòn bờ môi !

                        Câu thơ tha thẩn cuối trời
                  Như cơn gió lạc giữa đời tìm em
                        Sao rơi trăng rụng bên thềm
                  Hoa đâu có biết…bao đêm khóc thầm !

                        Bồ hòn đắng bỏ vào ngâm
                  Ngỡ đâu ngọn lịm nốt trầm cõi mơ
                        Yếm đào ai buộc vào thơ
        Kiều về trong mộng…ngẩn ngơ nhớ  thầm !

                                                          Phạm Tự
                                            ( Hội viên Hội VHNT Hà Giang )
                                                 Gmail: 
thcsts@gmail.com
                                                     ĐT: 0919.760.699

*Bài thơ đăng trên “lục bát mỗi ngày” ngày 21- 7- 2015



LỜI BÌNH

    Qua mạng internet thi thoảng tôi lại bắt gặp tác giả Phạm Văn Tự trên trang “lục bát mỗi ngày”. Đúng là Văn kì thanh bất kiến kì hình. “Yếm đào ai buộc vào thơ” là thi phẩm lục bát của tác giả. Chỉ có 12 câu mà bài thơ mang nặng một nỗi niềm thương nhớ của hai nửa yêu thương.
       Đó là bốn câu lục bát mở đầu :
                         Con đò lạc bến đi xa
                  Bỏ quên dải yếm giao thoa nỗi buồn
                         Cau vàng ngủ giữa hoàng hôn
                  Trầu không thức giấc khát mòn bờ môi !

       Chẳng hiểu duyên cớ nào mà “Con đò lạc bến đi xa”. “Con đò”,“bến” có mối duyên tình khăng khít như hình với bóng, như anh với em…
  Vì sao con đò lại “lạc bến”, phải chăng vì bão tố phong ba hay là giận hờn vì “bến” chẳng chịu “đò” ? Hay “đò” muốn làm nũng “bến” để thêm duyên cho sự đáng yêu? Tuy “con đò” “lạc bến” nhưng con đò lại “bỏ quên dải yếm”. Sự “bỏ quên” này là vô tình hay hữu í? Tôi cho rằng đó là một sự hữu í. Có khi còn là một sự cố tình “bỏ quên” ! Bởi lẽ “Dải yếm” là đồ tế nhuyễn gắn với phái yếu rất mật thiết thì làm sao mà quên được. Cố tình quên “dải yếm” để có dịp “giao thoa nỗi buồn”
(“Giao thoa” là hiện tượng chỉ xảy ra khi mà có hai chấn động có tần số bằng nhau để cùng một nhịp đập để rồi cùng thăng hoa) “Con đò lạc bến đi xa/Bỏ quên dải yếm giao thoa nỗi buồn” là hình ảnh quen thuộc trong ca dao cổ để nói lên tình yêu đôi lứa, nỗi nhớ nhung gắn kết.
   Cũng như “Dải yếm” là chi tiết của một tình yêu. Chỉ có tình yêu rất thơ mộng, rất lãng mạng bay bổng thì anh mới bắc “cầu dải ‎yếm”, hay “cầu cành hồng”, hoặc “cầu mồng tơi” cho em qua lại. Tác giả chỉ mượn bình cũ ca dao để rót những giọt rượu tình của sự sáng tạo mới mẻ. Đó là nghệ thuật trộn gài mềm mại để thổi hồn cho lục bát bay bổng.
       Đò lạc bến cho nên những chuẩn bị cho cuộc tình đầy lỡ dở. “Cau vàng ngủ giữa hoàng hôn/ Trầu không thức giấc khát mòn bờ môi !”. “Cau vàng”, “trầu không” những đồ sính lễ cho một cuộc tình. Chỉ là một sự đợi chờ không phải là sự ly biệt. Chỉ là một thử thách không phải là xóa bỏ cho nên “cau vàng” mới ngủ, “trầu” không thức giấc. Tất cả chỉ là tạm nghỉ ngơi để rồi sự trở lại sẽ đến không xa.
       Từ cảnh ngộ này đến hệ lụy khác :
                        Câu thơ tha thẩn cuối trời
                  Như cơn gió lạc giữa đời tìm em
                        Sao rơi trăng rụng bên thềm
                  Hoa đâu có biết…bao đêm khóc thầm !

       “Câu thơ tha thẩn” phép nhân hóa để câu thơ thành người có tâm trạng vẩn vơ suy nghĩ, canh cánh bên lòng một nỗi buồn không ai chia sẻ vì ở quá xa xăm “cuối trời”. Nỗi buồn ấy đã được so sánh “như cơn gió lạc”. Gió ngây thơ, gió còn bé bỏng. Ai nuôi gió, ai sinh ra gió?
   Sao không chăm sóc để cho “gió lạc” không phải vậy ! Gió mải mê tình em giữa dòng đời bát ngát. Cho nên gió bị lạc. Cặp lục bát “Câu thơ tha thẩn cuối trời/ Như cơn gió lạc giữa đời tìm em” – Một sự nhớ nhung không sao cầm lòng được của “con đò” và “bên” sông. Bến nhớ đò và đò nhớ bến cũng như anh nhớ em và em cũng rất nhớ anh. Một sự “giao thoa” rất đẹp và “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. “Sao”, “trăng”, “hoa” thật vô tình rơi rụng ngay bên thềm mà đâu biết “đò”  đã lạc “bến” và “bến” vẫn chờ “đò”. Nếu biết chắc thì “sao”, “trăng”, “hoa” cũng ngừng
rơi, thôi rụng và chờ đợi tin vui của cuộc gặp gỡ.
         Và bài thơ khép lại :
                        Bồ hòn đắng bỏ vào ngâm
                  Ngỡ đâu ngọn lịm nốt trầm cõi mơ
                        Yếm đào ai buộc vào thơ
                  Kiều về trong mộng…ngẩn ngơ nhớ thầm !

        Bồ hòn vốn dĩ đã đắng thế mà người xưa “Ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Đó là một sự chịu đựng thử thách. Hình ảnh “bồ hòn” được tác giả vận dụng “Bồ hòn đắng bỏ vào ngâm/ Ngỡ đâu ngọt lịm nốt trầm cõi mơ”. Một sự chờ đợi mong bồ hòn đắng thành bồ hòn ngọt. Muốn vậy thử qua chế biến “bỏ vào ngâm” nhưng làm sao mà “ngọt lịm” được. Tất cả chỉ là sự lắng đọng sâu thẳm của một nốt trầm trong bản nhạc tình bao trùm chỉ là “cõi mơ” mà thôi. Mơ và thực là hai lĩnh vực không sao đồng hành được. Phép hoán dụ bằng hình ảnh “Yếm đào” để nêu cái duyên dáng đẹp đẽ của người con gái. Em đẹp và rất duyên. Em là hoa là thơ. Nhưng thơ là thơ, em là em. Đừng bao giơ ép buộc “‎yếm đào ai buộc vào thơ”.“Ai” đó đã cố tình “buộc” chỉ mang lại sự thất vọng mà thôi. Vì thế mà “Kiều về trong mộng… ngẩn ngơ nhớ thầm”. Đẹp như giấc mộng “Nam Kha” mà còn thất vọng khi tỉnh giấc. Để rồi tiếc nuối, để rồi chẳng có gì.
Mạch thơ như lay động con tim đa cảm : Hãy tỉnh lại đi về với cõi thực để rồi từ đây mà tung cánh bay bổng nghìn trùng.
       Tôi đã được đọc nhiều bài lục bát của Nàng thơ Phạm Văn Tự như: Nỗi niềm mưa đêm, Tình em để nhớ, Rét lòng … Song “yếm đào ai buộc vào thơ” là thi phẩm : tình thì thắm, ‎í thì đằm. Tác giả đã vận dụng những hình ảnh đẹp của ca dao cũ như bến sông, con đò, yếm đào để tạo nên một sắc thái mới mẻ nói về hai nửa yêu thương của một chuyện tình.
Đó là một đề tài mà muôn năm không cũ.


   
  Ngày 10/8/2015

      Người bình thơ:  Vương Bảo

      ĐT : 0932.297.399
                  Email: 
Vuongbao1938@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: