Thứ năm, 25/04/2024,


Sóng tình lục bát chưa thôi cuộn (21/10/2015) 

   Tôi đọc thơ Khuất Quang Thảo ngay từ tập đầu tiên in năm 2013, tập Đêm trắng. Tập thơ ấy đã manh nha hơi hướng một gương mặt lục bát. Ngay năm sau, Thảo lại in tiếp Hương mộc lan với 150 bài lục bát. Khuất Quang Thảo làm tôi không khỏi ngạc nhiên về sự “lên đồng lục bát” khi thể thơ truyền thống này giờ chỉ nhặt khoan trong dòng chảy thơ ca đương đại. Bây giờ là tập thơ thứ ba chỉ trong vòng 3 năm, Dưới bóng mây trôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2015). Vẫn là lục bát, 86 bài chọn từ 124 bài thơ mới trong bản thảo, hầu hết viết nửa đầu năm 2015.

 



   Tôi tự hỏi, thời gian nào để ông Tổng biên tập báo Quốc phòng Thủ đô lại có thể “sản xuất công nghiệp” thơ lục bát sòn sòn như thế, mà chủ yếu lại là lục bát về tình yêu và những nỗi niềm thế phận? Chưa nói về những khúc xạ và độ ngân vang của hàm lượng cảm xúc, chỉ nói “trữ lượng” cảm xúc, trải nghiệm tình yêu nào để có thể tạo ra những cơn sóng tình lục bát cứ rào lên trong tâm hồn người lính này cũng là chuyện tò mò?

   

   Chỉ cần đặt ba cái tên sách cạnh nhau đã có thể hình dung phần nào “tư chất” thơ Khuất Quang Thảo: Đêm trắng, gợi nỗi niềm (nỗi niềm mới có thơ); Hương mộc lan là sự bảng lảng sương khói (bay lên, huyền ảo); Dưới bóng mây trôi là phiêu lãng, phiêu dạt… (thường gắn nỗi niềm, thân phận trôi dạt, lãng tử…). Và quả nhiên, lục bát Khuất Quang Thảo là hệ thống của ngững mây trời, sông nước, ánh trăng, con đò, bến mê, tóc mây, cõi ảo... như thế. “Em ngồi gỡ sợi tóc mây/Lòng anh cuộn sóng chan đầy mắt em”, hai câu thơ ấy là đặc trưng của con sóng lòng, sóng tình, tưởng như vô tận của anh trước mỗi trạng huống tình cảm.

   

    Một bài thơ khác, bài Tự sự, có thể coi là quan niệm và xác định nghiệp thơ lục bát đã vương của Khuất Quang Thảo: “Muốn vương trên tóc câu thơ/ Như ngàn tia nắng hững hờ dại khôn/ Vắt trăng được vốc ngữ ngôn/ Làm sương mai đậu vui buồn mắt em/ Muốn từng đêm, muốn từng đêm/ Nghiêng vần lục bát êm đềm trao nhau/ Chén tình đong cạn bể dâu/ Câu thơ là những nhịp cầu tri âm/ Say đi cho hết trăm năm/ Nào em nâng chén rượu xuân nồng nàn”.

   

    Nói cách khác, bài thơ này là chìa khóa giải mã cho lục bát và những mối quan tâm chủ yếu của anh. Đây nữa, một thoáng rung động và liên tưởng: “Mưa bay ướt vạt hoàng hôn/ Hay là nước mắt ngày còn rong rêu/ Duyên trần đôi ngả hắt hiu/ Hồng Hà ôm bóng mây chiều ngẩn ngơ” (Dưới bóng mây trôi). Và lại một niềm ngơ ngẩn, hoang mê: “Tan mây ngồi gỡ bóng mình/ Ngẫm đời như cánh lục bình dạt trôi/ Gửi mây cho nắng xa xôi/ Để thương nhớ một góc trời đa đoan” (Gửi nắng cho mây).

   

     Một cõi ảo, giữa hư và thực rất đặc trưng trong lục bát Khuất Quang Thảo: “Người đi bỏ lại bóng đò/ Nổi trôi duyên phận đến giờ chưa yên/ Gục vào nhớ để tìm quên/ Người đi có giữ vẹn nguyên câu thề/ Câu thơ dạt bến sông mê/ Để làn mây trắng vụng về bay qua” (Chiều qua sông).

 

      Sông nước mây trời như là cái cớ, nhưng rất thường trực trong thơ Khuất Quang Thảo để nói sự dùng dằng đi - ở, trôi dạt của duyên phận, của kiếp người trong cả cõi hoang ảo, cõi “sông mê” nào đó của vũ trụ. Đò chiều, sông mê cứ lẩn khuất, tái hiện ở nhiều bài thơ khác: “Đưa người qua mấy lần sông/ Đò chiều mắc cạn giữa dòng sông mê/ Người dưng nhẹ gót quay về/ Hong từng nụ nhạt tái tê môi cười” (Giấc mơ đêm). Những câu thơ lãng đãng khói sương. Cái dòng sông ẩn dụ và ước lệ, có thể là dòng sông đa đoan, mẫn cảm cuộc đời, dòng sông thi sĩ của Khuất Quang Thảo chăng?

    Có một điều khá đặc biệt, ở Dưới bóng mây trôi, ít nhất bạn đọc có thể gặp hơn mười bài thơ của Thảo nói về cửa chùa, cõi Thiền, Niết bàn... Có lẽ, nó ứng một cách tự nhiên với quá nhiều những mối duyên tình “dạt trôi”, “đò chiều mắc cạn”, “chén tình đong cạn bể dâu”, “ngẫm đời như cánh lục bình dạt trôi”... để người ta tìm nơi siêu thoát, đứt đoạn hồng trần chăng?

   

    Thì hãy thử vào cõi Thiền của Khuất Quang Thảo: “Cửa Thiền anh vụng đường tu/ Mõ lăn lóc mõ, kinh mù đường kinh/ Em gieo ánh mắt đa tình/ Nén hương tiền kiếp lung linh Niết bàn” (Nam mô thí chủ má hồng). Vào chùa còn “tán gái” thế này thì sao siêu thoát được? Nhiều bài thơ, câu thơ dăng díu sân chùa như thế. Hóa ra sân chùa cũng chỉ là cái cớ để làm rõ hơn ranh giới mong manh giữa cửa thiền với nuối tiếc trần gian, thật khó lòng dứt những má hồng, môi son, đầu mày cuối mắt cõi trần này.

     

     Câu cầu khiến sau đây làm rõ thêm điều đó: “Mai anh bỏ phố lên chùa/ Em đừng theo tiễn kẻo chua táo đình/ Trời xe duyên lứa chúng mình/ Lỏng tay buộc vụng thình lình đứt tơ” (Mai anh bỏ phố lên chùa). Bảo em đừng theo tiễn, kỳ thực cuộc tình còn day dứt, dùng dằng thế cơ mà. Nên: “Đã đi quét lá sân chùa/ Sao người vẫn cứ bỏ bùa vào thơ/ Để làn mây trắng bơ vơ/ Để hồn chuông mõ đến giờ chưa tan/ Câu kinh vương nợ Niết bàn/ Bến phù vân ấy hồng nhan lỡ đò” (Chuyến phà phù vân). Hồn chuông mõ làm sao tan được trên chuyến phà phù vân huyền ảo và bóng hồng nhan ấy còn níu bao con mắt lữ khách đồng hành!? Quanh đi quanh lại vẫn là sợi dây tình Khuất Quang Thảo tự giăng, tự buộc, tự tháo cởi, tự an ủi lòng mà thôi. Giống như khi nghe “Cung đàn bỏ quên” này: “Tình ta như khúc dương cầm/ Khi hiu hắt tiếng, khi đầm đìa yêu/ Cung thanh, cung đục liêu xiêu/ Tương tư lơ lửng bóng chiều bâng khuâng”.

   

    Có lẽ, vì lắm cung bậc đa đoan bổng trầm, giai điệu “tơ lòng” khi trong khi đục và liêu xiêu ấy mà thơ Khuất Quang Thảo nhiều: hồng trần, phù vân, mây trắng, mây hồng, nắng hồng, vạt nắng đa đoan, thu (mùa thu), trăng… Và để hòa vào những phù vân, cõi hồng trần là những: cuộc người, đò đời, chợ đời, trống trênh, mênh mông, mông mênh, bến mê, sông mê… Trong đó, hình ảnh sông và đò hầu như luôn xuất hiện như một cặp tương hỗ cho “giải pháp” nhớ nhung, chia ly, cách trở, xưa và nay… phụ trợ thêm những lở bồi, xô nghiêng, tương tư, phong trần, phấn hương, vấn vương, mảnh sầu… một cách chông chênh, trùng điệp những danh từ, tính từ như thơ Việt thế kỷ 18, 19 (Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Kiều...).

   

    Bao giờ cũng vậy, thơ Khuất Quang Thảo vẫn luôn dành một góc cho quê làng thân thuộc, đau đáu niềm thương nhớ, sự cảm thông trong mọi ứng xử và hoài vọng của anh. Tình yêu và tình làng hòa phối trong âm hưởng trữ tình da diết của cái cần lao, nghèo khó cổ điển: “Người quê một nắng hai sương/ Cái thau thì thủng, cái gương thì mờ/ Góc màn con nhện giăng tơ/ Cái nghèo đến cả giấc mơ cũng nghèo” (Người quê).

   

    Giấc mơ là cái tự do, thăng hoa nhất của tinh thần, không ai cấm kỵ được mà đến giấc mơ cũng nghèo thì cái nghèo khó, cố hữu của nông thôn khủng khiếp biết nhường nào. Cái nghèo như đóng đinh số phận lên quê làng. Dẫu vậy thì quê làng vẫn là nơi lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết của tình người: “Người quê thơm thảo tấm lòng/ Lợi danh đem đổ xuống sông làm bùn”. Vì vậy, khi nhắc về quê, những ký ức của người con xa quê luôn day trở, thắc thỏm như người mắc lỗi, như đã phụ bạc với quê làng, người thân: “Giấc mơ cổ tích xa xôi/ Thị thơm vò nát mấy thời ấu thơ/ Ngày cha chống lụt be bờ/ Tôi lên nhặt nhạnh vu vơ thị thành/ Chân đi tóc vẫn còn xanh/ Dưa sung làm của để dành trong tim/ Bao năm tăm cá, bóng chim/ Người đi biệt tích nay tìm hương quê” (Nhớ mùi quê xưa).

   

    Là nói vậy. Có thể đó là cái nghèo của quá khứ xa xăm, cái “mùi quê” xưa ấy còn vương trong thẳm sâu ký ức bay ra. Sau tất thảy, quê trong Khuất Quang Thảo vẫn là vẻ đẹp dân dã nhưng bảng lảng, ma mị của thôn làng: “Lớn từ hạt lúa, củ khoai/ Đời quê lam lũ ngày dài hơn đêm/ Khói chiều hoang hoải đồng chiêm/ Mảnh trăng gối vụ lưỡi liềm nghiêng treo/ Ra đi từ mảnh đất nghèo/ Mùi quê nức nở còn theo đến giờ/ Cổng đình ai buộc giấc mơ/ Ngọt ngào cổ tích mỗi mùa thất thu” (Quê). Đó là những câu thơ hay, những thi ảnh đẹp về vùng quê yêu dấu của anh. Và ở miền thân thuộc ấy, luôn là những thảng thốt của một tâm hồn đa cảm, yêu thiên nhiên lạ kỳ: “Bỗng dưng nhớ một tiếng chim/ Giữa hoang hoải những nỗi niềm phố xa/ Vườn xưa ngần ngại bước qua/ Thiên di bỏ giấc mơ hoa cải ngồng” (Bỗng dưng).

 

   

    Trong cả tập lục bát 86 bài, “Gỡ...” là bài lục bát duy nhất Khuất Quang Thảo sử dụng thủ pháp ngắt dòng, thay đổi tiết tấu. Theo tôi, đây lại là bài lục bát rất “có duyên”, có địa danh cụ thể, có cách nói mới, bố cục cũng gọn và hoạt:


“Mua lụa Vạn Phúc
Làm quà
Tơ tằm kéo đến Ba La
Đứt rồi
Vòng tơ quay vụng
Rối bời
Bên dòng sông Nhuệ
Mình tôi
Gỡ tình

Vô duyên
Mua lụa một mình
Vô duyên
Ngồi gỡ bóng hình xa xưa
Giật mình
Trời đã quá trưa
Trên đầu
Sợi nắng cũng vừa hoàng hôn”.



    Cái mạnh của Thảo ở Dưới bóng mây trôi là cảm xúc vẫn tuôn chảy, những cơn sóng lục bát dâng cuộn miên man, điệu thơ nhuần nhuyễn và có nhiều câu thơ thi sĩ. Nhưng cái thiếu của lục bát Khuất Quang Thảo là thiếu ngôn ngữ đời sống đương đại. Thơ anh vẫn nhiều phù vân, hồng trần, tương tư, vấn vương, phấn hương, phận má hồng, bóng hồng, duyên kiếp… những mô típ dùng quen và lặp chính anh. Ngay từ ở tập trước tôi đã muốn Thảo “viết chậm”. Chậm ở đây là tinh lọc ngôn ngữ hơn, dồn nén cảm xúc hơn, tránh lặp từ cũ mòn, phải có năng lượng đời sống hiện đại...

    May mắn là cảm xúc của Khuất Quang Thảo vẫn dạt dào, nhạy cảm. “Mưa không thấm nổi câu thơ/Mà con tim đã vu vơ ướt mèm”. Con tim đã “vu vơ ướt mèm” khi mưa mới lưa thưa nhểu hạt chính là sự nhạy cảm, rung động của hồn thơ Khuất Quang Thảo. Còn sự rung động và mê đắm ấy, tôi tin Khuất Quang Thảo còn khả năng chuyển hóa lục bát của mình.

                                                                                Hà Nội, 21/8/2015
                                                                                      T.Q.Q


 

 

HƯƠNG CẢI ĐẮNG

 


Chiều nay tôi đứng trầm ngâm
Nhìn vầng cải đắng lặng thầm đưa hương

Chị không lặn lội chiến trường
Con tim bé nhỏ vẫn vương đạn thù
Rừng xanh thăm thẳm biên khu
Có người xưa ấy nghìn Thu không về

Cải vàng vẫn nở ven đê
Tóc mây còn vịn câu thề làm tin
Mênh mang kỷ niệm không tên
Đắng từng mùa nhớ để quên tháng ngày

Sao không là gió, là mây
Là mưa, là nắng, là ngày, là đêm
Là xao xuyến, là êm đềm
Lại mong là chiếc lạt mềm… chị ơi!

Buộc ngang lưng sợi tơ trời
Mùi hương cải đắng một đời còn bay.

10/2014



NHỚ MÙI QUÊ XƯA



Quê tôi rơm rạ lợp nhà
Muối sung, sung gẩm, muối cà, cà thiu
Xóm thôn xơ xác đìu hiu
Ao chuôm ếch chẳng buồn kêu gọi đàn

Cái nghèo quẩn mãi không tan
Gánh tình ai dễ sẻ san một đời
Giấc mơ cổ tích xa xôi
Thị thơm vò nát mấy thời ấu thơ

Ngày cha chống lụt be bờ
Tôi lên nhặt nhạnh vu vơ thị thành
Chân đi tóc vẫn còn xanh
Dưa sung làm của để dành trong tim

Bao năm tăm cá, bóng chim
Người đi biệt tích nay tìm hương quê
Đâu mùi sung gẩm u mê
Vại cà thiu có còn kề bếp tro?

Phố trong làng, lối quanh co
Loanh quanh miền nhớ, lò dò bước chân.

20/3/2015


GỠ



Mua lụa Vạn Phúc
Làm quà
Tơ tằm kéo đến Ba La
Đứt rồi
Vòng tơ quay vụng
Rối bời
Bên dòng sông Nhuệ
Mình tôi
Gỡ tình

Vô duyên
Mua lụa một mình
Vô duyên
Ngồi gỡ bóng hình xa xưa
Giật mình
Trời đã quá trưa
Trên đầu
Sợi nắng cũng vừa hoàng hôn.

4/8/2014


NGƯỜI QUÊ



Người quê một nắng hai sương
Cái thau thì thủng, cái gương thì mờ
Góc màn con nhện giăng tơ
Cái nghèo đến cả giấc mơ cũng nghèo

Nhà tranh, mái giột, vách xiêu
Đời quê nương vạt nắng chiều ngả nghiêng
Lấy trăng làm mảnh tình riêng
Lấy sao làm ánh lửa thiêng dẫn đường

Mây trời làm chiếu thay giường
Câu thơ làm gió thoảng hương nội đồng
Người quê thơm thảo tấm lòng
Lợi danh đem đổ xuống sông làm bùn

Cái nghèo cuốn chặt cái khôn
Sân Đình trăng vẫn soi hồn dân quê
Tay bùn, chân lấm đam mê
Câu thơ lục bát vọng về cố hương.

9/4/2015


CHA VÀ CON
Thân yêu tặng con trai


Cha đi chưa trọn cuộc người
Con vào bước tiếp từ nơi cha về
Giữ bình yên mảnh trời quê
Chung vai gánh vác lời thề nước non

Chí trai vững tấm lòng son
Bền gan nước chảy đá mòn con ơi!
Nhục, vinh chen chúc phận người
Sắc son Cha gửi trong lời Mẹ ru

Từ khi đất nước sang Thu
Trời qua tăm tối, mây mù đã tan
Đã qua hết cảnh cơ hàn
Đời vui rộng mở thênh thang lối vào

Con mơ tới những vì sao
Để cha ngồi ngắm hoa đào ngày Xuân.

30/4/2015


CUNG ĐÀN BỎ QUÊN



Bỏ quên gác cũ cây đàn
Tâm tư hóa đá giữa ngàn thanh âm
Vô hồn cung bậc bổng trầm
Tao đàn vắng mối tình thâm từng ngày

Bỏ quên cay đắng trên tay
Thả lòng vào những vơi đầy nhớ mong
Tháng năm duyên nợ chất chồng
Bảy hai phím gõ hợp âm vẫn buồn

Gác xưa hứng gọt mưa tuôn
Như ngàn nốt nhạc dại khôn ngân dài
Nốt nào thấm lạnh bờ vai
Nốt nào dành để chờ ai thì thầm

Tình ta như khúc dương cầm
Khi hiu hắt tiếng, khi đầm đìa yêu
Cung thanh, cung đục liêu xiêu
Tương tư lơ lửng bóng chiều bâng khuâng.

6/4/2015


MAI ANH BỎ PHỐ LÊN CHÙA



Mai anh bỏ phố lên chùa
Em đừng theo tiễn kẻo chua táo đình
Trời xe duyên lứa chúng mình
Lỏng tay buộc vụng thình lình đứt tơ

Mai trên Thiền tự đêm mưa
Nỗi lòng là tiếng mõ chùa tịch liêu
Sân, si, hỷ, nộ bấy nhiêu
Nén nhang độ thế tự thiêu đốt lòng

Thôi! em đừng nhớ, đừng mong
Cứ vin bờ cũ theo dòng mà trôi
Thuyền về bến cuối cuộc người
Hương tàn, nến tắt, tình nguôi ngoai tình

Lênh đênh tựa cánh lục bình
Mai anh chối bỏ nhục, vinh tu hành.

Trần Quang Quý
Tháng Giêng, 2015

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: