Thứ tư, 24/04/2024,


Đóng góp của Trần Huyền Trân cho thơ lục bát (21/01/2014) 

 

Chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông; sau Thơ mới, đã có Thơ ca kháng chiến chống Pháp, Thơ chống Mỹ, và thơ của thời kỳ Đổi mới, thì lạ lùng thay, chất hiện đại của thơ Trần Huyền Trân ngày càng được hiện lên một cách rõ nét, đáng khâm phục, đặc biệt trong một thể thơ truyền thống: Thơ lục bát!
 
 

 

Trần Huyền Trân qua nét vẽ của Bùi Xuân Phái.
Nhà thơ Trần Huyền Trân qua nét vẽ của họa sỹ Bùi Xuân Phái
 
Thơ lục bát Việt Nam được sinh ra một cách trực tiếp từ đời sống lao động sản xuất của người Việt:
Khoan khoan đợi với ơi phường.
Trên vai thì mắc gánh nặng, dưới đoạn đường khó đi…
Nó sinh ra tự nhiên từ trong nhịp võng ru, từ sự tha thiết, dặt dìu của trái tim người mẹ: Ru hời, ru hỡi, hời ru… Ru gì? Ru cả thiên nhiên nước Việt, ru hết tình người vào tâm hồn thơ bé:
Con cò bay lả bay la,
Bay từ cổng phủ, bay ra cánh đồng;
Chàng đi cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam…
Thơ lục bát câu sáu đan chặt vào câu tám, vần trắc ăn ý, nhường nhịn với vần bằng như đan nong đan nia nan dọc quyện chặt với nan ngang lống mốt, lống hai không lỗi nhịp; như ông bà con cháu chú bác cậu dì… quấn quýt bên nhau.
Thơ lục bát đòi hỏi vần điệu chặt chẽ nên nó đòi hỏi nhà thơ phải luôn tìm tòi chữ nghĩa, do đó mà làm cho Tiếng Việt ngày một phát triển, tinh hoa.
Thơ lục bát chảy như sông suối rộn ràng, dào dạt ở từng câu nhưng cả cặp thì bằng bặn như mặt nước biển sâu; đi từ động đến tĩnh và hướng đến cái tĩnh như mơ ước về một cuộc sống đẹp đẽ, tình người thủy chung trong thế ổn định, vững bền.
Có người cho thơ lục bát cũ kỹ, dễ gây nhàm chán. Quả có thế, khi nhìn vào loại thơ chỉ có xác mà không có hồn. Tôi biết có nhà thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn nhưng thừa nhận không viết được thơ lục bát. Nó cho thấy viết thơ lục bát tưởng như dễ mà khó vô cùng. Có người cho thơ lục bát không biểu hiện được sự sôi động phức tạp của hiện thực nhưng có gì tài tình hơn câu lục bát Đoạn trường thay lúc phân kỳ, Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha, lìa nhà, bỏ lại sau mối tình Kim Trọng để đi theo Mã Giám Sinh!
Tôi có một người chú ruột, khi ông là sinh viên ĐHSP Văn Hà Nội thì tôi mới học vỡ lòng. Ông dạy tôi thơ lục bát, nói rằng không phải cứ ghép chữ và đúng vần mới là thơ. Con mèo con chó có lông, Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai, vần rất chuẩn nhưng nhất định không phải là thơ. Nó lại mắc lỗi là nói những điều ai cũng biết. Thơ là phải có hồn người trong núi sông cây cỏ, phải làm xao xuyến con tim ví như câu Kiều : Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Sao tôi nhớ câu chuyện này mãi? Vì tuổi thơ dễ nhớ chăng? Không, tôi bị mắc vào cái câu Con mèo, con chó có lông; Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai. Tôi rất ngưỡng mộ chú tôi, do đó, khi tập làm văn tôi luôn tránh lối viết cụ thể, cục mịch. Nhưng tôi lại nhận thấy câu “Con mèo con chó…” đó lại có gì rất đặc biệt. Nó là một câu chuẩn cho vần luật thơ lục bát, là bài học vỡ lòng cho trẻ con nhận diện sự vật chung quanh. Nó cũng có ý giễu nhại như chú tôi từng nói nhưng còn gì nữa, tôi vẫn luôn suy nghĩ…
Nhà thơ Trần Huyền Trân yêu quý của chúng ta sinh ra tại Hà Nội nhưng trong một gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt: 13 tuổi mồ côi cha, phải làm đủ mọi nghè để kiếm sống. Trong bài Gửi một bà yêu thơ, ông tự bạch:
Tôi từ khi chửa biết gì
Con đi lưu lạc mẹ đi lấy chồng
Thuyền hồn chở một khoang không
Bao lâu giạt sóng trên dòng cô đơn
Kinh thành mây đỏ như son
Cái lồng eo hẹp giam con chim trời.
Hoàn cảnh đó khiến cho ông có một sự thông cảm đặc biệt đối với những thân phận “dưới đáy”, căm hờn sau sắc đối với mọi bất công xã hội. Đó là lý do khiến ông sớm đến với cách mạng, trở thành một nhà văn hóa của thế hệ tiên phong cùng với Lưu Quang Thuận, Lộng Chương, Hà Văn Cầu dựng lại cả một nền sân khấu dân tộc; trở thành một nhà nhân đạo chủ nghĩa. Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân giả dại là những màn, những vở chèo do nhóm Cổ Phong này phục dựng, ngày nay đã trở thành cổ điển.
Nhiều người biết bút danh Trần Huyền Trân là kết quả mối ân tình với cô Trần Nguyệt Hiền, một con ở trong một quán cô đầu ở phố Khâm Thiên. Cô Hiền không chồng mà chửa, luật lệ xưa thì khắt khe, cô Hiền bị đuổi việc mà không dám về làng sợ cảnh gọt trọc bôi vôi hoặc trói thả bè trôi sông. Nhà thơ của chúng ta không chỉ đứng ra bảo lãnh, cưu mang cả hai mẹ con mà còn ghép hai họ Trần lại (Trân Huyền Trần) thành tên con của cô Hiền, đồng thời là bút danh của ông. Trước Cách mạng, Trần Huyền Trân chơi rất thân với Nguyễn Bính, Thâm Tâm và nhiều nhà thơ, nhà văn khác. Ai trong số họ dan díu với Trần Nguyệt Hiền và Trần Huyền Trân cưu mang Hiền, ngoài tình thương người, có phải vì một nghĩa cả bạn bè? Nhưng quan trọng nhất là tình cảm nhân đạo lớn lao của nhà thơ trước những thân phận khổ đau, vô tội; hy vọng về một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái, nguyện làm “bậc thang đời” cho ngày mai ấy.
Năm 1986, khi tập Rau tần được xuất bản, tôi lần đầu được gặp Trần Huyền Trân. Nhà ông ở trước cổng Bệnh viện Đống Đa, nhà tôi ở tập thể Nam Đồng của báo Nhân Dân, vì thế tôi hay qua lại và được cả nhà đón tiếp thân tình. Qua tiếp xúc, qua những câu chuyện có tính chất gia đình, tôi biết được nhà thơ là người có đời sống tình cảm nghiêm túc, không giang hồ, lãng mạn như những nhà thơ khác. Vợ ông cũng thừa nhận và kính trọng ông ở điều đó. Thế mà lạ thay, thơ ông lại đầy chất giang hồ, lãng tử, đa tình và kiêu bạc.
Trong khi nhiều nhà thơ mới tìm tới hình thức thơ tự do thì Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân lại tìm tới thơ lục bát. Hàn Mặc Tử trung thành với thơ bảy chữ. Huy Cận vừa lục bát, vừa bảy chữ. Tìm tòi chủ yếu của các nhà thơ mới, theo tôi là tìm về dân tộc. Dân tộc ở tâm thức và cả hình thức. Thơ Pháp dĩ nhiên có ảnh hưởng tích cực nhưng không thay thế được điều căn bản ấy. Có thời, người ta chê Xuân Thu nhã tập là Tây, là tắc tị và lấy câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà làm ví dụ. Sau này, tôi có hỏi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, thì ông nói đó là câu thơ viết về cái dĩa đựng trái cây trên bàn thờ, mùa nào quả ấy. Từ các thức quả mà cảm nhận nhịp đi của mùa vụ, sông núi Việt Nam.
Thơ lục bát Việt Nam đến Truyện Kiều là tuyệt đỉnh. Nhưng từ đỉnh cao ấy, mấy trăm năm sau mới có một vài bài của Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Nhưng như thế vẫn còn mỏng mảnh lắm. Thơ mới với Nguyễn Bính, Huy Cận, Trần Huyền Trân…, trước đó một chút là Tản Đà lại làm sáng lên vẻ đẹp của thơ lục bát, làm nên một nền tảng để có thành tựu của thơ lục bát sau này.
Ai cũng biết thơ lục bát của Nguyễn Bính là hay. Nó sâu, nó tinh tế vì thể hiện được sự chuyển biến của thời cuộc qua tâm lý con người. Và có tính chất phổ thông. Nhưng nỗi đau nhân thế ở một người sống tận cùng với đời như Trần Huyền Trân thì câu thơ có một sức nặng khác thường. Bao nhiêu cái đau đời, thương nước của thế hệ trước, ông tự mình gánh lấy:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…
(Với Tản Đà - 1938)
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này… là một câu thơ sáng tạo. Lần đầu có người nói “rót đau”. Và đã rót có nghĩa là rót hết, nhận hết. Câu thơ không chỉ nói về sự tri âm tri kỷ của một đôi bạn vong niên, mà còn là sự chuyển giao thế hệ về trách nhiệm xã hội. Hẳn cụ Hiếu, người từng lo lắng Dân hai lăm triệu ai người lớn, Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con, thấy hậu duệ như vậy hẳn cũng an lòng! Và quả thật, mấy năm sau đó nước nhà giành được độc lập; trong đoàn quân làm nên biến cố lịch sử vĩ đại đó có Trần Huyền Trân!
Thơ lục bát của Trần Huyền Trân có nhiều câu sống lâu trong bạn đọc, dễ trở nên ca dao. Trong đó, tình thì sâu, ý thì chắc mà câu chữ vô cùng sống động, linh hoạt. Ta có thể kể nhiều câu trong bài Tương tư: Phải đây mùa nhớ thương nhau, Chim ngoài ngọn gió, hoa đầu cành mưa; Xa nhau gió ít lạnh nhiều, Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh… Thơ ông có những câu như cũ như kỹ mà ngẫm ra thì lúc nào cũng mới như chân lý, mê hoặc những người đang yêu: Tương phùng là để biệt ly, Biệt ly là để lòng đi qua lòng (Mười năm). Tôi thì luôn nhớ những câu Kinh thành mây đỏ như son, Cái lồng eo hẹp giam con chim trời (Gửi một bà yêu thơ); Chừng lâu rượu chẳng về chai, Nhện giăng giá bút một vài đường tơ, Nghiên son lớp lớp bụi mờ, Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi (Khi đã về chiều); Thơ ông nhiều câu chất nặng điển tích, cao sang ước lệ Không dưng rét cả dây đàn, Này cung dâng áo ngự hàn là đây!(Độc hành ca) Người là một kiếp thi nhân, Tóc tơ đã nhuộm mấy lần bể dâu; lại có nhưng câu thật biểu cảm trong tiếng nói đời thường Có đàn con trẻ nheo nheo, Có dăm món nợ eo sèo bên tai (Nhớ nhau); Nằm queo ngó lửng chim giời, Tuổi xuân thù tạc xế đời vào thu. Tôi chợt nhớ ông có câu thơ khác phô diễn tài nghệ sử dụng tiếng Việt, khả năng linh hoạt, gây bão tố của lục bát:
Này thôi đấy! Này thôi đây!
Này thôi kia nữa, hớp này thì thôi
Men lên ví chuyển lại thời
Lũ ta đội ướt đêm dài với nhau…
(Say ca – Tặng Thâm Tâm, Nguyễn Bính)
Hay:
Không! Không! Lạy mẹ! Vái giời!
Hẹn đi là đã đi rồi - thì đi
(Giữa đường)
Nói về thơ lục bát là chỉ nói về một góc rất nhỏ trong di sản tinh thần mà Trần Huyền Trân để lại. Nhưng trong cái góc nhỏ ấy cũng mang ý nghĩa lớn: Ông đã để lại nhiều câu thơ hay hòa vào ca dao, vào văn hiến nước nhà; góp phần khẳng định khả năng tồn tại và thâm nhập của thơ lục bát trong đời sống hiện đại, trong việc thể hiện chiều sâu tâm thức cá nhân.
Nguyễn Sĩ Đại

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: