Thứ năm, 21/11/2024,


“Cô giáo dạy văn”: Một bài thơ rất nhân văn (Phạm Văn Hoanh) (19/11/2014) 

 CÔ GIÁO DẠY VĂN

Dạy Kiều từ thuở tóc xanh
Đến hoa râm vẫn trong lành giọng cô

Tiếng kêu đứt ruột liễu bồ
Mỗi lần giảng nước mắt khô lại duềnh
Kiều xưa ân trả nghĩa đền
Học trò cô lẽ nào quên ơn người?

Dưỡng cành héo được hoa tươi
Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong
Học văn đâu chỉ thuộc lòng
Những lới cô giảng thấm trong máu rồi

Của tiền nước chảy mây trôi
Chữ nhân chữ nghĩa lắng bồi phù sa…
Hiến chương em đến thăm nhà
Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẫy Kiều!


Nguyễn Ngọc Hưng


          Trong thơ đương đại Việt Nam có nhiều bài ca ngợi tình nghĩa thầy trò. Nhưng bài thơ “Cô giáo dạy văn” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Bài thơ chính là tiếng lòng của nhà thơ bật ra từ những cảm xúc chân thành. Nó không chỉ ca ngợi tình cảm thầy trò mà còn thể hiện một triết lý sống rất sâu sắc.

          Khắc họa hình ảnh người thầy, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng không đi theo một mô tip truyền thống. Nhà thơ khắc họa hình ảnh người thầy thông qua hình ảnh một cô giáo dạy văn. Nhà thơ vận dụng câu nói nổi tiếng của nhà văn M. Gooc-ky “Văn học là nhân học” để khái quát công việc “trồng người” của một người thầy, cụ thể là cô giáo dạy văn. Dạy - học văn mang tính đặc thù riêng. Nó là bộ môn khoa học nghệ thuật ngôn từ. Dạy văn luôn gắn liền với việc dạy người. Nhiều người thắc mắc dạy văn thì có thể dạy rất nhiều tác phẩm văn học, nhưng tại sao nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng lại đưa tác phẩm “Truyện Kiều” để mở đầu cho việc dạy văn của một cô giáo? Điều này không có gì là khó hiểu. Bởi “Truyện Kiều” là kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại… Hàng trăm năm nay “Truyện Kiều” đã được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả. Hơn thế nữa “Truyện Kiều” mang tính nhân văn cao cả. Chính vì thế mà ngay hai câu thơ đầu hình ảnh người thầy hiện lên rất trân trọng, rất đáng kính.

Dạy Kiều từ thuở tóc xanh
Đến hoa râm vẫn trong lành giọng cô.

          Nhà thơ đã sử dụng phép tu từ đảo ngữ để làm nổi bật hình ảnh một cô giáo dạy văn suốt đời chăm lo cho lớp trẻ. Cô dạy từ lúc tóc còn xanh mãi cho đến khi tóc đã hoa râm mà giọng cô vẫn còn trong lành. Khổ thơ mang nhiều tầng nghĩa. “Giọng cô trong lành” là chất giọng âm thanh trong trẻo, hay là những phẩm chất đạo đức mà cô thể hiện qua ngôn từ…? Nếu chỉ hiểu theo cách thứ nhất thì đâu còn là thơ nữa. Phải nói là cách lựa chọn từ ngữ của nhà thơ rất tài hoa. Chất tài hoa này tiếp tục được thể hiện trong hai khổ thơ tiếp theo.

Tiếng kêu đứt ruột liễu bồ
Mỗi lần giảng nước mắt khô lại duềnh

          Bằng bút pháp ẩn dụ, thậm xưng hai câu thơ đã khắc họa rất thành công hình ảnh một cô giáo dạy văn. Dạy văn là một nghệ thuật, là quá trình “đi từ tâm hồn đến tâm hồn, từ trái tim đến trái tim”. Người thầy không thể dạy văn bằng một cõi lòng ráo hoảnh. Mỗi lần dạy “Đoạn trường tân thanh” thì nước mắt cô lai láng như dòng nước sâu. Phải nói là cô có một tâm hồn văn chương phong phú. Cô đã truyền đạt đến học trò được tất cả những rung động thẩm mỹ về niềm thương, nỗi đau, niềm hạnh phúc và lý tưởng sống cao đẹp của văn chương. Cô đã thổi vào trong các em ngọn lửa niềm đam mê tìm hiểu và sáng tạo văn chương. Chính vì thế mà giờ văn của cô học trò đã để đời.

Kiều xưa ân trả nghĩa đền
Học trò cô lẽ nào quên ơn người?

          Câu hỏi tu từ một lần nữa khẳng định tâm hồn trong sáng đẹp đẽ của cô giáo dạy văn. Cô đã trở thành “pho từ điển sống” là “cuốn giáo khoa toàn thư” để học trò học hỏi, tra cứu, tìm tòi và sáng tạo. Công ơn của cô, học trò không bao giờ quên. Cô không chỉ dạy văn mà còn dạy học trò cách làm người. Tâm hồn của cô thật cao thượng. Tấm lòng cô thật bao dung, vị tha.

Dưỡng cành héo được hoa tươi
Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong

           Khổ thơ thể hiện triết lý sống. Sống phải biết tha thứ và nâng đỡ khi một ai đó bị lỗi lầm, phải biết “thương người như thể thương thân” và làm những điều phải. Sống phải biết vượt lên số phận, không được an bài. Sống không vì đồng tiền mà đổi trắng thay đen… Tất cả những lời cô dạy học trò không chỉ thuộc lòng mà còn thấm trong máu.

Học văn đâu chỉ thuộc lòng
Những lới cô giảng thấm trong máu rồi

          Nhà thơ đã dùng câu phủ định để khẳng định về chất lượng hiệu quả giáo dục của cô qua bài giảng. Đành rằng học văn phải học thuộc lòng. Nhưng không phải vì thế mà học trò thụ động. Học trò phải sáng tạo, biến những lời giảng của cô thành kiến thức của riêng mình. Nhà thơ đã ca ngợi phương pháp dạy học của cô. “Những lời cô giảng thấm trong máu rồi”. Học trò nào có thể quên được những câu mang tính triết lý mỗi khi cô giảng “Kiều”: “Trong tay đã sắn đồng tiền. Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.” Nguyễn Du đã tố cáo thế lực của đồng tiền. Nó biến từ trắng sang đen, đen sang trắng. Con người đừng để đồng tiền sai khiến. Đừng vì đồng tiền mà làm những điều bất nhân. Các bậc tiền bối đã dạy “Tiền tài nhân nghĩa tận” là vậy. Qua lời cô giảng “Truyện Kiều”, học trò đã hiểu được triết lý của đồng tiền, hiểu được những giá trị nhân đạo mà con người phải hướng đến.

Của tiền nước chảy mây trôi
Chữ nhân chữ nghĩa lắng bồi phù sa…

          Chữ nhân chữ nghĩa đã thấm vào trong máu thịt học trò. Nên dù có làm ông này, bà nọ thì học trò vẫn nhớ đến cô.

Hiến chương em đến thăm nhà
Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẫy Kiều!

          Làm nghề giáo không gì hạnh phúc bằng học trò cũ đến thăm vào những ngày lễ, tết. Mặc dầu đã bao năm rồi, lớp lớp học trò của cô ra trường nhưng vẫn còn nhớ đến những tác phẩm mà cô dã dạy. Giờ đây, Ngày Hiến chương, cô trò lại quây quần bên nhau để lẫy Kiều. Câu thơ “Ấm lòng - cô vẫn ngân nga lẫy Kiều” là một “nhãn tự” đã làm sáng cả bài thơ.

           Bài thơ “Cô giáo dạy văn” được viết theo thể thơ lục bát thật uyển chuyển, có kết cấu đầu cuối tương ứng, sử dụng các phép tu từ rất tài hoa đã khắc họa thành công hình ảnh người thầy, cụ thể là cô giáo dạy văn, một cô giáo thật đáng kính, đáng yêu. Đây là bài thơ rất hay, rất nhân văn.

Bình Sơn, ngày 08.11.2014
Phạm Văn Hoanh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NguyenXuanNgoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp sơn, Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 09/12/2014 3:57:02)

CÔ GiAO DẠY VĂN
( Phạm Văn Hoanh)

Dậy Kiều từ thuở về trường
Bây giờ tóc đã điểm sương mái đầu
Tiêng kêu xé ruột nát lòng
Mỗi lần giảng lệ ròng ròng chứa chan

Lòng Kiều ân trả nghĩa đền
H ọc trò chẳng lẽ nào quên ơn người
”Dưỡng cành héo được quả tươi
Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong”

Học văn đâu chỉ thuộc lòng
Thấm nhuần nhân nghĩa thấu trong tâm rồi
Của tiền ai cũng mong thôi
Chữ nhân chữ đức lắng bồi chầm luân

Đến thăm cô giáo dạy văn
Hiến chương cô tặng cô ngâm vịnh Kiều
Xuân Ngọc

  Liên Thơ - lienthotim@gmail.com - 0928700456 - Trường Tiểu học Bế Văn Đàn  (Ngày 21/11/2014 7:40:39)

Liên Thơ rất xúc động khi đọc được bài thơ "Cô giáo dạy văn" qua lời bình của Phạm Văn Hoành. Nhờ cách phân tích sâu sắc và cảm nhận tinh tế của bạn mà bài thơ càng có cơ hội đến với lòng bạn đọc hơn. Trước tiên xin trân trọng cảm ơn thi sĩ Ngọc Hưng sau nữa là Phạm Văn Hoanh...
Mình rất tâm đắc hai câu thơ:
Dưỡng cành héo được hoa tươi
Lọc đau khổ lấy nụ cười sáng trong
Đấy là câu thơ đúc kết "cái được" của nghề giáo mà đôi khi trong công việc quá mệt mỏi chúng tôi đã không ít lần than vãn với nhau về nghề của mình.Tôi sẽ lấy hai câu thơ này nhờ họa sĩ viết chữ thư pháp làm tranh treo ở lớp học để làm niềm động viên mình . Chân thành cảm ơn thi sĩ Ngọc Hưng đã thấu hiểu tấm lòng người thầy. Xin trân trọng cảm ơn bạn Phạm Văn Hoanh đã đưa bài thơ đến và ngự lại trong tâm trí tôi suốt đời.

Các bài khác: