Thứ sáu, 26/04/2024,


"Một đêm" là bài thơ "đinh" của Hương Sinh trong tập "Tri ân" (26/02/2015) 


     MỘT ĐÊM



 

 Tý tách rơi giọt cà phê
        Người quê thưởng cái vị quê diệu kỳ
    Uống đi nào hãy uống đi
Một ly để nhớ, một ly để cười
      Bên ngoài lất phất mưa rơi
      Hạt mưa lạnh thấm vào đời cô đơn
      Mưa ơi sao cũng giận hờn
     Vị đời ngoài ấy chập chờn như mơ
          Giấu vào lòng những ngẩn ngơ
           Bao nhiêu đợi bấy nhiêu chờ một đêm.
Hương Sinh

      

     Tôi đã có dịp vào Đắc Lắc thủ phủ Tây Nguyên, cũng là thủ phủ cà phê của cả nước. Được các bạn thơ ở đây mời chạm ly cà phê đậm đặc, thưởng lộc cái mỡ màu từ đất đỏ ba dan lại nghe ca khúc “Ly cà phê Ban Mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, tôi ngỡ mình đang được uống cà phê bằng âm thanh. Giờ đây đọc bài thơ “Một đêm” của nhà thơ Hương Sinh (in trong tập Tri Ân, NXB Hội nhà văn 2012) tôi như lại được uống cà phê bằng ngôn ngữ thơ ca của tác giả. Và tôi có cảm giác như đồng hành uống cùng với nhà thơ. Theo nội dung của bài, đây là cà phê chính chị gieo trồng ngay trên mảnh đất quê hương Phố Hiến Hưng Yên. Gì thì gì cà phê quê mình cũng có vị riêng. Các cụ ta thường nói: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “Ta về ta tắm ao ta” hoặc liên tưởng xa xa, bao la một chút:


  “Chẳng thơm như thể hoa nhài
               Dẫu chẳng thanh lịch cũng như người Tràng An”

      Ngay hai câu thơ mở đầu, nhà thơ viết

“Tý tách rơi giọt cà phê
       Người quê thưởng cái vị quê diệu kỳ”


      Đã cuốn hút người đọc, người uống: “Người quê thưởng cái vị quê” như một vế đối: Con người với hương vị, tác giả sử dụng thi pháp đối lập đặt đúng chỗ để giới thiệu sản phẩm ấy là từ đâu, ai uống, người uống là ai. Âm thanh giọt cà phê rơi tí tách, như ru ta, dẫn dắt ta, cho làn môi ta chạm vào thế giới cà phê mà thưởng thức vị cà phê diệu kỳ, vừa mộc mạc, vừa là điểm nhấn chân thành. Diệu kỳ ở tay người trồng được cà phê ngon trên đất nhãn diệu kỳ cả tay người pha cà phê đều được cả. Thảo nào, câu tiếp theo như lời mời mọc, như cầm hai tay nâng ly:


“Uống đi nào hãy uống đi”.
 

     Đầu câu và cuối câu tác giải dùng hai cụm từ hô vị ngữ: “Uống đi…uống đi” tha thiết từ đáy lòng mình mời gọi, thưởng thức cà phê như đôi bạn rượu tâm giao vậy. Nếu chỉ tả và kể chuyện uống cà phê không thôi như trên thì bài thơ “Một đêm” cũng chưa có gì để lại ấn tượng sâu sắc. Cái mà để bài thơ đẩy lên tầm cao, có chất thi sĩ phải là những câu tiếp theo:


“Một ly để nhớ, một ly để cười
Bên ngoài lất phất mưa rơi
Hạt mưa lạnh thấm vào đời cô đơn
Mưa ơi sao cũng giận hờn
Vị đời ngoài ấy chập chờn như mơ
  Giấu vào lòng những ngẩn ngơ
   Bao nhiêu đợi bấy nhiêu chờ một đêm”
   

   Uống cà phê ở đây không đơn điệu, nhằm tạo không khí không gian khoảnh khắc sinh tình: Một là: để hồi tưởng quá khứ một ly để nhớ - nhớ người thương, một ly để vui – một ly để cười. Và ở trong một không gian tĩnh lặng, bên ngoài mưa rơi: “Hạt mưa lạnh ngấm vào đời cô đơn” thì bây giờ tác giả mới bật mí, chị đang uống cà phê một mình thôi. Đơn côi thế, nên tác giả giận hờn cả mưa và mưa cũng cảm động giận hờn cùng tác giả. Trong thơ có cả vị cà phê, vị đời còn ngoài kia cũng chập chờn như tỉnh như mơ. Thôi thì bao nhiêu tâm sự bao nỗi buồn không biết bày tỏ cùng ai, chị trút cho trời, cho thơ. Ngoài trời là vậy, chị đành:

“Giấu vào lòng những ngẩn ngơ
Bao nhiêu đợi bấy nhiêu chờ một đêm”
 

      Vâng, một đêm bên ly cà phê để nghĩ suy, để tâm tưởng, để ly cười, ly nhớ. Giấu vào lòng tất cả để cười vui, để sống và làm việc, dâng hiến cho đời những vần thơ cho thỏa lòng khao khát tình yêu. Đọc hết bài thơ, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà văn Xuân Diệu:


“Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhớ là mình của ta”

 

      Cái vị cà phê quê diệu kỳ, uống xong lại khát là logic lắm, như Xuân Diệu khát tình yêu vậy.

      Bài thơ “Một đêm” là bài thơ có tố chất hàn lâm, vì thế đây là bài “đinh” trong tập thơ Tri ân của Hương Sinh.



Lê Hồng Thiện
(Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)


_____________
Hòm thư lưu ký số 1- Bưu điện Trung tâm tỉnh Hưng Yên
ĐT: 0974811620 - Email: Nhatholehongthien@gmail.com


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: