Thứ năm, 28/03/2024,


Thế giới thơ lục bát biến thể của Bùi Giáng (03/11/2015) 

   Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng...Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ “Mưa nguồn”. Tác phẩm của ông viết rất đa dạng, từ thơ cho đến tiểu thuyết dịch, kịch (dịch), khảo cứu, phê bình văn học, triết học. Riêng về thể loại Lục bát, Bùi Giáng đã tạo cho những câu thơ của riêng mình một thứ vía hồn rất đặc trưng không thể trộn lẫn.

 



     
 

  Có thể nói, Bùi Giáng là thi sĩ tinh quái nhất của nền thơ ca Việt Nam từ cổ chí kim. Còn đối với sự nghiệp sáng tác của Bùi Giáng thì thể thơ Lục bát luôn được ông coi là bảo bối thi ca nước nhà, mà ông là người vừa nâng niu, trân trọng, vừa khổ công nâng tầm để thổi hơi thở mới vào thể thơ cổ điển ngọt ngào này. Quan hệ giữa Bùi Giáng và Lục bát, có thể được minh chứng qua nhận định rất tài hoa và sâu sắc của nhà thơ Du Tử Lê: “Không phải những tác giả mới, không ném mình vào lục bát. Trái lại. Rất nhiều. Nhưng những tác giả này, không thấy đó làm một thách đố tử, sinh. Đa phần, họ chỉ thấy lục bát như một dòng sông tĩnh tự êm ả, một dải lụa ẩn dụ mềm mại chuỗi hư tự, hư ảnh... rất hư không... mà thôi. Rất ít tác giả, thấy lục bát là ngọn núi sừng sững chẻ đôi trời đất, chẻ đôi nhật, nguyệt, chẻ đôi sáng tối… May mắn thay, sau Nguyễn Du, Bùi Giáng là người cố tâm ở lại với lục bát. Là người rất rõ ràng nhất: Lục bát có thể chẻ đôi trời đất, chẻ đôi sáng tối, chẻ đôi nhật nguyệt. Bùi Giáng điên vì cõi thơ của ông. Trùng trùng lục bát. Vỡ bờ lục bát. Lục bát của ông làm ra đến triệu bài. Và, hàng triệu câu thơ đó, kết thành một “đoạn trường” thi ca, có thể xem như là tác phẩm đáng được lưu truyền thứ hai, sau “Đoạn Trường Tân Thanh”. Đọc thơ Bùi Giáng như thấy được một cuộc lưu vong đang rầm rộ trở về trong tiết tấu sa mù đầy ngẫu hứng. Những câu thơ linh hoạt dị thường. Liều lĩnh. Vượt xa trong thời gian vô tận” (Vài ý nghĩ về Lục bát - ChinhVn.net).

 

  Những cái hay, cái đẹp, cái tinh, cái quái trong Lục bát Bùi Giáng đã được nhiều người bàn đến. Nay, tôi xin được đề cập đến một mảng Lục bát không kém phần quan trọng trong thơ Trung Niên Thi Sĩ, đó là: Lục bát biến thể.
   Công bình mà nói, trong thơ hiện đại, Lục bát không chỉ biến thể ở Bùi Giáng mà ở rất nhiều nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ đương đại làm Lục bát. Tuy nhiên, sự biến thể hoặc phá thể của họ chỉ là thi thoảng, mà sự thi thoảng đó cũng chỉ là những biến thể không quá xa với câu Lục bát truyền thống (ví dụ như cách ngắt dòng để thay đổi nhịp thơ hoặc mở rộng số chữ trong câu,…). Còn với Bùi Giáng, Lục bát biến thể được ông tuôn ra một cách tự nhiên giống như khi ông làm Lục bát nguyên thể, gắn liền với biến động bão giông trong lòng ông và có một tần suất lặp đi lặp lại rất cao. Cơ hồ như, ngay lúc ấy, chính lúc ấy, chỉ có cách biến thể ấy mới nói hết những gì mà lòng ông muốn nói. Nghiên cứu Lục bát Bùi Giáng, ta có thể tìm ra một số mô hình biến thể rất phổ biến như sau:

1. Biến thể bằng cách mở rộng số chữ trong câu
   Thông thường, sự mở rộng số chữ trong câu ta thường thấy các tác giả mở rộng câu Bát. Ví như: Thương nhau mấy núi cũng trèo/Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua (Ca dao), Khúc ca sâu nặng nghĩa tình/ Nốt ơn cha nốt nghĩa mẹ nốt ru mình ngân nga (Mai Bá Ấn)… Còn sự mở rộng số chữ của Bùi Giáng thì lại rất đa dạng và phong phú.
a) Mở rộng câu Bát
Cũng như ca dao và cách biến thể Lục bát của các tác giả khác, Bùi Giáng đã mở rộng câu Bát:
- Chúng ta có thể hiểu chim
Nhưng làm sao chim hiểu được máu tim con người (Chuyện chim)
- Cuối cùng kết thúc tiêu tao
Thái Bình Dương chiến trận dạt dào đạn bom (Không đề)
- Em ôi! Buồn tủi chất chồng
Đẻ đau mang năng nặng phiêu bồng làm sao! (Ông là ai)
Ở đây, lẽ thường, dù muốn mở rộng bao nhiêu số chữ trong câu Bát thì cuối cùng cái chữ dùng để gieo vần với chữ cuối câu Lục vẫn cứ phải là chữ đứng thứ ba tính từ chữ cuối câu Bát ngược trở lại (các chữ tô đậm ở trên). Nghĩa là, chỉ mở rộng số chữ đứng trước chữ thứ 6 của câu Bát nguyên thể. Bùi Giáng không dừng lại ở đó, ông lại còn mở rộng cả phía sau chữ thứ 6 của câu Bát nguyên thể, cho gieo vần ở chữ thứ tư tính ngược từ chữ cuối câu Bát :
Tặng tôi vần điệu phiêu bồng
Về sau tôi sẽ yêu ông hơn bây giờ (Lời thôn nữ Thanh Châu).
Vì sao? Em biết lâm ly
Anh từng đã trải - mà không một lời gì nên nói ra (Vô tận)…
Có khi lại đẩy chữ gieo vần của câu Bát về tận vị trí thứ 5 và thứ 6 tính từ chữ cuối câu:
Rồi về sau đứt ruột chín chiều
Người ta tự tử- một liều thuốc độc quyên sinh
Sau rồi anh sống một mình
Buồn rầu quá độ anh quyên sinh cũng cô độc một mình (Trần gian)…

 

    Điều đáng nói ở đây là, nếu ta giả dụ xin phép Bùi Tiên sinh cắt bớt các chữ mở rộng để trả về Lục bát nguyên thể thì nhất định Bùi sẽ không chấp nhận và cả với chúng ta, ta vẫn thấy, câu Lục bát ít hay hơn và đánh mất hoàn toàn chất thơ Bùi Giáng. Ví dụ: Vì sao em biết lâm ly/ Anh từng trải không lời gì nói ra hoặc: Sau rồi anh sống một mình/ Buồn rầu quá độ anh quyên sinh một mình …
Bùi Giáng còn mở rộng câu Bát thành hai câu Ngũ, mà cụ thể theo số câu là: Lục-Ngũ-Ngũ-Lục-Bát. Khi hóa thân thành “thôn nữ bờ mương”, Bùi Giáng thường có lối đối thoại Lục bát tự nhiên, gần gũi với ca dao như thế:
Tình yêu đã lỗi muôn vàn
(Em)? Thiên hương kiều diễm
(Anh)?- điếm đàng Sở Khanh!
Bài thơ hiện tại thất thanh
Gào kêu em giúp giùm anh qua đò (Thôn nữ nương dâu)…
b) Mở rộng câu Lục: Trong Lục bát biến thể Bùi Giáng, ta có thể thấy nhiều dạng mở rộng này:
- Mở rộng câu Lục thành Thất
Thiên hương gồng gánh tuyệt vời
Chăm lo cho cái quên đời bỏ đi
Đời tài hoa? Quốc sắc lâm ly
Đời thục nữ cũng một nghi vấn nào (Chuyện mất hút)…

 

   Ở đây, cũng cần thấy thêm, thanh của câu Bát cuối khổ thơ: Đời thục nữ cũng một nghi vấn nào cũng được Bùi Giáng biến thể không giống với cái kiểu Bằng - Trắc thông thường, mà việc đó cũng không làm tổn hại đến vần của Lục bát truyền thống, chỉ thấy nó lạ vì cái kiểu “nói thơ” rất Bùi Giáng này.
- Mở rộng câu Lục thành Bát
Em từ tuyệt thể bơ vơ
Tấm thân liệu những từ giờ liệu đi
Các anh? Thanh Hiên Liệp Hộ nói gì?... (Em đi)
Quan trọng hơn, nếu ta trả lại nguyên thể cho các câu biến thể này thì sẽ trở thành những câu Lục bát rất bình thường, không thể thấy cái chất phong trần, ngông nghênh, nghiêng ngã của Đười Ươi Thi Sĩ.
- Mở rộng câu Lục thành Cửu, Thất
Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến nơi đây?”
- “Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về"
- “Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?”
- “Và cô có phải cô Bông năm nào?” (Đi về làng xóm).

 

    Cách mở rộng mang hơi thở bình dân này xem ra lại rất phù hợp với lối nói đối đáp, vừa rất ca dao lại vừa hiện đại phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp.
c) Mở rộng cả câu Lục và câu Bát
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Cửu-Thất-Cửu-Cửu-Lục-Thất.
Tặng tôi vần điệu phiêu bồng
Về sau tôi sẽ yêu ông hơn bây giờ
Bây giờ thấy mặt ông bơ thờ
Hẹn mai trở lại với bài thơ tưng bừng
Tôi sẽ chào ông với vẻ mặt vui mừng
Nhưng ông già nua quá độ
Mà tôi thì lẫy lừng trẻ măng (Lời thôn nữ Thanh Châu).

 

   Nếu không xuống dòng mà ghép câu 6 và 7 thành 1 câu thì mô hình sẽ là: Lục-Cửu-Thất-Cửu-Cửu-Thập tam để tính đủ 3 cặp Lục bát (6 câu). Nghĩa là trong 7 câu thơ chỉ còn lại nguyên thể có 2 dòng Lục (theo cách tính số chữ theo dòng thơ hiển hiện: dòng 1 và dòng 6- chứ thật ra dòng 6 này là biến thể của câu Bát cuối cùng), câu Bát hoàn toàn biến mất, nhưng đọc lên vẫn biết nó là Lục bát do yếu tố gieo vần quyết định. Đoạn thơ này đọc lên biết ngay là của Bùi Giáng chứ không ai khác. Nó lại mang âm hưởng của ca dao vì Bùi thi sĩ đang hóa thân để nói cho đúng “Lời thôn nữ Thanh Châu”. Độc đáo của biến thể Lục bát Bùi Giáng chính là những yếu tố này.
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Bát-Cửu-Lục-Bát
Trăm năm trong cõi người ta
Cái ngày khổ tận ắt là cam lai
Chữ tài liền với chữ lai rai một vần
Em về thánh thể thành thân
Tôi đi tham dự đạp thanh tôi về (Ngày mai).

 

    Nếu không là thơ Bùi Giáng, ắt người đọc sẽ cho rằng, thiếu một câu Lục. Nhưng đã là Bùi Giáng thì ai cũng chấp nhận sự biến thể này. Bởi lẽ, một khi muốn bước vào thế giới Lục bát Bùi Giáng, mọi người đọc đều luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế để sẵn sàng tiếp nhận những chiêu thơ quái dị của ông.
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Cửu-Thất-Thập-Lục-Thập nhị
Rõ ràng nếu chỉ căn cứ vào mô hình câu như trên (Lục-Cửu-Thất-Thập-Lục-Thập nhị), chẳng ai dám bảo đây là thơ Lục bát. Nhưng khi đọc cụ thể vào thơ, do vẫn giữ rất kỹ yếu tố gieo vần nên ai cũng thấy nó là Lục bát biến thể. Cái tài của Bùi chính là lẽ đó:
Người yêu thục nữ nên thơ
Người ta yêu thật anh không ngờ anh yêu
Rồi về sau đứt ruột chín chiều
Người ta tự tử- một liều thuốc độc quyên sinh
Sau rồi anh sống một mình
Buồn rầu quá độ anh quyên sinh cũng cô độc một mình (Trần gian)…
- Mở rộng Lục bát thành Cửu-Lục-Thất-Thất-Thập

 

   Năm câu Lục bát dưới đây chỉ còn giữ nguyên có 1 câu Lục (mà câu Lục này thật ra là một nửa của câu Bát biến thể bị ngắt dòng). Nhìn cái mô hình cấu trúc câu bên trên lại càng không thể tin là Lục bát. Vậy mà đọc lên vẫn cứ là Lục bát, mới tài:
Tôi sẽ chào ông với vẻ mặt vui mừng
Nhưng ông già nua quá độ
Mà tôi thì lẫy lừng trẻ măng
Khó nghĩa thay! Cái lẽ thường hằng
Oái oăm vô tận là cái lằng tằng éo le (Lời thôn nữ Thanh Châu)…
Lẽ ra, đã là Lục bát phải luôn luôn đi thành một cặp (4 câu). Ở đây, lại là 5 câu vì câu thứ 2 đã được ông “hô biến” thành 2 câu (Lục-Thất).
- Mở rộng Lục bát thành Lục-Thập-Thất-Thập-Lục-Thập nhất
Với một con người “phóng túng hình hài”, phóng túng cả trong tâm hồn lại giàu chữ nghĩa bình dân và chữ nghĩa văn chương như Bùi Giáng, rõ ràng ông đã đẩy Lục bát nguyên thể đi rất xa, nhưng cái hồn Lục bát, hồn ca dao thì vẫn như còn nguyên đấy:
Tuy nhiên em phải biết rằng
Lôi thôi rất mực là cái lăng tằng chiêm bao
Tình yêu không thiết lập lũy hào
Chỉ riêng le lói là cái tư trào tan hoang
Tan từ bốn ngõ ba đường
Tới tan hoang khắp chốn, là cái bồn chồn bẻ bai (Đáp lời thôn nữ)…
- Mở rộng liên tục hai câu Bát Lục liền nhau
Tôi làm thơ để tặng nàng
Để nàng cho phép tôi đàng hoàng thành tiên
Mai sau thiên hạ sẽ kháo với nhau rằng
Thằng Bùi Điên ấy là Tiên Giáng Trần (Nàng tiên trở lại).

 

   Ở đây chỉ có câu Lục đầu và câu Bát cuối là nguyên thể, còn câu Bát đầu đã trở thành Cửu, đặc biệt câu Lục sau cũng lại là Cửu. Cái trạng thái phiêu bồng Tiên và Điên lẫn lộn đã khiến Bùi Giáng tuôn ra một kiểu Lục bát lạ lùng như thế. Mà, khổ là, phải như thế, mới ra Bùi Giáng.

2. Vừa mở rộng số chữ trong câu vừa gieo vần trắc
    Nói đến vần trong Lục bát, nhất định phải nghĩ đến vần bằng. Tuy nhiên, thi thoảng trong ca dao và ở một số nhà thơ có ý thức cách tân Lục bát khác vẫn có xuất hiện cách gieo vần trắc, nhưng rất hiếm, và thông thường là gieo ở vần lưng (giữa câu): Đã thương nhau thì thương nhau cho chắc/ Bằng có trục trặt thì trục trặt cho luôn (Ca dao), Hương giang hoa tan bèo hợp/ Mưa rơi lộp độp thủng nón bài thơ (Mai Bá Ấn)… hoặc chèn vào một câu vần trắc bất ngờ: rừng xa nhạc ngựa tái tê/ em mơ đá nở đầy khe hoa vàng/ Vừ Già Pó về Mèo Vạc/ lang thang cuối đất cùng trời/ quê mình cứ vẫn thế thôi quê mình (Thanh Thảo)… Còn với Bùi Giáng, ông sử dụng “loạn đả” vần trắc trong Lục bát:
- Lục-Bát-Thất trắc-Bát trắc-Lục-Bát
Ở đây, Bùi Giáng gieo vần trắc ở cả câu Lục và câu Bát. Điều kỳ diệu là sau cái sự “loạn đả ngông cuồng” ấy, hơi thơ Lục bát vẫn chảy rất tự nhiên:
Đời xiêu đổ lộn đường đi đứng
Nguồn xưa đâu anh lững thững tìm về
Gặp em tưởng gặp tình quê
Nào ngờ cố quận chán chê anh rồi (Chuyện Chiêm bao - 24)…
- Lục-Bát- Lục-Bát trắc- Bát-Thất-Bát
Với mô hình biến thể này, ta có cảm giác, Lục bát Bùi Giáng tuôn chảy như dòng thác, mà những câu biến thể như một vài viên đá tảng nhô lên, nhưng cũng không đủ sức làm cho Lục bát lệch dòng:
Em đi lúc gió đang bay
Gió bay em bước cỏ say sưa mừng
Bàn chân trần năm ngón chân
Chân năm ngón như sương đầm lá ướt
Cỏ chào em như phơi mở linh hồn
Em giẫm lên nhẹ nhẹ dịu dàng
Tình yêu xuân thắm nồng nàn xiết bao (Đường xuân -14)…
Rõ ràng, Bùi Giáng biến thể, nhưng cái sự biến thể này khiến người đọc cảm thấy hứng thú bởi ông đã thổi vào một làn gió lạ, làm dậy sóng cái vần điệu tĩnh tại bấy lâu như mặt nước hồ thu của Lục bát nguyên thể.
- Lục-Bát-Bát trắc-Lục-Cửu
Kể cả cái câu nói thông thường mang vần trắc ông đưa vào trong ngoặc đơn dưới đây cũng như thế. Lục bát vẫn chảy ngọt ngào dù câu nói chen vào này chả có một chút thơ. Nhưng đọc tổng thể thì nó lại là yếu tố gợi nhất, làm nên bản thể thơ Bùi Giáng:
Nghĩa là ở mãi nơi đây
Làm người dân Việt tháng ngày thong dong
(Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít)
Có nhiều nhậu nhẹt vuông tròn
Có ít nhậu nhẹt cũng tròn vuông như thường (Ngày sau ông sẽ)…
Nếu gọi nhà thơ là “phù thủy của ngôn từ” thì đúng Bùi Tiên sinh thuộc bậc “Đại phù thủy”.

 

3. Những biến thể Lục bát độc đáo
Ngoài những kiểu biến thể như trên, đọc Lục bát Bùi Giáng ta còn nhận ra rất nhiều những cách biến thể độc đáo khác.
- Mở đầu Lục bát bằng hai câu Lục
Phép biến thể này có đặc điểm chung là chữ cuối câu Lục đầu gieo vần với chữ cuối câu Lục sau, rồi sau đó lấy chữ cuối câu Lục sau gieo với chữ 6 câu Bát để trở về Lục bát. Có thể nói, đây là cách biến thể rất riêng của Bùi Giáng, rất khó tìm thấy trong Lục bát Việt Nam, mà nếu có thì cũng nhất định học từ Bùi Giáng mà ra:
Nàng có mặc áo mặc quần
- Đây là rất mực giữa rừng
Chẳng ma nào thấy nàng ngần ngại chi (Chuyện chiêm bao - 13)
Trăm năm thương hải tang điền
Phù trầm quán kiến vô duyên
Tòng lai giai mính diện tiền giai nhân (Một nàng tiên)…
- Mở đầu Lục bát bằng câu Bát
Đã là Lục bát tất phải Lục trước Bát sau, vậy mà chàng Trung Niên Thi Sĩ này, dù yêu Lục bát đến tận cùng gan ruột, vẫn cứ nhởn nhơ phá thể, đảo lộn tứ tung để câu Bát vọt cả lên đầu câu Lục:
Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam
Dòng khe mất bóng đá vàng
Dòng sông trôi xuống Hội An, Kim Bồng (Tôi thấy tôi về)
Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam
Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn
Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình (Về Quảng Nam)…
Và tôi nhớ, hình như ông có hẳn một bài thơ Bát lục, tôi đã có đọc qua, rất ấn tượng, nhưng giờ chưa lục lại được trong toàn bộ thơ Bùi Giáng mà tôi đang hiện có!
- Mở rộng Lục bát thành Thập-Thập tứ
Nói Thập-Thập tứ là dưới con mắt của nhà nghiên cứu lấy yếu tố gieo vần của thơ Lục bát làm nền. Còn theo số chữ trong câu thì lại là: Tứ - Lục/ Tứ - Bát. Nghĩa là, đưa thêm vào trước câu Lục và trước câu Bát, một câu Tứ:
Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay (Chiều hôm phố thị).
Nếu bỏ hết 4 câu Tứ thêm vào này thì sẽ trở về 4 câu Lục bát nguyên thể: Em ngồi đếm lá bay chơi/ Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung/ Một trời thu để nhớ nhung/ Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay. Mà nếu như vậy thì bài thơ sẽ không còn hay, không còn là thơ Bùi Giáng và cũng không còn cái đầu đề bài thơ là Chiều hôm phố thị. Nếu quan niệm đề bài thơ là hồn của bài thơ thì, cái Chiều hôm phố thị (cái biến thể) là yếu tố chính (hồn) của bài thơ chứ không phải là những câu Lục bát nguyên thể trong bài.
- Gieo vần chữ 7 của câu Bát
Đây lại là hiện tượng khá độc đáo dường như chỉ có riêng ở Lục bát Bùi Giáng. Ông đã tự làm lệch đi quy tắc gieo vần của Lục bát truyền thống. Nhưng dường như để người đọc không cảm thấy “gặp chướng ngại vật”, ông thường sử dụng “từ láy hai” (mông lung, long lanh) để gieo vần cho câu Bát:
Của em - hồn mộng song trùng
Khép tình cửa hẹp, mở mông lung trời (Một nàng tiên)
Ai về thu trước mỏng manh
Để vần thơ lại nhuộm long lanh chiều (Lối cỏ trường xưa)…
Hoặc chí ít cũng là một từ ghép bền vững như trường hợp “âm thanh”, “sông Hương” dưới đây:
Nửa đời bê bối thân anh
Một miền đi khuất trong âm thanh nào (Thiếu phụ trở về)
Ngày xưa xanh ngút mái trường
Cỏ xanh bờ trúc bến sông Hương chào (Lối cỏ trường xưa)…

 

4. Bùi Giáng và Chủ nghĩa Hậu hiện đại qua Lục bát biến thể
    Về vai trò của Bùi Giáng đối với Chủ nghĩa hậu hiện Việt Nam, Đỗ Lai Thúy cho rằng chính Bùi Giáng là người đi đầu, người “mở cửa”: “Bùi Giáng đã vượt qua chủ nghĩa hiện đại, mở một cánh cửa vào hậu hiện đại, để hôm nay, càng lúc càng đông nhà thơ trẻ, với những kích thước tài năng và tầm vóc tư tưởng khác nhau, chen chân qua khung cửa hẹp ấy. Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông Á, còn Tản Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại” (Nhà thơ của các nhà thơ, Bichkhe.org). Ở đây, tôi chỉ xin nêu một vài yếu tố Hậu hiện đại qua Lục bát biến thể của Bùi Giáng.
- Lối viết tự động
Có thể nói, Bùi Giáng là một hồn thơ lai láng đất trời. Thơ ông tuôn ra như mưa nguồn, thác đổ. Chính vì lẽ đó, lối thơ tự động thể hiện rất rõ trong toàn bộ thi phẩm Bùi Giáng. Với Lục bát biến thể, dường như ông không còn nghĩ đến yếu tố vần (một đặc trưng sinh tử của Lục bát). Ở đó, có nhiều bài, nhiều đoạn thành công:
Em đi chồng chất oán hờn
Tưởng như triều biển đang lồng lộn dâng (Chuyện chiêm bao - 19)
Giai nhân số dzách một cây
Mất trinh mà vẫn cứ ngây thơ cười
Rằng: “trinh” chữ ấy đâm chồi
Chết từ cái mất mà ra cái còn (Số dzách một cây)…
Nhưng cũng có nhiều bài, nhiều đoạn, do không được kiểm soát nên tuôn ra quá tự nhiên, thiếu trau chuốt ngôn từ, đặc biệt với Lục bát là thiếu sự kiểm soát về vần. Cứ theo bản năng thơ, Bùi Bàng Dúi tự do phá thể Lục bát kéo theo sự lạc vần (một điều tối kỵ của Lục bát truyền thống):
Nói ra thiên hạ người ta
Sẽ hồ đồ nghi hoặc - tự hỏi rằng thế thôi (Vô tận)
Tuy nhiên nỗi ấy còn tùy
Cũng còn nỗi khác tự tim mình tuôn ra (Ngày mai)…
Cũng chính từ lối thơ tự động ấy mà khi biến thể Lục bát, Bùi Giáng đã để vần gieo trùng chữ nhau. Ở đó, cũng có nhiều câu trùng vần nhưng rất tự nhiên, rất Bùi Giáng:
Thở than rằng giấc mộng đầu
Lầm than như mối tình đầu dở dang
Ồ em Gái Núi dịu dàng
Ngập ngừng em hỏi dở dang là gì (Ngập ngừng - 3)
Ngắm người lại ngó đến ta
Người là người lạ ta là ta quên
Quên người ta biết ta quên
Nhớ người khuôn mặt mà quên tên người (Quên Quên Quên)…
Nhưng cũng có những lúc do thiếu kiểm soát khiến sự lặp vần làm nghẽn dòng chảy tự nhiên của Lục bát xưa nay:
Cười như quỷ khóc như ma
Cụ Hồ bảo cứ để cho nó quỷ ma tha hồ (Quả nhiên như thế)
Làm sao nghe được lời chào
Chỉ còn vô tận chắp tay chào vu vơ (Ngày mai)…
Đây cũng là nhược điểm thường thấy trong lối Thơ Tự động nói chung.
- Đưa ra hai phương án cho người đọc tự chọn
Nếu quan niệm, người đọc là một đồng sáng tạo tác phẩm cùng với tác giả, thì Bùi Giáng là nhà thơ đã biết phát huy sớm quan niệm này trong quá trình sáng tác của mình. Thể hiện rõ nhất là, với tài năng và vốn chữ của mình, ông thường đưa ra cả hai phương án để người đọc thích cách đọc nào thì đọc, tham gia cấu trúc lại tác phẩm theo cách ấy. Ta thử xét đoạn Lục bát biến thể sau:
Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám bòng đèo (đèo bòng)
Soi làm chi nữa cho lòng rối tung
(Soi làm chi nữa cho hút heo nỗi lòng)- (Người đẹp soi gương)
Cách đọc 1:
Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám bòng đèo
Soi làm chi nữa cho hút heo nỗi lòng.
Cách đọc 2:
Nghĩ rằng tội lỗi tại gương
Đập tan nát tấm gương tròn trớ trêu
Về sau chẳng dám đèo bòng
Soi làm chi nữa cho lòng rối tung
Với khổ Lục bát biến thể sau đây:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây tươi tốt lá ngọc ngà trái cây
(Cây thăm thẳm lá cây già cây non)
(Cây còn thì lá cũng còn)
Cô nương rất mực vuông tròn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây (Vàng)
thì người đọc nào ưa Lục bát nguyên thể, lối gieo vần chỉn chu thì đọc (cấu trúc lại) là:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây thăm thẳm lá cây già cây non
Cô nương rất mực vuông tròn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây
Còn người đọc nào thích gieo chệch vần theo lối tự động thì đọc (cấu trúc lại) là:
Cây tươi lá thắm thật thà
Cây tươi tốt lá ngọc ngà trái cây
Cây còn thì lá cũng còn
Còn tròn vuông cả hơn tròn trái cây…
Tóm lại, lạc vào thế giới (rừng thơ) Lục bát biến thể Bùi Giáng ta lại càng phát “kinh” về sự rậm rạp các loại cây, chằng chịt những loài dây leo tinh quái của thơ ông. Có thể nói: Nếu Lục bát Bùi Giáng là một biển thơ thì Lục bát biến thể Bùi Giáng là những khe, lạch, con suối, dòng sông đa dạng đa hình. Trong thế giới Lục bát biến thể ấy nhất định sẽ có những khúc đục (nhược điểm), khúc trong (ưu điểm). Nhưng cả đục và trong ấy, thảy cũng đều góp phần làm nên một phong cách Bùi Giáng không thể lẫn lộn cùng ai.

Mai Bá Ẩn 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Hoàng Bao - hoangbaokhcnbn@gmail.com - 0912550567 - Hà Nội  (Ngày 06/11/2015 9:44:55)

Tôi đọc Bùi Giáng thường không hiểu gi và đã tìm nhiều bài bình về Bùi Giáng để đọc, để học mà lại vẫn... mù tịt. Có lẽ thơ Bùi Giáng nặng về Triết học chăng? Thú thật, hồi học Đại học tôi rất dốt về Triết học Mác- Lê vì tôi thấy các thày dạy triết toàn chê các trường phái triết học khác để khẳng định triết học Mác - Lê đúng. Vì vậy tôi nghi ngờ nên khi thi vấn đáp tôi bày tỏ nghi ngờ này... và các thày bắt tôi thi lại suốt.
Bạn đọc nào làm ơn chỉ tài liệu đọc về Bùi Giáng dễ hiểu hơn không để tôi học cẩn thận về dòng thơ này nhé. Xin Đa Tạ!

Các bài khác: