LẠI VỀ BẾN TẮM SÔNG LÈN
Trịnh Anh Đạt
Dù đi khắp bốn phương trời
Về quê nhớ nhất là nơi tắm truồng!
Và cô hàng xóm thân thương
Ôm dùm quần áo tơ vương mắt nhìn…
Nắng mưa… bảy nổi ba chìm
Cái thời xưa ấy biết tìm đâu ra?
Lên chùa Trang Các thì xa
Hỏi cây Bụt Mọc… người ta đốn rồi…
Bến sông gió hú lẻ đôi
Bồng bềnh tóc trắng về nơi tắm truồng.
CÁI THỜI XƯA ẤY…
Lời bình: Lâm Thanh Sơn
Cái ngàn năm ấy, nó rêu phong cổ kính; nó là lớp sơn son, thiếp vàng, nó trầm khuất trong những cây đa, bến nước sân đình, nó là những hoài niệm man mác buồn trong lòng của những dĩ vãng, mang hồn dân tộc Việt.
Đọc bài thơ “Lại về bến tắm sông Lèn” của Trịnh Anh Đạt, cho ta tâm tư man mác buồn như thế:
“Dù đi khắp bốn phương trời
Về quê nhớ nhất là nơi tắm truồng
Và cô hàng xóm thân thương
Ôm dùm quần áo tơ vương mắt nhìn…”
Nhà thơ, đã đi khắp bốn phương trời, và đã:
“Từng vin cổng sắt thiên đường
Hành trang thêm cọng cỏ vương gót giầy…”
(Thơ T.A.Đ)
Trở lại cố hương, lại “Nhớ nhất là nơi tắm truồng!” Câu thơ lục bát mở đầu ấy, đã làm người đọc ngỡ ngàng. Nhưng phải đọc đến cặp lục bát thứ hai:
“…Và cô hàng xóm thân thương
Ôm dùm quần áo tơ vương mắt nhìn…”
Mới thấy cái dụng bút tài tình, biến hóa của thi nhân. Nó làm mềm đi mọi thứ tưởng như dung tục, tầm thường. Câu thơ đưa đọc giả về với trạng thái nguyên sinh thuở thiếu thời: Cái ngày xưa ấy, trong cái ngàn năm ấy.
Còn gì thơ mộng, và ý vị hơn, cái thời xa ngái ấy, có một cậu bé xuống sông tắm truồng, lại có một cô bé ngồi trên bờ: ôm dùm quần áo, mắt tơ vương, nhìn ngơ ngẩn xa xăm…
Phải chăng thời gian là kẻ thù đáng sợ nhất của con người. Nó tàn phá và hủy hoại biết bao nhiêu công trình văn hóa tráng lệ của nhân loại... May sao, nó còn tồn tại trong tâm tư của mỗi con người… Và rồi, như kẻ mộng du, thi nhân sực tỉnh:
“…Nắng mưa… bảy nổi ba chìm
Cái thời xưa ấy biết tìm đâu ra?...
Lên chùa Trang Các thì xa
Hỏi cây Bụt Mọc… người ta đốn rồi”…
“Cái thời xưa ấy biết tìm đâu ra?” Trịnh Anh Đạt tự hỏi lòng mình như thế. Thời gian đã xóa nhòa tất cả. Ngôi chùa Trang Các của làng quê còn đó, muốn đến để hỏi đức Thích Ca mầu ni về cô bé hàng xóm thân thương ngày xưa … cũng xa vời vợi,. Cây Bụt Mọc, làm dấu bên sông, người ta cũng đã đốn rồi…
“Bến sông gió hú lẻ đôi
Bồng bềnh tóc trắng về nơi tắm truồng”
Câu kết hàm chứa tất cả mọi nỗi niềm, tất cả sự cô đơn, già nua, hoang vắng, lẫn nhớ thương, mộng mị, da diết đến khôn nguôi. Như giọt lệ chảy ngược vào lòng, chảy về chốn ngàn năm “thơ Việt”.
Người xưa nói: “Nhất ngôn thiên ý, nhất tự vạn tình” (Một lời chứa ngàn ý, một chữ đựng vạn tình) cũng chẳng sai. Cảm ơn nhà thơ “Rau má” Trịnh Anh Đạt, với vài chấm phá đầy bút lực, và thăng hoa, đã cho tôi và đọc giả trở lại “Cái thời xưa ấy biết tìm đâu ra”.