Thứ sáu, 26/04/2024,


Đặng Cương Lăng – Một giọng thơ đạo đức trữ tình (PGS.TS.Trần Thị Trâm) (04/12/2013) 

  

 
Đâu phải ngẫu nhiên mà mấy năm gần đây trong những cuộc thi thơ về đạo nghĩa Đặng Cương Lăng liên tiếp giật giải cao. Năm 2011 tác giả đoạt giải nhất cuộc thi thơ Ngàn năm hồn Việt, do Website lụcbat.com, câu lạc bộ Thơ Việt Nam và báo Người cao tuổi đồng tổ chức; giải tư cuộc thi Thơ ca và cội nguồn. Năm 2012 tác giả vẫn dành giải nhất cuộc thi thơ về Đạo nghĩa. Năm 2013 này, Đặng Cương Lăng lại hăm hở đến với cuộc thi thơ Nhịp sống mới của báo Người Hà Nội. Hy vọng anh lại ẵm giải về, bởi con đường thơ của anh nghe chừng đang rất hanh thông. Anh đang viết rất tốc độ, bút lực lớn và bút hồn ngày càng được tăng cường. Không kể những tập in chung, từ 2009 đến nay, năm nào kỹ sư Đặng Cương Lăng cũng xuất bản một tập thơ với những cái tít nghe thật ấn tượng, rất thơ và không ngừng tạo dư ba trong lòng bạn đọc: Trở về (2009), Thắp lửa 2010), Khát vọng (2011), Đất làng (2012). Và năm nay (2013) là Mùa thiêng.
Đến Mùa thiêng dường như chân dung nhà thơ Đặng Cương Lăng đã được định hình rõ nét. Đó là một gương mặt thơ đạo đức - trữ tình. Nếu mỗi người nghệ sĩ đều có một vùng hiện thực để phát sáng thì với cái tạng nghiêm ngắn và một tấm lòng hồn hậu, chân tình như anh, đạo đức chính là vùng khí quyển thiêng liêng, nơi người thơ ấy phát huy được thế mạnh của mình, thoát xác, thăng hoa và lóe sáng.
 Người đọc dễ dàng nhận thấy, những bài thơ làm nên tên tuổi thi sĩ họ Đặng như Đất làng, Chợ đời, Chị tôi, Bà mẹ mang hình trăng, Nỗi đau … đều thuộc về đề tài thế sự. Nhờ ánh sáng của đạo người dẫn dắt mà mỗi con chữ trở nên thấm đẫm ân tình, chúng đã làm rung động bao trái tim bạn đọc, đã góp phần thức tỉnh lương tri giúp con người hướng thiện, hướng tới cái cao cả và thoát khỏi cõi mê:
Một thời nhẹ dạ cả tin
Lỗi lầm đem bán cả miền khói hương
(Đất làng)
Chợ đời
mua một mất hai
Bán yêu cho kẻ hươu nai
bẽ bàng
(Chợ đời)
 Trong khi người đời hối hả sống gấp, giữa lúc thiên hạ thi nhau làm thơ tình, hoặc chạy theo thứ thơ tân kỳ thời thượng, Đặng Cương Lăng cứ một mình chậm rãi, nhẩn nha chọn dòng thơ đạo nghĩa và trung thành với nó.
 Như một chiếc ra đa thính nhạy, anh lặng lẽ viết thơ về cuộc đời xô bồ phồn tạp. Được Tổ đãi, tác giả liên tiếp cho ra lò những bài thơ mới. Đó là mặt mạnh nhưng có lẽ cũng là giới hạn của ngòi bút Đặng Cương Lăng, bởi với nghệ thuật số lượng chưa hẳn đã là tiêu chí quan trọng mà để vượt lên khỏi cái bình bình rất cần sự chưng cất, tinh lọc kỹ càng để xuất thần có được những độc sáng. Vẫn biết, thơ anh không phải bài nào cũng hay, nhưng dường như bài nào cũng có ý, có tứ và trên hết là ăm ắp tình người. Giống như trong ca hát, có nghệ sĩ được coi là hát hay vì giỏi kỹ thuật thanh nhạc nhưng có người chinh phục trái tim công chúng chỉ vì với niềm đam mê, họ đã cháy lên để sáng, giọng hát của họ có lửa và họ đã biết truyền được ngọn lửa ấm áp ấy đến trái tim của đông đảo người nghe vì thế đã tạo thành một hiệu ứng xã hội lớn.
 Không đi vào những bi kịch cá nhân, không khóc than lí nhí cho số phận riêng tây của mình, thơ Đặng Cương Lăng nghiêng về phản ánh những bi kịch lớn lao mang nỗi đau nhân thế: nỗi đau của mẹ đất bị lũ con bất hiếu tham lam chia ngang xẻ dọc; nỗi xa xót trước đạo đức xã hội đang có nguy cơ bị băng hoại, suy đồi; nỗi đau quằn quại của núm ruột miền Trung trong bão lũ kinh hoàng; nỗi đau trong trái tim cô đơn của người mẹ liệt sĩ đã hiến dâng các con thân yêu cho Tổ quốc; nỗi đau da cam trút lên đầu bao hình hài trẻ thơ vô tội… Mỗi lần như thế ngòi bút của nhà thơ lại một lần như ứa lệ:
Viết về cái nỗi bể dâu
Câu thơ gập xuống bút đau ướt đầm
(Nỗi đau)
Luôn tiếp cận cuộc đời bằng ánh nhìn đạo đức, thơ Đặng Cương Lăng thường hay nói đến đạo (Đạo học, đạo người), đến nghĩa nhân, đến tình mẫu tử sâu nặng:
Lắng nghe câu nhân nghĩa
Lời ru thành biển khơi.
                        (Lời mẹ)
Tác phẩm từng đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ về chủ đề Đạo nghĩa: Bà mẹ mang hình trăng là một bài thơ hay nhờ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung đạo đức và yếu tố trữ tình. Tình người ở đây thật đầy đặn, còn những rung động trong thơ chân thành và tinh tế. Chọn góc nhìn chiến tranh qua gương mặt người phụ nữ, nhà thơ đã nêu bật lên được sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của những bà Mẹ Việt Nam, những bà Mẹ anh hùng. Nuốt nước mắt vào tim, Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc tới 5 người con yêu quý. Hình ảnh bà Mẹ mang hình mặt trăng - một biểu tượng thơ mới mà không lạ bởi người đàn bà giàu đức hy sinh thường được ví như mặt trăng tỏa sáng vì người khác:
Bà mẹ mang hình trăng
Đi ngang qua chiến tranh
Năm người con sao sáng
Đã hiến dâng non ngàn
Trong ngôi nhà thắp lửa
Bao tình nghĩa  nước non
Bao tình người chan chứa
Lòng mẹ bớt héo hon
(Bà mẹ mang hình trăng)
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, dung dị mà vô cùng cảm động! Quả thật đi đến tận cùng cái đẹp đó chính là sự giản dị! Bài thơ được xây dựng trên nền tảng của đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn - cái căn cốt, cái phẩm chất gốc của một dân tộc ân nghĩa, thủy chung, điều làm nên vẻ đẹp vĩnh hằng của nhân cách Việt. Vì thế mà từ chân trời của một người bức thông điệp đã dễ dàng đi tới chân trời của nhiều người.
Không chỉ biết lắng nghe và sẻ chia với những dâu bể của phận người, trái tim mẫn cảm ăm ắp yêu thương đã giúp Đặng Cương Lăng có thể nghe được tiếng thì thầm của gió của trăng và tiếng thở than của đất của rừng, vì thế mà anh đã có được không ít bài thơ hay khi viết về thiên nhiên, đặc biệt là những mùa thiêng, những xứ xở thiêng liêng. Giọt thu Hà Nội, Gõ cửa mùa xuân, Yên Tử hồn non… là những bài như thế. Nhưng trong chùm bài thơ về đề tài thiên nhiên của tác giả có lẽ chỉ Mắt ai bên hồ là được nhà thơ làm trong tâm trạng thảnh thơi, thư thái:
Trăng non đỉnh núi mơ màng
Rừng cây bát ngát, khẽ khàng suối xanh
Giọt sương ngọn cỏ mong manh
Bên hồ lung liếng nghiêng thành mắt em
Bởi tiếp cận cuộc sống từ góc nhìn đạo đức, nên trong mỗi ô của trái tim anh dường như luôn thường trực nỗi đau đời. Vì thế, thiên nhiên chỉ là phương tiện, là một kênh để anh gửi gắm tâm sự của mình. Dù viết về mùa xuân nhưng lòng anh vẫn rưng rưng không nguôi niềm khắc khoải về sự mong manh của những phận người bé nhỏ:
Những phận người mong manh lá cỏ
Cứ gồng lên chống đỡ bão giông
                        (Gõ cửa mùa xuân)
Viết về rừng nhưng văng vẳng trong thơ anh là tiếng than từ đất, tiếng thở từ cây, là nỗi lo lắng khôn nguôi bởi những cánh rừng bạt ngàn nay đã bị tàn phá, còn cánh rừng nhân tâm giờ đang có nguy cơ bị vắt khô nguyên khí!
Đọc thơ của nhà thơ đạo đức trữ tình Đặng Cương Lăng, ta dễ dàng nhận thấy, khi nào đạo đức và trữ tình hòa quyện nồng nàn lúc ấy nhà thơ sẽ có được những tác phẩm hay. Đó là khi trong giây phút thăng hoa, những nội dung đạo đức đã được thi nhân khéo léo thơ hóa, nghệ thuật hóa, để có thể hữu hình được những cái vô hình, tạo nên cảm giác hư hư thực thực:
 Những giọt thu Hà Nội
Thu gom cả đất trời
Cầm giọt thu trong trắng
Bao nỗi niềm đầy vơi
(Giọt thu Hà Nội)
 Đó là lúc người thơ thả hồn đi tìm cái đẹp - một cái đẹp mong manh sương khói, bởi mĩ học bao giờ chẳng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực. Vì thế, đến Mùa thiêng thơ anh đã bớt phần mộc mạc, đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Chất nghệ sĩ trong anh ngày một rõ hơn và khả năng nắm bắt cái mong manh ở anh đã ngày càng lớn hơn:
Tôi đi tìm cái mong manh
Ghép lời của gió để thành lứa đôi
(Mong manh)
Hình hài thi nhân dường như đã xuất hiện, ẩn tàng trong từng câu chữ:
Tay cầm bầu rượu túi thơ
Xuân sang như thực như mơ giữa đời
 (Giao cảm mùa xuân)
Đất trời giăng tơ
Ngàn lau trắng xóa
Mắt rừng thăm thẳm
Hồn rừng trắng trong
                        (Nỗi rừng)        
Một điều nữa người đọc có thể thấy, trong Mùa thiêng tác giả đã có sự thay đổi về thể loại và có sự tăng cường chất triết lý. Những bài càng ngắn càng sâu sắc. Trước đây anh thường làm thơ theo thể lục bát, nặng về bộc bạch, rãi bầy. Ở tập thơ này, tác giả đã có ý thức làm mới thơ mình bằng cách sử dụng linh hoạt nhiều thể thơ khác nhau: có thơ 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng. Có bài xen kẽ thơ dài ngắn. Thể lục bát 23 bài trên tổng số 57, chiếm 40 %. Ngay ở thể thơ quen thuộc này, tác giả cũng có ý thức, có những biến hóa, tạo ra sự co duỗi mềm mại. Chẳng hạn trong bài Chợ Nổi:
Bồng bềnh một cõi
nổi trôi
Người lên - xuống
Kẻ ngược- xuôi…
Dập dềnh
Qua đó có thể biểu đạt một cách tối ưu sự nổi nênh của kiếp người bé nhỏ giữa dòng sông cuộc đời phũ phàng, vô định. Lối chơi chữ tạo ra sự đối lập đã làm cho câu kết bài thơ mang đậm chất triết lý, đã để lại được dư âm dư ảnh trong lòng người đoc:
Phận chợ thì nổi
Phận người chìm sâu!
Cũng nhờ thế mà bức thông điệp từ thi phẩm không chỉ neo đậu ở trái tim bạn đọc mà đã đi đến một bến bờ mới là chiều sâu triết lý nhân sinh. Những bài Vì đâu? Đích, Công lý, Thơ và lúa đều là những bài mang tính triết lý cao:
Người gieo lúa
như người trồng thơ
Thơ mọc xanh
Cánh đồng
Chữ nghĩa
Lúa tốt tươi
Đồng ruộng
Vàng mơ
Những luống cày
Mồ hôi thấm thía
            (Thơ và lúa)
 Lúa nuôi sống con người, thơ như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm  hồn ta, nuôi ta lớn lên cùng cái đẹp. Trở về cội nguồn dân tộc, sống với những đạo lý ân nghĩa thủy chung, luôn mang trong trái tim tình yêu cuộc sống, đó chính là bí quyết thành công của nhà thơ đạo đức trữ tình Đặng Cương Lăng.
                                                          Mùa thu 2013
PGS.TS. Trần Thị Trâm
 
 
 
 
 
Ngày thơ lục bát 2013
Ảnh trái qua: Nguyễn Thanh Tuyên; Đỗ Văn Kệ; Cao Trần Nguyên; Đặng Cương Lăng; tác giả thơ Nguyễn Hùng Cường; Chử Thu Hằng
 
 
 
Thơ Đặng Cương Lăng
 
 
Mùa chưng cất 
 
Xuân vượt qua núi đá    
Để lại sau lưng ngàn
Một mùa thu úa lá
Một mùa đông sen tàn.
 
Những búp non hối hả
Giữa trong xanh vô ngần
Lòng thung ngày vội vã
Như vo tròn thời gian.
 
Đi qua miền tím ngắt
Mong manh kiếp bọt bèo
Bước đường đời cao thấp
Nặng cảnh đèo cheo leo.
 
Chợt mắt xuân kẽ lá
Hoa nắng rơi rụng đầy
Đồi xanh chi chít quả
Mùa em vừa qua đây.
 
Trên nền xuân trong vắt
Hạnh phúc mở xanh non
Trải bao mùa chưng cất
Trăng mai lại khuyết tròn.
 
 
 
Biển nhớ    
                                                                                               
Miền Trung ngày đang gió
Không một cánh buồm trôi
Vùi mình vào biển nhớ
Bốn mùa em trong tôi.
 
Miền Trung ngày bão táp
Dọc nẻo đời sớm trưa
Xanh triền sông hoa lá
Bao kiếp người nắng mưa.
 
Những ngả đường gian khó
Biển Đông có vỗ về?
Đời khi bồi, khi lở
Đâu thánh thần chở che?
 
Xuống biển gặp Độc Cước *
Lên núi thấy Cô Tiên *
Sóng và mây ẩn khuất
Trong bao nhiêu nỗi niềm.
 
Trường Lệ hồn Trống Mái
Ngàn năm chẳng phai mờ
Trăng soi nghiêng bến bãi
Biển nhớ ùa vào thơ!
                                             * Những ngôi đền ở Sầm sơn Thanh Hóa.
 
 
 
 
Lính đảo
 
Lính đảo về thăm quê
Mang theo mặn mòi của biển
Sóng bạc đầu ướt mái tóc xanh.
 
Lính đảo về thăm quê
Mang theo khao khát nụ cười và tiếng hát
Chỉ san hô, sóng cát là thừa.
 
Lính đảo về thăm quê
Mang theo tiếng cười rớt sóng
Biển đầy nước mà khát khô cổ họng.
 
Lính đảo về thăm quê
Thả hồn hương lúa say
Bình yên bên em phút giây...
 
Ngụp chìm bao sóng gió đại dương
Biển có biết nỗi niềm lính đảo
Có biết búp non đất liền thương nhớ lá bàng vuông?
 
 
 
Nỗi đau   
                                                           
            Gửi Tổng thống Barack Obama
 
Viết về cái nỗi bể dâu
Câu thơ gập xuống, bút đau ướt đầm
Chân trời nứt rạn da cam
Dòng sông cắt khúc, lặng câm suối đời.
 
Sinh ra cũng một kiếp người
Sống trong thảm họa, khóc cười chẳng yên
Bao nhiêu bi kịch triền miên?
Nửa hình người, nửa dữ hiền, thương thay!
 
Dioxin chất độc này?
Trẻ vô tội, ai đọa đày, thương tâm!
Nối đời mòn mỏi người thân
Nỗi đau muốn được ngàn lần cảm thông…
 
Nỗi nào mặn muối biển Đông
Nỗi nào xa xót người không thành người
Nỗi nào lặng tiếng im hơi
Lặn trong nước mắt, đất trời không yên.
Hà Nội, 27/7/2013
Đặng Cương Lăng
 
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh môn Hải Dương  (Ngày 19/12/2013 0:06:15)

NỖI ĐAU
(Đặng Cương Năng)

Ai sinh ra chất độc này
Dioxin như một bàn tay tử thần
Đọa đầy trẻ rất thương tâm
Nối đời mòn mỏi người thân đau buồn

Sinh ra con chẳng vuông tròn
Sứt môi lồi mắt lại còn khoèo chân
Miệng cười như dọa người thân
Đi đứng không nổi nói năng không thành

Cũng là khúc ruột mẹ sinh
Chỉ vì nhiễm độc mà thành đấy thôi
Sống trong thảm họa khóc cười
“Da cam” reo rắc bao đời khổ đau

“Viết về cái nỗi bể dâu
Câu thơ gập xuống bút đau” căm hờn
“Da cam” hiện hữu vẫn còn
Lặng trong nước mắt cháu con dị hình

Nỗi đau thế thái nhân tình
Cứu sinh độ thế không mình một ai
Khép quá khứ nhìn tương lai
Nỗi đau san sẻ chung vai cộng đồng

Áo bào giáp sắt anh hùng
Góp thêm tiếng nói tỏ lòng thương tâm
Xuân Ngọc

Các bài khác: