Thứ sáu, 29/03/2024,


"Muộn đò" - Bản nhạc chậm chứa chan tình ý của Nguyễn Ngọc Hưng. (03/05/2015) 

 MUỘN ĐÒ

 

 

Muộn rồi, đã muộn rồi sao
Buồng cau phai biếc dây trầu héo xanh
Đôi chim học hót trên cành
Ngập ngà ngập ngọng tiếng anh tiếng nàng…

 

Bến đò vẫn bến đò ngang
Nam xuôi biển, bắc ngược ngàn… nỡ sao?
Dòng xưa vẫn sóng dạt dào
Đêm còn nửa bóng hanh hao trăng vàng

 

Phải chăng em, đã muộn màng
Không còn kịp chuyến đò ngang nữa rồi
Bơi mình tôi, lội mình tôi
Biết ai chia sẻ lở bồi đục trong?

Lối về khúc thẳng khúc cong
Nhà ai trước mặt tôi vòng sau lưng
Xa nhau đã cực chẳng đừng
Lỡ mà gặp lại… người dưng… đau lòng!

 

Đã qua thời lúa xanh đòng
Sao còn đỏ mắt riềng dong đợi gì
Về thôi em, hãy về đi
Lửa rơm dễ bén bấc chì khó tan!

 

Không cùng củi lửa tro tan
Đành gom hương nhớ thả làn gió bay
Đò ngang muộn chuyến cuối ngày
Biết là sông hẹp đêm nay rất dài…

 

Nguyễn Ngọc Hưng.

 


Muộn đò - Bản nhạc chậm chứa chan tình ý của Nguyễn Ngọc Hưng.

 

 

 

“Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa đêm tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh”
(Tương tư 1940-1942 – Trần Huyền Trân)

 

    Đọc “Muộn đò” của Nguyễn Ngọc Hưng, tự nhiên tôi lại nhớ câu thơ trên, cái xa vắng, cái lạnh lẽo, cái buồn man mác lan tỏa từ chữ đầu đến chữ cuối chầm chậm, chậm ngấm vào lòng tôi.

   

    Bài thơ này được viết theo thể thơ lục bát. Chọn thể thơ này, phải chăng Nguyễn Ngọc Hưng cũng có ý tạo nên một bản nhạc chậm, da diết:

Muộn rồi, đã muộn rồi sao
Buồng cau phai biếc dây trầu héo xanh
Đôi chim học hót trên cành
Ngập ngà ngập ngọng tiếng anh tiếng nàng…

 

     Ngay từ đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ: Muộn rồi, đã muộn rồi sao; Muộn rồi được láy lại thể hiện một tâm trạng thảng thốt, ngỡ ngàng không thể tin được. Hỏi đi, hỏi lại, rồi ngẩn ngơ trước cau phai, trầu héo, kể cả đôi chim cũng không còn líu lo,véo von mà “ngập ngà ngập ngọng”. Từ” ngập ngà ngập ngọng” Hưng dùng ở đây thật đắt. Đôi chim đã ngập ngọng, hay anh và nàng đã ngập ngọng vì chưng: Muộn rồi. Hình ảnh này còn diễn tả tâm trạng bối rối, bẽ bàng không thể thanh minh hay giãi bày cái sự “sớm”, nguyên cớ tạo ra cái sự “muộn” kia.

 

     Nếu như ở khổ thơ đầu là tâm trạng ngỡ ngàng, xa xót thì ở khổ thơ thứ hai như một lời trách móc:

 

Bến đò vẫn bến đò ngang
Nam xuôi biển, bắc ngược ngàn… nỡ sao?
Dòng xưa vẫn sóng dạt dào
Đêm còn nửa bóng hanh hao trăng vàng

 

     Hàng loạt hình ảnh thân thuộc, gợi cảm trong thơ ca xưa đã được tái hiện trong bức tranh quê sinh động: Bến đò, dòng xưa, trăng vàng. Để rồi những hình ảnh ấy xoáy vào tâm can ta những kỷ niệm, những hồi ức thật trong sáng, thánh thiện và quí giá. Những hình ảnh này thật quen mà cũng thật lạ: quen vì vẫn là bến đò, dòng sông, trăng vàng…lạ là vì có bến , có sông mà chẳng có đò, có trăng vàng mà chẳng có người tát nước. Bến đò vẫn còn đây, dòng xưa vẫn dạt dào, trăng vàng vẫn tỏa bóng…những chứng nhân của tình yêu vẫn soi rọi thế mà con đò đã xuôi biển hay ngược ngàn, ra bắc hay vào nam rồi. Cái cách kết hợp: Xuôi - ngược, bắc - nam, biển -ngàn của tác giả cũng thật độc đáo. Mượn hành trình để tạo cái cớ “ muộn” như một lời phân bua khéo léo. Không tả đò mà chỉ gợi hành trình “nam xuôi biển, bắc ngược ngàn”; không một câu trách móc, chỉ một từ “nỡ” thôi cũng đủ để thấy nhà thơ trân trọng hình bóng quá khứ và tiếc nuối với kỉ niệm thế nào.

 

     Mượn hình ảnh “dòng xưa vẫn sóng dạt dào” để gửi gắm tâm trạng của mình cũng là một cách thể hiện khôn ngoan và tinh tế- điều thường gặp trong thơ Hưng.

 

Phải chăng em, đã muộn màng
Không còn kịp chuyến đò ngang nữa rồi
Bơi mình tôi, lội mình tôi
Biết ai chia sẻ lở bồi đục trong?

 

    Khổ thơ được đóng khung bởi hai câu hỏi tu từ, có vẻ như “tôi” đã chấp nhận cái sự muộn. Phép đảo ngữ kết hợp với nghệ thuật đối: “Bơi một mình tôi, lội một mình tôi” như nhấn mạnh cái trơ trọi, cái trống vắng, không ai sẻ chia, không ai bên cạnh cuộc đời còn lắm lở bồi, đục trong. Cho đến khổ thơ thứ ba, “tôi” mới xuất hiện, xuất hiện trong tâm thế chấp nhận, không còn ngỡ ngàng, không còn trách cứ.

 

 

Lối về khúc thẳng khúc cong
Nhà ai trước mặt tôi vòng sau lưng
Xa nhau đã cực chẳng đừng
Lỡ mà gặp lại… người dưng… đau lòng!

 

Đã qua thời lúa xanh đòng
Sao còn đỏ mắt riềng dong đợi gì
Về thôi em, hãy về đi
Lửa rơm dễ bén bấc chì khó tan!

 

    Nhưng sao thế! Hình như lửa lòng phải tắt, mà nghe ra vẫn còn quyến luyến quá đỗi: Đi vòng sau nhà vì sợ lỡ gặp. Câu thơ: “Lỡ mà gặp lại… người dưng… đau lòng” được ngắt ra làm ba nghe vừa như ngại ngùng, vừa như khí khái, lại vừa như pha chút xót xa. Chỉ vì “muộn” mà thành ra lỡ dở, chỉ vì “muộn” mà thành ra người dưng, chỉ vì muộn mà thành ra đau lòng- mà thực ra cũng sợ người dưng đau lòng. Một câu thơ ẩn chứa tầng tầng ý nghĩa, hiểu nghĩa nào cũng thấy xót xa. Chưa kể những hình ảnh như: “đỏ mắt riềng dong”, “lửa rơm dễ bén bấc chì khó tan” cũng thật giàu ý nghĩa. Hoa dong riềng nở đỏ góc vườn như mắt hoe đỏ đợi chờ…Chờ ai, ai chờ, chờ điều gì đều ẩn ý cả. Câu “Lửa rơm dễ bén bấc chì khó tan” cũng chứa đựng ẩn ý dặn người, dặn lòng như thế. Giọng thơ ở hai khổ thơ này mới thật tha thiết làm sao, ngọt ngào làm sao. Vậy mà sao vẫn pha chút mằn mặn, chua chát. Nhưng, vượt lên tất thảy là sự thứ tha, là sự hy sinh, là sự kìm nén. Đó không chỉ là tình, đó còn là bản lĩnh mà không phải ai cũng có được.

 

Không cùng củi lửa tro tan
Đành gom hương nhớ thả làn gió bay
Đò ngang muộn chuyến cuối ngày
Biết là sông hẹp đêm nay rất dài…

 

    Khổ thơ cuối hay quá! Không thể cùng nhau sống tới răng long đầu bạc, cùng nhau đi đến tận cùng trời cuối đất được thì “gom hương nhớ thả làn gió bay”, chút tơ duyên, tình ý gửi làn gió mang đi. Khôn ngoan quá! Lãng mạn quá! Mà cũng lém lỉnh quá! Như thế khỏi sợ người dưng đau lòng, khỏi sợ riềng dong đỏ mắt, khỏi sợ tiếng bấc tiếng chì…Vậy nhưng, biết là đã muộn đò, biết là con sông hẹp, biết là bơi một mình, lội một mình… vẫn còn trằn trọc, bâng khuâng. Tình ơi là tình! Người ơi là người! Sao thế…

 

    “Muộn đò” là một bài thơ hay: lỡ làng mà không bi lụy, da diết mà không níu kéo… Bài thơ như một làn điệu dân ca trong trẻo, thánh thiện, chứa chan tình ý.


Lê Thị Hương Thủy 

(283/ Tiểu La - Đà Nẵng - ĐT: 0936366178)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: