Tôi nợ! Vâng đúng vậy. Dẫu lòng nhủ lòng không viết những cảm nghĩ về thơ anh nữa. Phần vì công việc và dòng đời lôi cuốn, phần vì phân vân, sợ làm hỏng bài thơ đẹp của anh. Nhưng rồi đôi mắt và nỗi lòng của người sư nữ trong bài thơ của anh cứ ám ảnh ngày qua ngày, nên đã không thể không viết, âu cũng chỉ là để cho mình được trải lòng và nhập vào thân phận một cõi đời, một kiếp người. Bài thơ Nam mô... tu đã cho tôi dù chỉ nói được một phần mà anh đã viết trong bài thơ.
NAM MÔ...TU
Trước chùa cong lượn khúc sông
Quả đa chín rụng gió đồng ngác ngơ
Thổi nghiêng vào cõi hư vô
Nâu sồng bạc phếch tiểu cô quét chùa.
Tiếng cười con trẻ nô đùa
Sư Thày ngó trái khế chua thở dài
Bài kinh dang dở chia hai
Phật còn chưa ngủ có ai thức cùng
Xà ngang tắc lưỡi thạch sùng
Kêu đòi ăn mấy trái sung chưa già
Xạc xào bay chiếc lá đa
Rơi vào tĩnh lặng như là chưa rơi.
Nam mô...cửa Phật, cõi đời
Sân chùa ai đứng chơi vơi ngắm trời.
11-2014
Đỗ Chiến Thắng
Mở đầu bài thơ hiện lên một ngôi chùa vốn đã tĩnh lặng, nhưng sao có một khúc sông cong lượn? Sao không là dòng sông với dòng chảy thẳng bình thường, chảy yên ả giữa miền quê, mà phải cong lượn, mà lại cong lượn, ngay trước cửa chùa. Đọc tiếp bài thơ mới thấy tác giả tả cảnh chính là để nói tinh. Phải chăng từ cõi đời đi vào chốn tu hành cũng là một khúc cong trong kiếp người. Có gì u uẩn đây. Sự tĩnh lặng vô hình thành u tịch, huyền bí, thâm trầm khiến người đọc tò mò muốn vào Chùa. Quang cảnh cứ dần hiện lên, nào quả đa chín, chín đến nỗi đã rụng, còn gió đồng thì ngác ngơ. Có lẽ đây không phải không gian giành cho gió đồng, nên gió ngác ngơ, ngác ngơ đến lạ lẫm, gió tò mò chăng, sợ hãi chăng, mà thổi nghiêng và chỉ thổi vào cõi hư vô!. Bỗng hiện lên màu áo nâu sồng bạc phếch, hình ảnh dãi dầu năm tháng của Tiểu Cô trong tiếng chổi quét Chùa. Nhìn mà cảm, nghe mà sâu.
Chợt có tiếng cười con trẻ nô đùa làm vỡ khoảng thinh không đến sợ. Tiếng cười đó có lẽ đã lôi con người ấy trở về với cuộc sống đời thường, mơ ước một mái nhà tranh đơn sơ nhưng hạnh phúc, về một lời ru..., nhưng chỉ là khát vọng mà thôi. Chính tiếng cười con trẻ ấy đã đánh thức nỗi lòng để Sư Thày không thể không ngó “trái khế chua” sao không nhìn, ngắm mà chỉ là "ngó" thôi , trong họ thị giác cũng phải trong khuôn khổ, rồi “thở dài”. Bài kinh bị dang dở... chia hai. Chia cho ai? hay không thể tụng tiếp được nữa? Nam mô, Phật còn chưa ngủ và có còn ai biết,ai thức cùng.
Có lẽ trong tiềm thức muốn quên đi, nhưng hiện thực cứ đánh thức lòng mình .Ai dám chắc trong sâu thẳm nỗi niềm của người tu hành không còn tiếng đời, để rồi cảm nhận được tiếng tắc lưỡi của thạch sùng trên xà ngang trong gian phòng, với ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn bạch lạp, thạch sùng đòi ăn trái sung, mà sao trái ấy chưa già? Suy cho cùng, đã là người ai cũng có khát khao, và những khát khao đó phải chăng là bản năng của tạo hóa. Nhưng thân phận đã gửi vào chùa, vào chốn tu hành, nương nhờ cửa Phật, trong bể trầm luân, hàng ngày neo lòng vào tiếng kinh câu kệ, phải kìm nén lại và bắt buộc phải chiến thắng chính bản thân mình trong một khuôn khổ ngặt nghèo.
Tất cả thật, hư ảo, rồi con người ấy vẫn phải lại quay về để nghe tiếng xào xạc của chiếc lá đa rơi vào tĩnh lặng, lặng đến nỗi "như là chưa rơi". Bất chợt nghĩ đến tiếng lá đa của Trần Đăng Khoa rơi bên thềm “ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng “, tiếng rơi ấy đã là nhẹ lắm, ropwi nghiêng mà, nhưng còn có điểm để rơi. Còn đây tiếng rơi xủa lá đa do gió làm bay, rơi vào tĩnh lặng, rơi vào hư vô, còn nhẹ đến nỗi rơi mà “ như là chưa rơi”. Một ẩn dụ ám chỉ, có sự việc xẩy ra rồi mà ngỡ như chưa xẩy ra, bước chân vào chốn tu, nén lòng lại để cố dần quên đi cái sự đời ngang trái ngoài kia, mà có lúc nào đó vẫn còn mơ ảo như còn đứng bên ngoài cổng chùa, ngoài sự tĩnh lặng, u tịch. Kết cục vẫn chỉ là hình bóng "ai" đứng chơi vơi để ngắm trời. Hình dung một bóng dáng người sau sự cám dỗ, rồi giằng xé, đến kìm hãm. Có ai hiểu nội tâm trong "ta" lúc này? Giải thoát ư? Không! đâu đươc. Thôi thì lẳng lặng ra ngoài ngắm trời đêm, như một sự trải lòng và gửi nỗi niềm ấy vào khoảng không vô định xa mờ. Hai câu kết là sư cảm thông về số phận con người trong cửa Phật của kiếp đời, thiết nghĩ không phải trường hợp nào cũng vậy, đây có lẽ tác giả chỉ nói về một trường hợp nào hay chăng.
Bài thơ đã đưa người đọc bằng cảm nhận từ hình ảnh, dần hiện lên từ xa đến gần, tả cảnh mà nói tình, nhiều ẩn dụ. Sự việc xảy xa rồi mà như chưa, chưa bao giờ. Từ sự đánh thức những đam mê rất "Ðời" để rồi giằng xé, đấu tranh với chính bản thân mình. Cuộc đời ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống riêng, một đường đi riêng, âu cũng là do số phận, và có lẽ cũng là một cách giải thoát, có thể cũng là một sự đam mê về một cuộc sống thanh tịnh nương nhờ.
Tôi viết chỉ về một lát cắt trong cõi lòng, tại một thời điểm của người sư nữ trong chốn tu hành. Còn đức Phật là tín ngưỡng là niềm tin. Chính vì tín ngưỡng , vì tin nên người sư nữ dù có lúc tiếng động đời thường sống dậy vẫn nén lại và vượt qua. Có chăng chỉ là tiếng thở dài và nỗi lòng chơi vơi trong u tịch.
Ðể viết những dòng cảm nhận này, tôi không dám nói là bình vì trong khuôn khổ từ ngữ mình không diễn tả hết ý thơ, vả lại không phải ai vào cửa Phật cũng có số phận như vậy, hơn thế tôi không am hiểu về Phật nên còn rất nhiều hạn chế, mong bạn đọc thứ lỗi.
Ngày 10-12-2014 HẠNH LY