Thứ bảy, 20/04/2024,


Nỗi Khắc Khoải khi“ Gặp nhau ở chợ Bến Thành” (01/07/2015) 

 

    Một buổi chiều, tôi nhận được bài thơ “ Gặp Nhau Ở Chợ Bến Thành” của tác giả Hoàng Đình Quang ( Đã đăng báo văn nghệ Quân Đội số 38 tháng 11/2010) từ anh Tô Mai, một người có nhiều tâm huyết với thơ. Đạp xe hơn chục cây số mang bài thơ cho tôi trong cái nóng hầm hập chiều hè.Tôi thầm nghĩ hẳn là bài thơ đã để lại trong anh nhiều cảm xúc. Sau chén trà thơm đãi anh, tôi hào hứng đọc ngay. Qủa nhiên bài thơ làm tôi xúc động.

   

   Những câu thơ lục bát mộc mạc, chân tình đến cháy lòng của người lính đã cứa vào tâm can người lính. Câu chuyện gặp nhau bất chợt của hai người đồng đội đã một thời trận mạc, Một thời đánh Bắc dẹp Đông, một thời chung nước bình tông giữa rừng, một thời bom đạn rát lưng, mà bây giờ:
  “Dễ gì nhận được nhau ngay”. “Thợ cày chán lại con buôn”. Nỗi cực nhọc hai sương một nắng cùng những vết thương làm anh sọm đi trước tuổi. Đất làng giờ đã thành đường, thành phố, anh đành ra chợ làm “con buôn” nhưng:


                                      “Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành
                               Bán mua gì để phong phanh thế này?”

 

     Hàng hóa buôn bán chỉ sơ sài, một mảnh vải bạt, với vài sọt khoai, rau. Cái khốn khó làm anh đến nỗi gặp người đồng đội cũ mà vẫn “lơ ngơ”, cảnh giác đến sợ sệt, hoài nghi trong cái bắt tay: “ Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn(!)”thì sự cảm thương đến quặn lòng. Âý thế mà có một thời những con người như anh:

                 
                                                                 “ Dại nào bằng cái dại hăng
                                                            Coi ông trời bé chỉ bằng mảnh vung”.


    Chỉ có người lính tay cầm súng, chân đạp rào gai băng mình trong lửa đạn mới có cái “Hăng” như thế.
Những con người một thời xông pha đánh Bắc, dẹp đông, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, bây giờ thi thoảng huân chương đầy ngực về khoe với vợ con hôm nay được bữa cơm chiêu đãi. Ngày mai lại:


                                                               “ Thợ cày chán lại con buôn/
                                                        Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không”.


    Thì câu “ Chiến tranh kết thúc dở ông dở thằng” quả là nghèn nghẹn nỗi chát chua.


   Nhờ số phận may mắn, phúc đức cha mẹ, ông bà, những người lính đã qua được hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, làm trọn trách nhiệm của người trai trong thời chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Rời quân ngũ trở về với đời thường, trong nỗi lo toan vì miếng cơm manh áo, vun vén cho hạnh phúc gia đình, may thay còn có những người vợ tảo tần, sớm khuya chia sẻ. Câu thơ: “ Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo
                                                                 Rượu cho chồng cám cho heo
                                                         Tình tang cho nợ bọt bèo cho thơ”

    thì quả là bi hài. Đọc câu thơ mà ta lại liên tưởng đến những câu trong bài thơ của cụ Tú Xương “Thương Vợ” “ Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng...”.

 

    Nợ người ta, đến hẹn người ta đòi , vài lần khất hẹn nhưng chưa trả được, người ta sẽ nặng, nhẹ réo rắt, Đành phải ngọt nhạt thậm chí lạy lục van xin, nước mắt rơi lã chã, ấy vậy mà tác giả dùng câu : Tình tang cho nợ thì khéo thật và đắt thật !
Hoàng Đình Quang đã chạm vào được nỗi đau đớn nhất:


                                                                 “Thương đàn con dại ngẩn ngơ
                                                          Di truyền cả cái khù khờ của cha”.


   Thân mình, số phận dù có hẩm hiu đến đâu, những người làm cha, làm mẹ đều khao khát mong cho con mình được khỏe mạnh, học hành, sung sướng. Chỉ một đứa con đau ốm đã làm ta lo, buồn, mất ăn mất ngủ, thế mà hàng ngày phải nhìn một đàn con ngẩn ngơ,( Hậu quả của nhiễm độc chiến tranh) di truyền cho mãi mai sau thì nỗi đau xé lòng, như bị rứt dần từng khúc ruột vứt đi.

 

    Những người sắt đá nhất tôi tin khi đọc câu thơ này cũng phải nghẹn nghào rơi lệ.
Vì những đứa con “ Ngu ngơ” ấy mà người cha, người lính đã tàn nhưng không chịu phế vẫn cắn răng, gồng mình lên:


                                                                “ Long đong ở giữa quê nhà
                                                          Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn...”

 

    Những nhà hàng sang trọng, máy lạnh ro ro, trong ấy những người có tiền đang hưởng thụ đặc sản, rượu tây, thì dưới gốc cây quán cóc hai người CCB cũng: “ Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang”. Tuy nghèo khó nhưng họ không hèn, họ tự hào với một thời gian truân, trận mạc,với những chiến công và hạnh phúc trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn giữa rừng cờ hoa chào đón. Để đến hôm nay vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ thương đồng đội:


                                                             “ Tay run, mắt đỏ, ly tràn
                                                     Rót vào bao nỗi ngổn ngang tháng ngày
                                                             Chúng mình sống đến hôm nay
                                                    Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già”.

 

    Người lính chịu bao nỗi đau mất mát vẫn thấy mình còn may mắn, hạnh phúc lắm, còn được chén rượu suông mà “ Nhắm với thời vinh quang”.


     Câu kết của bài thơ đã để lại khắc khoải đến im lặng :


                                                        “ Bạn ngồi bạn uống rượi khan
                                                    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!”

 

     Đọc xong câu cuối, bất chợt một giọt nước mắt rơi xuống chén trà khi tôi nâng lên mời anh. Xin cám ơn anh và tác giả đã cho tôi được đọc một bài thơ hay để lại lay động, ám ảnh trong tâm can người đọc trong những ngày tháng bẩy này.

 

Đỗ Minh Tâm

                                                    ==================

Trân Trọng Giới Thiệu Bài Thơ


GẶP NHAU Ở CHỢ BẾN THÀNH 

 


Ơ này quen quá ai ơi!
Hóa ra ông bạn từ thời chiến tranh
Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành
Bán mua gì để phong phanh thế này


Dễ gì nhận được nhau ngay
Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn(!)
Thợ cầy chán lại con buôn
Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không?


Một thời đánh Bắc, dẹp Đông
Chiến tranh kết thúc dở ông, dở thằng
Dại nào bằng cái dại hăng
Coi ông trời bé chỉ bằng mảnh vung!


Aó cơm là thứ lạnh lùng
Có khi vũng nước anh hùng sa cơ...
Phô răng cười giữa ngã tư
Vèo vèo xe cộ, lừ đừ bạn tôi


Gốc cây, quán cóc ta ngồi
Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang
Tay run, mắt đỏ, ly tràn
Rót vào bao nỗi ngổn ngang tháng ngày


Chúng mình sống đến hôm nay
Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già
Ơn trời đất, ơn mẹ cha
Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo


Rượu cho chồng, cám cho heo
Tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ
Thương đàn con dại ngẩn ngơ
Di truyền cả cái khù khờ của cha!


Long đong ở giữa quê nhà
Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn...
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!


Tập thơ Hát Chẳng Theo Mùa
Hoàng Đình Quang - NXB HỘI NHÀ VĂN
V.N Quân Đội cuối tháng số:38 Tháng 11/2010

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: