Thứ năm, 21/11/2024,


Tóc mây... Giờ lẫn màu mây... (15/04/2015) 


GỠ TÓC

 

Chử Thu Hằng

 

Em ngồi hong mớ tóc mây
Gỡ từng sợi một
Gỡ ngày tháng qua
Sợi này óng chuốt, nuột nà


Hương thơm tự buổi xanh xa ướp vào
Sợi này gầy mỏng hanh hao
Bão giông cuộc sống thưở nào đi qua
Sợi này mềm mại thướt tha


Tóc thề xưa…
Dễ chi mà nguôi quên
Nhặt dăm sợi úa dưới thềm
Thổi đi cát bụi…
Nâng trên tay gầy


Tóc mây…
Giờ lẫn màu mây
Em ngồi gỡ tóc
Chuốt ngày đi qua…

(Rút trong tập thơ Cõi riêng, NXB Hội Nhà văn, 2012)

 


Tóc mây… Giờ lẫn màu mây...
 

    Ai mà không có lúc ngồi nhớ lại những chặng đời mình đã đi qua, nhất là với những người đã ở một độ tuổi nào đó, đã từng trải ít nhiều. Những người ấy số đông thường lại là phụ nữ, bởi người con gái rất quan tâm đến tuổi tác, với họ, thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”…

      Ba chục tuổi đã giật mình lo ngại, khi chưa có một mảnh tình vắt vai, “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Ba mươi nhăm vẫn “chưa”, thì biết là mình đã lỡ không chỉ một hai chuyến đò! Mà có nguy cơ lỡ cả một chuyến đò đời, nếu cái tuổi bốn mươi đang ngấp nghé… Tôi chưa biết hoàn cảnh gia đình của tác giả bài thơ này, nên những dòng trên chỉ là nói chung về tâm lý phụ nữ. 
 

   Người phụ nữ có nhiều cơ hội để nhớ lại: đi ăn cưới một người bạn, người thân trong gia đình, hay ngồi đan chiếc áo len khi những cơn gió cuối thu đang nhắc nhở lại một mùa đông sắp qua đi, một mùa xuân rồi ập đến. Ta vẫn ở tình trạng này ư ?..


    Để nói đến thời gian đang qua đi, hiển thị ngay trên cơ thể người phụ nữ thật không gì bằng nói về mái tóc (cái răng cái tóc là góc con người) của chính mình. Tác giả Chử Thu Hằng đã rất ý thức được điều này, chị cấu tứ bài thơ trên cơ sở suy nghĩ ấy, động tác gỡ mái tóc đã trải đời của mình, trên mái tóc ấy có đủ các sắc tố đậm nhạt ghi nhận từng giai đoạn đã qua trong đời chị, bài thơ được cấu tạo bằng một tứ thơ rất vững!
 

   Nhưng muốn thành một bài thơ hay, nó còn đòi hỏi những chi tiết thơ sinh động và đa dạng. Bước thứ hai Chử Thu Hằng cũng làm được như một họa sĩ không những vẽ chân xác từng màu tóc mà với cả tính chất của màu sắc đó do thời gian đã điều chỉnh qua từng cấp độ:
Đầu tiên là loại tóc:
                                             

 Sợi này óng chuốt nuột nà

 Hương thơm tự thuở xanh xa ướp vào 
 

       Mái tóc chị vẫn còn lưu giữ được một phần tuổi xanh xa chứng tỏ chị chưa đứng tuổi. Chị vẫn còn độ tuổi mà tóc như có hương thơm tự nhiên ướp vào, chẳng phải nước hoa, son phấn gì.
                                       

 Sợi này gầy mỏng hanh hao

Bão giông cuộc sống thuở nào đi qua

 

        Vậy là chị đã từng trải bão giông của cuộc sống, không còn non trẻ gì nữa, nhưng…

 Sợi này mềm mại thướt tha

Tóc thề xưa…

Dễ chi mà nguôi quên

    Sắc thái thứ ba này như tác giả muốn hiệu chỉnh cái màu gầy mỏng hanh hao, làm người đọc ngỡ nhân vật hơi luống tuổi. Sắc thái thứ ba này có lẽ ở khoảng giữa hai sắc thái đầu, chứng tỏ nhân vật từng có thời “sắc nước hương trời” với tuổi trẻ hiển nhiên, mà vì khiêm tốn, chị chỉ nói nửa vời bằng ba dấu chấm: Tóc thề xưa…

      Cuối cùng, sau những day trở với từng độ tuổi chị từng đã trải (những sắc độ của màu tóc) vẫn được lưu giữ trên mái tóc chị, chị trở lại với hiện trạng:

Nhặt dăm sợi úa dưới thềm

Thổi đi cát bụi…

Nâng trên tay gầy

Tóc mây…

Giờ lẫn màu mây

Em ngồi gỡ tóc

Chuốt ngày đi qua…


    Đọc lại cả bài để đoán định tâm trạng vui buồn của tác giả, ta thấy chị điểm lại dấu vết của thời gian còn ghi dấu trên mái tóc chị, sự đan xen để nhớ, chứ không để than thân trách phận, không quá nuối tiếc hay ân hận đã qua một thời tuổi trẻ. Không những thế, có chi tiết còn gợi cho ta hình dung chị đã có một thời xuân sắc, yêu và được yêu:

Tóc thề xưa… Dễ chi mà nguôi quên!

Thế còn:

Tóc mây… giờ lẫn màu mây? 
 

      Câu thơ nói về tình trạng tóc đã ngả màu của người phụ nữ được diễn đạt một cách tinh tế! Nêu được trạng thái sẵn sàng chấp nhận những gì thời gian (hay là số phận) đã ban tặng mình là khó lắm! Chử Thu Hằng đã làm được một bài thơ trọn vẹn trên tinh thần đó với một kỹ năng cấu tứ chặt chẽ, chọn chữ dùng rất chuẩn xác, trang nhã: óng chuốt nuột nà, gày mỏng hanh hao, mềm mại thướt tha…Nhưng đến câu thơ đòi hỏi sức khái quát toàn bài, tác giả thật thông minh khi ví màu tóc của mình lẫn với màu mây. Màu mây là màu gì? Một họa sĩ tài năng cũng không thể trả lời trong một câu, bởi màu mây còn thay đổi trong mưa nắng thất thường… pho tự điển riêng của các họa sĩ có ai dám khẳng định rõ màu mây là trắng hay xanh, hay màu xám chì của giông bão?

 

 

Chử Thu Hằng và em gái (2014)

 

     Nhưng ở thơ, người ta chỉ cảm thấy Tóc mây…giờ lẫn màu mây là một câu thơ đẹp, màu sắc đã được định hướng nhờ hai chữ tóc mây, tóc người có tuổi không ai gọi là tóc mây. Hai chữ tóc mây gợi cho ta nghĩ đến sự mềm mượt, óng ả…Ta hãy nhớ đến câu thơ của nhà thơ tiền bối Quang Dũng: Mây ở đầu ô mây lang thang, ta nghĩ ngay đến màu trắng của đám mây, bởi mây rất nhẹ thì mới lang thang trôi nổi, chưa định hướng về đâu! Mây trắng trên nền trời xanh ngắt là vẻ đẹp của bầu trời nhiệt đới. Nhưng không có mái tóc mây nào của người phụ nữ lại màu trắng, họ sẽ là hiện tượng… bạch mao nữ thời hiện tại! Hai câu thơ của hai nhà thơ là hai câu thơ đẹp, nhưng hướng cho độc giả hai cách hình dung trái chiều nhau! Nhờ được giải mã câu thơ của nữ sĩ, ta mới thấy ngôn ngữ Việt tế vi là nhường nào!

    Có lẽ khó có người phụ nữ nào miêu tả thời gian trôi đi, hiển hiện trên màu tóc của bản thân mình mà người đọc vẫn cảm thấy được vẻ đẹp chưa đến lúc bị thời gian làm cho phôi phai theo năm tháng… do thái độ uyên nhiên tự tại, chấp nhận thời tuổi trẻ của mình đang trôi qua, không than tiếc gì, không buồn nản gì, mà còn trau chuốt dòng thời gian ấy như một báu vật trước quy luật của đời sống, của tự nhiên…

 

                                               Nhà thơ Vân Long. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

                                              (ĐT: 0989338533; Email: long.vanlong@gmail.com)    

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  vuthap - vuthap1953@gmail.com - 01682255828 - quangr ninh  (Ngày 09/07/2015 21:37:54)

TÓC MÂY
(thay lời cảm tác..)
Đừng tìm chi nữa (H)ơi!
Hãy nghe gió nói những lời hôm xưa
Thơ em nửa chữ chẳng thừa
Lời em nói hộ tôi vừa hôm qua
Ta về lại tuổi kiêu sa
Tóc màu mây đấy để mà lại xanh
Vẫn còn ánh mắt longlanh
Trắng màu áo trắng nắng hanh sân trường
Cành dâu tắm gió gội sương
Chắt chiu con chữ se vương lòng nguoi
Tìm gì nữa đấy(H)ơi..!
Thơ em hòa với đất trời mãi xanh
.............2013.....(V.T)

  Phạm Minh Anh -  mrduynhat91@zing.vn - 01696180030 - 12D/52 Đổng Quốc Bình, Hải Phòng   (Ngày 17/04/2015 9:54:24)

Bài thơ của nhà thơ Chử Thu Hằng đã kể lại tâm trạng của người phụ nữ đã lớn tuổi khi "hong mớ tóc", lời thơ thật sự làm cháu xúc động vì thấy trong đó có cả hình ảnh mẹ mình đang vất vả nuôi dạy chúng cháu ăn học mặc dù mẹ phải trải qua biết bao "bão giông cuộc sống".
Thêm vào đó là phân tích của nhà thơ Vân Long, bài thơ trở nên sâu sắc hơn với cháu.
Đặc biệt khi đọc những dòng cảm nhận của bác Trang cháu càng thấy những câu lục bát có sức quyến rũ kì lạ nhờ ngòi bút tài hoa của nhà thơ Chử Thu Hằng: Câu thơ giản dị mà sâu xa ý tứ - hiểu ngay đấy nhưng cũng nhớ mãi được!
Cảm ơn bác Trang đã giới thiệu cho cháu đọc bài này và chuyên mục này để nâng cao thêm môn văn. Cháu không ngờ bác gia sư luyện toán mà lại yêu thơ thế. Chúc bác khỏe để dạy dỗ chúng cháu nhé!
Chúc hai nhà thơ Chử Thu Hằng và Vân Long mạnh khỏe, có nhiều thơ hay.
Chúc BBT và lucbat.com ngày càng có nhiều bạn đọc.
P M A ( Trường THCS Lê Hồng Phong, lớp 9D2 )

  Đào Đức Trang - daoductrang52@gmail.com - 01666098889 - Số 22/111, Lê Lợi , Hải phòng.  (Ngày 16/04/2015 19:00:20)

Đọc bài thơ, ta cảm giác như đang chiêm ngưỡng người phụ nữ "ngồi hong mớ tóc mây", một hình ảnh việt quen thuộc đã được các họa sĩ, nhiếp ảnh gia đề cập. Nhiều bài thơ nói về gội đầu, tả về mái tóc ... nhưng đều là của người khác giới chau chuốt ý tứ nhằm ca ngợi ái nhân của riêng mình, đại loại như là: "con đường xưa em đi còn vương mái tóc thề ..."
Tôi yêu câu chuyện "gỡ tóc" của tác giả Chử Thu Hằng: vần điệu nghe tự nhiên mà ngọt ngào đằm thắm ( mang đậm chất giọng phụ nữ Hà Nội gốc ). Chị kể mạch lạc ở đoạn đầu về tóc, nhưng là kể cho mình, thả hồn mình vào đó:
"Sợi này óng chuốt, nuột nà
Hương thơm tự buổi xanh xa ướp vào"
( Nghe như ước mơ thưở thanh xuân được vun trồng đến giờ chị vẫn đang giữ cho mình! )
"Sợi này gầy mỏng hanh hao
Bão giông cuộc sống thưở nào đi qua"
( Tiếc và thương mình phải không chị: Dù là từng tranh đấu với bão giông cuộc đời và có cả sự chấp nhận mất mát! )
"Sợi này mềm mại thướt tha
Tóc thề xưa…
Dễ chi mà nguôi quên"
( Chàng xưa nghe được lời ca này chắc là rung động trái tim lắm đây! )
Đến đây ta tưởng như bài thơ dừng lại cũng đã thấu tình. Nhưng xem chị kìa:
"Nhặt dăm sợi úa dưới thềm
Thổi đi cát bụi…
Nâng trên tay gầy"
Tranh vẽ hay phim trường dù cố gắng cũng sẽ không làm ta xúc động như những câu thơ diễn tả tâm trạng tác giả lúc đó: phải chăng đây chính là sự tuyệt vời của lục bát và văn hóa đọc - hình ảnh chị nhặt từng sọi tóc úa, nâng niu và thổi đi cát bụi .. đẹp quá mà không phân tích được, chỉ có thể cứ để thơ chị ngấm vào làm xao xuyến lòng.
Chính đoạn này khi kết hợp đoạn đầu tạo ra một bài thơ hay, và ở tứ cuối như Vân Long đã bình là câu thơ đẹp ( "Tóc mây…Giờ lẫn màu mây. Em ngồi gỡ tóc Chuốt ngày đi qua…" )
Và Nhà Thơ Chử Thu Hằng với tài thơ trời cho, dù chị đang kể bằng lục bát thì nghệ thuật gieo vần, bẻ câu, dùng từ của tác giả cũng làm chúng ta rung động "nghe" thơ, thưởng thức vẻ đẹp thơ để thêm quý mến chị, yêu thơ chị hơn!
Đ Đ T

Các bài khác: