VỀ VÙNG TRƯỚC SÓNG
Lại về trước sóng quê ta
Qua Cầu Khuể rợp cờ hoa hội mùa
Khói chùng quyện với chân chua
Suối trong nước khoáng, chuông chùa ngân vang…
Rung rinh phượng gọi hè sang
Tay trong tay nắm ánh vàng trong tay
Rượu nồng tình đã ngà say
Hương đồng gió nội ngất ngây quê mình.
Bến Vua sóng vỗ ân tình
Đâu đây ẩn hiện dáng hình Người xưa*
Gió hòa, mưa thuận, mây đưa
Xôn xao lễ hội men vừa đủ say.
Cánh cò gấp mở trang ngày**
Em nghiêng vành nón vời mây xuống đồng
Một vùng ấm nắng hừng đông
Đẹp sao cô Tấm mơ mòng đợi ai?
Miền quê gái đảm, trai tài
Sản xuất giỏi, chống càn hay đã từng
Hân hoan hội mở tưng bừng
Hồn thơ lai láng hào hùng vút cao. *
T.T
Bến Vua nay thuộc Phú Kê- TT Minh Đức- Tiên Lãng- HP. **
Ý thơ của Trọng Lập.
Lời bình
“Lại về trước sóng quê ta/ Qua Cầu Khuể rợp cờ hoa hội mùa”… Câu mở đầu tác giả (TG) không nói về Tiên Lãng mà nói về vùng trước sóng. TG như hiểu thấu cội nguồn của mảnh đất này. Thật chắc tay thơ, khi nói như vậy. Tiếp theo là: “Qua Cầu Khuể rợp cờ hoa hội mùa”. Cầu Khuể, bổ nghĩa ngay cho địa danh “về vùng trước sóng”. Và còn thêm thông tin nơi đất và người của một miền quê gian lao mà anh dũng. Đặc biệt, câu thơ này đã đưa động từ lên trước, khí thơ vận hành ngay bộc lộ tình cảm hồ hởi của người viết. Đồng thời, có sức truyền cảm tức thời cho người đọc, dung nạp sự cộng hưởng. Cả bài thơ là bức ký họa toàn cảnh: Nhanh, đẹp, khá trọn vẹn; khắc họa thiên nhiên, tình cảm con người qua những vần thơ, nhịp, nhạc uyển chuyển sinh động.
Tứ thơ TG chớp bắt từ trước đó là “Bến Vua”. Xoay quanh cái trục này, anh thoải mái thao túng tâm hồn, tình cảm, bút pháp của mình. Ngòi bút tung tẩy: “Khói chùng quyện với chân chua/ Suối trong nước khoáng, chuông chùa ngân vang”. Chỉ mười bốn chữ đã nêu hết đặc trưng sản phẩm, danh thắng của miền quê thân thương ấy. Bài thơ như một tiếng reo vui náo nức: “Rung rinh phượng gọi hè sang/ Tay trong tay nắm ánh vàng trong tay”. Không gian nóng lên cùng thời gian nắng hạ, tình người giăng níu. Thi ý tinh tế: Người cầm tay người, nối vòng tay lớn cầm chắc ánh vàng, cầm chắc tương lai huy hoàng đã, đang, sẽ đến. Nơi đây, thuở ấy Vua từng neo thuyền, đất lành chim đậu: “Bến Vua sóng vỗ ân tình/ Đâu đây ẩn hiện dáng hình Người xưa”. Bóng dáng mình rồng như đang ám ảnh cả nay và cả mai sau. Câu thơ bất ngờ làm ta khá ngạc nhiên.
Thử hỏi, có vị vua nào lại không muốn lấy dân làm gốc? Có vị vua nào lại chẳng ân cần dặn dò dân: Hãy thương yêu nhau, hăng say lao động, sẵn sàng bảo vệ non sông gấm vóc. “Gió hòa, mưa thuận, mây đưa/ Xôn xao lễ hội men vừa đủ say/ Cánh cò gấp mở trang ngày/ Em nghiêng vành nón vời mây xuống đồng”, hai câu thơ lục bát này có thiên thời, địa lợi ,nhân hòa. Cái hay được dấu kín. Tứ thơ phục chờ sẵn trong ý thơ. Cảnh quyện vào tình, tình luồn trong cảnh. Phải chăng đây là thi pháp lục bát được vận dụng như một phương tiện biểu đạt ý tưởng. Trong niềm rung động ấy, năng lực giao cảm ấy, con người cảm nhận được sự tương giao như một ái lực gắn kết không gian, thời gian vào hạ nồng nàn: “Rung rinh phượng gọi hè sang”. Một thi ảnh đẹp về cánh cò gấp mở nhịp nhàng, sự bảo tồn sinh thái ở vùng đất này, cánh cò thoái mái tự do không sợ săn bắt; bật thêm thông tin khác là nhịp sống không ngừng nghỉ.
Lại bất ngờ nữa đến ngạc nhiên: “Em nghiêng vành nón vời mây xuống đồng”. Con người làm chủ thiên nhiên, chơi đùa với thiên nhiên; thiên nhiên không còn là lực lượng đe dọa đáng sợ như xưa, mà còn thân thiện được. Câu thơ vừa ẩn dụ vừa tạo hình. Người đọc không chỉ cảm giác, thị giác, mà còn xúc giác về một cô gái miền quê có vẻ đẹp phồn thực, khao khát tình yêu. Giống như bức tranh dân gian phô diễn được mảng khối sinh động, hoành tráng: “Một vùng ấm nắng hừng đông/ Đẹp sao cô Tấm mơ mòng đợi ai?”. Bài thơ càng phát triển về cuối như một sự kế thừa tiếp tục truyền thống: “Miền quê gái đảm, trai tài/ Sản xuất giỏi, chống càn hay đã từng”.
Câu kết đã chấm hết, nhưng còn mở ra một trường liên tưởng mới: “Hân hoan hội mở tưng bừng/ Hồn thơ lai láng hào hùng vút cao”. Phong cảnh nơi đây, thiên nhiên nơi đây, tình người nơi đây thổi vào tác giả hồn thơ ấy. Vì vậy bài thơ ra đời rất nhanh chóng, nhẹ nhàng, thoải mái chảy suốt trên dòng cảm xúc chủ đạo, câu trước gọi câu sau. Thưởng thức xong, dư ba bài thơ vẫn còn đồng vọng
Vũ Anh Vũ
Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, HP
(Ngày 09/04/2015 8:56:55)
Cảm ơn các bạn thơ: Sơn Thủy và Đào Đức Trang đã đọc thơ của TT cùng lời bình của Vũ Anh Vũ, với những lời động viên, khích lệ cho thơ TT thêm sâu sắc!...
Đào Đức Trang - daoductrang52@gmail.com - 01666098889 - Số 22/111, Lê Lợi , Hải phòng.
(Ngày 06/04/2015 9:40:53)
Mình đã được đọc và mấy anh em bạn thơ cũng từng ngồi bình vẻ đẹp lục bát trong bài này của Nhà Thơ Trịnh Toại:
Sơn Thủy - sonthuyduc@yahoo.com - 0913329124 - Dư Hàng Kênh, Lê Chân,Hải hong
(Ngày 05/04/2015 22:53:42)
Chúc mừng anh Trịnh Toại có bài thơ " Về vàng trước sóng" được đăng trên lucbat.vn cùng lời bình thật mượt mà ăn ý.
Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, HP
(Ngày 04/04/2015 23:36:03)
Cảm ơn Ngọc Mai cũng BBT Lucbat.com đã đăng bài thơ "về vùng trước sóng" của TT và lời bình của NT Vũ Anh Vũ HP! |