ĐỘC HUYỀN
Khuya xa lắng tiếng đàn bầu,
Giọt vui buông chậm giọt sầu tan nhanh
Giọt yêu ghét lẫn vào nhau,
Lăn qua truông mộng cuốn màu thu đi
Giọt nào vừa rót tràn ly,
Tôi mời tôi cạn nỗi gì thoáng cay
Hình như lạ lắm đêm nay,
Buồn không là rượu mà say rất đằm.
Hình như đời bỗng xa xăm,
Dù hình với bóng vẫn nằm kề nhau
Phím mòn gảy mãi giây đau,
Đàn ai cắt cớ bắt cầu sang tôi
Giọt trầm lòng níu pha phôi,
Ru mênh mang những nỗi đời chưa qua
Giọt chói chang tựa pháo hoa,
Vỡ tung nghìn sắc áo và hương bay
Người xa xa mấy tầng mây,
Bụi phù hoa có lấm ngày phù du
Đành như cánh nhạn tuyệt mù,
Đành như muối mặn khước từ gừng cay,
Hình như lạ lắm đêm nay,
Nhớ không là rượu mà say rất đằm
Lắng nghe bất chợt cười thầm,
Tiếng đàn gảy tự lòng mình đấy thôi
Mường Mán
Mường Mán được nhiều người biết đến không chỉ qua những tác phẩm văn học đáng kể, mà còn nhờ vào nét đặc sắc trong văn phong rất riêng của mình. Trong những bài thơ đi vào lòng người, Mường Mán còn có thêm một "Độc Huyền".
Đàn độc huyền là loại đàn một dây. Còn gọi là đàn bầu. Chỉ với một sợi dây mỏng manh, căng theo ý, độ bấm nông sâu, xa hay gần cần đàn,thế là âm thanh phát ra hoàn toàn khác nhau. Người ta nhờ sợi dây bé tí ấy, chuyển tải cảm xúc từ lòng mình, qua hệ thống âm thanh, chảy theo ngón tay lướt trên phím. Loại đàn độc đáo này chỉ riêng Việt
Giữa bao bề bộn của đời thường, con người chỉ có thể bình tâm lúc đêm về. Ai lại không muốn dẹp bỏ mọi lo toan, đón giấc ngủ. Chính giờ phút này, suy nghĩ của con người cũng không ngừng xoay chuyển. Suy tư càng lắng, càng dễ nắm bắt bất cứ một chi tiết nào, dù nhỏ nhất tác động đến bản thân, để tiếp tục vận hành... Trong bài thơ này, Mường Mán cũng không thể ngủ... Trời vào khuya, mà tác giả vẫn vẩn vơ theo một âm thanh xa lắng: tiếng đàn"Độc huyền" văng vẳng, rồi lẩn quẩn bám riết tâm hồn con người đa sầu đa cảm này...
"Độc Huyền" đến với chúng ta trong khoảnh khắc cô đơn nhất. Đêm tĩnh mịch, tiếng đàn sâu lắng. Chỉ có một người đối diện với tiếng đàn. Lắng nghe tiếng đàn lúc nhanh, lúc chậm rơi ngấm vào hồn. Này là giọt vui. Này là giọt buồn. Còn đây là giọt ghét, giọt yêu. Từng giọt tình cảm lăn dài, rơi mãi vào cảm xúc cho đến lúc đầy tràn. Và:
"Tôi mời tôi cạn nỗi gì thoáng cay"
Tác giả đang một mình uống từng giọt âm thanh, xui khiến người nghe cảm thấy buồn nẫu ruột. Nỗi niềm quyện trong tiếng đàn đủ vị đắng cay, đủ sức lên men, làm người nghe ngà say . Những từ "thoáng cay", "hình như", "xa xăm","rất đằm"..., cứ xâu chuỗi lại diễn biến tâm trạng con người chừng như hư ảo, nhưng lại rất thực . Thực tế như chính chúng ta cũng thao thức trong đêm khuya, nghe tiếng đàn lẻ loi, mà buồn bã, rồi dâng tràn bao xúc cảm vậy...
"Hình như lạ lắm đêm nay,
Buồn không là rượu mà say rất đằm.
Hình như đời bỗng xa xăm,
Dù hình với bóng vẫn nằm kề nhau"
Bốn câu thơ này càng làm lòng người đọc nghe chua xót. Buồn không là rượu mà đủ sức làm người say, lại say rất dằm mới là lạ chứ! Từ "đằm" tác giả sử dụng rất hay, mô tả đúng cái ngà say thật độc đáo. Say mà vẫn tỉnh. Tỉnh trong cái la đà, lâng lâng. Vẫn phân biệt rất rõ mọi chuyện, nhưng cái nỗi niềm thấm sâu vào tận hồn, làm chao đảo mà không rứt ra được.
Rõ ràng ta không nhìn thấy người đánh đàn, cũng không hề thấy tác giả uống rượu, chỉ có tiếng đàn làm cay đắng, thấm sâu tận con tim cô đơn, đối diện với chính mình, trong làn sóng âm thanh xa lắng đủ để con người thấm thía nỗi buồn. Cái buồn ấy như hình và bóng, tuy cận kề mà xa xăm quá. Loáng thoáng ta thấy tâm sự một ai đó:
"Buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn...."
Xốn xang, cay đắng có phải từ tiếng đàn? Ngà say, nghiêng ngả vì những giọt âm thanh cứ rơi ảo não? Hay vì đàn lâu ngày nên phím mòn, nên giây đau đớn rên siết? Hay là tại tâm trạng tác giả buồn thỉu buồn thiu, nên mới thấy “Đàn ai cắt cớ bắt cầu sang tôi"? Đặc biệt những từ mang nét riêng của người Lục tỉnh Miền Tây, đã được tác giả sử dụng tài tình. Ở trên là "đằm", bây giờ là "cắt cớ", rồi lại "bắt cầu"... Đúng là tiếng đàn đang bóp nghẹt tim người. Chính những giọt âm thanh chơi vơi, làm tâm trạng người nghe nảo nề, buồn sầu. Giọt đàn cắt cớ níu lòng người nghe. Ru hồn ai vào nỗi nhớ mênh mang...
Mười câu thơ từ:" Phím mòn gãy... khước từ gừng cay", là nỗi nghẹn ngào, nhớ nhung chất ngất. Nhớ bóng người đã xa. Kỉ nệm xưa chôn giấu, lại bị tiếng đàn đêm nay khơi dậy. Cái nhớ ấy lan nhanh trong giọt trầm, giọt bỗng... Nó như vết thương chưa lành hẳn, đã vội vàng mưng mủ làm đau đớn cõi lòng. Biện pháp tu từ so sánh: từng tiếng đàn như giọt nước, có hình khối, có màu sắc. Có lẽ vì thế người ta mới ví tiếng đàn bầu là "Giọt". Tiếng đàn rơi như giọt nước hoàn chỉnh, cứ lăn tròn, tan chảy vào lòng người thật sâu...
Cái nhớ ở đây cũng lạ. Nhiều câu hỏi được đưa ra: người xa có hạnh phúc? Hay người ấy có phủ bụi phù du? Không cần biết ai kia có nghe không, nhưng người đang nhớ, đang thao thức lại xót xa, tắc nghẹn:
"Đành như cánh nhạn tuyệt mù,
Đành như muối mặn khước từ gừng cay"
Khổ đau buồn nhớ, ai xui khiến tiếng đàn làm người ngơ ngẩn? Chính câu thơ này, ta lại bắt gặp hình ảnh ẩn hiện của ca dao:
"Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay biển bắc anh tìm biển đông
Tay bưng đĩa muối chấm gừng ,
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"
Người ta là cánh nhạn tuyệt mù, không bao giờ trở lại. Nỗi nhớ người ở đây nghẹn ngào thốt lên “đành như" để cố mà quên... Nhưng đêm khuya, nghe tiếng đàn sâu lắng, tác giả lại buông mình tự do vào nỗi nhớ. Cái nhớ lung linh, hư hư thực thực, theo đó mà kéo nhau hiện nguyên hình, đẩy tâm hồn vào chơi vơi, nhấn vào men cay, càng cố dẫy dụa, càng bị chết đắm.
Tác giả ví buồn và nhớ như là rượu, để con người say, say thật đằm... Cuộn phim tâm trạng con người: vui, buồn, thương, ghét, yêu, hận... lần lượt biểu hiện. Uẩn khúc cuộc đời, ngà ngà theo tiết tấu nhanh chậm, trầm bỗng, gậm nhấm xúc cảm người nghe... lơi lơi, thôi thúc, đầy quyến rũ...
“Lắng nghe bất chợt cười thầm,
Tiếng đàn gảy tự lòng mình đấy thôi”
Ở hai câu kết lại quá bất ngờ, như thoảng qua một nụ cười. Tác giả thầm cười mình. Chĩnh tâm trạng đã làm mình tự gán ghép cho tiếng đàn vô tư ấy một nỗi lòng, một tâm trạng. Nhưng thật ra tác giả đã xác định rõ ràng: tâm lí con người sẽ ấn định tình cảm của tiếng đàn. Thấp thoáng lại ẩn hiện câu thơ Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Đó là đặc trưng riêng của âm nhạc. Chính đây cũng là đặc sắc riêng của Mường Mán: buồn nhớ, say sưa theo tiếng đàn, nhưng không hề bi lụy. Cảm nhận tiếng đàn nhưng lại biến nó thành thơ. Và tiếng đàn ấy qua tay Mường Mán được cấu thành những vần thơ bay bỗng....
Qua làn điệu thơ lục bát, tiếng đàn độc huyền trong đêm khuya ấy, bay theo hồn Mường Mán đến với chúng ta. Hay nói cánh khác hơn, Mường Mán đã dùng ngôn ngữ thi ca đưa từng giọt đàn vào suy tư người đọc thật nhẹ nhàng. Tâm hồn tác giả và tiếng đàn, cả hai quyện vào nhau, trong những vần thơ mộc mạc, trong sáng, tha thiết... Như giọt nước lăn nhanh, tác giả đẩy ta chìm vào tiếng đàn để thưởng thức nét độc đáo của nó. Đồng thời tác giả bộc lộ nét xúc cảm, trong khoảnh khắc mình buông lơi, đối diện với bản thân, giữa âm thanh réo rắt, lẻ loi đêm khuya...
Tiếng "Độc Huyền", đưa ta vào tâm sự Mường Mán, hay tác giả mượn tiếng đàn dẫn ta về đối diện mình, trong làn điệu lục bát hữu tình cũng không biết. Chỉ biết qua bài thơ, ta cảm nhận thêm rõ nét, cái muôn màu muôn vẻ của tiếng đàn Độc huyền, trong ngàn biến tấu của cuộc đời. "Độc Huyền" làm ta ngà say không còn phân biệt được đâu là tiếng lòng , đâu là tiếng đàn nữa rồi...
TỪ NGỌC
Email: lethiphuochuu@yahoo.com.vn
ĐT: 0919824424