Nửa đêm chợt thức
Tân Quảng
Vợ nhà nông chồng nhà thơ
Tương cà cõi thực cõi mơ song hành
Người lo cày cuốc mưu sinh
Kẻ lo vun gốc tỉa cành vườn văn
Vui buồn cùng đắp một chăn
Gối đầu lên mỗi nhọc nhằn áo cơm
Xác xơ cọng rạ cuộng rơm
Câu thơ thức ngủ chập chờn đêm mưa
Vợ nhà nông chồng nhà thơ
Trời làm thất bát mất mùa cả hai
Gió khuya như tiếng thở dài
Gầm giường còn sót củ khoai mọc mầm.
T.Q
Bài thơ: “Nửa đêm chợt thức” của nhà thơ Tân Quảng viết theo thể lục bát, ngắn, vỏn vẹn chỉ có 3 khổ thơ với 12 câu. Mặc dù bài thơ ngắn nhưng có tới hai lần tác giả nhắc tới công việc của hai người là hoàn toàn khác nhau.
Người chồng trong bài thơ là nhà thơ, công việc “trời đày” này thật lắm mộng nhiều mơ, cuộc sống lúc nào cũng như đi mây về gió, mộng mị, thực - ảo, mơ mơ màng màng, đó cũng là nỗi đam mê khao khát của những “ Anh chàng si tình ’’ trong cõi nhân gian này. Người thơ ngày đêm “Chập chờn thức ngủ’’ với những câu thơ, ngày đêm lo chuyện “Vun gốc tỉa cành vườn văn”. Ở đây tác giả đã hình tượng hoá công việc của nguời làm thơ thành công việc của một người nông dân, biến những câu thơ thành một vườn cây đầy hoa trái, ngát hương thơm, người chồng đang miệt mài “Cầy ải” trên cánh đồng chữ nghĩa .
Có thể một lúc nào đó họ quên đi cõi thực, quên mất “Cơm áo không đùa với khách thơ” thậm chí quên cả người mình yêu :
Anh thì hay mộng hay mơ
Thế nên hai đứa đã hờ hững nhau
(Nhớ- Trần Thái Chiển)
Có thể có ai đó chưa hiểu hết công việc nặng nhọc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt của người làm thơ (tất nhiên phải là thơ hay) sẽ không cảm thông, chia sẻ với họ.
Người vợ trong bài thơ đích thực là một nông dân, sống trong cõi thực, chủ động trong công việc mưu sinh, lo toan từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình: Cày cuốc, cấy hái, vườn tược…..Bao nhiêu nỗi vất vả nhọc nhằn đặt lên vai người phụ nữ mảnh mai, liễu yếu đào tơ. Lẽ ra công việc cày cuốc thuộc về người đàn ông trong gia đình thì nay lại thuộc về ngừơi vợ. Ở thời buổi nào thì cơm áo gạo tiền cũng không hề đơn giản. Thế là cõi mơ và cõi thực cứ thế song hành trong một gia đình “Vợ nhà nông chồng nhà thơ’’, thế là tương cà mắm muối cứ thế song hành cùng những vần thơ bay bổng ngân nga, cuộc sống đâu chỉ đơn thuần vật chất mà còn có cả sức mạnh tinh thần .
Hai con người, hai công việc của một cặp vợ chồng : Họ hiểu nhau, thông cảm và cùng chia sẻ những buồn vui cùng gánh vác trách nhiệm với cha mẹ già, con thơ….Họ luôn thương yêu nhau tôn trọng, thấu hiểu công việc và niềm đam mê của nhau, đặc biệt hình ảnh người vợ trong bài thơ không hề kêu ca, phàn nàn về “ thói hay mộng mơ ” của chồng mình. Hình ảnh : “ Buồn vui cùng đắp một chăn ” thật đẹp, thật đắt và thật hay…Bất chấp nỗi nhọc nhằn cơm áo họ luôn tự phấn đấu và vươn tới hạnh phúc .
Thế rồi. Đùng một cái ông trời làm thất bát, mất mùa cả hai công việc : Làm thơ và làm ruộng, có thể có một lúc nào đó trên con đường mưu sinh ta gặp những trắc trở ngoài ý muốn, thiên nhiên khắc nghiệt trở mặt như bàn tay, có thể có một lúc nào đó cuộc sống là bao nỗi gian nan, đầy khổ đau và nước mắt, nhưng “ hết mưa là nắng”… “Ngọt bùi xác của đắng cay ”. Vượt qua “Tiếng thở dài ” trong đêm khuya khoắt đó họ tin vào ngày mai giống như củ khoai cuối cùng còn sót lại dưới gầm giường kia lại mọc mầm, vươn tới đón nhận những ngày vui với ánh nắng ban mai thanh bình, rực rỡ tràn ngập hạnh phúc yêu thương .
Thủ pháp nghệ thuật thật độc đáo, ngôn ngữ thơ bình dị, đơn phác mà vẫn trong sáng có sức lan toả, thế mới biết thơ hay đâu có cần quá cầu kì, triết lí cao siêu vòng vo khó hỉểu. Cảm ơn nhà thơ Tân Quảng đã cho bạn đọc thưởng thức “ món ăn tinh thần ” thật hấp dẫn độc đáo nhân dịp đầu xuân Ất Mùi này.
Nguyễn Minh Tùng