Thứ bảy, 27/04/2024,


Truyện Kiều - Nguyễn Du (Phần thứ hai, từ câu 573 đến 906) (24/11/2015) 

   Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
Lucbat.vn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 



PHẦN THỨ HAI

GIA BIẾN VÀ LƯU LẠC

(Từ câu 573 đến câu 906)

 

Vương Ông mắc oan - Thúy Kiều hy sinh hạnh phúc và tình yêu, bán mình chuộc cha và em.

 

 

Tần ngần dạo gót lầu trang
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về.
575. Hàn huyên chưa kịp giãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao:
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão, một trai,
580. Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.


585. Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ.
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
590. Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.
Hạ từ, van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.
Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người!


595. Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa!
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
600. Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên Tình, bên Hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.
605. Quyết tình, nàng mới hạ tình:
”Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Họ Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,

610. Vì nàng, nghĩ cũng thương thầm xót vay.


Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng, việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày.
615. Thương tình con trẻ thơ ngây,
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!
Đau lòng tử biệt sinh li,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
620. Liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.


Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách, tìm vào vấn danh.
625. Hỏi tên rằng: “Mã Giám sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao,
Trước thầy sau tớ lao xao,
630. Nhà băng đưa mối, rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng:


635. Ngại ngùng rợn gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc cân tài,
640. Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng, khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”


645. Mối rằng: “Đáng giá nghìn vàng,
Rớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Một lời thuyền đã êm dằm
650. Hãy đưa canh thiếp, trước cầm làm ghi.
Định ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong!
Một lời cậy với Chung Công,
Khất từ tạm lĩnh Vương Ông về nhà.
655. Thương tình con trẻ, cha già,
Nhìn nàng, ông những máu sa ruột dầu:
”Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời!
660. Này ai vu thác, cho người hợp tan!


Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già!
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất, chẳng thà lòng đau!”
665. Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình, ông rắp gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ, người coi,
Nhỏ to, nàng lại tìm lời khuyên can:
”Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
670. Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.


675. Lòng tơ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
680. Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.
Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một, thiệt mình là hai.”
Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn, giọt dài ngổn ngang.
685. Mái ngoài, họ Mã vừa sang,
Tờ hoa đã kí, cân vàng mới trao.
Trăng già độc địa làm sao?
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên!
Trong tay đã sẵn đồng tiền,
690. Dầu lòng đổi trắng, thay đen, khó gì!


Họ Chung ra sức giúp vì,
Lễ tâm đã đặt, tụng kì cũng xong.
Việc nhà đã tạm thong dong,
Tinh kì giục giã đã mong độ về.
695. Một mình nàng, ngọn đèn khuya,
Áo đầm giọt lệ, tóc xe mái sầu:
”Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi,
700. Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa.
Trời Liêu non nước bao xa.
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi!


705. Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
710. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”!
Nỗi riêng, riêng những bàng hoàng,
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.
Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:
715. “Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây”?
Rằng: “Lòng đương thổn thức đầy,
720. Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.


Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai!
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
725. Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
730. Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.


735. Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
740. Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau, dầu có bao giờ.
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
745. Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rẩy xin chén nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gẫy bình tan,
750. Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!


Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phận sao, phận bạc như vôi?
Đã đành nước chẩy hoa trôi lỡ làng.
755. Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi! thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng.
Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng,
760. Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài.
Kẻ thang, người thuốc, bời bời,
Mới dầu cơn vựng, chưa phai giọt hồng.
Hỏi: “Sao ra sự lạ lùng?”
Kiều càng nức nở, mở không ra lời.


765. Nỗi nàng, Vân mới rỉ tai:
”Chiếc thoa này với tờ bồi ở đây!”
”Này cha làm lỗi duyên mày,
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em!
Vì ai rụng cải, rơi kim,
770. Để con bèo nổi mây chìm, vì ai?
Lời con dặn lại một hai,
Dẫu mòn bia đá, dám sai tấc vàng!”
Lạy thôi, nàng lại thưa chiềng:
”Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.
775. Sá chi thân phận tôi đòi,
Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu!”
Xiết bao kể nỗi thảm sầu!
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi.
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
780. Quản huyền đâu đã giục người sinh li.
Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm.
Trời hôm, mây kéo tối rầm,
Rầu rầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương.


785. Rước nàng về đến trú phường,
Bốn bề xuân khóa, một nàng ở trong.
Ngập ngừng thẹn lục, e hồng,
Nghĩ lòng, lại xót xa lòng đòi phen:
”Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
790. Hoài công nắng giữ, mưa gìn với ai.
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.
795. Trùng phùng dầu họa có khi,
Thân này thôi có còn gì mà mong!
Đã sinh ra số long đong,
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao”?
Trên yên sẵn có con dao,
800. Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn:
”Phòng khi nước đã đến chân,
Dao này thì liệu với thân sau này”.
Đêm thu một khắc một chầy,
Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.

 

805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vốn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Lầu xanh có mụ Tú Bà,
810. Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng, đôi bên một phường.
Chung lưng mở một ngôi hàng,
Quanh năm buôn phấn, bán hương đã lề.
815. Dạo tìm khắp chợ thì quê,
Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi.
Rủi may, âu cũng tại trời,
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên!
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
820. Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá, nghinh hôn định ngày.
Mừng thầm: “Cờ đã đến tay,
Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.


825. Đã nên quốc sắc thiên hương,
Một cười này, hẳn nghìn vàng chẳng ngoa.
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
830. Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.
Miếng ngon kề đến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.
Đào tiên đã bén tay phàm,
Thì vin cành quít, cho cam sự đời!
835. Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa, đã dễ mấy người biết hoa!
Nước vỏ lựu, máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.
Mập mờ đánh lận con đen,
840. Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi?
Mụ già hoặc có điều gì,
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.
Vả đây đường xá xa xôi,
Mà ta bất động, nữa người sinh nghi”.


845. Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Đêm xuân một giấc mơ màng,
850. Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ.
Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình:
”Tuồng chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng!
855. Thôi còn chi nữa mà mong,
Đời người thôi thế là xong một đời”!
Giận duyên, tủi phận, bời bời,
Cầm dao, nàng đã toan bài quyên sinh.
Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
860. “Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Sau dù sinh sự thế nào,
Truy nguyên, chẳng kẻo lụy vào song thân.
Nỗi mình âu cũng giãn dần,
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi!”


865. Những là đo đắn ngược xuôi,
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường.
Lầu mai vừa rúc còi sương,
Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi.
Đoạn trường thay, lúc phân kỳ!
870. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.
Bề ngoài mười dặm trường đình,
Vương Ông mở tiệc tiễn hành đưa theo.
Ngoài thì chủ khách dập dìu,
Một nhà huyên với một Kiều ở trong.
875. Nhìn càng lã chã giọt hồng,
Rỉ tai, nàng mới giãi lòng thấp cao:
”Hổ sinh ra phận thơ đào,
Công cha, nghĩa mẹ, kiếp nào trả xong?
Lỡ làng nước đục, bụi trong,
880. Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.
Khi về bỏ vắng trong nhà,
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.


885. Khi ăn, khi nói lỡ làng,
Khi thầy, khi tớ xem thường, xem khinh.
Khác màu kẻ quý người thanh,
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.
Thôi con còn nói chi con
890. Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người!”
Vương bà nghe bấy nhiêu lời,
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên.
Vài tuần chưa cạn chén khuyên
Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe.
895. Xót con lòng nặng trì trì,
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao:
”Chút thân yếu liễu, thơ đào,
Rớp nhà đến nỗi giấn vào tôi ngươi.
Từ đây góc bể bên trời,
900. Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng”.
Cạn lời khách mới thưa rằng:
Buộc chân, thôi cũng xích thằng nhiệm trao.
905. Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỷ thần”.

 

N.D

 

 

______________
574. Ngoại hương: làng ngoại, quê ngoại.

575. Giãi dề: giải bày, trò truyện.

576. Sai nha: nha lại do quan trên sai phái đi.

577. Thước: tay thước, một thứ võ khí cổ, bằng gỗ, dài độ một thước tây, cạnh vuông bốn góc, dùng để đánh người.

Nách thước: nách cắp tay thước.

Đao: dao to, mã tấu, thứ võ khí bằng sắt, lưỡi to.

579. Già: cái gông. Giang: khiêng đi, giải đi. Ở đây nói cha con (Viên ngoại và Vương Quan) bị đóng gông lại.

580.Thâm tình: tình sâu. Hai thâm tình: chỉ hai cha con (Vương Ông và Vương Quan).

583. Tế nhuyễn: nhỏ bé, mềm mại, chỉ chung những đồ vàng ngọc quí giá và trang sức, quần áo dễ mang đi.

586. Dậm: một dụng cụ đánh cá.

Giàm: bẫy đánh loài vật. “Giật giàm” tức giật cạm, sập bẫy Ý nói vu oan giá họa.

588. Xưng xuất: xưng ra, khai ra.

590. Loà mây: như nói làm mờ cả bầu trời. Ý nói: một vụ án hết sức oan uổng.

594. Hạ từ: hạ lời, nói lời hạ mình để kêu cầu van xin.

Lân tuất: thương xót, thương tình. Ý cả câu: tụi sai nha cứ phũ tay đánh đập, mặc những lời kêu van của nhà Kiều, chúng chỉ làm điếc làm ngơ.

593. Rường cao: thanh rường nhà bắc ở trên cao. Dây oan: Dây trói oan uổng. Tụi sai nha trói và treo ngược hai cha con họ Vương lên rường nhà.

599. Cốt nhục: ruột thịt, chỉ Vương Ông và Vương Quan.

600. Ngộ biến tòng quyền: gặp cảnh biến phải theo đạo "quyền" (không thể giữ nguyên đạo "kinh" như lúc bình thường được). Ý nói: Phải tuỳ theo hoàn cảnh mà xử sự cho thích hợp.

601. Hội ngộ: gặp gỡ gắn bó nhau. Chỉ mối tình duyên giữa Kiều với Kim Trọng.

Cù lao: công ơn sinh dưỡng khó nhọc của cha mẹ.

603. Thệ hải minh sơn: chỉ non thề bể.

604. Sinh thành: công ơn cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng nên người.

605. Hạ tình: tỏ bày ý nghĩ.

606. Rẽ cho: lời gạt đi ý kiến những người khác để nói lên ý kiến của mình một cách cương quyết.

607. Lại già: người nha lại già.

608. Nha dịch: người làm việc ở nơi nha môn, tức nơi công sở của các phủ huyện, cũng như nói “nha lại”.

614. Quy liệu: thu xếp, lo liệu.

617. Tử biệt sinh ly: Chết rồi vĩnh biệt nhau gọi là "tử biệt", sống mà xa lìa nhau gọi là "sinh ly". Đó là hai cảnh thương tâm lớn của đời người. Tuy là hai cảnh, nhưng người ta thường dùng làm một thành ngữ, để nói chung cho người gặp cảnh "tử biệt" cũng như người gặp cảnh "sinh ly".

619. Hạt mưa: Chỉ thân phận người con gái

Ca dao:

 

 

 

 

Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng lầy.

620. Tấc cỏ, ba xuân: Do chữ thốn thảo, tam xuân. Bài thơ tả tình đi chơi xa nhớ mẹ của Mạnh Giao đời Đường có câu: Dục tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy (Ai bảo cái lòng của ngọn cỏ một tấc (ngọn cỏ ngắn) báo đáp được ánh sáng ấm áp của ba tháng xuân). Tấc cỏ: ví với người con. Ba xuân: ví với công ơn cha mẹ.

621. Băng nhân: người làm mối.

622. Tin sương: Do chữ sương tin. Theo sách Ngũ kim câu trầm: khi tiết trời bắt đầu có sương lạnh, thì chim nhạn ở phương bắc bay xuống phương nam. Có sương thì có nhạn, mà có nhạn thì có sương, sương và nhạn ứng theo thời tiết với nhau, nên nói tin sương là ngụ ý chỉ tin tức truyền đi.

624. Viễn khách: khách phương xa.

Vấn danh: một trong sáu hôn lễ thời xưa. Nhà trai hỏi tên người con gái.

625. Giám sinh: sinh viên học tại Quốc tử giám, một thứ trường đại học của triều đình phong kiến, lập ở kinh đô để đào tạo người ra làm quan.

626. Lâm Thanh: Một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).

627. Tử tuần: bốn mươi tuổi (mỗi một tuần là mười tuổi).

630. Nỗi mình: nỗi riêng của mình, chỉ cuộc tình duyên dở dang với Kim Trọng. Nỗi nhà: nỗi tai vạ của toàn gia đình họ Vương.

644. Sinh nghi: đồ dẫn cưới, tiền dẫn cưới.

645. Nghìn vàng: đời Hán, một nghìn vàng tức là một cân vàng, sau dùng để chỉ nghìn lạng vàng.

646. Rớp nhà: hoạn nạn trong nhà, nhà gặp lúc hoạn nạn.

649. Êm dằm: ý nói sự việc đã lo lót xong xuôi, êm thấm, giống như chiếc thuyền đã đứng êm dằm, không còn tròng trành nữa.

650. Canh thiếp: lá thiếp biên tên, tuổi (nhân trong thiếp có biên tuổi, tức niên canh, nên gọi là canh thiếp). Theo hôn lễ xưa, khi bắt đầu dạm hỏi, nhà trai, nhà gái trao đổi canh thiếp của trai gái để đính ước với nhau.

651. Nạp thái: đây dùng chỉ lệ dẫn đồ cưới, tiền cưới.

Vu qui: về nhà chồng. Đây dùng chỉ lệ đón dâu.

654. Khất tử: đơn xin (Nhà Kiều làm đơn xin tạm tha cho Vương ông).

658. Gieo cầu: theo sách Tam hợp bảo kiếm: Hán Vũ đế kén phò mã, cho công chúa ngồi lên lầu, ném quả cầu xuống, ai cướp được thì làm phò mã.

660. Vu thác: vu là đổ tội cho, thác là đặt điều ra.

669. Một mảnh hồng nhan: như nói một mụn con gái (mảnh là ý nói khinh khí).

671. Nàng Oanh: nàng Đề Oanh. Theo Liệt nữ truyện: Đề Oanh người đời Hán, khi cha nàng là Thuấn Vu Ý, phạm tội, bị hạ ngục ở Tràng An, chờ ngày hành hình, Đề Oanh dâng thư lên vua Văn Đế, xin nộp mình làm giá hầu cho các nhà quan để chuộc tội cho cha, Văn Đế cảm động, xuống chiếu tha cho cha nàng.

672. Ả Lí: Nàng Lí Kí. Theo sách Đường dại tùng thư: Lí Kí đời Đường, nhà nghèo, tự nguyện bán mình cho người làng đem cúng thần rắn để lấy tiền nuôi cha mẹ. Về sau nàng chém chết thần rắn, rồi lấy vua Việt Vương.

673. Cỗi xuân: gốc cây xuân, chỉ người cha.

Tuổi hạc: tuổi con chim hạc, như nói tuổi thọ. Lục Cơ Mao thi sớ: Chim hạc sống lâu một nghìn năm.

675. Lòng tơ: tấm lòng thương con vương vấn không dứt.

676. Nước non: chỉ cơ nghiệp nhà (nước non cũng như nói giang sơn).

678. Hoa dù rã cánh: nói Kiều bán mình, cuộc đời phải tan tác.

Lá còn xanh cây: tức cây còn xanh lá, nói Vương Ông được tha.

679. Cũng vầy: cũng vậy, cũng thế thôi.

680. Đậu: một cái hoa kết được thành quả, hay một cái quả giữ được đến lúc chín, không bị nửa chừng rụng đi, thì người ta gọi là cái hoa đậu, cái quả đậu. Cả câu: Ý nói cũng xem như là đã chết ngay từ lúc còn nhỏ tuổi.

687. Trăng già: chỉ “ông Tơ” xe duyên.

691. Giúp vì: giúp đỡ.

692. Lễ tâm: lễ vật của dân sự "thành tâm" đem đút lót cho bọn quan lại.

Tụng kỳ: kỳ xử kiện, tức phiên xử án.

694. Tinh kì: người ta thường dùng chữ tinh kì để chỉ cái ngày thành hôn, vì theo hôn lễ xưa, người ta đón dâu vào buổi tối.

697. Dầu: cũng như nghĩa đành (dầu lòng, đành lòng).

698. Một lời: một lời thề nguyền. Ý Kiều nói: Số phận ra sao cũng đành, nhưng chỉ đau lòng là trót đeo đẳng lời thề với Kim Trọng.

703. Trời liêu: Liêu Dương.

707. Tái sinh: một kiếp sống nữa, kiếp sau cũng như nói lai sinh

Hương thề: mảnh hương thề nguyền.

708. Trâu ngựa: Theo thuyết luân hồi nhà Phật: Người nào kiếp này mắc nợ ai mà chưa trả được, thì kiếp sau phải hoá làm thân trâu ngựa nhà người ta để đền trả cho xong.

Nghì: tức là chữ "nghĩa" được đọc chệch ra.

Trúc mai: tình nghĩa bền chặt thân thiết như cây trúc, cây mai thường được trồng gần nhau.

710. Khối tình: Tình sử: Xưa có một cô gái yêu một người lái buôn. Người lái buôn đi mãi chưa về, cô ta ốm tương tư mà chết. Khi hoả táng, quả tim kết thành một khối rắn, đốt không cháy, đập không vỡ. Sau người lái buôn trở về, thương khóc, nước mắt nhỏ vào khối ấy liền tan ra thành huyết.

Tuyền đài: nơi ở dưới suối vàng, tức nơi ở của người chết.

711. Bàn hoàn: ở đây có nghĩa là nghĩ quanh, nghĩ quẩn mãi không dứt.

713. Giấc xuân: giấc ngủ ngon lành.

715. Cơ trời: tức thiên cơ, máy trời, máy tạo hóa.

Dâu bể: cũng như "bể dâu".

Đa đoan: nhiều mối, nhiều việc (hàm ý rắc rối lôi thôi).

717. Nhẫn: tiếng cổ. Ở đây có hai nghĩa là suốt đến, suốt tới.

726. Keo loan: do chữ loan giao, tức thứ keo chế bằng máu chim loan. Tương truyền người xưa thường dùng để nối dây đàn và dây cung. Sách Hàn Vũ ngoại truyện chép: Đời Hán miền Tây Hải tiến thứ “loan giao”, Vũ Đế đứt dây cung, lấy loan giao nối lại, dây liền hẳn, rồi bắn suốt ngày mà không đứt.

Mối tơ thừa: ví dây tơ tình với dây đàn, dây tơ tình bị đứt.

723. Lời non nước: Lời thề nguyền chỉ non thề bể.

734. Chín suối: do chữ cửu tuyền, chỉ nơi suối vàng.

735. Tờ mây: tờ giấy vẽ mây, tức tờ giấy ghi lời thề nguyền của Kim, Kiều.

740. Mảnh hương nguyền: những mảnh gỗ thơm đã đốt dở trong cuộc thề nguyền của Kim, Kiều. Thời xưa, khi thề nguyền với nhau, người ta thường đốt hương.

746. Bồ liễu: một loài dương ưa mọc gần nước (dương cũng giống như liễu, chỉ khác dương thì cành cứng mà mọc đâm lên, còn liễu thì cành mềm mọc rủ xuống), cây bồ liễu rụng lá sớm hơn hết các loài cây, vì cái thể chất yếu đuối đó nên trong văn cổ thường dùng để ví với người phụ nữ.

747. Dạ dài: đài đêm tối, nghĩa bóng là cõi chết.

749. Trâm gẫy bình tan: thơ Bạch Cư Dị, đời Đường: Bình truỵ trâm chiết thị hà như, tự thiếp kim triêu dữ quân biệt. (Cái cảnh bình rơi trâm gãy là thế nào? nó giống như cảnh biệt li của thiếp với chàng buổi sáng nay). Đây dùng chỉ cuộc tình duyên tan vỡ.

751. Tình quân: người tình, cũng như tình lang.

753. Phận bạc: chính nghĩa là phận mỏng, tức bạc mệnh.

759. Xuân huyên: xuân đường, huyên đường, tức cha mẹ.

762. Dầu: nguôi, dịu. Vựng: cơn ngất, bất tỉnh nhân sự.

Giọt hồng: giọt nước mắt có máu, giọt lệ thảm.

769. Nói tình duyên nửa chừng bị chia lìa, tan vỡ.

772. Mòn bia đá: chỉ một khoảng thời gian rất lâu.

Tấc vàng: tấc lòng bền vững như vàng.

773. Chiềng: trình, tiếng cổ.

775. Tôi đòi: ở đây chỉ sự làm lẽ mọn người ta.

778. Nam lâu: lầu phía nam, chỉ cái gác canh gần nơi Kiều ở.

Mấy hồi: mấy hồi trống canh, ý nói trời đã gần sáng.

780. Quản huyền: chính nghĩa là ống trúc và dây đàn, thường dùng chỉ sáo và đàn. Đây nói họ Mã đưa các đồ âm nhạc đến đón dâu (Kiều).

782. Đại ý cả câu: giọt lệ rơi xuống, có thể thấm qua cả đá, mối tình dứt ra, như tơ ruột rút ra, có thể làm chết rũ cả con tằm.

785. Trú phường: chỗ phố trọ, nhà trọ.

787. Lục hồng: màu lá xanh, màu hoa đỏ thường dùng để chỉ sắc đẹp của phụ nữ, đây chỉ Thúy Kiều.

788. Nghĩ lòng: nghĩ riêng trong lòng.

Đòi phen: nhiều phen, nhiều lúc.

789. Phẩm tiên: của trên cõi tiên. Hèn: Hèn hạ, tục tằn.

790. Nắng giữ mưa gìn: ý nói giữ gìn sự trong sạch của thiếu nữ.

795. Trùng phùng: gặp gỡ lại.

799. Yên: cái án, một loại bàn cổ, chân cao.

806. Phong tình: phóng đãng, ăn chơi.

809. Lầu xanh: do chữ thanh lâu: Cái lầu sơn mầu xanh. Chữ thanh lâu nguyên chỉ lầu ở của phái quyền quí hay vua chúa, hoặc chỉ lầu ở của mĩ nhân. Về sau thanh lâu mới có nghĩa là nhà hát, nhà điếm.

810. Làng chơi: thuộc loại gái điếm, gái làng chơi.

812. Mạt cưa mướp đắng: chuyện cổ tích: "Một người lấy mạt cưa làm cám, đợi lúc nhá nhem tối, đem ra chợ bán, lại gặp một người đem mướp đắng giả làm dưa chuột ra bán. Hai người bán lẫn cho nhau, thế là bợm lại mắc bợm". Đây nói Mã Giám sinh và Tú bà cùng là phường bịp bợm, lừa dối.

814. Buôn phấn bán hương: mua những con gái ở các nơi về làm gái điếm. Phấn và hương là hai thứ nữ giới dùng để trang điểm, nên mượn để chỉ chung nữ giới.

Đã lề: ý nói đã thành nề nếp, đã quen nghề.

815. Chợ: Kẻ chợ, tức nơi thành thị, đô hội. Khắp chợ thì quê: Lối nói cổ, có nghĩa là: khắp chợ cùng quê, khắp vùng kẻ chợ đến miền thôn quê.

816. Giả danh hầu hạ: mượn tiếng là tìm nàng hầu, vợ lẽ để về hầu hạ.

Dạy nghề ăn chơi: dạy nghề làm gái điếm kiếm tiền.

819. Thuyền quyên: óng ả, xinh đẹp, dùng để chỉ người phụ nữ xinh đẹp.

822. Nghinh hôn: đón dâu.

823. Cờ đến tay: tục ngữ: “Cờ đến tay ai, người nấy phất” để nói ý nghĩ của Mã: Kiều đã vào tay mình rồi muốn làm gì thì làm.

824. Vẻ ngọc: vẻ mặt đẹp như ngọc.

Khúc vàng: khúc lòng.

826. Câu này do chữ nhất tiểu thiên kim: một nụ cười của người đẹp đáng giá nghìn vàng.

828. Vương tôn: chỉ con cháu các nhà quí tộc.

834. Có lẽ chữ “quýt” cũng như chữ “cam”, chỉ là chỗ chơi chữ cho văn thêm màu sắc. Câu này ý nói: Đào tiên đã tới tay, thì vin cành bẻ phắt đi, cho thoả sự đời.

835. Dưới trần: như nói trong cõi đời, ở đời. Mấy mặt: Mấy người (ý khinh bỉ).

839. Con đen: đen đầu. Con đen: những người còn trẻ tuổi mà khờ dại, đây chỉ những khách chơi không sành sỏi.

845. Trà mi: một thứ hoa nở về mùa xuân đầu hạ, hoa mầu vàng nhạt.

850. Đuốc hoa: đuốc hoa, nến hoa thắp trong đêm tân hôn.

858. Quyên sinh: bỏ đời sống, tự tử.

860. Hai tình: chỉ cha mẹ.

862. Truy nguyên: tìm đến căn nguyên, gốc rễ của sự việc.

864. Một lần: một lần chết. Kiều nghĩ: chóng hay chậm, cũng một lần chết, nếu bây giờ nàng chết đi tất liên luỵ đến cha mẹ.

866. Gáy sôi:: gáy ầm ỹ, dồn dập. Chữ "sôi" có hàm ý giục giã.

867. Lầu mai: chòi canh về sáng.

Còi sương: tiếng tù và thổi lúc sớm tinh sương.

869. Đoạn trường: đứt ruột có nghĩa đau đớn quá (như dứt từng khúc ruột).

Phân kỳ: chia đường, chia lìa mỗi người mỗi ngả như nói "chia tay".

870. Vó câu: Vó ngựa (Câu: ngựa non đang sức lớn).

871. Trường đình: đời Tần, Hán, người ta chia đường ra từng cung, cứ năm dặm là một cung ngắn, có một cái quán, gọi là "đoản đình" (quán ngắn) mười dặm là một cung dài, lại có một cái quán nữa gọi là "trường đình" (quán dài). Tục cổ, chủ thường tiễn khách ra khỏi mười dặm đường làm tiệc tiến hành ở trường đình rồi mới trở về.

873. Chủ khách: chỉ Vương ông Mã Giám sinh.

877. Thơ đào: đây có nghĩa là con gái ít tuổi, ngây thơ.

886. Thầy tớ: chỉ Mã và bọn tôi tớ Mã.

893. Tuần: tuần rượu, mỗi chén rượu đôi bên cùng uống cạn là một tuần.

Chén khuyên: chén khuyên mời, đây là chén rượu tiễn.

894. Nghỉ: nó, hắn, y, thổ âm Nghệ Tĩnh, đây chỉ Mã.

986.Trước yên: trước yên ngựa của Mã.

897. Yếu liễu thơ đào: Ý nói Kiều còn yếu ớt thơ dại, ví như cây liễu yếu, cây đào non.

899. Góc bể chân trời: Do chữ hải giác thiên nhai: Góc biển cả, chỗ cùng nận bầu trời ý nói xa xôi hết sức.

901. Tầm: một đơn vị đo lường cổ của Trung Quốc, dài tám thước.

Nghìn tầm: 8000 thước, nghĩa bóng: cao lắm!

Tùng quân: Tùng là cây thông, một thứ cây cao lớn, thân thẳng và cứng cáp, mùa đông lá cây vẫn xanh tươi, trong văn cổ, thường dùng để tượng trưng cho người trượng phu. Quân là cây trúc, dóng thẳng đốt ngang, thân rỗng mà không cong queo, thường dùng để tượng trưng cho người quân tử.

902. Tuyết sương che chở: tức che chở cho khỏi tuyết sương.

Cát đằng: dây sắn, một loại dây phải leo bám vào những cây to, người ta thường nói "cát đằng" "cát luỹ" hay "sắn bìm" để chỉ người vợ thiếp.

904. Nhiệm trao: trao cho một cách màu nhiệm thiêng liêng. Đây Mã Giám Sinh lừa phỉnh Vương Ông, giả bộ thề thốt, cho việc “kết tóc xe tơ” với Kiều là một việc thiêng liêng, màu nhiệm trời đất đã trao, chứ không phải việc thường.

906. Câu này là lời thề. Ý câu này với câu trên; Nếu sau này ăn ở không ra làm sao sẽ có mặt trời, mặt trăng soi tỏ tội lỗi, có gươm đao quỷ thần trừng phạt.


(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984).

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Phi Diếu - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 064.3818.817 - 286/17 Lê Hồng Phong TP Vũng Tàu  (Ngày 25/11/2015 17:51:46)

Kính thưa ban biên tập về truyện Kiều.Sau bốn lần ban đã in Tác phẩm kiệt tác của Cụ Nguyễn Du lên trên mạng. và còn tiếp nữa. Tôi vô cùng sung sướng phấn khởi Vì cách đây bốn năm tôi nghe nhiều người xao xuyến Có người sửa Truyện Kiều của Nguyễn Du Tôi hết sức ngạc nhiên. Việt Nam mình có ai tài hơn cụ Nguyễn Du nữa. Phúc cho đất nước chúng ta quá.Mãi đến tháng hai năm 2015 Tôi đang nghỉ trưa có bạn thơ của tôi gọi điện đến báo là có người sửa 1000 câu thơ của Nguyễn Du. Và xin gửi phần ý kiến của tôi lên trên mạng Mong ban giúp tôi cho ý kiến Với phần học thức non nớt. Cộng lại là tuổi đã già hơi lẩm cẩm.Không biết có mạn phép nêu lên không? Vì tôi sung sướng khi thấy trên mạng Ban biên tập cho ra đời lại truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Tôi mạnh dạn xin phép đăng khúc ý kiến này lên.Kính mong các độc giả lượng thứ cho kẻ dám nói này.Phần cụ thể: BẢO VỆ GIÁ TRỊ CHÂN CHÍNH CỦA TRUYỆN KIỀU

Tôi đang nghĩ trưa. Bổng một bạn văn gọi điện thông báo cho tôi: “ Có người sửa 1000 câu trên 3250 câu Kiều của cụ Nguyễn” Trong ngộ nhận ban đầu tôi nghĩ, đã sửa tất hay hơn. Thật là hậu sinh khả úy, đại phúc cho dân tộc.
Bèn bảo ông bạn thơ đọc vài câu tôi nghe coi: Ông bạn cất dong đọc câu thơ của cụ Nguyễn Du:” Thì trân thức thức sẵn bày” Mà ông Đỗ Minh Xuân sửa lại: “ Quả ngon thức thức xách tay” Rồi tôi bảo đọc thêm câu nữa nghe coi: Ông bạn liền tiếp: “ Câu của cụ Nguyễn : “ Châu trần còn có châu trần nào hơn” Ông Xuân sửa: “ Lứa đôi còn có cần gì nhiều hơn. Nghe xong hai câu Kiều Xuân sửa. Tôi chán tai đến nỗi nói với ông bạn thôi thôi! Tôi không thể nghe nỗi được câu thứ ba nữa. Dá mà nghe cả nghìn câu Xuân sửa thì nhiều người chết mất.
Hơn tám mươi năm nay tôi nâng nưu trân trọng truyện Kiều một cách quý như máu thịt con người Việt Nam. Bèn đem Kiều ra xem lại kỹ càng hơn lần nữa.
Xin trích yếu lại để các bạn say mê Kiều quan tâm sãn có tư liệu tham khảo….
*******
Truyện Kiều là gì? Đó là bản dịch thể thơ lục bát của Cụ Nguyễn Du. Lấy từ nguyên bản Đoạn Trường Tân Thanh Của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc. Kể về chuyện cô Vương Thúy Kiều, một người con gái tài sắc mà cuộc đời trân chuyên, mười lăm năm lưu lạc. Hai lần vào lầu xanh. Hai lần đi tu. Cuối cùng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn
( Nguyên gốc chỉ đến đấy). Cụ Nguyễn sợ sái viết thêm hậu Kim Trọng
.ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỆN KIỀU RA SAO:
Đem so sánh thì Đoạn Trường Tân Thanh chỉ thuộc loại ba., bốn trong nền văn học Trung Hoa. Còn thi phẩm Nguyễn Du thì đã được dịch ra: Tiếng Đức- Anh- Nga- Trung Quốc- Tây Ban Nha- Hung Ga Ri- Hàm Quốc- Nhật Bản- Thái Lan-
Nó đã tạo ra năm kỷ lục thế giới:
1) Thi phẩm có nhiều bản dịch nhất.
2) Có Mười bản dịch ra tiếng Pháp
3) Thi phẩm có bảy cuốn hậu truyện Kiều
4) Thi phẫm thành kỳ thư người Việt không ít thì nhiều ai cũng thuộc dăm ba câu Kiều, kể cả những người không biết chữ. Có người thuộc từ đầu đến cuối.. Có người đọc ngược từ câu cuối đến câu đầu.Như cuốn phim tua ngược.
5) Thi phẩm quanh nó đã tạo ra các loại hình văn hóa khác như:
- Bình Kiều; Bói Kiều, Vịnh Kiều, Tập Kiều, Câu Đối Kiều, Hát nói Kiều, Giai thoại Kiều, Hội họa Kiều,Sân khấu Kiều, Điện ảnh Kiều, Âm nhạc Kiều vv.
Để tóm tắt phần ảnh hưởng thế giới Xin ghi lại lời dịch giả người Pháp: Ronesery: “ Truyện Kiều làm lay động triệu triệu trái tim nhân loại” ( Theo sách kỷ lục Việt Nam)
*******
ẢNH HƯỞNG TRONG NƯỚC
-Thi phẩm lập 7 kỷ lục:
- 1)Nguyễn Du đã được Unetsco công nhận danh nhân văn hóa thế giời.
- 2)Thi Phẩm không viết ra để bói. Nhân dân lại dùng để bói
- 3) Thi phẩm có hơn 1000 bài thi vịnh
- 4)Thi Phẩm có nhiều sách viết về nó nhất (100)
- 5) Thi phẩm có nhiều giai thoại và câu đố nhất (53+101)
- 6) Thi phẩm được quay phim sớm nhất năm 1924)
- 7) Thi phẩm có trọng lượng nặng nhất 50kg Do nhà thư pháp Nguyễn Đình viết (theo kỷ lục Việt nam)
Để Tóm Tắt phần ảnh hưởng trong nước xin ghi lại hai câu: A của cụ Phạm Quỳnh “ Truyện Kiều còn thì nước ta còn” B cụ Nguyễn Quảng Tân:” Độc nhất vô nhị Làm say đắm cả một dân tộc”
******
GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG..
A) Nguyễn Du đã chưng cất, đã giao thoa hai tôn giáo vĩ đại của nhân loại: 1- Là đạo Khổng “ Như nàng lấy hiếu làm trinh” ( Đạo hiếu trong luận ngữ) “ Nàng rằng phận gái chữ tòng”
( Đạo tam tòng trong luận ngữ)
2- Là đạo Phật:
“ Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” ( Nghiệp kiếp- Luân hồi- Nhân quả…( Trong Tứ Diệu Đế)
B )Thi phẫm quanh nó đã tạo ra các loại hình văn hóa khác. Để thi phẩm của Cụ thành luân lý và triết học.
1) VỀ VĂN CHƯƠNG:
Nguyễn Du đã có công đầu nâng cấp “ Lời quê của người Việt thành ngôn ngữ; dân gian mà bác học ngắn gọn, mà dư ba giản dị mà trong sáng . Xin lấy ví dụ một “ thời quê” “ Chém cha con đẻ mẹ mày” Nghe nó chua ngoa, đanh đá, thô tục làm sao!
Nhưng khi vào tay cụ. “ Chém cha cái số má đào
Gở ra rồi lại buộc vào như chơi”
Nghe nó da diết thanh lịch làm sao! Mà đau đớn đến tận xương tủy trong sự nhân ái.của lời nói.ngọt ngào.
Xin xem cách sử dụng lục bát của Cụ. Thông thường lục bát chỉ gieo sáu và tám. Cụ đã cách tân nó thành một tấu khúc độc cầm, âm vang tuyệt diệu. Nhún nhẩy, duyên dáng, mượt mà…
Gieo hai: “ Này chồng- nầy mẹ- mầy cha. Cụ gieo bốn: Nầy là em ruột- nầy là em dâu.” Cụ gieo ba: “ Thoắt buôn về- thoắt bán đi. Cụ nức nghẹn “ Nửa chừng xuân thoắt rẽ cành thiên hương” Khi thì nó chỉ là một chuổi âm thanh “ Lơ thơ tơ liễu buông mành”Cứ như nghệ sĩ Hãi Phương vuốt móng trên đàn thập lục. Ta hảy xem cụ tả cảnh
“ Gương Nga chênh chếc đáy sông
Vàng gieo ngấm nước, cây lồng bóng sân
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sươnng giep nặng cành xuân là đà”
Vừa tĩnh, vừa động lại âm thanh không thể họa nỗi màu vẽ . Trừ khi có điện ảnh.
Ta hãy xem Cụ tả tình:
“ Tẻ vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai”
Cụ làm người đọc vui: “ Bốn giây như khóc như than
Khiến người trên tiệc mà tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khốc thầm”
Cụ làm cho người đọc đau: “ Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch về sau xin chừa”
Cụ làm cho người đọc khóc: trong những câu tả âm thanh:
“ Trong như tiêng hạc bay qua
Đục như nước suối mới pha giửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”
Ngày nay Đặng Thái Sơn tấu PIANO, tình ca Môda cũng chỉ đến thế
Hãy xem cụ tả người.
Hàu hết các nhà văn vĩ đại trên thế giới muốn tả một người phải dùng cả một chương. Nguyễn Du chỉ cần 14 chữ
“ Phong tư tài mão tuyệt vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”
Đọc lên ai cũng bảo Kim Trọng đấy.
“ Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẳn nhịu áo quần bảnh bao”
Biết ngay là Mã Giám Sinh.
“ Thoắt trong nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẩy đà làm sao ‘
Tú Bà đấy!. Đặc biệt Cụ đã biến ba đại danh từ thành tính từ mà chúng ta dùng đến ngày nay:
1) Một cô gái bị chàng trai chọc ghẹo: : Đồ Sở Khanh” Sở Khanh ở đây là tính từ. Còn Sở Khanh là đại danh từ chính là gả lừa Kiều.
2) Chị bảo em: “ Gì bỏ cái thói Hoạn Thư ấy đi. Hoạn thư ở đây là tính từ Còn Hoạn Thư Đại Danh từ chính lại là vợ Thúc Sinh.
3) Hai người đàn bà nhiếc mắng nhau “ Rõ đò Tú Bà”. Tú bà ở đây là tính từ Còn Tú Bà đại danh từ chính là chủ nhà thổ”
KHEN – CHÊ
Khen thì như trên đã nói. Tuy nhiên truyện Kiều cũng có tiếng chê. Mặc dầu vua Minh Mạng và vua Tự Đức rất thích truyện Kiều. Ông đã tổ chức vĩnh Kiều, bình Kiều. Song cũng có chổ ông chê:’ Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”
Vua chê khi quân. Nếu còn sống nọc đánh ba mươi roi..
“ Sóng làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng”
Vua chê tục và sửa lại: “ Sống thì tình chẳng riêng ai
Hại thay thác xuống ra người tình không.
( Kiều Ngự Lãm)
Quan chê: Cụ Ngô Đức Kế và Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Chê là tà dâm. Mới mười sáu tuổi đời, nửa đêm rúc dậu sang nhà Kim Trọng đọc thân. Tuy không tình dục nhưng cũng coi là mất trinh phi vật thể.
Nguyễn Công Trứ phê Thúy Kiều:
Đã biết hồng nhan thì bạc mệnh Trách Kiều Nhi không vẹn tấm lòng toàn Chiếc quạt hoa đã phụ nghĩa với Kim Lang
Nặng vì hiếu. Nhẹ vì tình! Ừ! Thì cũng phải… Nhưng từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải Cánh hoa tàn bán lại chốn thanh lâu Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu? Mà bướm chán, ong chường cho đến thế. Trung hiếu chẳng lầm người tiết nghĩa Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm Trách người trong bấy nhiêu năm. Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Dân chê: dâm thủ trong đó có đoạn: Tú bà dạy Kiều các phương pháp làm tình, sao cho đàn ông cực khoái để moi tiền.
Đoạn này khá tục. Cụ Nguyễn không dịch Chỉ tế nhị:” Này con học lấy làm lòng-Bề ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề “
Và nhân dân khuyến cáo phụ nữ: “ Làm trai chớ đọc Phan Trần
Làm gái chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều” Kiều là thế đấy/./
***********
Sau khi xem lại truyện Kiều. Tôi xin bạn tài liệu về 1000 câu sửa của Đỗ Minh Xuân.
Dài lắm !. Vô duyên lắm!.Tôi không thể giới thiệu thêm câu nào nữa của Đỗ Minh Xuân Biết rằng:
Sửa Kiều như thế đấy ư! Đành ngửa mặt lên trời mà than rằng: Đổ Minh Xuân đang rắc rác rưởi dơ bẩn lên thảm hoa văn chương dân tộc. Minh Xuân đang diễn trò lố bịch, bỉ ổi trước bản dàn thiên hạ.
***************
Trải qua mấy trăm năm thăng trầm mặc cho những trường phái Tây- Tàu – Nhật du nhập. Kiều vẫn hiên ngang trên một tầm cao của đừơng thi dân tộc. Để tóm tắt bài BẢO VỆ GIÁ TRỊ CHÂN CHÍNH CỦA TRUYỆN KIỀU Không còn gì để ngoài câu nói Đổ Minh Xuân là đồ vô đạo
Câu nói của Nguyễn Quang Thân và ông Vũ Khiêu đã hạ bút làm nhục mình của Chu Giang Phong.
Với vấn đề học vấn còn nông cạn, tôi đâu có phát hiện gì mới. Để góp phần bảo vệ giá trị truyện Kiều nên giành chút thì giờ viết lại những tư liệu sẵn có sai sót gì xin sư huynh, sư đệ bốn phương chỉ giáo Chân thành cảm ơn.Nhất là ban biên tập Lục Bát Đã cho tái bản Truyện Kiều. Vô cùng cảm ơn ban
Và cũng mong rằng đừng có ai học ít mà vênh vóa trước những tác phẩm tiên tri của đất nước nữa./.

Nguyễn Phi Diếu
Vũng Tàu

Các bài khác: