Thời học trung học, Đặng Cương Lăng giỏi toán và giỏi cả văn. Nhưng anh lại vào Đại học nông nghiệp. Lòng ham toán đành gác lại. Đôi khi trong giấc mơ còn toát mồ hôi khi thấy mình như kém dần môn toán. Còn môn văn, may quá, anh đã giải tỏa bằng thơ. Thơ làm chen túc tắc vào công việc khoa học nông nghiệp. Nhưng từ năm 2009 thì không thể nói là làm thơ túc tắc nữa, mà mỗi năm anh xuất bản một tập. Viết như thế là siêng năng, hào hứng. Dường như tác giả đang ở giai đoạn thăng hoa cùng thơ nên rất hào hứng tự tin. Đó là cảm giác hạnh phúc của người viết, không dễ gì có được. Nhưng cái “nghề thơ cũng lắm công phu” này. Cần say mà cũng cần tỉnh. Có đại giác thì mới sinh đại mộng. Làm thơ, chứ đừng để bị “thơ làm”.
Tôi đã đọc các tập thơ anh Đặng Cương Lăng gửi cho, bên cạnh nỗi phấp phỏng cho cơn hăm hở của anh, trong tôi cũng lớn dần một hy vọng khi thấy thơ anh tập sau luôn luôn có một khía cạnh nào đấy hơn tập trước. Từ giãi bày tình cảm anh đã tiến dần sang bộc lộ tư tưởng, hình thành những nhận thức, những bình giá, những phát hiện các vấn đề của đời sống, của lòng người. Ở tập thơ này, từ đề tài cụ thể, anh phát hiện ra chủ đề có tính khái quát. Không phát hiện bằng bình luận qua nghĩa câu, nghĩa chữ mà bằng ý nghĩa của tứ thơ, qua tính biểu tượng của hình ảnh (hình tượng). Một bài thơ ca ngợi con đường trong chùm thơ về giao thông, chủ đề cốt lõi của tập thơ này. Từ con đường nơi người đi xe chạy, anh đã đụng tới con đường mang nghĩa khái quát, con đường trong lời Chúa Giê su: Ta là con đường. Con đường, âm Hán Việt đọc là đạo. Cũng là chữ đạo trong đạo lý, chữ đạo chỉ tôn giáo (Đạo Phật, đạo Lão), chữ Đạo chỉ Thiên chúa giáo (đi Đạo). Chất thơ ở Đặng Cương Lăng không đi từ khái niệm ngôn ngữ (như tôi nói trên) mà anh xuất phát từ đời sống. Đường hình tượng, do vậy ngắn hơn, dễ đi hơn đường khái niệm mà chỗ đến lại như nhau. Thế cho nên người đời mới cần thơ. Nhận thức của thơ mới thành ấn tượng ở lại bền dai trong tâm trí người đọc. Lý do tồn tại của cái thứ người gọi là nhà thơ là ở đấy, ở một kiểu thao tác của tư duy từ thật đến ảo, từ một cụ thể thành khái quát của vô số. Thử khảo sát một mạch tư duy thơ Đặng Cương Lăng trong bài thơ Con đường hẹn ước:
Những con đường
Mưa mùa hạ
Nắng mùa đông
Những con đường
Mùa xuân
Ngút ngàn thương nhớ…
Những con đường vươn mình bươn bải
Rét mướt về thấu thịt thấu da
Những con đường hướng ra biển cả
Giông tố nào rình rập gần xa?
Những con đường chứa chan hẹn ước
Dấu chân người hẹn với bao la.
Con đường của không gian được phổ thêm sức sống, được sinh động hóa bằng cách đồng hành nó với thời gian (các mùa, các thời tiết), đông nắng, hạ mưa, nhưng đến xuân thì không phải chỉ thời tiết của thiên nhiên mà còn có “thời tiết” của lòng người. Sáu câu thơ này có hai cấp khái quát với hình ảnh từ cụ thể (nắng mưa) mở dần sang trừu tượng (ngút ngàn thương nhớ). Cái thủ pháp dịch chuyển tiệm tiến ấy đem phân tích lớp lang thế này tưởng như một dụng ý của người viết, thực ra khi viết nó đến ngẫu nhiên, do tác động của cảm hứng. Cảm hứng đi từ con đường khi nắng khi mưa ai cũng từng gặp tới con đường thương nhớ ngút ngàn vốn là cõi riêng của cảm xúc tác giả. Vì với người khác, có khi con đường không gợi thương nhớ mà có thể lại gợi buồn tiếc. Tiếc một mối tình đã vĩnh viễn ở đây hoặc một cái ví bị mất cắp. Nghĩa là cái hướng của tình cảm tác giả nó dắt câu thơ đi. Đoạn hai, thơ sang sự nghĩ ngợi (trong thơ Đường là từ thực sang luận). Con đường cụ thể, có thật đã lẫn vào con đường khái quát: đường đời. Ở đấy có gian khổ, có hy vọng, có tai ương. Thơ miêu tả bối cảnh khách quan của đời, nhưng lại để lộ bản lĩnh của người: chấp nhận rét mướt, giông tố, chấp nhận bươn bải, gian lao. Con đường đến đây đã mang ý nghĩa của đạo rồi. Ý kết, cũng là chỗ đến của bài thơ, trở lại ý của đầu bài: hẹn ước. Con đường, với dấu chân người in trên mặt đất đã thành lời hẹn ước với bao la. Bút pháp bài thơ ẩn dấu một tư thế trí tuệ của người viết. Đặng Cương Lăng đang tách dần khỏi lối viết, kể cảm xúc, thật thà giãi bày cảm nghĩ sang cách nói bằng hình tượng, bằng tứ thơ ôm vào toàn khối của bài. Đây là một thành công, một khuynh hướng phát triển đáng mừng được thấy ở các cây bút vào thơ khi tuổi đời đã lớn, khi họ đã là một cán bộ vững chãi ở nhiều ngành hoạt động khác biệt với thơ. Ở họ, đã có sự từng trải đời sống trực tiếp lại có sự tích lũy kiến thức từ sách vở. Mấy năm nay, bên cạnh một hình thành Đặng Cương Lăng, còn thấy một Khuất Bình Nguyên tương tự. Cả hai đều đã nhanh chóng trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Một khía cạnh nữa giúp vào sự thành công của Đặng Cương Lăng, ấy là cảm hứng. Cảm hứng, một nhân tố tùy thuộc nhiều vào năng khiếu, như một thứ trời cho. Nhận thức ở thơ có thể nảy sinh từ trí tuệ. Trí tuệ sách vở hoặc trí tuệ thể nghiệm từ đời sống. Nhưng tế bào cảm xúc, cảm giác hay sức sống tự phát của bài thơ lại sinh thành từ cảm hứng. Bài thơ Chiếc cầu một dây như không bận tâm đến điều cần nói mà thơ vọt ra là từ cảm giác. Lấy cảm giác làm xuất phát. Cảm giác lạ của bờ, cảm giác rộng của sông, cảm giác chênh vênh của cầu, chiếc cầu có một dây nghiêng ngả, nguy hiểm, treo bao thân phận. Vậy mà đứa trẻ đến lớp, chỉ đến lớp thôi, cũng phải thử mạng mình qua đó. Với người, qua cầu như qua cửa tử. Nhưng với cầu, sống chết của người chỉ là chuyện thường ngày của nó. Nó cứ bình thản trầm ngâm đứng đợi. Đợi như chơi mà chết người ta. Bài thơ gợi cảm giác nhưng chỗ đến của nó lại là một nhận thức. Tạo ra hài hòa giữa chỗ đến trí tuệ của bài với chỗ xuất phát và vận động (ngỡ như hồn nhiên) của tình là vai trò của cảm hứng. Đấy cũng là chỗ hơn của tập Vượt dốc này so với các tập trước.
Nhà thơ Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao giải Nhất cuộc thi “Ngàn năm hồn Việt”
cho Nhà thơ Đặng Cương Lăng
Rời nhà là gặp đường. Câu thơ mở đầu bài Những con đường, dễ dàng như một câu nói về một sự, ngỡ như là đương nhiên. Đương nhiên như nói dưới trời là đất. Nhưng nếu nghĩ câu nói ấy đã đề cao đất hay hạ độ thiêng liêng của trời thì câu nói đã thành câu thơ, một câu thơ không dễ có. Không dễ khi định viết nhưng lại không khó khi viết ra. Nó như tự đến. Vì thế nên người đời mới nghĩ là trời cho. Trời cho nhưng người phải biết dùng. Sau câu rời nhà là gặp đường, nghĩa là đường chiếm toàn bộ môi trường hoạt động của người, đường thành đời người rồi, thơ phải phát triển về đâu để duy trì cảm hứng, để bộc lộ chủ đề. Phần đầu của bài thơ là xuất sắc. Còn ở bài Nói với con trai về cầu vượt thì ý kết lại mở ra diện rộng cho bài thơ:
Những ngả đường con qua
Cần rất nhiều cầu vượt
Những hành trình con qua
Còn nhiều cầu để vượt.
Ở bài Mai sau, với hai chất liệu là nước và đất, ý thơ chiếm lĩnh toàn bộ nhân gian, chủ đề thơ mang tư tưởng rộng như triết học nhưng là thứ triết cảm nhận trực giác được bằng cảm giác của người về nước. Nó có sóng, nó động.
Để phác ra diện mạo bút pháp của Đặng Cương Lăng tôi buộc phải nhập vào cõi cụ thể của mấy bài thơ trong tập. Tưởng cũng đã đủ để thấy Đặng Cương Lăng đang khám phá, phát triển. Dù rằng không phải anh đã hoàn toàn chủ động và luôn luôn đến đích. Nhiều chỗ anh còn lúng túng. Không biết tiến cách nào thì dậm chân tại chỗ. Ở bài Đường đến đích, anh cũng hỏi sông, hỏi núi. Sông và núi trả lời sâu sắc. Nhưng khi hỏi người, cũng là chỗ đến của bài thơ, thì anh không biết ứng xử thế nào.Đi cho đến chỗ phải đến của bài thơ là điều Đặng Cương Lăng cần tính liệu. Xới đất rồi thì phải trồng rau. Bài thơ mở ra đến quy mô nào thì kết thúc cũng phải từ tầm vóc của quy mô ấy.
Hướng thơ vào chủ để có sức nặng tư tưởng là một đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc hôm nay. Ở thế kỷ trước là một đòi hỏi thiên về tình cảm, tự do tình cảm. Ở thế kỷ này, sự đòi hỏi, theo tôi, lại là nhận thức, tư tưởng, tự do tư tưởng. Hình như Đặng Cương Lăng đã có mối quan tâm ấy. Đó là một thế thuận tự lòng anh để thơ anh tiến triển trên một bình diện cao.
Tôi thích thú gặp trong tập thơ này, không ít mạch thơ Đặng Cương Lăng nhập đề tài hồn nhiên bằng cảm xúc, rủ rê tâm trí người đọc nhập theo, rất nhẹ nhàng mà chỗ đến vẫn sâu sắc thấm thía. Bài thơ Kiếp người sáu câu ngắn ngủi này, hết mà như còn. Hết câu, hết chữ nhưng người đọc còn ngân nga nghĩ tiếp:
Thấp như ngọn cỏ
Cao như trời sao
Kiếp nào bể khổ
Kiếp nào thanh cao
Cười rơi nước mắt
Xót xa kiếp nào?
Tác giả chưa có câu trả lời. Chỗ hết của bài thơ vẫn là một dấu hỏi. Nhưng treo lại cái câu hỏi của nghìn đời ấy vào thời buổi khoa học nhân loại đã rất tiến hóa này vẫn là một cách đánh thức. Cái nghịch lý của đời thu trong một câu tỉnh táo Cười rơi nước mắt. Sau đó là một câu hỏi không mong lời đáp, một trầm ngâm thế sự. Cảm và nghĩ hài hòa rất tự nhiên. Phát triển tính trí tuệ cho thơ cần lắm một cách nói bằng tứ. Đưa trí tuệ thấm vào trái tim con người thì lại cần cảm xúc. Đặng Cương Lăng đều đã có cả hai yếu tố ấy. Nhưng làm thế nào để cả hai yếu tố cùng tồn tại duyên dáng ý nhị trong mỗi bài thơ như đã từng tồn tại trong những bài tiêu biểu của tập thơ này là tùy thuộc tài năng anh. Là kết quả và cũng là biểu hiện của tài năng anh.
Hà Nội, 28/10/2014
V.Q.P