Thứ ba, 21/05/2024,


Tự mình xông đất cho mình (26/01/2009) 

Tự xông đất

 

Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa
Tự đốt pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau
Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình.

 

Lâm Huy Nhuận

 

 

Có bao giờ bạn rơi vào cảm giác cô đơn quay quắt, cô đơn đến trơ trọi giữa cuộc đời? Có bao giờ bạn phải tự gượng vui, gượng cười, và tự dành cho mình một câu chúc, một lời yêu để xoa dịu nỗi buồn đơn độc? Có lẽ ít ai trong cuộc đời này có thể thản nhiên nói rằng “tôi chưa từng cô đơn…”. Nhưng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, cái cảm giác ấy hiển hiện theo một cách riêng. Có lúc quằn quại đau, nhưng cũng lắm khi chỉ là chút chạnh lòng len nhẹ giữa tâm tư…

Với Lâm Huy Nhuận, nỗi buồn đơn độc như dâng lên thành niềm đau trong phút giao thừa, khi mình đối diện với mình và chợt nhận ra “Người trong gương ấy còn đau hơn mình”. “Tự xông đất” chính là phút thật lòng của chính nhà thơ:

 

“Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa
Tự đốt pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau
Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình.”

 

Tôi biết thời gian vốn dĩ vô tình, nhưng đôi khi thầm cảm ơn những vòng quay bốn mùa xuân hạ thu đông đã đánh thức cái nhịp đời êm đềm trôi giữa những đua chen danh lợi, những lo toan được mất. Nếu không có mùa hạ ban tặng những cơn mưa thì có lẽ đất trời sẽ héo khô quay quắt… Nếu không còn trên đời con gió đông lạnh đến tê người có lẽ nhân gian đâu cần đến những cái nắm tay siết chặt, những vòng tay sưởi ấm cho nhau ấm đến tận tâm hồn… Và, nếu thiếu mùa xuân thì có lẽ đời nhạt thếch như chén rượu chẳng có người đối ẩm. Rồi nhân gian sẽ bị cuốn vào những dòng chảy của bon chen cơm áo mà chẳng biết bao giờ là điểm dừng chân cho một chặng đường đời. May thay, đời vẫn còn đó những mùa xuân với ấm áp phút giao thừa được đoàn tụ bên gia đình, người thân… Cái phút trời đất giao hòa ấy là phút giây kẻ tha hương được trở về với gia đình, vợ chồng xum họp, anh em đoàn tụ, người tình trao nhau nụ hôn nồng ấm…

 

“Chuyền nhau ly rượu nóng
Mình mừng nhau. Giao-thừa”…

“Hai đứa, chồm, hôn nhau…”

(Giao thừa – Trần Huy Sao)

 

Ấy thế nhưng, đường đời đôi khi không bằng phẳng như trang giấy, không đẹp như bức tranh và cũng chẳng tuyệt vời như bài Đường thi. Mỗi người là một mảnh đời riêng, rất riêng… Có kẻ cả đời say trong hạnh phúc, nhưng cũng lắm người co kéo mãi, vá víu mãi mà chẳng chắp nhặt được một mảnh đời cho trọn vẹn… Có người từ thuở lọt lòng đến lúc nhắm mắt chưa một lần xa rời tổ ấm, nhưng cũng lắm kiếp người trên nhân gian này bị cuộc đời xua đuổi, dạt trôi… Họ trôi mãi trên đường đời tấp nập, để một lúc nào đó, chợt nhận ra mình đơn độc lẻ loi:

 

“Tự mình xông đất cho mình
Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa”

 

Ngay cái phút thiêng liêng của đất trời, họ như lạc lõng hẳn. Không có ai bên cạnh, chỉ còn là bốn phía lặng ngắt “suốt mùa”. Hóa ra, con người cô đơn đến cùng cực ấy đã từng cô đơn, rất cô đơn, và đến phút này hắn mới thực sự dám đối diện “ta với ta”. Nhưng hình như hắn không hề than van bi lụy mà vẫn đủ tỉnh táo để “tự mình xông đất cho mình”:

 

“Tự đốt pháo, tự giao thừa
Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau”

 

Bỗng dưng tôi thương quá cái con người đang lầm lũi “Tự đốt pháo, tự giao thừa”, tự săm soi lại đời mình để phủi bớt những bụi trần của một năm qua. Nhưng than ôi, “một người đâu phải nhân gian” (Tố Hữu)! Liệu tiếng pháo đơn côi có đủ đánh thức một quãng đời? Liệu cái bắt tay của hai nửa con người có đủ truyền hơi ấm cho những tháng ngày sắp tới? Con người ấy đang háo hức trong cái phút giao thừa hay đang cố dối lòng mình bằng những niềm vui giả tạo? Dường như nhân vật không còn nén giữ được nỗi cô đơn đang trào dâng:

 

“Giật mình hai mắt trũng sâu
Người trong gương ấy còn đau hơn mình”

 

Hóa ra, những pháo tân niên, những cái bắt tay tự tạo chỉ là hư ảnh, là giấc mơ. Một thoáng “giật mình” đã cuốn trôi tất cả. Con người lẻ loi ấy trở về đời thực, đối diện với chính mình, chợt thấy lòng đau nhói “người trong gương ấy còn đau hơn mình”. “Người trong gương” phải chăng là phần linh  hồn trong con người? Mà phần hồn thì luôn luôn rất thực. Buồn thực, đau thực…

Đến đây, dường như nỗi đau đã được đẩy lên đến tận cùng, dồn nén vào “hai mắt trũng sâu” và hiển hiện lên trong tiếng kêu “đau” đến nhói lòng! Cả bài thơ như dồn cả sức nặng vào hai câu cuối. Cả một niềm đau như sắp cháy thành ngọn lửa lòng trong phút giao thừa. Thơ chẳng phải là họa mà sao khéo vẽ nên cái dáng người khắc khoải đau chìm trong tịch liêu của đêm ba mươi… lạc lõng, bé nhỏ đến vô cùng…

Rồi mùa cũng sẽ qua, đời cũng sẽ trở lại với những nhịp êm đềm vốn có, nhưng liệu niềm đau của sự cô đơn có được lấp đầy? Phút giao thừa đi qua có phải là khi nỗi buồn tan biến? Hay tất cả còn ở lại, đọng trên đôi mằt trũng sâu buồn…

 

Phan Tú

Email: phantubd@yahoo.com.vn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Xuân Chiến - xuanchienle@yahoo.com - 01668438975 - Quảng Nam  (Ngày 18/10/2009 04:40:42 PM)
Bài thơ tuyệt vời ! Giữa thời hiện đại xô bồ hiếm hoi lắm ta mới gặp được một bài thơ có độ "kết tinh" nghệ thuật lớn như vậy. Bài thơ đậm chất Đường thi, ngỡ như một bài thơ Đường của Đỗ Phủ, Vương Xương Linh. Bút lực thơ dồn hết vào câu cuối. Bài thơ hay không chỉ hay ở tính hàm súc mà còn hay vì tứ thơ thi vị, thú vị và bất ngờ !
Các bài khác: