Thứ bảy, 18/05/2024,


Thơ Việt cổ điển: Thi hào Cao Bá Quát (14/01/2009) 

 

     Trong kho tàng thơ văn Việt nam cổ điển, ngoài thi hào nổi tiếng Nguyễn Du với tác phẩm bất hủ thơ Nôm “Truyện Kiều”, chúng ta còn có thi hào Cao Bá Quát với những bài thơ Hán-Việt đặc sắc của ông.

 

     Cao Bá Quát, hiệu là Chu Thần, sinh năm 1809, mất năm 1854; quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (Bắc Việt). Ông đậu Cử nhân và đuợc bổ làm Giáo Thọ ở Phủ Quốc Oai. Vì bất mãn với chế độ thời bấy giờ nên ông theo giúp Lê Duy Cự nổi loạn chống lại Triều đình năm 1854. Mưu sự thất bại ông bị bắt và bị xử tử.

 

     Trong lĩnh vực văn chương cổ điển Việt Nam ông được xem là một thiên tài. Vua Tự Đức đã khen tặng ông rằng: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán…”. Dân gian ưa thích thơ văn của ông đến độ tôn sùng ông là “Thánh Quát”

 

     Xuất phát từ một cảm quan sâu sắc và một hồn thơ tinh tế, thơ Cao Bá Quát rất hàm súc với lối nhân văn diễn tả độc đáo, khác với đa số thơ văn biền ngẫu đầy điển tích được ưa chuộng thời bấy giờ. Trước đây đã có rất nhiều sách vở và tài liệu văn học trình bày về thơ Nôm của Cao Bá Quát, nên trong bài viết này chỉ xin giới thiệu một số thơ Hán - Việt của ông mà thôi.

 

     Đọc thơ Nôm hay Hán-Việt của Cao Bá Quát người ta phải công nhận nét hành văn tả chân đặc biệt của ông vì nó nói lên được những rung động tinh tế của một tâm hồn đa cảm và chung tình; những nỗi niềm riêng tư, thầm kín, chân thành – một đặc điểm chỉ thịnh hành trong thi ca Việt hiện đại với phong trào thơ mới.  Một điểm khác nữa là trong những bài thơ Hán-Việt của ông tuy sử dụng chữ Hán - loại văn tự chính thức trong văn chương bác học Việt Nam so với chữ Nôm phổ thông trong thi ca dân gian thời đó - nhưng ông lại sính dùng điệp ngữ Hán - Việt, chẳng hạn như: trùng - trùng, hạo - hạo, dạ - dạ, phi - phi, du - du, thu - thu, phiếm - phiếm, âm - âm, tức - tức, lạc - lạc… Sự lựa chọn từ ngữ độc đáo này làm cho lời thơ ông có nhịp điệu và âm huởng đặc biệt gần gũi với tiếng Việt, do đó thơ Hán - Việt của ông có sắc thái nhịp nhàng, dồi dào nhạc tính, truyền đạt đuợc nhiều ấn tượng thi vị đặc sắc, có lúc nhẹ nhàng, bóng bẩy, có lúc sắc bén, thâm trầm, thấm đượm đặc tính thi ca Việt thường chỉ có thể tìm thấy trong văn thơ Nôm thuần túy mà thôi.

 

     Trong khuôn khổ ngắn ngủi của bài giới thiệu này - và cũng để tránh sự nhàm chán cho các độc giả ít quen thuộc với thơ cổ điển Hán - Việt của thế kỷ trước - trong số hơn trăm bài thơ Hán - Việt của thi sĩ họ Cao để chỉ xin chọn và phỏng dịch một số bài tiêu biểu nhất cho những cảm xúc riêng tư của tác giả, nỗi nhớ quê hương và gia đình thân yêu khi tha hương đối bóng, nỗi buồn trong sự nghiệp, nỗi đau xót ngậm ngùi lúc trở về làng quê cũ, những tình cảm sâu đậm giữa bạn bè tri kỷ, cũng như những cảm giác mới mẻ lúc công du hải ngoại. Nỗi buồn bàng bạc đây đó qua thơ của ông làm người đọc không khỏi thấm thía buồn với nỗi thất vọng ngỡ ngàng, chua chát về cuộc sống “phù danh” của buổi giao thời mà ông đã chứng kiến trong cuộc đời bất - đắc - chí của mình và chính ông đă gói ghém nó trong 2 câu hát nói đắng cay:

 

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cuời…

 

     Trong những bài dịch từ Hán văn ra Việt văn dịch giả Lý Lăng Nhân cố gắng diễn dịch bằng thể thơ Lục  bát - một thể thơ thuần Việt như tiếng ru êm đềm của thi ca chảy trong huyết quản người Việt, như âm vang thân thiết tiềm ẩn mãi trong tâm hồn kẻ ly hương.

 

 

 

Nhật tảo quá Hương Giang

 

Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền
Trường giang như kiếm lập thanh thiên
Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo
Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên
Trần lộ du du song quyện nhãn
Viễn tình hạo hạo nhất qui tiên
Kiều đầu xa mã phi ngô sự
Phả ái nam phong giác chẩm biền.

 

 

Sáng qua sông Hương

 

Núi xa lẫn trốn ruộng xanh
Sông dài như kiếm long lanh cuối trời
Thuyền chài vẳng tiếng hò lơi
Cò đôi co cẳng im hơi ngủ ngày
Mắt mòn hun hút đường dài
Tình quê roi vút cảm hoài xót xa
Đầu cầu xe ngựa phồn hoa
Gió nam tỉnh giấc hồn ta mộng ghì

 

 

Đáo gia

 

Song mấn tiêu tiêu bất tự tri
Hương thôn chỉ điểm thị qui kỳ
Mộc miên điếm lý sương thu tảo
Thiên mã hồ biên nhật thướng tri
Lân hữu hốt phùng kinh sác vấn
Mẫu thân sạ kiến hỉ giao bi
Bình sinh đa nạn kim trường hối
Úy hướng gia nhân ngữ biệt ly.

 

 

Về mái nhà xưa

 

Hoa râm mái tóc chẳng ngờ
Trở về làng cũ thẩn thờ bước chân
Đồn xưa cây cũ sương giăng
Hồ im nắng gội ngày xanh biếng về
Hỏi chào hàng xóm e dè
Mẹ già mừng tủi con về hôm ni
Cuộc đời hoạn nạn sầu bi
Nhắc chi hai chũ biệt ly não nề.

 

 

Trệ vũ dạ

 

Tế vũ phi phi dạ bế môn
Cô đăng minh diệt tiểu vô ngôn
Thiên biên chinh khách khuê trung phụ
Hà xứ tương tư bất đoạn hồn.

 

 

Đêm mưa dầm

 

Mưa đêm lất phất cửa gài
Đèn chong một ngọn nỗi nầy nói chi
Người chinh phụ, kẻ biên thùy
Tương tư hồn đoạn khác gì hỡi ai.

 

 

Vọng phu thạch

 

Độc lập sơn đầu đệ nhất phong
Chu điêu phấn tạ vị thùy dung
Âm thư cửu đoạn nhân hà xứ
Thiên hải vô nhai lộ kỷ trùng
Huyết lệ yên hà minh nguyệt thấp
Hương hoàn vân tích lục đài phong
Thiên hoang địa lão tình do tạc
Dạ dạ xao tàn bích đổng chung.

 

 

Hòn vọng phu

 

Đầu non đá tạc hình hài
Son phai phấn nhạt vì ai ngóng chờ
Người đi xa xứ vắng thơ
Biển trời cách biệt mịt mờ nước non
Máu hòa lệ khói trăng tròn
Mây giăng tóc phủ rêu còn rủ xanh
Trời già đất cỗi chung tình
Đêm đêm vẳng tiếng chuông rền động xa.

 

 

Thu dạ độc tọa

 

Minh nguyệt nhập tiền hiên
Cô ảnh khuy thanh tôn
U nhân ái dạ tọa
Tương đối diệc vong ngôn
Khởi lập miện không vũ
Nhân chi thiệp nhàn viên
Tức tức hầu trùng ngữ
Thu thu giang điễu huyên
Minh cư đạm độc thích
U thưởng diệu tự luân
Bạc chước sấn lương dạ
Úy ngã cơ lưu hồn.

 

 

Đêm Thu một mình

 

Ánh trăng chênh chếch qua hiên
Đêm thanh một bóng nghiêng nghiêng ảnh sầu
Người buồn vốn thích đêm thâu
Ngồi im đối bóng lặng sâu không lời
Trời cao chẳng chút mưa rơi
Người nhàn tản bước dạo chơi cuối vườn
Nỉ non trùng dế gọi hờn
Bên sông chim hót giọng còn thiết tha
Đêm dài duy chỉ mình ta
Người quen cảnh vắng phôi pha nỗi buồn
Đêm thanh an ủi mộng hồn
Chén hoa xóa nỗi cô đơn ít nhiều.

Theo tác giả Lý Lăng Nhân

(Madison, AL) 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: