Thứ năm, 25/04/2024,


Cảm nhận về bài thơ “ Trước bàn thờ Liệt sĩ Hoàng Đức Khoa” (25/07/2015) 

 

TRƯỚC BÀN THỜ LIỆT SĨ HOÀNG ĐỨC KHOA


Đào Đức Trang




Cha hi sinh ở Trường Sa
Mẹ đau bệnh mất theo cha năm rồi.
Ông bà già – Cháu mồ côi,
Có tình Làng – Nước dần vơi đau buồn.

Nén nhang kính gọi hương hồn
Để âm dương cõi không còn cách xa:
Cha linh giúp giữ Sơn hà
Mẹ thiêng phù hộ ông bà nuôi con!

Chúng tôi làng xóm, nước non
Ngày này tháng Bảy: vẹn tròn chữ Tâm
Ơn người đánh đuổi ngoại xâm
Tấm gương Liệt sĩ hiến dâng thân mình.


Một Việt Nam mãi đẹp xinh
Dân giàu, nước thịnh, hòa bình muôn năm!
Hôm nay nhân dịp đến thăm
Chút quà tình nghĩa hàng năm gọi là:


Mong cho sức khỏe ông bà
Chăm ngoan hai cháu: một nhà yêu thương!
Đ.Đ.T

(Rút từ tập thơ lục bát “Tình người Cửa biển” của Đào Đức Trang, NXB Văn học 2014)


Cảm nhận:

   Bài thơ ta vừa đọc lên đoạn đầu, nghe như lời kể của hàng xóm, người cùng làng nước với gia đình Liệt sĩ Hoàng Đức Khoa ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Liệt sĩ Khoa hi sinh tại Trường Sa năm 2011,có vợ cũng vừa mất đầu năm 2014 do bệnh nặng, để lại hai con nhỏ cho ông bà nội nuôi. Bằng vần điệu, ca từ mạch lạc - tác giả dẫn chúng ta vào thắp hương anh nơi bàn thờ tại gia đình.


   Từ đoạn tiếp theo đến tận cuối bài thơ là lời khấn bằng văn lục bát, có mở có kết, đi từ trang nghiêm, mong hồn thiêng vợ chồng liệt sĩ cùng hiện về:


“Nén nhang kính gọi hương hồn
Để âm dương cõi không còn cách xa”


    Hai câu thơ: “Cha linh giúp giữ Sơn hà - Mẹ thiêng phù hộ ông bà nuôi con!” gợi cho chúng ta nhớ tới lời ca ngợi những liệt sĩ nông dân trong bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu năm 1861: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh …” Dân tộc Việt Nam bao đời nay vẫn vậy, các liệt sĩ là sống mãi với non sông, sống mãi trong sự ngưỡng mộ và noi gương họ của chúng ta. Tác giả kể gia cảnh liệt sĩ Khoa: vợ bị bệnh mất sau khi anh hi sinh để lại “ Ông bà già – Cháu mồ côi”. Trước bàn thờ, trong lời khấn ở câu lục là lòng mong muốn hồn thiêng anh giúp nước thì ở câu bát tiếp theo chúng ta ước vong linh chị luôn phù hộ gia đình bớt khốn khó. Nhờ tác giả sử dụng nghệ thuật đối - ứng trong lục bát mà người đọc cảm nhận anh chị là thần linh đã và đang giúp chúng ta bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, hướng tới tương lai tốt đẹp!


    Cả nước theo chủ trương của Đảng, Nhà Nước: mỗi tổ dân cư đều có quỹ “đền ơn đáp nghĩa” do các hộ gia đình đóng góp. Trong năm đúng vào ngày mất của liệt sĩ, tổ cử đại diện đến thắp hương bàn thờ tại nhà và lắng nghe nguyện vọng thân nhân họ để giúp đỡ hoặc đề xuất với cấp cao hơn. Ngay tổ nơi tôi thường trú, liệt sĩ các thời kì chống giặc ngoại xâm Pháp, Mĩ, Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc đều được bà con xóm phố để tâm chăm sóc gia đình họ. Vào ngày kỉ niệm chung 27/7 còn có thêm quà của đoàn thể, chính quyền từ trung ương tới địa phương. Gia đình liệt sĩ Khoa, theo lời tác giả kể: hôm 23/7 năm ngoái đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân tặng quà và tặng thêm 60 triệu đồng để sửa chữa căn nhà cha mẹ cùng hai con của anh chị:


“Hôm nay nhân dịp đến thăm
Chút quà tình nghĩa hàng năm gọi là!”

    Quà dù bao nhiêu cũng chỉ là chút vật chất nhỏ bé thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến:

 

“Chúng tôi làng xóm, nước non
Ngày này tháng Bảy: vẹn tròn chữ Tâm
Ơn người đánh đuổi ngoại xâm
Tấm gương Liệt sĩ hiến dâng thân mình.”


     Và cũng giống như mọi bài văn khấn, sau những lời tri ân là lời hứa của chúng ta nguyện giữ cho đất nước:


“Một Việt Nam mãi đẹp xinh
Dân giàu, nước thịnh, hòa bình muôn năm!”


     Trước bàn thờ liệt sĩ Hoàng Đức Khoa, chúng vừa nghe xong bài khấn vọng tới hồn thiêng anh chị bằng những vần thơ lục bát giản dị, không gợn chút màu mè tô vẽ cho cả hai: Người liệt sĩ đã hiến dâng xương máu của mình cho Tổ quốc; nghĩa khí của họ là của những anh hùng dân tộc – Và chúng ta, những người đang được hưởng thành quả của họ mang đến hiển hiện hàng ngày: vui khỏe, bình an và hạnh phúc!


     “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”: Cảm ơn tác giả đã nói hộ chúng ta tất cả những mong muốn gửi tới liệt sĩ Khoa và đồng đội anh, những anh hùng hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.


Người cảm nhận: Vũ Thị Bình
Số 4/27 Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng
Điện thoại: 0313 853785.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đào Đức Trang - daoductrang52@gmail.com - 01666098889 - Số 22/111, Lê Lợi , Hải phòng.  (Ngày 15/08/2015 23:41:45)

Cảm ơn Nhà Thơ Trịnh Toại, sĩ quan cao cấp QĐND Việt Nam đã động viên và chia sẻ với tác giả bài thơ cùng lời cảm nhận, kể thêm của VTB về gia cảnh Liệt sĩ cũng như tấm lòng người dân HP, người dân cả nước "ăn quả nhớ người trồng cây"!
Chúc Nhà Thơ Trịnh Toại cùng gia đình luôn an khang, hạnh phúc và anh luôn có thơ hay cho độc giả được thưởng thức!
( Đ Đ T cũng vừa được đọc thơ anh trên báo in HẢI PHÒNG CUỐI TUẦN )

  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, HP  (Ngày 11/08/2015 22:42:49)

Bài thơ thật cảm động của tác giả Đào Đức Trang, và lời cảm nhận của chị Vũ Thị Bình... Bầy tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc VN. Đồng thời chia sẻ, biết ơn những người mẹ, người vợ liệt sỹ vì lo cho chồng, cho con mà sớm rời khỏi cõi đời này...
Trân trọng cảm ơn tác giả ĐĐT và VTB!

Các bài khác: