Thứ năm, 21/11/2024,


Tìm về một thuở tóc xanh qua bài thơ nẻo về của Nguyễn Khánh Toàn (Nguyễn Thanh Tuyên) (04/03/2015) 

NẺO VỀ
Tặng P

Mưa rơi sấp ngửa nẻo về
Nhớ mong giục bước đường quê thuở nào
Bâng khuâng lối nhỏ ven ao
Cánh hoa râm bụt níu vào nắng thưa


Vườn nhà vắng bóng người xưa
Ngẩn ngơ hoa bưởi hương đưa trắng chiều
Ước thầm Tấm của thương yêu
Từ trong quả thị yêu kiều bước ra


Tay nâng rau muống đĩa cà..
Hương quê, Tấm đãi người xa trở về
Tát ao tìm vớt tóc thề
Bùi ngùi lọn tóc, nằm kề cơn mưa


Mỏi mòn đợi tối mong trưa
Bóng chim tăm cá… như vừa đấy thôi!
Nợ em,
Xanh một khoảng trời
Một đêm trăng khuyết
Một lời hát ru…

Ninh bình , thu 2010


Nguyễn Khánh Toàn

 

          Xuất hành về Ninh bình tìm P . Nguyễn Khánh Toàn sá chi thời tiết mưa rơi, vất vả, trầy trật trên nẻo đường quê. Song ước muốn viên mãn sáng trong của anh đã hóa vành trăng khuyết. Cảm xúc ấy được anh lưu lại trong tim bằng 8 cặp lục bát “ Nẻo về”

Mưa rơi sấp ngửa nẻo về
Nhớ mong giục bước đường quê thuở nào

           Với ai thì không rõ, nhưng Nguyễn Khánh Toàn không hề bịa tạo hoàn cảnh trắc trở do thời tiết gây ra . Tin thế. Ở một con người đậm chất mộc mạc chân tình thì hiếm người cho rằng câu thơ trên mị lừa độc giả. Anh là thế. Thể trạng anh đâu mấy sức vóc mà xem ra lúc nào cũng năng nổ, nhiệt tình. Tính cách hiền lành giản dị, chân thành. Đường xa mưa gió thấm chi. Với cái Dream cà tàng, nhưng anh chẳng mảy may ngại khó ngại khổ dặm trường. Còn trong cuộc sông anh chẳng quá quá cầu kỳ. Tính nết luôn cởi mở, ít e lệ với cả người mới gặp, chứ nói chi với cố nhân đã một thời tay nắm, đắm nhìn quen thuộc dung nhan.
Hình như ông Trời có mắt cảm thương , chẳng nỡ để anh ướt rượt khi sắp tới chốn cũ tình xưa :

Bâng khuâng lối nhỏ ven ao
Cánh hoa râm bụt níu vào nắng thưa.

          Cảnh vật tình người đã tạo hình cho một câu thơ rực lên màu đỏ, níu vào mật độ ánh sáng “nắng thưa”. Anh đã chọn lựa hình ảnh khá sát thực xuất hiện sau mưa. Sự tu từ sao mà hợp lý. Có gì đó đang lấp ló hy vọng khi chân anh vừa mới chạm lối nhỏ quen xưa. Song, khổ thay người cũ giờ đây trú ngụ chốn nào ? Tìm kiếm mà không thấy cố nhân đã làm cho cả hương bưởi hay chính tâm hồn anh lảng bảng ngẩn ngơ.

Vườn nhà vắng bóng người xưa
Ngẩn ngơ hoa bưởi hương đưa trắng chiều

           Một nét ẩn dụ trong trẻo thanh khiết thoảng hương.
Anh ước ao người con gái hiền thục nết na xưa trở về, đẹp như chuyện tình đã thành cổ tích của cõi riêng :

Ước thầm Tấm của thương yêu
Từ trong quả thị yêu kiều bước ra.

          Họ chỉ cần gập được nhau, để được một lần chia ngọt sẻ bùi, dẫu đạm bạc . Thơ như kế thừa tiền nhân trong một câu ca dao cổ “Râu tôm nấu với ruột bầu”… .:

          “Tay nâng rau muống đĩa cà…” gỉan dị, dân dã mà tan giòn. Nét quen thuộc đậm đà của của tình quê châu thổ.

          Nhưng nhân vật trữ tình không biết vì nguyên do gì đã để cho lời thề xưa chìm đắm? Tác giả khao khát tát cạn hết nước văn vắt ao sâu để nhặt tìm kỉ niệm :

Bùi ngùi ngọn tóc nằm kề cơn mưa
Mỏi mòn đợi tối, ngóng trưa.

          Chuyện như vừa mới sảy ra nên mờ nhạt hẳn cái khoảng giãn cách thời gian. Thế mà biệt tăm “bóng chim tăm cá”

           Không rõ Tác giả đã mấy lần lặn lội kiếm tìm “P” (người được tặng thơ) như thế ? Với độc giả, P luôn là bí danh. Còn người của một mối tình không thành giữa “một đêm trăng khuyết”kia, đương nhiên là có chính danh. Chẳng tiện nêu tuổi tên người đẹp trước một tình yêu không viên mãn, đã làm thiếu vắng lời ru con trẻ của hai người?
Lỗi ấy Nguyễn Khánh Toàn nhận hết về mình , nên anh mới “Nợ em” (?) Hay anh giàu nết vị tha, nên đã gánh chịu hẳn một món nợ đời vô hình, khôn trả.
           Ai đang song hành cùng Nguyễn Khánh Toàn trên “Nẻo về “ hẳn trong lòng man mác, hiểu và thương cho một tâm hồn nhân hậu, đa cảm, đa tình.
Còn “P” khi nhận được bài thơ vào mùa thu năm 2010 tại Cố Đô Ninh Bình, tôi tin rằng dù cô đã “tay bồng tay mang”… tâm hồn dẫu sắt đá thì mắt cô cũng âng ấng lưng tròng. Bởi mấy ai quên lãng nổi phút con tim xao động đầu đời…


Nguyễn Thanh Tuyên
(Đọc “HOA MƯA BÓNG MẸ”) - Nhà Xuất bản Văn học 2014

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: