Thứ sáu, 29/03/2024,


“Dáng chiều” tập thơ đượm hồn quê của Trần Quang Liên (07/03/2015) 

 DÁNG CHIỀU

 

 

 

     Nếu gọi “Sông Quê” là tập thơ đầu tay của Quang Liên ra mắt đầu năm 2011 (nxb VHDT) là sông thơ mới khơi dòng chảy thì “Dáng Chiều” xuất bản năm 2014(nxb VH) là dòng sông thơ cuộn chảy tiếp nguồn ra biển, mang hương vị phong phú hồn quê.
   "Dáng Chiều" ôm trọn 89 bải thơ tác giả sáng tác trong nhiều năm và gần hai chục bài thơ cảm nhận chia sẻ từ bạn bè thơ văn mọi miền bao trùm hai chủ đề thế thái, nhân tình. Hai chủ đề lớn về nhân sinh và cuộc sống muôn màu.
   Nội dung tác phẩm toát lên cái hay, cái đẹp gửi gắm tình cảm yêu mến và quý trọng con người,cảnh vật. Là những thi phẩm có giá trị không chỉ ở nội dung mà mang theo phong cách thể hiện gần gũi, sâu sắc in vào tâm trí người đọc, hướng đến chân thiện mỹ.
   Tác giả có cái nhìn rất khách quan bản chất sự vật. Mọi việc đều có “căn nguyên’-nguồn gốc. Gốc là nguồn cội. “ gốc nuôi lá cành/ gốc bám đất lành trụ vững”. Cũng như Dân, Dân mãi mài là muôn thuở.Mất gốc là mất tất cả. Cho nên : “Xin đừng để bao giờ mất gốc/ trái đất này đừng tàn lụi mầu xanh”-Gốc.
   Quê hương đất nước là đề tài muôn thuở như nguồn nước không bao giờ cạn. Đọc những bài ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước của Quang Liên thấy rất riêng, rất tình, thiêng liêng, thơ mộng. Tuổi thơ và cuộc đời tác giả gắn chặt với mảnh đất Xứ Đoài “ Nhà tôi ở cuối Xứ Đoài/ xuống thung đón gió lên đồi ngắm trăng- nhà tôi”. Xứ Đoài miền đất cổ địa linh nhân kiệt. Những núi Tản, sông Đà, Làng cổ Đường Lâm đất hai vua, thành cổ Sơn Tây tường đá ong rêu xanh “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chùa Tây Phương “dáng cong in trời biếc”, “Đồng Sài Sơn sóng lúa trải vàng” đến quê hương Hát Môn Hai Bà Trưng khởi nghĩa nay “còn vọng tiếng quân reo” được nhắc đến. Còn thấy dáng Tản Đà “Đào tiên dẫn lối lên trời bán thơ”và “ Thấp thoáng bóng đoàn quân Tây tiến / xứ Đoài xanh xanh thắm phương trời”. Say cảnh, say người .Vùng thắng cảnh BaVì hút hồn du khách. Hồ Tiên Sa hằng đêm vẫn có tiên tắm trần. “ Ngọc Hoa xuống tắm/Sơn Tinh vẫn chờ”.
    Quê hương với tác giả là cảnh vật và con người gần gũi thân thương, là “làng lên phố”, là mùa gặt “Tháng Năm” “ Cơm tám thơm chan canh cua cà pháo/ nồi cơm cười no ấm gọi mùa sau”. Là những người “Thợ cày thợ cấy” “ Gồng mình dông bào hụt hơi/mồ hôi mặn chan cơm thay muối/ mái xiêu nhà dột quê nghèo/nước có giặc lên đường/không hẹn ngày trở lại” . Là những “ Mẹ mắt mờ tháng ngày tựa cửa/đêm trăng mơ thấy bóng con về”. Là những vợ liệt sỹ một thời tàn úa xuân xanh, vô vọng chờ chồng “ Chị đứng đấy như người hóa đá/ Bốn mươi năm tóc trắng trời chiều/ khát làm mẹ một lần chưa trọn/ ôm khối tình khô băng giá cô liêu”…Họ hy sinh, không kêu ca đòi hỏi, cùng nhau êm ấm trong những mái“Nhà Quê”. Họ đùm bọc, san sẻ “ Nhà quê có bát canh bầu/ qua rào hàng xóm chia nhau ăn cùng/nhà quê ao mát tắm chung/ nước lành rửa đục cho trong đời người”… “ Nhà quê…xa nhớ..tìm về”. “Nhà quê” là bức tranh đẹp không gì hơn thế nữa.
     Ngày nay chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là xây dựng nông thôn đổi mới, một chủ trương đúng đắn có tầm vĩ mô, lâu dài. Song tác giả cũng như mọi người không khỏi luyến tiếc bức tranh quê thơ mộng và không khỏi bức xúc với những đổi thay ngỡ ngàng, không phù hợp của buổi giao thời “Làng lên phố/giầu nghèo cuộc sống mấy buồn vui” “ Làng lên phố vẫn cảnh nghèo/ thèm nghe một tiếng sáo diều gọi trăng”.
    Kinh tế thị trường, tiền bạc, thói hư tật xấu nảy sinh kéo theo bao hệ lụy “ Trẻ trốn học say ghêm (game) chít chát/gái tơ yểu điệu mời sơn móng mát sa/ …chồng mở quán cầm đồ/vợ ngồì quây vé số…nhàn rỗi mấy bà già bài bạc đỏ đen”. Và tác giả thốt lên “ Ôi ngỡ ngàng giầu lên nhanh quá” rồi đặt câu hỏi “ Sao người còn nỡ hại lẫn nhau?”. Tác giả tỏ thái độ bất bình với nạn cửa quyền, nhũng nhiễu, tha hóa. Lên chùa lễ Phật :
lễ cầu danh lợi/Cho chồng tiến chức thăng quan/Ấm chỗ vài ba năm nữa/Vơ đầy cho đẫy túi tham !” thậm chí ““Kẻ cắp cũng vào lễ hậu/Cầu xin tốt lộc sai tài / “Làm ăn” của ra như nước/Công quyền cũng chịu bó tay !” Và nhắc nhở : “Người sao không lậy chính mình/Phật ở trong tâm cả đấy/Tìm đâu trong cõi ba sinh ?”…
    Tình người, tình đời sâu sắc mênh mang như biển cả, cao rộng như trời đất. Nhân nghĩa truyền thống quý giá làm nên tâm hồn người Việt. Tác giả trân trọng, tôn kính, tri ân những bậc anh hùng dân tộc có công cứu nước như các bậc Thánh nhân, chia sẻ nỗi đau dân tộc khi tiễn biệt vị danh tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp “Vĩnh biệt Người lệ trào rơi khóe mắt/Dòng người như thời gian vô tận trôi đi/Nghẹn ngào con hỏi trong tiếng nấc : Mẹ ơi ! Khi nao có Thánh sống lại về ?...
   Tác giả dành nhiều thời gian để viết về những người gần gũi thương yêu quý mến của mình, những người đã cưu mang đùm bọc mình “ Thu về se sợi heo may/ con về thăm mẹ cuối ngày chiều đưa” . Tình cảm của tác giả thường là hoài niệm vẫn có ở những người lứa tuổi “ xưa nay hiếm”, tuổi xế chiều, nghiễn ngẫm và chiêm nghiệm. “Cho tôi về lại ngày xưa/ bồng bềnh cánh võng mẹ đưa thủa nào”. Hoài niệm và luyến tiếc một thời thơ ấu xa xưa “ Con về thăm mẹ chiều mưa../lung linh bóng mẹ cuối trời/ rưng rưng con nghẹn tiếng hời mẹ ru../” Nợ một đời “Bóng mẹ xa vời miền vô định/Hình cha ẩn hiện chốn xa khơi/Năm canh thổn thức lòng canh cánh/Sáu khắc bồn chồn dạ khó nguôi/Mong được thả hồn về tấm bé/Cha cho roi vọt, mẹ ru hời…”…
    Có người nói thơ tình yêu là sở trường của Quang Liên. Tác giả đã có nhiều thành công. Lại có người nói Tình yêu trong thơ Quang Liên còn trẻ lắm. “ Nồng nàn một trái tim yêu/ lửa tình nồng ấm ngọn triều đầy vơi”…Yêu, yêu say đắm và nồng nàn của tuổi đương thì : “ Mẹ cho em suối tóc dài/Suối em dìm đắm bao người…mộng mơ/câu thơ tôi ốm vật vờ/Ngẩn ngơ chết đứng bên bờ suối em”. Tình yêu thường trải qua các chu trình : gặp gỡ, thương nhớ, hẹn hò, giận hờn… là lẽ đương nhiên “ Nếu không dỗi chẳng có hờn/tim em đâu có chỗ còn cho anh !” Yêu nồng nàn khi tuổi trẻ và mặn mà chung thủy trọn đời. Ca dao xưa chàng say nàng “ Anh còn cái cối giã bèo/anh đem bán nốt anh theo cô nàng”. Ở đây thì tác giả tặng bà lão nhà mình “Không răng còn lợi. Bà xơi đi nào/Tặng bà đây : cối giã trầu/ Cau mềm, cối mới, cho nhau trọn đời !” Tình yêu đẹp thế là cùng !
    Tình yêu trong thơ Quang Liên không vội vàng, vồ vập , mà tế nhị, nhẩn nha, như sóng gợn hồ thu “ Hỏi người xa nhớ ngày xưa ấy/ Thu đến thu tàn mấy nét phai/ có còn hương sắc thời con gái/ để khỏi buồn đếm lá thu rơi- Thu rơi”. Ở tuổi xế chiều còn chút yêu chỉ vẫn là hoài niệm “Cũng từ xa lạ thành quen/Giờ sao chẳng nhớ được tên một người/Giờ sao dở khóc dở cười/Giờ sao cháy cạn một thời...ngày xưa !” (Lãng quên).Vẫn biết rằng yêu là quy luật tất yếu sinh tồn “ mưa rào ếch cũng nhảy ra chợ tình” nhưng “Trăm năm trong cõi hồng trần/Yêu thương chi lắm, nợ nần thêm ra…” (Ngẫu hứng tình). Trong cõi tình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có “duyên ôi” phận ẩm,”bèo mây” lỡ dở. Lý do trăm đường, không tại ả thì cũng tại anh. Đã là tình yêu chân chính say đắm thì: “Sao đành cách giậu mùng tơi/Mà không trao cả tình người cho nhau ! Sao đành để úa trầu cau/Sáo sang sông vội để đau một đời” ( người dưng)
    Tác giả trải lòng mình canh thâu để sẻ chia với những cuộc tình ngang trái : “Canh tàn hoang bóng trăng mờ/Thèm hơi lửa ấm, tình hờ chút men”
                                  … “ Cho tôi mượn chút nắng chiều/ để tôi sưởi ấm cô liêu cõi lòng”…
    Để hạ những vần an ủi : “ Cuộc tình dâu bể đục trong/Thôi về tĩnh lặng lửa lòng. Vô vi” , “Ái ân thôi trả cho người/Trần gian quán trọ mồ côi cuộc tình !”
    Cuối cùng tác giả nhắn gửi những người đang yêu
                                                              “Đừng yêu giả bộ thật thà
                                                       Con tim lỗi nhịp vỡ òa. Em đau ! “
                                                                                                     ( Đừng)
     
Và trải nghiệm :
                                                             “ Một người“ đi” với một người
                                                     Thêm người nữa,lại thành đời lẻ loi
                                                              Yêu thương duyên phận rạch ròi
                                                     Một người thì có trăm người lại không !
                                                                                                   ( Một người).

      Quang Liên rất có duyên với thơ lục bát. Tác giả đã ghi dấu ấn nhiều bài.
      Ngôn từ “Dáng Chiều” chau chuốt mà không cầu kỳ, bình dị mà cao sang, ý tứ sâu xa mà không khiên cưỡng như thứ rượu nếp cái chưng cất từ những cánh đồng quê ngọt ngào, nhấm vào là say mãi tận chân tơ kẽ tóc.
     " Dáng chiều" quả là thi vị, nhuần nhuyễn để lại nhiều ấn tượng đẹp về tình quê, tình đời, tình người.
     Các bạn đọc thơ và khám phá, “Dáng Chiều” còn nhiều điều thú vị.

                             

                                              Văn Thao (Thi đàn Đất Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: