Thứ sáu, 19/04/2024,


Khi bạn đọc cùng… Giám khảo cho cuộc Thi Thơ (29/08/2014) 
Có thể khẳng định cuộc thi thơ Lục bát với chủ đề “ Tổ quốc và đạo pháp ” là một sáng kiến độc đáo. Rất hay ở chỗ: Ý nghĩa lớn về nội dung, Thời gian thi dài, Ban Tổ chức bao gồm nhiều thành phần uy tín đăng cai… Còn về xếp hạng giải thì mang nét đặc trưng có tới 6 giải nhất và 8 giải nhì cho mỗi năm, cuối cùng còn chọn ra một giải đặc biệt (Kim Cương) cho toàn cuộc. Phần thưởng rất quí là vàng ròng, bạc thật - Thứ kim loại trường cửu khó lòng oxy hóa bởi thời gian. Hình như “nghĩa bóng” vô giá hơn, nhằm ngụ ý tôn vinh cho Thi phẩm?
 
Tự thân trang Lucbat.vn từ lâu đã thu hút độc giả yêu thơ và những người làm thơ, Nhưng những sáng kiến cải tiến làm đa dạng chuyên mục càng góp phần tạo cho trang tăng tính hấp dẫn, khơi gợi cho người đọc tìm kiếm, tham khảo nhiều vấn đề về văn hóa, cuộc sống, con người… Riêng chuyên mục “Văn hóa Tâm linh” tôi chủ quan tin rằng ngày ngày luôn có số người tới chiêm ngưỡng và suy xét chắc chắn rất đông. Trong đó bao gồm độc giả, những người dự thi, đặc biệt còn thu hút cả những nhà thơ đã thành danh, có thành tựu trong thơ lục bát.
Chất lượng cuộc thi năm nay đã được Ban Sơ khảo sàng lọc công bố công khai và trưng cầu ý kiến phản hồi. Rất minh bạch.
Theo Nhà thơ Đinh thường đánh giá mới biết số lượng bài dự thi rất lớn tới 2700 bài. Lựa đăng 560 bài của 126 tác giả lên trang không khỏi bận tâm cân nhắc. Qua đó ta mới hiểu công sức của người biên tập và anh chị trong Ban Sơ khảo là vô cùng lớn. Họ cũng bận trăm công ngàn việc của đời thường. Làm đây là tự nguyện, không lương. Ngoài trách nhiệm ra, có lẽ họ hoàn thành được nhiệm vụ nhờ mắc chứng SAY – giống tên một bài thơ của tôi:  “0ng bay hoa gặp có dừng/Bướm bay hương thả thơm lừng còn bay/Ơi người mê mẫn cơn say/Có ai bắt tội tàn ngày trắng đêm”. Nhưng tôi thấy khó khăn nhất là mỗi thành viên Ban Sơ khảo phải tìm giới thiệu đề cử được 5 tác giả vào giải. Như vậy mỗi người đều phải quay lại đọc cả 560 bài đã đăng. Hay thì rất hay bởi biết thơ người… nhưng cực nhọc cũng vô cùng.
Tuy thế, Ban Sơ khảo đã tìm ra 21 Tác giả. Ta lấy 25 - 21 = 4. Với phép toán giản đơn, giúp ta suy ra chỉ có 4 tác giả có phiếu trùng. Rất mong 4 tác giả này không ai trong số phạm qui. Thế còn lại 21 tác giả trên sẽ phân bố cho 5 thành viên sơ khảo. Như vậy, mỗi người bỏ 1 phiếu cho 1 tác giả của mình, tạm sắp xếp theo dãy sau : 4+4+4+4+5 . Đây là hiện tượng đơn phiếu. Làm việc của Ban Sơ khảo là độc lập, nên ta có nhận xét là sở thích mỗi người khá khác nhau, nhìn nhận cũng xa nhau. Rất vui, vì thơ là cây đàn muôn điệu… người thích mặn, người thích ngọt… Thẩm quyền ấy là sở quyền riêng của những nhà cầm cân lẩy mực.
Tâm tư, nhận xét của độc giả tin rằng ai cũng có nhận cảm riêng. Nhưng công khai trên cửa sổ phản hồi tôi thấy nhiều ý kiến rất thẳng thật như của Nguyên Hùng, Thanh Phương, đặc biệt ý kiến của Nguyễn Thị Minh Hồng- một nhận xét công phu, chính xác, lập luận xác đáng. Cần lưu tâm.
Tuy nhiên, “ngọc còn có tỳ vết” nữa là.... Những hạn chế vần luật nào đó của các nhà thơ đi trước hay bậc Tiền bối được đời sau phát hiện là rất tinh tường, mục đích để tránh. Chứ không phải để chê bai hay để học tập cái chưa đúng. Thật sự không nên vì bất cứ lý do gì mà thiên kiến. Tất cả hãy vì cái hay cái đẹp của một thể thơ truyền thống Việt Nam.
Theo Trưởng Ban chung khảo – Nhà thơ Vương Trọng cho biết thì: Qua vòng “Các tác giả và bạn đọc cùng giám khảo” Ban Tổ chức đã phát hiện ra 7 tác giả “phạm quy” (trong chùm bài đề cử, có tác phẩm đã được công bố trước khi gửi dự thi), có 2 tác giả đã được trao giải Vàng năm ngoái (chỉ được tính điểm khi xét giải “Kim Cương”). Tôn trọng ý kiến bạn đọc, Ban tổ chức quyết định không bổ sung và đề cử thêm, nên chỉ còn 12 tác giả được ban Chung khảo xét giải lần này. Có thể nói, đây là một vòng Chung khảo nghiêm túc, nhiều bất ngờ và có sự đóng góp rất quan trọng của bạn đọc! Như vậy, nếu không muốn bị loại bởi “phạm quy”, thì cách tốt nhất là trước khi tham dự cuộc thi thơ tâm linh Nhà Phật này, là các tác giả phải đọc kỹ lại Thông báo Thể lệ (đã công khai trên website Lục Bát Việt Nam
Hi vọng 6 năm của cuộc thi này sẽ đủ thời gian để tìm ra thêm nhiều những bài Lục bát hay, để ghi vào bộ nhớ bạn đọc như: “Thường dân” của Nguyễn Long, “Làm vua” của Phạm Xuân Trường ở cuộc thi Lục bát của báo Giáo dục Thời đại gần 20 năm trước; hay bài “Chợ đêm Long Biên” của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai…
Đêm thứ 7, ngày 30 tháng 8 năm 2014, ta sẽ được ngắm nghía, vỗ tay hỉ hả trước những đứa con tình thần của 12 Tác giả năm Giáp Ngọ… Viết đến đây, tôi chợt nẩy ra một suy nghĩ vui vui xin bày tỏ. Hát xẩm đang đệ trình Unesco công nhận là “Di sảnVăn hóa phi vật thể”. Mà ai cũng biết cái lõi của hát Xẩm là thơ Lục bát. Còn số người hát xẩm… cộng với số người nghe xẩm…sao sánh bằng số người yêu thơ Lục bát muôn đời nay. Chưa nói tới Lục bát còn có sự bảo lãnh của Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa Thế giới. Lục bát đã truyền đời ngấm vào máu của người dân nước Việt. Sao không là “Văn hóa phi vật thể” nhỉ? Độc nhất vô nhị, chả quốc gia nào có thơ Lục bát như ta? Điều ấy có cớ cho ta hy vọng sớm muộn thể loại yêu thích này sẽ thành Quốc Thi. Không thể thơ nào có thể tranh được vị thế ấy.
Sen – là Quốc Hoa và Lục bát sẽ là Quốc Thi. Tôi có niềm tin và luôn ngóng chờ điều ấy. Và, ai trúng giải Vàng hay giải Bạc của “Tổ quốc và đạo pháp” năm nay sẽ càng cảm thấy tự hào.
                     Hải Phòng, trước ngày Hội Thơ Lục bát Giáp Ngọ - 2014
                                                   Bs Nguyễn Thanh Tuyên
 
 
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: