Thứ bảy, 20/04/2024,


Truyện Kiều - Nguyễn Du (Phần thứ nhất, từ câu 363 đến câu 572) (08/10/2015) 

  Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện tính hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Truyện Kiều cũng là đỉnh cao thơ ca cổ điển của dân tộc. Vì vậy, Truyện Kiều luôn được nhân dân ta yêu mến…
  Lucbat.vn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


PHẦN THỨ NHẤT
GẶP GỠ VÀ ĐÍNH ƯỚC

(Tiếp theo từ câu 363 đến câu 572)


Nguyễn Du

Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng tự tình và thề nguyền


Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía lòng càng ngẩn ngơ.
365. Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
Một tuồng tuyết trở sương che
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng!
Lần lần ngày gió đêm trăng,
370. Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
Trên hai đường dưới nữa là hai em,
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành.


375. Nhà lan thanh vắng một mình
Gẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
Thì trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mai tường.
Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng,
380. Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông:
“Trách lòng hờ hững với lòng,
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu!
Những là đắp nhớ, đổi sầu,
Tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm”.
385. Nàng rằng: “Gió bắt mưa cầm.
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.
Vắng nhà được buổi hôm nay,
Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng!”
Lần theo núi giả đi vòng,

390. Cuối tường nhường có nẻo thông mới rào,


Xắn tay mở khóa Đông Đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.
Mặt nhìn mặt, càng thêm tươi,
Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên.
395. Sánh vai về chốn tư hiên,
Ngậm lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông.
Trên yên, bút giá thi đồng,
Đạm thanh một bức trang tùng treo trên.
Phong sương đượm vẻ thiên nhiên,
400. Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi,
Sinh rằng: “Phác họa vừa rồi,
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa!”
Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.


405. Khen: “Tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!
Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào đổi được giá này cho ngang!”
Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang,
410. Chẳng sân bội ngọc cũng phường kim môn.
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?
Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:
415. Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Trông người lại ngẫm đến ta,
Một dầy, một mỏng, biết là có nên?”
Sinh rằng: “Giải cấu là duyên,


420. Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều.
Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân!”
Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài.
Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng, nàng mới kíp dời song sa .
Đến nhà vừa thấy tin nhà,
430. Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa, gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.


435. Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp, non Thần,
440. Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng:” Quãng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
445. Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một trương,
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

450. Đinh ninh hai mặt một lời song song.

 


Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ “đồng” đến xương .
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng.
455. Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”
Nàng rằng: “Hồng diệp, xích thằng,
460. Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”.
Rằng: “Nghe nổi tiếng Cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kì”.


465. Thưa rằng: “Tiện kĩ sá chi!
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”.
Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tay,
470. Làm chi cho bận lòng này lắm thân?”
So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
475. Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng Lưu Thủy, hai rằng Hành Vân.
Qúa quan này khúc Chiêu Quân,
480. Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.


Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
485. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày .
Rằng: “Hay thì thật là hay,
490. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình, cũng nao nao lòng người?”
Rằng: “Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao!


495. Lời vàng, vâng lĩnh ý cao,
Họa dần dần bớt chút nào được không”.
Hoa hương càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
500. Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi,
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh .
505. “Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ Trinh làm đầu.
Ra tuồng trên Bộc, trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi!
Phải điều ăn xổi ở thì,
510. Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!


Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai đẹp lại tày Thôi, Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên đã chán chường yến anh.
515. Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.
Gieo thoi, trước chẳng giữ giàng,
520. Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai ?
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt lại đền bồi có khi!
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.
525. Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân.
Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.
Nàng thì vội trở buồng thêu,
Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.
Cửa ngoài vừa ngỏ then hoa,
530. Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang.
Đem tin thúc phụ từ đường,
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.
Liêu Dương cách trở sơn khê,
Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang.


535. Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi:
”Sự đâu chưa kịp đôi hồi,
540. Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,
Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
545. Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!”
Tai nghe ruột rối bời bời,
Ngập ngừng nàng mới giãi lời trước sau:
”Ông tơ ghét bỏ chi nhau,
550. Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!
Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ!
Quản bao tháng đợi, năm chờ,
Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.


555. Đã nguyền hai chữ “đồng tâm”,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
Còn non, còn nước, còn dài,
Còn về, còn nhớ đến người hôm nay!”
Dùng dằng chưa nỡ rời tay,
560. Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.
Ngại ngùng một bước một xa,
Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.
Buộc yên, quảy gánh, vội vàng,
Mối sầu xẻ nửa, bước đường chia hai.
565. Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.
Não người cữ gió, tuần mưa,
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày...
Nàng còn đứng tựa hiên tây,
570. Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.
Trông chừng khói ngất song thưa,
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

 


______
363. Đá biết tuổi vàng: Muốn xem vàng bao nhiêu tuổi, xấu tốt thế nào, người ta thường dùng thứ đá cuội đen để thử, gọi là hòn đá thử vàng. Ý nói qua sự trao đổi, Kim-Kiều đã hiểu biết và yêu nhau, như đá biết rõ tuổi vàng.
365. Sông Tương: Hai câu này lấy ý ở bài thơ trong Tình sử:
" Quan tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thuỷ"
Dịch nghĩa:
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy nhau,
Cùng uống nước sông Tương.
367. Tuyết trở sương che: ý nói bức tường của nhà Kiều với nhà Kim Trọng như có tuyết sương ngăn trở, che khuất hai người.
370. Thư hồng rầm lục: màu đỏ giảm, màu xanh tăng. Ý nói hoa tàn đần, lá nảy nở, mùa xuân sắp qua, mùa hè sắp tới.
372. Hai đường: song đường (xuân đường và huyền đường), chỉ cha mẹ.
375. Nhà lan: nhà có mùi thơ hoa lan, thanh nhã
377. Thì trân: thức ăn quý đương mùa. Tục xưa, trai gái gặp nhau đem theo hoa quả, thức ăn... cùng nhau ăn uống trong lúc chuyện trò.
382. Lửa hương: do chữ hương hỏa. Tục cổ khi làm lễ thề ước với nhau, thường đốt đèn thắp hương. Về sau hai chữ này thường dùng để chỉ tình duyên vợ chồng.
384. Hoa râm: hoa cây râm, sắc trắng, ví mái tóc lốm đốm bạc trông như những chấm hoa râm.
386. Tri âm: hiểu biết tiếng đàn của nhau như Chung Tử Kì đời cổ Xuân Thu hiểu tâm hồn của Bá Nha qua tiếng đàn của bạn. . Khi Tử Kì chết, Bá Nha dứt dây, đập đàn nói không ai hiểu biết tiếng đàn của mình nữa. Tri âm, tri kỉ nghĩa rộng là bạn bè thân thiết, hiểu nhau.
389. Núi giả: tức là núi non bộ ở sân nhà Kim Trọng.
391. Động đào: tức động Đào nguyên.
392. Thiên thai: tên một núi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tương truyền đời Hán, Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên núi Thiên Thai hái thuốc, gặp tiên nữ rồi cùng nhau kết duyên ở đấy.
394. Vạn phúc: lời chào hỏi chúc mừng khi gặp nhau. Hàn thuyên: lạnh ấm, lời hỏi thăm sức khỏe.
396. Phong nguyệt: lời thơ trăng gió vui chơi. Non sông: lấy núi sông mà nguyền ước (sông cạn, núi mòn, lời thề cũng không thay đổi).
397. Yên: bàn sách, Bút giá: Cái giá để gác bút. Thi đồng: Cái ống đựng thơ.
398. Đạm thanh: màu xanh nhạt, chỉ màu bức tranh cây thông của Kim Trọng.
399. Phong sương: gió và sương. Bức tranh cây thông vẽ rất tự nhiên như có đượm cả phong sương.
402. Phẩm đề: đề lời bình, lời vịnh cho bức tranh. Thêm hoa: thêm vẻ đẹp. Ý nói bức tranh mới vẽ xong, xin đề mấy vần thơ cho tăng thêm vẻ đẹp.
403. Tay tiên: tay giỏi thơ như bậc thần tiên. Cả câu ý nói Kiều đề thơ mau lẹ.
405. Nhả ngọc phun châu: tài xuất khẩu thành thơ hay, như nhả ra ngọc, phun ra châu.
406. Nàng Ban: Nàng Ban Chiêu, đời Đông Hán. Nàng học rộng tài cao, được vua Hán vời đến tòa Đông Các (tòa chứa sách) hoàn thành nốt pho sử Hán thư do người anh là Ban Cổ soạn chưa xong thì đã chết.
Ả Tạ: Nàng Tạ Đạo Uẩn, đời Tấn, là người thông minh, có học thức, có tài biện luận.
409. Dung quang: diện mạo con người
410. Ngọc bội: Đồ đeo bằng ngọc. Chữ dùng chỉ chung người đã hiển đạt và có quan chức.
Kim môn: tức Kim mã môn nói tắt, tên cửa cung Vị Ương của vua nhà Hán (cửa cung có để tượng ngựa đồng nên gọi là Kim mã). Đời Hán Vũ Đế, thường cho những người có văn tài đến đợi ở đây, để chờ nhà vua hỏi han về chính sự. Trong câu ý Kiều muốn nói Kim Trọng nếu không phải là người đã có quan chức cao quý thì cũng là bậc có văn tài sẽ được nhà vua trọng dụng.
412. Khuôn xanh: ũcng như khuôn thiêng, sự sắp đặt của trời.
414. Tướng sĩ: thày xem tướng số.
415. Anh hoa: tinh hoa tốt đẹp.
419. Giải cấu: cuộc gặp gỡ tình cờ.
420. Nhân định thắng thiên: Ý người ta cũng có thể làm thay đổi được cả số trời.
421. Giải kết: Cởi mối buộc. Ý nói nếu nhân duyên bị chia rẽ thì quyết liều thân để giữ trọn lời thề.
423. Trung khúc: uẩn khúc ở trong lòng, tâm sự.
424. Tàng tàng: say, ngà ngà.
425. Giang: gang tay. Ý nói ngày ngắn lắm.
428. Song sa: cửa sổ có che vải sa, cũng như song the. Chữ song sa ở đây chỉ phòng ở của Kiều.
430. Hai thận: cha mẹ, do chữ song thân, tức thân phụ (cha) và thân mẫu (mẹ).
433. Nhặt thưa: mau và thưa, chỉ ánh trăng. Ánh trăng giọi bóng cành lá cây xuống làm cho mặt đất chỗ sáng, chỗ tối.
434. Trướng huỳnh: trướng là cái màn, huỳnh là con đom đóm. Đời Tấn, Xa Dận ham học, nhà nghèo, đêm khôn có đèn, phải bắt con đom đóm đựng vào túi lụa thưa để mà đọc sách. Ở đây chỉ phòng học của Kim Trọng.
435. Án: tức là án sách, loại bàn học của thư sinh thời xưa (mặt bàn hẹp và dài, chân bàn cao).
437. Tiếng sen: tiếng bước chân của người đẹp, Đông Hôn Hầu, đời Tề (Nam Bắc Triều) rất yêu quý nàng phi họ Phan, bèn cho đúc hoa sen bằng vàng lát xuống nền nhà, để cho nàng đi, rồi khen: mỗi bước đi nở ra một hoa sen. Giấc hoè: Theo sách Nam kha ký: Thuần Vu Phần đời Đường, ngày sinh nhật, uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cay hoè già ở phía nam nhà ông, liền mộng thấy đến một nước gọi là "Đại Hoè An", được vua nước ấy gả công chúa, và cho làm quan Thái thú quận Nam Kha, vinh hiển hơn hai mươi năm. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy dưới gốc hoè một tổ kiến lớn, trong có con kiến chúa, mới hiểu đó là nước và vua Hoè An (gốc hoè yên ổn), còn Nam Kha tức là cành hoè phía nam nhằm thẳng xuống tổ kiến. Do đó, người ta nói "giấc Nam kha" hay "giấc hoè" để chỉ cuộc phú quý hư ảo. Ở đây chỉ giấc mộng, giấc ngủ.
438. Đây nói: Kim Trọng sực tỉnh thấy ánh trăng đưa bóng hoa lê tới gần. Chữ “hoa lê” tuy tả cái bóng hoa, nhưng cũng ngụ ý một người đẹp.
439. Đỉnh Giáp: Đỉnh núi Vu Giáp (hay Vu Sơn, một núi cao có nhiều cảnh đẹp, thuộc tỉnh Tứ xuyên, Trung Quốc).
Cao Đường phú: Vua Sở Hoài Vương đi chơi quán Cao Đường, mộng thấy một người đàn bà đẹp, và tự xưng là thần núi Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa. Do tích này, người ta thường dùng chữ "mây mưa" để chỉ việc ân ái giữa trai gái.
Non thần: núi Thần Nữ. Đây nói Kim Trọng mới tỉnh dậy, còn bâng khuâng mơ màng về cuộc hội ngộ với Kiều như truyện Sở Hoài Vương với thần nữ Vu Giáp (chỉ ngụ ý hội ngộ, mơ màng., chứ không ngụ ý ái ân trai gái).
446. Đài sen: cái đế thắp nến làm hình hoa sen.
Song đào: chưa thực rõ nghĩa. Có bản giải là chỗ cửa sổ có trồng cây đào.
447. Tiên thề: giấy hoa tiên (giấy viết thư từ có vẽ hoa) ghi chép lời thề.
448. Ngày xưa trai gái hẹn ước với nhau, người con gái thường lấy dao cắt một món toác tặng người yêu để biểu hiện sự hẹn ước thề nguyền.
452. Đồng: đồng tâm, cùng một lòng với nhau. Người xưa, thường tặng nhau dây lưng gấm, kết thành vòng hồi văn, ngụ ý thân yêu quấn quýt, gọi là cái "đồng tâm kết".
453. Hà: ráng mặt trời. Chén hà do chữ hà bôi thứ chén bằng ngọc màu ráng đỏ. Đây dùng nói chén quý.
Quỳnh tương: nước ngọt, ví thứ rượu ngon quý.
454. Ý nói Kiều với Kim Trọng, ngồi kề bên nhau, mùi hương giải là như hoà trộn với nhau, mà trong bình gương, bóng hai người cũng như lồng đôi với nhau.
457. Chày sương, cầu Lam: đã chú ở câu 266.
458. Sàm sỡ: lả lơi không đứng đắn.
459. Hồng điệp, xích thằng: xen câu 268 và 238.
460. Tương tri: biết lòng nhau, thông cảm nhau.
461. Nguyệt nọ, hoa kia: chuyện trai gái bất chính.
463. Cầm đài: cái đài ngồi gẩy đàn của Tư Mã Tương Như, một nhà tù phú và giỏi đàn đời Tây Hán. Đây mượn chữ cầm đài để nói người giỏi đàn.
464. Nước non: Do chữ lưu thuỷ, cao sơn (nước chảy, non cao), những tiếng đàn của Bá Nha mà Chung Tử Kỳ nghe và phân biệt được. Đây Kim Trọng đề cao Kiều lên ngang tài với Bá Nha, và tự cho mình là Chung Kỳ.
465. Tiện kĩ: nghề mọn, lời nói nhún.
467. Cầm trăng: tức nguyệt cầm, ta gọi là đàn nguyệt.
470. Bận lòng: khó nghĩ. Lắm thân: tiếng cổ, có nghĩa là "lắm thay".
471. Vũ, văn: Vũ là dây đàn to, văn là dây đàn nhỏ.
472. Cung thương: xem câu 31.
473. Hán sở chiến trường: bãi chiến trường giữa đời Hán và nước Sở. Cuối đời Tần, Lưu Bang (Hán Cao tổ) và Hạng Vũ (Sở Bá vương) cùng khởi binh đánh Tần, sau lại tranh nhau thiên hạ, đánh nhau nhiều trận kịch liệt.
474. Tiếng sắt, tiếng vàng: tiếng khí giới bằng sắt, bằng kim loại va chạm xô xát nhau. Hai câu này ý nói tiếng đàn mạnh mẽ, hùng tráng.
475. Tư Mã Phượng Cầu: Tư Mã Tương Như người đời Hán, có văn tài, ở đất Lâm Cùng. Trác Vương Tôn, có con gái là Văn Quân, người đẹp mà mới goá chồng. Tương Như gẩy khúc đàn "Phượng Cầu Hoàng" để tỏ tình với Văn Quân, Văn Quân cảm tiếng đàn, đêm ấy, bỏ nhà theo Tương Như.
477. Kê Khang, Quảng Lăng: Kê Khang, đời Tam quốc, đêm gẩy đàn cầm ở đình Hoa Dương, bỗng có người khách lạ tới dạy cho khúc "Quảng Lăng Tán", âm điệu tuyệt hay.
478. Lưu Thuỷ, Hành Vân: nước chảy, mây bay. Ý nói khúc đàn thanh thoát lưu loát, lúc thì nghe như nước chảy, lúc thì nghe như mây bay; Lưu Thủy, Hành Vân cũng là tên hai điệu đàn.
479. Quá quan: đi qua cửa ải. Chiêu Quân: tên chữ của Vương Tường, một cung nữ đời Hán Nguyên Đế, bị gả cho chúa Hung Nô, khi qua cửa ải, vào đất Hung Nô, Chiêu Quân thường gảy khúc đàn tỳ bà để tỏ nỗi lòng nhớ nhà, nhớ nước.
480. Tư gia: nhơ nhà. Câu này ý nói khúc đàn như nhớ nhung, thương tiếc.
482. Tiếng suối: tiếng đàn nghe đục như tiếng ầm ì của dòng suối dội ở lưng chừng núi xuống.
488. Chín khúc: chỉ các khúc ruột, chứ không nhất thiết phải đúng chín khúc ruột.
491. Tiêu tao: chính nghĩa là tiêu điều, thê lương. Đây dùng chỉ tiếng đàn buồn rầu, sầu não.
492. Dột: ủ dột.
Nao nao: xao xuyến, đau xót.
495. Lời vàng: lời khuyên quí giá như vàng.
497. Hoa hương: hoa có hương thơm. Thức hồng: vẻ hồng, chỉ vẻ đẹp của hoa. Ý nói Kiều đã có sắc, lại có tài càng tăng thêm giá trị, ví như đóa hoa đã đẹp lại thơm.
501. Làm chơi: làm trò trơi, làm việc thường, không quan trọng.
503. Yêu đào: cây đào non, lấy chữ ở thơ "Đào yêu", Kinh Thi: Đào chi yêu yêu (cây đào non mơn mởn) ví với người con gái trẻ mà đẹp, đã đến tuổi đi lấy chồng.
505. Bố kinh: bố là vải, kinh là cây kinh, một loại cây mọc thành cụm, hoa màu tía nhạt, cành và thân cứng rắn, thời xưa, những phụ nữ nghèo thường dùng cành nó làm trâm cài tóc.
Ở đây, ý Kiều nói: Đã cho vào hạng người vợ chính thức như hạng bố kinh thời xưa (không phải là nhân tình, nhân ngãi).
506. Tòng phu: theo chồng, chỉ cái đạo làm vợ, theo quan niệm Nho giáo xưa. Sách Nghi lễ: phu nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vị giá tòng phụ, kí giá tòng phu, phu tử tòng tử (người đàn bà có đạo “tam tòng”, chưa lấy chồng theo cha, lấy chồng rồi theo chồng, chồng chết theo con).
507. Trên Bộc, trong dâu: trong bãi dâu, trên sông Bộc. Xưa ở nước Vệ, đời Xuân Thu, có tục trai gái hẹn hò, tụ hội nhau ở bãi dâu trên sông Bộc để hát hổng, đùa bỡn, làm việc dâm đãng bất chính.
511. Kỳ ngộ: cuộc gặp gỡ kì lạ, chỉ cuộc nhân duyên tốt đẹp của đôi tài tử giai nhân.
514. Thôi Trương: theo Hội chân kí: Thôi Oanh Oanh và Trương Cung, tên tự là Quân Thuỵ, đời Đường, là đôi trai tài, gái sắc, đẹp đôi, vừa lứa, đã gặp gỡ và yêu nhau ở chái tây chùa Phổ Cứu, đất Bổ Đông, nhưng vì đã đi lại ăn nằm với nhau, nên về sau chán nhau mà bỏ nhau.
Đá vàng: Đây chỉ tình vợ chồng chung thuỷ, đoan chính.
514. Yến anh: Đây ví với cặp trai gái.
515. Chắp cánh liền cành: Ý nói thân thiết, gắn bó với nhau. Câu này lấy điển trong bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị, đời Đường nói về việc vua Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi nguyện với nhau: Tại thiên nguyện tác ti dực diểu, tại địa nguyên vi liên lí chí (trên trời nguyện làm đôi chim liền cánh, dưới đất nguyện là hai cây liền cành).
517. Mái tây: Do chữ tây sương, tức chái tây chùa Phổ Cứu, nơi Thôi, Trương gặp gỡ nhau.
Hương nguyền: Nén hương để thề nguyền, thời xưa khi thề nguyền với nhau, người ta thường đốt hương.
519. Gieo thoi: chưa thực rõ nghĩa. Các sách thường dẫn điển sau đây: Tạ Côn đời Tấn, ghẹo người con gái đang ngồi dệt cửi, bị cô ta cần cái thoi ném vào mặt, gẫy mất hai cái răng (theo Tấn thư).
524. Vì: nể, tiếng cổ, cũng có nghĩa là yêu (yêu vì).
525. Bóng tầu: bóng mái nhà (Tàu: Miếng gỗ dài đặt dọc ở mái hiên, để đỡ lấy mái nhà, gần chỗ giọt tranh).
Vẻ ngân: Vẻ sáng như bạc, chỉ ánh trăng.
528. Sân đào: sân có trồng cây đào.
530. Gia đồng: người phục dịch công việc ở trong nhà.
Thúc phụ: chú ruột.
Từ đường: từ bỏ nơi nhà ở, tức là chết.
532. Lữ thấn: chết nhưng mà chưa chôn, quan tài còn quàn tạm ở nơi đất khách.
533. Liêu Dương: Tên đất, nay thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) nơi chú ruột Kim Trọng chết.
Sơn khê: Núi và khe ngòi.
534. Xuân đường: cha. Xuân là một loại cây sống rất lâu. Người sau nhân gọi cha là xuân hay Xuân đường (nhà xuân), có ý mong cha được tuổi thọ như cây ấy.
Hộ tang: trông coi việc tang.
535. Mảng: tiếng cổ.
Mảng tin: mới chợt nghe tin.
536. Đài trang: do chữ trang đài, nơi trang điểm của phụ nữ.
537. Đinh ninh: nói đi nói lại, cặn kẽ tỉ mỉ, đến nơi đến chốn.
539. Đôi hồi: giãi bày, trò chuyện hết lời với nhau.
540. Trao tơ: chỉ việc kết hôn. Theo sách Khai nguyên Thiên bảo di sự: Trương Gia Trinh, tể tướng nhà Đường, có năm con gái, muốn gả một người cho Quách Nguyên Chấn, đô đốc Lương Châu, người đẹp mà có tài nghệ, bèn bảo năm con đứng sau một bức màn, mỗi người cầm một sợi dây tơ dài, dòng ra ngoài, và cho Nguyên Chấn tuỳ ý kéo lấy một sợi, trúng sợi nào thì lấy người cầm sợi ấy. Nguyên Chấn được kéo sợi tơ đỏ, lấy người con gái thứ ba, rất đẹp.
543. Ba đông: ba năm để tang.
544. Chầy: còn chậm, còn lâu ngày.
545. Gìn vàng giữ ngọc: giữ gìn thân thể cho được khoẻ mạnh, và cũng ngụ ý giữ gìn mối tình cho được thuỷ chung, trong sạch.
549. Ông Tơ: Theo sách Tục U Quái lục: Vi Cố người đời Đường, đi cầu hôn, vào nghỉ quán trọ, gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng, mở cái túi vải, đang kiểm sổ sách. Vi Cố hỏi, ông già trả lời; Đây là sổ sách hôn nhân, và chiếc túi vải này dùng đựng những dây đỏ (xích thẳng) dùng để buộc chân đôi vợ chồng. Do điển này mà có những danh từ “ chỉ hồng”, “tơ hồng” để chỉ việc nhân duyên vợ chồng, và “Nguyệt Lão” (ông già dưới trăng), “Trăng Già’, “Ông Tơ”, để chỉ người làm mối mai. Tục xưa: khi cưới vợ, thường làm lễ Tơ Hồng, tức là tế ông Nguyệt Lão xe dây đỏ đó.
556. Ôm cầm thuyền ai: ôm đàn sang thuyền của người khác, tức là đi lấy chồng khác.
566. Quyên: chim đỗ quyên, tức chim quốc. Đây tả cảnh cuối hè, sang thu. Tiếng quyên kêu còn ra rả (nhặt) đầu cành và bóng nhạn đã thấy bay loáng thoáng (thưa) ở chân trời.
567. Cữ, tuần: người xưa thường tính bảy ngày là một cữ, và mười ngày là một tuần.
568. Tương tư: nguyên nghĩa là ở xa cách mà cùng nhớ nhau, sau người ta mượn để nói sự nhớ nhau của đôi trai gái yêu nhau.
570. Chín hồi: do chữ cửu hồi, ruột chín lần bị đau quặn lại.
(Theo bản Truyện Kiều – NXB Giáo dục 1984)
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: