Thứ năm, 25/04/2024,


Lê Đình Cánh và "Dòng sông Lục Bát" (31/08/2015) 


    Với thơ. Với Lục bát, từ khá lâu, Lê Đình Cánh đã có riêng vùng công chúng rộng lớn trên thi đàn đất nước.
    Dọc bến bờ xa chảy, thi sĩ này với mạch nguồn thơ ấy đã làm nên dòng sông thật rờn xanh, thật lung linh, đượm nồng nơi bến bờ lắng thấm.


    Còn nhớ. Từ những năm 1971, khi bài thơ “Một mình anh đi” viết về Thái Bình trong chùm thơ được giải cuộc thi Báo Văn nghệ của Lê Đình Cánh, câu thơ “Rõ ràng quê gạo là đây/ Lúa vào tận phố, lúa vây tận nhà…” được đẻ ra từ trực giác, từ cái nhỡn tiền đã làm nhiều người viết cảm phục sự phát hiện hết sức điển hình của thi nhân viễn khách.

    Trong gia tài thơ lục bát, mô tả cái vô biên độ thuộc hiện thực của thế giới bên ngoài, phải nói, Lê Đình Cánh có khá nhiều câu thơ thật hay. Nhãn tự ở đây có từ cảnh hay sự? Hay từ hình thi, Tâm thi được nhà thơ dẫn đến ngôn thi?

 

     Giữa nhiều chiều trong mối liên hệ làm phát lộ những câu thơ thăng hoa ấy, thơ Lê Đình Cánh bộc lộ nét mạnh, nét trội vượt ở một tầng nổi, ở khả năngquan sát . Ví như, câu thơ viết về người mẹ từ nhà quê lên tỉnh, vẫn mãi còn được nhiều người truyền nhớ: Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào.

   

    Dường như, làm nên phần hơn ở một phía cái nhìn, Lê Đình Cánh, nhà thơđượm nồng, tươi xanh, hóm và tinh tế này luôn ý thức bám chặt, luôn đẩy tới cái cốt lõi nhất, cái gốc rễ nhất của thơ. Đấy là, phần hơn, phần trội vượt khác, ở một tầng chìm sâu. Ở sự phát hiện. Sự khám phá. Sự thấm loang của chân trời thơ trong ý nghĩa sâu xa, vang động.

   

    Không ồn ào, gân guốc, dọc hành trình, Lê Đình Cánh, nhà thơ của yêu say, luôn đi giữa ba dòng Thiên - Địa - Nhân mà ngắm nhìn, mà nhập hòa, mà con tim tự dào lên khúc hát. Có cảm giác, trời phú cho ông sức rung, sức ôm trùm đa chiều giữa nội tâm và ngoại giới. Những câu thơ mang vía hồn dân tộc, vía hồn đất đai, quê kiểng với bao nhiêu cảm thương, da diết. Những bâng khuâng, thương nhớ quặn lòng. Ở nhiều phía quan tâm, từ thế sự, đến nhân tình thế thái. Đến những cảnh huống giữa việc và người. Giữa người và cảnh, trong biến đổi, trong “ái - ố - hỷ - nộ”… Thơ Lê Đình Cánh để lại cái ám ảnh, cái mông lung, của cõi hồn dễ thắt se, run rẩy:

 

Một thời bến lú, đò mê
Nơi thương thì có, nơi về thì không
Người về bến cũ ngoái trông
Đời người chảy ngắn. Đời sông chảy dài

   

     Đấy là, khi đứng trước dòng sông với tiếng “Gọi đò.” Còn đây là “Người về Bảo Lộc,” trước bao nhiêu biến thiên của năm tháng cõi người:

 

 Đất quê bay lỡ cánh cò
Sông quê chảy lỡ câu hò lứa đôi
Rồi:
Xe tơ từ thuở dại khờ
Luồn kim qua tuổi mắt mờ người ơi…

   

    Từ tập thơ “Đất lành” đến “Sông Cầu Chầy,” trên dòng trôi qua bao tháng năm rộng dài của tự sự. Tự sự để kể việc. Tự sự để tả cảnh, tả tình. Tự sự để tái tạo, sáng tạo. Tự sự để tìm ra tia sáng hồn mình…Người đọc luôn gặp Lê Đình Cánh, sẵn chứa trong tim một hồn thơ dễ vang chấn, trước bộn bề thời cuộc. Dễ lấp lánh qua những vỉa tầng va đập, để rồi, thi sĩ của độc đáo trong trực giác, sâu xa trong tư duy, phát kiến. Thơ ông đi từ sự đến sự. Từ sự đến cảnh. Đến những cảnh huống từ “sự cảnh” ấy sinh ra. Có điều, qua cảm rung người viết, mọi sự kia chỉ còn là cái cớ. Nổi đấy, mà mờ đi. Để rồi, chỉ còn thấysáng, thấy động cái hình hài của thi nhân trong suy tư, triết thuyết:

 

Ở rừng từng hát ru nhau
Lá trầu chị héo, quả cau em già

    

    Đấy là nỗi niềm, thân phận. Và đây nữa, vẫn là tâm trạng ấy trong các mối quan hệ đan xuyên, trong nghệ thuật thơ đồng hiện giữa “cảnh - sự và tình”:

 

Chốn quê vẹo cột vênh kèo
Ốc cam phận ốc lại đèo kiếp rêu.
Hoặc:
Mải lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rỗi để thành vọng phu.
Hoặc:
Ơi người áo mũ cân đai
Nắm xương có xếp vào hai tiểu sành.

     

    “Tình - Tinh - Sâu - Và, Hóm.” Thơ Lê Đình Cánh đa mang, đa sầu muộn. Nhưng, thơ ông cũng thật trẻ, thật tươi xanh trong nhóm thi sĩ, ngự “chiếu hạng đệ nhất” thơ tình.

 

Đấy là, khi đứng trước lứa đôi:
Chợ tình xa mấy cũng đi
Rơm khô tự cháy trước khi lửa kề
Tình yêu như thể chơi đề
Đợi con độc đắc lại về trắng tay
Đấy là, khi gặp Chí Phèo, Thị Nở:
Ả ngớ ngẩn, gã khùng điên
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người
Đấy là, khi đến với “Lễ hội tắt đèn”:
Cõi tình hạn hán từ lâu
Nghe cau căng nhựa, nghe trầu ứ men

Để rồi:

Bãi bờ nén tiếng, kìm hơi
Nghe bung dải yếm, nghe rời thắt lưng
Đấy là, “Khi hát Karaôkê”:
 Ấy đừng gọi bố xưng con
Đôi hàm răng giả vẫn còn hát hay
Đèn mờ anh hát mỏi tay
Người ơi hát hết cung này, đoạn kia
Đấy là, khi với tình già:
Hẹn hò đi tập dưỡng sinh
Chiếu giường nhấp nhổm bình minh mỗi ngày      

Để rồi:

Nẻo đường bồ bịch cong cong
Vừa lo thoát khỏi. Vừa mong nhảy vào

Và:

Đố ai hết nợ đàn bà
Để tôi cắt tóc bỏ nhà đi tu …

   

     Quả tình, từ “Đất lành” đến “Sông Cầu Chầy,” trong hành trình miệt mài, xoáy xiết, Lê Đình Cánh với “dòng sông Lục bát,” với công cuộc đào quặng, tìm vàng, thi sĩ lục bát này không gồng mình, bám lấy cái lạ, cái phá cách của trắc bằng, nhịp điệu, của những gì là hỏa mù, là phi nghĩa thi ca…

   

     Với trái tim giàu yêu thương, mê đắm. Với sự quan tâm trước thế sự, trước cái Đẹp cuộc đời… Thơ Lê Đình Cánh ở những thể loại khác cũng thật vững và Hay. Nhưng, Lục bát của ông, nhiều bài hay ở bài. Nhiều bài Hay ở câu. Hay ở Tâm thi. Hay ở sự bùng nổ của ngôn ngữ. Ở cái bất ngờ, cái lung linh ở ảnh hình, thi tứ.

   

      Và, Lê Đình Cánh, một dòng sông thơ lục bát.
    

      Ông có riêng vùng công chúng rộng lớn yêu say và cảm phục thơ ông.

 

Kim Chuông


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: