Thứ ba, 23/04/2024,


Như một đồng vọng Mùa Vu Lan... (Trần Thị Ngọc Ánh) (11/08/2014) 

 

MÙA VU LAN NHỚ MẸ

Vì con mẹ chẳng ngại gì
Nhục hình cũng chịu, tru di cũng đành
Sẵn sàng phạm tội sát sanh
Miễn con được sống an lành ấm no

Cơm vài hột nước lưng mo
Quần xăn áo xắn lội mò quanh năm
Cho con rạng rỡ trăng rằm
Quản gì lặng lẽ… tối tăm vạc cò

Kể chi mạnh yếu trâu bò
Một thân một bóng phải gò lưng thôi
Đội trời mưa gió nắng nôi
Bạc đầu thương trẻ cút côi vẫn cày

Suốt đời tay miệng miệng tay
Làm sao tránh khỏi va này đụng kia
Vì con đau ốm trật trìa
Hổ hùm cũng gật sâu sia cũng ừ

Việc chi mẹ cũng không từ
Miễn là con được an cư lạc phần
Đâu ngờ thiên địa bất nhân(*)
Bão qua giông lại quấy quần “chó rơm”

Rã rời rơi rớt ngọt thơm
Đắng cay sót sợi, vắt chờm đi đâu
Tử quan mẹ dốc ngược đầu
Dương trần con lửng hố sâu treo mình

Lên không tận cổng thiên đình
Xuống nào đến được u minh âm tào
Mỏi tìm chỉ gặp chiêm bao
Mẹ ơi tháng bảy… nghẹn ngào Vu Lan

Van trời lạy đất mênh mang
Thắp hương ngơ ngác tro tàn khói bay
Ước chi dù chỉ một ngày
Cho con vì mẹ gánh thay tội tình!
__________
(*) “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu
Thánh nhân bất nhân, dĩ bá tánh vi sô cẩu”
(Chương 5 – Đạo Đức Kinh Lão Tử)

Nguyễn Ngọc Hưng
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@gmail.com
Địa chỉ: Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
(Trích trong Chùm thơ dự thi TQVĐP số 80 (01/04/2014)


TRÁI TIM NGƯỜI MẸ: “KỲ QUAN TRÊN MỌI KỲ QUAN”
“Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời nhất là Trái Tim Người Mẹ” (Danh ngôn).
Trái tim người mẹ quê nghèo đơn thân – kỳ quan ấy – toạ lạc ở vị thế tượng đài, được tẩm ướp bằng vị mặn mồ hôi và nước mắt! Câu từ mộc mạc, nội dung phơi trải trên bề mặt câu chữ. Bài thơ “Mùa Vu Lan nhớ mẹ” thuần phác như một bài sám Mùa báo hiếu, nhưng nỗi xót xa chân cảm của người con là lời nhắc nhủ những người con khác đã trót vô tình lãng quên chữ Hiếu!
Vì con mẹ chẳng ngại gì / Nhục hình cũng chịu, tru di cũng đành / Sẵn sàng phạm tội sát sanh / Miễn con được sống an lành ấm no! Bốn câu thơ đầu làm dẫn đề, khái quát cấp độ hy sinh vô bờ bến của người mẹ. Không chút đắn đo mặc cả, mẹ sẵn lòng “chi trả” một cái giá đắt đỏ (nhục hình, tru di…) cho những việc làm được xem là “bất thiện” (Gieo cái nhân xấu, đơn cử là sát sanh – THÂN NGHIỆP!…). Dù chỉ là chấm dứt sự sống của con gà – vịt – cá – tôm, cũng vì cái tội quá ư “Ái Tử”! Vô hình chung, con là động lực gián tiếp khiến mẹ tạo tác lỗi lầm! Khổ nạn dốc ngược đầu được minh hoạ ở đoạn thơ cuối là nhục hình cụ thể, là cái QUẢ XẤU mẹ phải thọ lãnh do gieo trồng cái NHÂN không tốt! Xét cho cùng, nào đợi bước thác sinh mẹ mới mang “nhân thân” là tội phạm, mà mẹ đã tồn tại ở cõi- cát- bụi này như một “tội đồ”!
Đoạn thơ tiếp nối, mở ra những nẻo khuất khúc, tăm tối, tủi cực của “tội đồ”: mẹ làm thân trâu bò, cái cò cái vạc trên cánh-đồng-Người! Vài hột cơm, lưng mo nước: bữa trưa cho một ngày lam lũ! Cơm vài hột nước lưng mo / Quần xăn áo xắn lội mò quanh năm. “Dậy từ tối đất… đi nằm lặn sao…” (Nguyễn Bính)… đầu suối cuối khe lũi lầm con- cò- mẹ lặn tôm lội tép! Cho con rạng rỡ trăng rằm / Quản gì lặng lẽ… tối tăm vạc cò.
Kể chi mạnh yếu trâu bò / Một thân một bóng phải gò lưng thôi / Đội trời mưa gió nắng nôi / Bạc đầu thương trẻ cút côi vẫn cày. “Yếu trâu hơn mạnh bò” (thành ngữ: ẩn dụ cho sức mạnh cơ bắp nam giới). Không bằng và cũng không có được yếu- trâu (người đàn ông trụ cột gia đình) để cùng chồng cày vợ cấy, mạnh- bò- mẹ độc diễn trên cái sân khấu… mưa nắng bãi đồng!
Suốt đời tay miệng miệng tay / Làm sao tránh khỏi va này đụng kia. Không chỉ lao lực – những va này đụng kia trong cuộc mưu sinh lại chất chồng thêm nỗi lao tâm khổ tứ. Dầu vậy, từ việc lớn: hổ hùm, việc nhỏ: sâu kia / việc chi mẹ cũng không từ… cũng gật… cũng ừ … tất! Miễn là con được an cư an lành. Tìm cầu cho con một chữ AN, mẹ đã chiêu cảm về mình bao nỗi bất an, không chỉ kiếp này mà cả kiếp vị lai.
Đảo ngữ “tay miệng, miệng tay” đã chèn thêm cái khẩu nghiệp (tội lỗi do lời nói) vào cùng Thân –Nghiệp (và Ý nghiệp không hề vô can!). Mẹ hiền ơi, chừng ấy “luận cứ” đã đủ để “cấu thành tội phạm” !
Đâu ngờ “Thiên địa bất nhân” / Bão qua giông lại quấy quần “chó rơm”(*) Rã rời rơi rớt ngọt thơm / Đắng cay sót sợi, vắt chờm đi đâu. Bốn câu thơ như nét cọ cuối cùng hoàn chỉnh chân dung nỗi bất hạnh. Sự an cư lạc phần, an lành ấm no của con tỷ lệ thuận với nỗi cơ cầu mẹ nếm trải, với cả “nghiệp dĩ” trong vô minh mẹ đã vì con mà tạo tác. Nhưng Đất Trời chẳng thương (Thiên Địa bất nhân), thành quả một đời mẹ vun vén chắt chiu bồi đắp cho con – những ngọt thơm đã rã rời rơi rớt, chỉ còn lại đắng cay sót sợi, vắt chờm đi đâu. Mẹ con ta như con chó rơm, quấy quần trong bão qua giông lại.
Chuyển tải nỗi đau qui hướng tâm linh, đoạn thơ cuối mang âm hưởng Vu Lan Thắng Hội. Thấm nhuần những lý giải minh triết về học thuyết NHÂN QUẢ của nhà Phật, người con xót xa trong hình dung mẹ thọ khổ hình treo ngược. Tử quan mẹ dốc ngược đầu / Dương trần con lửng hố sâu treo mình / Lên không tận cổng thiên đình / Xuống nào đến được u minh âm tào / Mỏi tìm chỉ gặp chiêm bao / Mẹ ơi tháng bảy… nghẹn ngào Vu Lan! / Van trời lạy đất mênh mang / Thắp hương ngơ ngác tro tàn khói bay…
Ngước lên: cao lộng Đài Gương Vạn Hiếu Cổ Danh Xưng Mục Kiền Liên Bồ Tát! Với tấm lòng Đại Hiếu cùng sự cộng lực của mười phương tăng trong miên mật thúc liễm thân tâm mùa An cư Kiết hạ – đã cứu được mẹ Người thoát khỏi A Tỳ Ngục. Lần theo dấu vân du tự muôn xưa của Mục Liên Bồ Tát, con dâng nén tâm hương rực đỏ một khao khát nhân văn bình dị: Ước chi dù chỉ một ngày / Cho con vì mẹ gánh thay tội tình!
Phơi trải thời gian, dầu có là “Kỳ quan trên mọi Kỳ quan” rồi cũng phải “xuống cấp”. (Có khi chưa- kịp- xuống- cấp mà đã “mất tích”!). Tai lãng, mắt mờ, chân run, lâu nhớ mau quên, cứ ca- mãi- một- điệp- khúc! Đại tiện –tiểu tiện… tuỳ tiện! Đấng sinh thành trở lại “đứa trẻ thơ lâu năm”. Gắng: gượng tay, nhẹ lời… như mẹ đã chăm bẵm ta ngày thơ dại. Nhắc bạn cũng tự cảnh tnh tôi. Để “một bông hồng cho anh, cho em, cho những ai còn mẹ (Trịnh Công Sơn – Bông hồng cài áo) mãi mượt mà, thiết tha giai điệu.
 
        Bà Rịa- Vũng Tàu, ngày 21.07.2014
Trần Thị Ngọc Ánh
Trường Tiểu học Phước An, Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu
DĐ: 01244604399; Email: nguyendao1691@gmail.com 

______________
(*) Chó rơm: Con chó được làm bằng rơm dùng trong dịp tế lễ. Khi sử dụng thì đặt để nơi trang trọng, xong rồi vứt bỏ làm rác.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Ngọc Hưng - nguyenngochung204@gmail.com - 055.3861.312 - Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi  (Ngày 13/08/2014 12:45:54)

CHÂN THÀNH CÁM ƠN BẠN TRẦN THỊ NGỌC ÁNH ĐÃ ĐỒNG CẢM VÀ CỘNG HƯỞNG VỚI MỘT TRONG SỐ ÍT BÀI THƠ MÀ TÔI TÂM ĐẮC!

TRÂN TRỌNG CÁM ƠN BAN BIÊN TẬP LỤC BÁT VIỆT NAM ĐÃ CHO ĐĂNG BÀI BÌNH NÀY ĐÚNG MÙA BÁO HIẾU!

VÔ CÙNG CÁM ƠN TẤT CẢ CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC VÀ ÍT NHIỀU ĐỒNG CẢM SẺ CHIA VỚI THƠ VÀ ĐỜI NNH!

Các bài khác: