Thứ sáu, 19/04/2024,


Rượu trời, men lục bát của Bành Thanh Bần (Trần Quang Quý) (20/12/2013) 

 

TCNV Online- Phàm việc làm thơ, đã là việc tự hành khổ mình trên cánh đồng mông lung, ám ảnh và cả huyễn hoặc của chữ nghĩa rồi, lại làm thơ lục bát nữa thì quả là một sự "liều”. Liều ở chỗ, thơ lục bát "đứng được" đã khó, nó dễ bị vần điệu vân vi đánh lừa, huống gì trông đợi ở sự mới mẻ, lay thức, cách tân ở một thể loại thơ truyền thống lâu đời bậc nhất trong thi ca Việt, mà trước đó đã có những cây đại thụ về thi pháp và giọng điệu lục bát đứng sừng sững, đất diễn trở nên quá chật hẹp, thì quả là nó khó lắm thay!
Nhưng Bành Thanh Bần, người cho mình là "gã thi sĩ nửa mùa" thì vẫn quả quyết chọn lục bát, mê mẩn với lục bát. Cái duyên lục bát, cái sự tình tang lục bát đến với ông trong mỗi cái nhìn, cái cảm, cái đong đưa tình núi, tình sông, dào dạt cỏ cây, mênh mông trời đất. Đến nỗi, mong nhớ bạn mà hứng giọt nước mái gianh cũng ngất ngất, phiêu phiêu.
Đến nỗi, trong cái quán bia, vốn rất ồn ào của những tạp âm phố phường, mà con mắt nghệ sĩ của ông vẫn chớp được những khoảnh khắc long lanh, mê đắm thế này:
Bia đen quán vắng chiều nao/ mắt em hai giọt lạc vào mắt anh/ quán say.../ quán bỗng tròng trành/ tưởng như đất dưới chân anh... sụt rồi! (Trong quán bia đen).
Xem ra, ấy là cái "khí" say nghiêng đình, đổ quán. Mà quán say, đất sụt... đâu phải vì bia đen hay bia vàng, là vì "mắt em hai giọt lạc vào mắt anh" luôn sóng sánh và bùng nổ trong ông. Đó mới là thứ rượu của rượu!
Ở đó, ít nhất ta được nếm thứ rượu của men say lục bát, hay men sáng tạo thi sĩ. Nói cách khác, Bành Thanh Bần đã chưng cất nên thứ Rượu trời của mình bằng chất men lục bát. Như các cụ ta có món rượu quê nút lá chuối, nấu bằng nếp cái hoa vàng và men quê dân dã, mà say đằm, bảng lảng vậy.
 
 

 
 
 
Ở men rượu trời ấy, thường thấy một Bành Thanh Bần bảng lảng, ngất ngây trong cõi bồng lai Tản Viên Sơn huyền tích mà ông, vốn là "Trại trưởng" cái "Sơn trại" du lịch có tên cũng huyền thoại và rất gợi nữa, Hồ Tiên Sa. Nơi đó, nơi hàng ngày ông vẫn sống với điệp trùng non xanh, miên man với mây ngàn, gió núi, để thảng thốt:
Bất ngờ/ nàng ngã vào tôi/ bất ngờ/ ngã một nụ cười vào mây/ bất ngờ mây ngã trên tay/ tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi (Trên Tản Viên Sơn).
Hay một nét đằm thắm, nhớ nhung, chưa thôi lúng liếng tình Huế và ông muốn nhắn gửi cái nồng nàn ấy vào cố đô qua chiếc cầu không gian xa cách, cơn mưa:
Sông Hương/ thuyền vẫn gác sào/ tình anh/ em vẫn neo vào lưng ong?// Trường Tiền/ cong nét mi cong/ nhớ anh đừng chớp/ kẻo giông bão về/ (Vẫn mưa).
Tôi nghĩ, hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên khi đọc lục bát của Bành Thanh Bần. Ngạc nhiên bởi cái lúng liếng đa tình của người thơ, đã ngoại lục tuần mà vẫn trẻ trung, mà hồn nhiên và tự tin đến thế, trước mọi trạng huống tình cảm. Có người bảo ông "trẻ dai", không chịu "lên lão", "ăn gian" được thời gian lâu bền đến thế trong cái duyên tình, mà đỉnh điểm của sự "trẻ dai" ấy là cái lúng liếng, tinh nghịch thế này:
Áo mây/ gió cởi bất ngờ/ giữa thung xanh/ nhú đôi gò mướt xanh// áo ai hờ hững mong manh/ gió tinh nghịch.../ níu mắt anh chạm vào...// trời thì ngăn ngắt tầng cao/ mây thì nõn thế/ lẽ nào/ nõn ơi...// đường lên thăm thẳm Cổng trời/ lộc xuân cởi nõn nói lời người xuân (Nõn xuân).
Mây kỳ ảo chứa bao nhiêu nõn xuân thực và mộng của cuộc đời? Nó chỉ có thể có được ở một hồn thơ còn trong sáng, dễ ngân rung điệu thức của tâm hồn, dễ "nhập đồng" vào miền cỏ cây, sông núi đẹp và kỳ vĩ của thiên nhiên. Nó không ở đâu xa, thiên nhiên ấy sẵn theo từng bước chân ông, trên Tản Viên Sơn hùng vĩ xứ Đoài.
 
 
 

Trong những quan sát, trải nghiệm khác về đời sống, Bành Thanh Bần cũng khá tinh tế, với nhiều thi ảnh đẹp:
Cánh cò chớp rối trời quê/ phau phau đỉnh núi, bộn bề tầng không/ Cánh cò vỗ sóng dòng sông/ Tiếng cò chao gió/ Mênh mông/ Chiều về...
Hay một Sa Pa huyền ảo, đẹp như bức tranh thu tạc vào thiên nhiên, không thể không hấp dẫn, khơi gợi trí tưởng tượng cho những ai chưa từng đến vùng đất hoang dã, kỳ thú này:
Sa Pa thu chín vàng tươi/ Nương thang lượn níu eo trời bâng khuâng/ cánh chim vỗ rỗ tầng không/ mật ong nắng trải gió mông mênh chiều (Thu Sa Pa).
Rất nhiều những câu thơ sóng sánh, gợi... dẫn ta vào thế giới mê cảm của ông.
Không chỉ thấy ở Bành Thanh Bần những giai tầng cảm xúc, những quan sát tinh tế..., đặc biệt là những rung động trước thiên nhiên và tình yêu, còn thấy ở Rượu trời ý thức cách tân lục bát rõ rệt. Cách tân lục bát quả là việc không dễ, có thành hay không lại là việc cần thời gian kiểm chứng. Nhưng hầu như bài thơ lục bát nào tác giả cũng nỗ lực cho việc làm mới; đó là dùng những thủ pháp ngắt dòng, chuyển nhịp, cả vắt dòng, một từ đứng một dòng..., tạo những tiết tấu khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau, nhằm tránh ngữ điệu đều đặn quen tai của cấu trúc truyền thống câu 6/8:
Áo mây/ gió cởi bất ngờ/ giữa thung xanh/ nhú đôi gò mướt xanh (Nõn Xuân).
Hay: Em ơi/ hôm ấy dứt tình/ đêm nay/ tôi thức một mình... hong mưa... (Giọt nhớ).
Hay: Giáng sinh/ không Chúa/ không em/ Tản Viên/ anh với trời đêm tự tình// gió lay thiên sứ cựa mình/ chào anh/ ôi!/ bất thình lình.../ là em! (Đêm giáng sinh)...
Trong Rượu trời, cảm như lục bát đến với ông một cách dễ dàng. Một chuyến đi, một cuộc gặp gỡ, một kỷ niệm đều có thể ngân lên âm điệu của lục bát. Điều đó chứng tỏ hồn thơ ông chưa bị "chai" trước bộn bề cuộc sống mà con người ngày càng trở nên máy móc, vô cảm hơn. Đó chính là năng lượng cảm xúc để Bành Thanh Bần còn có thể đến và đi cùng thơ ca, theo cách của ông. Tuy nhiên, sự nhạy cảm, dễ thành thơ cũng thường dẫn đến dễ dãi nếu không có sự lắng sâu, kiềm tỏa của tứ thơ, ý thơ và những trải nghiệm sâu sắc. Rượu trời còn thiếu nỗi niềm day trở về thế phận, về chiều sâu tâm cảm của con người, những ngẫm ngợi về nhân tình thế thái trong muôn vẻ đời sống nhân sinh.
Nhưng thấy lóe lên ở ông những tố chất thi sĩ, ẩn giấu thời gian, không biết vì sao, giờ mới có dịp phát lộ, như tôi vừa cảm ở Rượu trời. Tất nhiên, để những nhiệt năng cảm xúc, đặc biệt là với thể thơ lục bát có thể đi xa thì đòi hỏi một sự dấn thân, tự vượt chính mình, trên cánh đồng cày ải chữ không dễ như ta tưởng, khi nó mới chỉ dào lên cảm xúc.
 
Hà Nội, ngày 16-4-2012
Trần Quang Quý
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: