Chủ nhật, 22/12/2024,


VAY VÀ TRẢ (25/06/2008) 

Đặng Vương Hưng 

Cho anh vay một... nụ cười

Mai anh xin trả em mười... cái hôn

Cho anh vay một... cái hôn

Mai anh xin trả em còn gấp trăm...

 

Nếu vay được… nửa đêm nằm

Anh xin gán nợ... đời mình trả em!

 

                                      1988-2002

 

'Anh ta chỉ mượn cớ 'vay' để được 'trả'. Hẳn là để thăm dò ý tứ  'người ta', nên việc vay mượn mới được tiến dần từng nấc, cuối cùng bộc lộ ý muốn được 'gán nợ'.

Trả nợ mà được tất như thế thì... ai chẳng muốn vay!”

                                          (Ngô Thanh Tú)

“Hai lần 'vay' đầu được hỏi rất thẳng thừng 'Cho anh vay một...' Nhưng đến lần thứ ba, thì không dám liều mạng nữa rồi, chỉ ỡm ờ: 'Nếu vay được nửa...'. Đó là sự đáo để kiểu 'dân gian' trong anh chàng thi sĩ hiện đại, có phần hóm hỉnh. Và đó cũng chính là cái duyên thấp thoáng trong bài thơ, phải ngẫm nghĩ mới thấy.”

                                         (Hồ Thuỷ Giang)

 

“Xin đừng đổ lỗi cho hai chữ 'Vay-Trả' hay sự 'lỗ-lãi'. Lẽ nào chỉ thấy những câu thơ tăng tiến theo cấp  số nhân, những dòng thơ hóm hỉnh, mà quên đi những dấu chấm lửng dè dặt và dấu chấm cảm chân tình? Nếu thiếu điều đó, ắt chẳng cô gái nào dám 'cho vay', dẫu chỉ một nụ cười. Và nếu không được thuận tình, thì chàng trai cũng không thể cứ đòi 'vay' mãi!

Thì ra, chuyện 'Vay và Trả' chỉ là cái cớ. Làm gì có sự lỗ lãi và sòng phẳng trong tình cảm! Lấy đời thường khô khan để ẩn chứa cái tình, đó mới là dụng tâm của tác giả.”

                         (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

 “Phảng phất một bài ca dao xưa kiểu tát nước đầu đình”, nhưng lời đề nghị thì táo bạo hơn và cũng ẩn ý chứa thông điệp tình cảm mãnh liệt, thực tế hơn. Nhưng sao vẫn có một cái gì đó như vị đắng trong tim: Tình yêu mà phải vay và trả, giống như món nợ đời trăm năm trói buộc chưa hết? Nếu vậy thì còn gì là thơ mộng, ngọt ngào và đắm đuối nữa!

Nhà thơ mơ hồ nhận thấy tình yêu trong thế giới vật chất hôm nay nhiều khi chỉ là sự 'vay - trả' đến phũ phàng và nhói đau những trái tim nhạy cảm. Cứ ngỡ bài thơ là một lời thơ tỏ tình ranh mãnh, dí dỏm nhưng lại giấu một tiếng thở dài lặng lẽ khôn nguôi.”                          

                                         (Hoài Hương)

 

“Thật ra chỉ mượn… cớ thôi /  Nào ai đã dám đi đòi người dưng /  Con nợ là… Đặng Vương Hưng / Nên lời thơ cứ ngập ngừng dễ thương”.

                             (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Xưa nay, người ta mới chỉ vay mượn nhau tiền bạc, vật chất (những thứ đều có thể cân đong, đo đếm và tính thành lãi suất được), chứ chưa ai vay mượn nhau tình cảm. Cái hóm hỉnh và bất ngờ nhất của “tứ” thơ là ở chỗ ấy.

Thú thực, khi mới đọc bốn câu đầu, tôi đã giật mình. Bởi cứ đà lãi suất tăng dần theo cấp số nhân thế thì nguy quá: Chuyện “vay và trả” này ắt sẽ đi tới chỗ... phá sản! Nhưng đọc xong hai câu cuối thì tôi lại hoàn toàn yên tâm, có thể thở phào nhẹ nhõm.

Và tôi chợt nghĩ: Nếu những người đàn ông đã “trót vay” rồi mà ai cũng sòng phẳng và dám chịu trách nhiệm “gán nợ... đời mình trả em” như thế thì hẳn phụ nữ sẽ có nhiều người sẵn sàng và tình nguyện cho “vay” trước!”      

                                     (Lê Đình Thắng)

 

 

-------

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 19/12/2014 18:29:10)

VAY NỢ
Cho anh vay một nụ cười
Mai sau anh trả gấp mười gấp trăm
Nếu được vay nửa đêm nằm
Anh xin gán nợ trăm năm đời mình
Xuân Ngọc

Các bài khác: