Thứ ba, 23/04/2024,


Lục bát Nguyễn Thị Phụng (17/05/2014) 

Cuối năm 2013, tôi nhận được tập thơ Em vẽ trái tim mình do tác giả Nguyễn Thị Phụng gửi tặng. Đọc lướt qua tập thơ, tôi thấy mình có ấn tượng với những câu thơ, bài thơ lục bát của chị. Về sau, ấn tượng đó rõ nét dần khi tôi đọc lại, chậm và kĩ nhiều lần tập thơ này. Tập thơ có tất cả 65 bài, được viết theo nhiều thể thơ khác nhau. Trong đó, thể thơ lục bát có 26 bài, chiếm tỉ lệ 40%, bỏ xa các thể thơ khác về mức độ được khai thác trong thi tập.

 

Tác giả Nguyễn Thị Phụng

 

Điều đáng nói, tập thơ có đến 16/26 bài lục bát cách tân về hình thức trình bày. Cụ thể, từ chỗ chỉ có hai dòng, câu lục bát giờ đây đã được tác giả cắt nhỏ ra, lập thành nhiều dòng thơ khác nhau. Do đó, những bài lục bát như vậy thoạt nhìn chẳng khác gì một bài thơ tự do với những câu ngắn, câu dài đan xen nhau. Chỉ khi đọc lên, cấu trúc câu thơ lục bát mới hiện hữu, hồn thơ lục bát mới vang ngân. Bài Biển yêu dưới đây là một trường hợp như vậy:

“Biển

là nhân chứng

tình yêu

Ngàn năm dào dạt sớm chiều

vấn vương

Bâng khuâng một chữ

vô thường

Lời ru

man mát

Gió sương tháng ngày

Lạ gì

một chút heo may

Chuồn bay thì bão

sóng say bốn bề

Ô hay

biển

cũng mộng mơ!

Tình yêu muôn thuở câu thơ trăng rằm”

(Biển yêu)

Ngoài ra, không rõ là ngẫu nhiên hay chủ ý khi tập thơ Em vẽ trái tim mình được mở đầu và kết thúc bằng những bài thơ lục bát cách tân: Thương quá bắt tay ơi! (mở đầu), Mẹ ơi!... (kết thúc).

Tất cả những điều vừa kể trên đã làm nên màu sắc, không khí cho tập thơ thứ hai này của Nguyễn Thị Phụng (Tập đầu là Tự khúc đêm trăng, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2009). Có thể xem, lục bát như một chỉ dấu quan trọng để từ đó, chúng ta tiếp cận tâm hồn thơ Nguyễn Thị Phụng.

Đọc Em vẽ trái tim mình, trước sau tôi vẫn nghĩ rằng, tác giả là người hâm mộ thơ lục bát, một thể thơ vốn nảy sinh và phát triển từ đời sống dân gian, được các nhà thơ trung, hiện đại nối tiếp, liên tục tạo nên những thành tựu quan trọng. Qua nhiều thế kỉ, lục bát luôn giữ được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với công chúng lẫn người sáng tác. Tác giả Nguyễn Thị Phụng không chỉ ưa thích mà còn am hiểu kĩ thuật thơ lục bát, đã sử dụng thành thạo thể thơ này qua nhiều bài, tiêu biểu là Thương quá bắt tay ơi!, Ngát hương, Đêm nghiêng nỗi nhớ, Biển yêu, Đêm xuân thương gã si tình… Ở những bài thơ này, tác giả đã tạo được sự hài hòa giữa cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và vần điệu. Vì thế, lục bát của chị tuy nói về những điều giản dị mà không nôm na, chất phác theo kiểu ca vè. Bài thơ Đêm nghiêng nỗi nhớ dưới đây là một minh chứng cho điều vừa nói:

“Đêm nghiêng nỗi nhớ

riêng chung

Đồng loang nắng cháy

rát từng mắt môi

Đêm nghiêng nỗi nhớ

xa xôi

Trùng dương thăm thẳm

xanh lời mùa xưa

Đêm nghiêng nỗi nhớ

đong đưa

Cuốc khan đêm lẻ

nắng mưa mỏi mòn

Đêm nghiêng nỗi nhớ

héo hon

Giấc chưa tròn giấc…

dấu son chạnh lòng

Đêm nghiêng nỗi nhớ

tận cùng

Bờ ao hoa súng soi chung

trăng vàng”

Tính nghệ thuật của bài thơ được thể hiện ngay từ nhan đề, nhờ việc sử dụng từ nghiêng đã làm cho nỗi nhớ vốn là thứ trừu tượng bỗng trở nên hữu hình và có sức mạnh. Trong bài, cụm từ đêm nghiêng nỗi nhớ được đặt ở vị trí đầu mỗi đoạn thơ, được lặp đi lặp lại tới năm lần khiến cho ý thơ mỗi lúc mỗi mạnh dần lên. Nghệ thuật lặp trong trường hợp này đã đem lại hiệu quả nghệ thuật tích cực: bài thơ mở ra trước mắt người đọc một biển nhớ với điệp điệp trùng những con sóng nhớ thương, hoài niệm, khắc khoải… Tính nghệ thuật của bài thơ còn thể hiện ở việc phân dòng câu thơ lục bát đến mức tối đa. Chính điều đó đã tạo cho các từ ngữ vị trí độc lập tương đối, khiến nội dung cảm hứng bài thơ được bộc lộ ra một cách trọn vẹn, có độ dư ba nhất định.

Thơ Nguyễn Thị Phụng là tiếng nói của một tâm hồn bình dị, dân dã, nhiều trải nghiệm, nhiều suy tư, đủ độ tinh tế khi cảm nhận những trạng huống khác nhau của đời sống hiện thực. Tôi không được rõ về tiểu sử tác giả, nhưng qua thơ, thấy chị đảm trách nhiều vai xã hội khác nhau: người mẹ, người bà, người yêu thơ, người bạn thơ, cô giáo người hành khách… Những mối quan hệ ấy đã từ đời thực được tác giả dịch chuyển vào thi ca, tựa vào đó để bày tỏ, để chia sẻ những cảm xúc cùng những chiêm nghiệm buồn vui về kiếp người:

- “Đường trần sao một mình tôi!

Bụi hồng chắn lối sương rơi canh dài

Nhạt nhòa chiếc áo hôm mai

Dấu chân bãi vắng biết ai mất còn”

(Tôi chỉ còn có mùa thu)

- “Tôi đi tìm một tiếng yêu

Tháng năm mòn mỏi tím chiều vấn vương

Thẩn thơ hoa lá bên đường

Cỏ may đan kết tình trường mùa thu”

(Tôi đi tìm một tiếng yêu)

Thơ Nguyễn Thị Phụng, về cơ bản, mạnh ở nội lực cảm xúc, nhưng đây đó người đọc vẫn gặp được những câu thơ lắng đọng suy tư, triết lí. Trong bài Ngát hương, tác giả có hai câu thơ khá hay:

“Sớm chiều mưa tảo nắng tần

Bao nhiêu hạt gạo bấy lần mồ hôi”.

Tương tự, có thể nói đến hai câu cuối của bài Chuyện nắng mưa:

“Trời nắng lắm mưa phải rơi

Thấm sâu gốc rễ ngàn đời sao quên!...”.

Những câu thơ như thế dễ tìm được sự đồng cảm của người đọc, đồng thời là thứ “gia vị” để Em vẽ trái tim mình thêm đậm đà hương sắc.

Lục bát của Nguyễn Thị Phụng khiến tôi chú ý còn vì lí do này nữa: khá nhiều lần, tác giả như muốn phô diễn kĩ thuật thơ ca qua việc cấu tạo nên những câu thơ hoặc có nhiều vần bằng, hoặc liên tục điệp phụ âm đầu. Đơn cử:

- “Rộn ràng rơm rạ một đời gió sương…”

(Ngát hương)

- “Mơ màng mong muốn mùa mai mặn mà…”

(Đêm xuân thương gã si tình)

Cố nhiên, những lối thơ như vậy, kể cả việc phân câu thơ lục bát thành nhiều dòng, đã được thực hiện bởi nhiều người đi trước. Ở đây, với trường hợp Nguyễn Thị Phụng, tôi nhìn thấy trong mỗi câu thơ, bài thơ là một nỗ lực kế thừa và sáng tạo của tác giả. Trên thực tế, chị đã có những thành công rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Lục bát của Nguyễn Thị Phụng cũng có những chỗ chưa thật hay, do cấu tứ hoặc diễn đạt. Tôi không thích lặp từ mùa trăng trong câu thơ dưới đây:

 “Sau người mấy độ mùa trăng

 Say người mấy độ mùa trăng hỡi người?!”

 (Say người mấy độ mùa trăng)

 Tôi cũng nghĩ, giá tác giả mạnh bạo hơn, chấp nhận “vi phạm” luật bằng trắc bằng việc hoán đổi vị trí hai từ còn, chỉ trong câu thơ dưới đây thì ý thơ sẽ mạnh lên rất nhiều:

  “Tôi còn chỉ có mùa thu”

 (Tôi còn chỉ có mùa thu)

Bản thân tôi chưa có dịp tiếp xúc với tác giả Nguyễn Thị Phụng, chỉ đọc và cảm nhận về chị trên câu chữ của Em vẽ trái tim mình. Tôi cho rằng, lục bát là một điểm sáng của thơ Nguyễn Thị Phụng. Những sáng tác ấy là một phần đáng kể trong thành tựu thơ ca Bình Định đầu thế kỉ XXI này…

           

LÊ NHẬT KÝ

(Đại học Quy Nhơn)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn hải dương  (Ngày 25/05/2014 18:44:01)

BIỂN YÊU
(Nguyễn Thi Kim Phụng)

Biển dào dạt sóng vỗ bờ
Ngàn năm xưa cả bây giờ muôn sau

Biển là nhân chứng yêu nhau
Êm đềm dào dạt bạc đầu bão dông

Heo may sương tuyết lạnh lùng
Sóng lên từ gió gió rung bởi gì?

Chuồn chuồn gọi bão làm chi
Mưa dong lá lật bão thì giăng vây

Ô kìa biển cũng mộng say
Tình yêu muôn thuở chung xây tình đời


ĐÊM NGHIÊNG NỖI NHỚ

Đêm nghiêng nỗi nhớ não lùng
Đồng loang nắng cháy rát lưng mặt người

“Đêm nghiêng nỗi nhớ xa xôi”
Trùng dương thăm thẳm lòng vời vợi thương

“Đêm nghiêng nỗi nhớ đong đưa
Càng khan tiếng cuốc tình xưa mất còn

“Đêm nghiêng nỗi nhớ héo hon”
Tàn canh không ngủ lòng son hao gầy

Đêm nghiêng nỗi nhớ tận ngày
Tay bút thành súng tay cày cầm gươm
Xuân Ngọc


  Nguyễn Thị Phụng - phunglimon@yahoo.com.vn - 0945 564 818 - Tuy Phước Bình Định  (Ngày 18/05/2014 18:36:48)

Ô, đây chính là tác giả EM VẼ TRÁI TIM MÌNH
và thật vui đã có bạn bè yêu thương sẻ chia cảm xúc.
Cảm ơn bạn LÊ NHẬT KÝ(Đại học Quy Nhơn)thiệt nhiều nghen!

Các bài khác: