Thứ tư, 24/04/2024,


Cảm nhận qua bài thơ Quán Sứ bên này của nhà thơ Lê Đình Cánh (Phạm Nhật Linh) (06/11/2013) 

QUÁN SỨ BÊN NÀY

 

Chùa Quán Sứ, bệnh viện K
Nằm kề hai phía nhà pha Hỏa Lò!
Nơi vô lo. Chốn đang lo
Các nơi Thiện Ác giằng co con người.
Cả ba nơi vắng tiếng cười
Đằng sau nước mắt là lời thở than
Nào đâu kiếp trước đa đoan
Nào đâu túc trái tiền oan những ngày...
Còn tôi, Quán Sứ bên này
Nhìn sao thấu bức tường dày bên kia!


Lê Đình Cánh

 

 


          Trước khi vào bài, chúng tôi phải giới thiệu luôn kẻo có bạn trẻ thời nay không biết: Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hỏa Lò, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời thuộc Pháp, đây là nơi chính quyền thực dân giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng. Sau này, khi chính quyền ta tiếp quản, nơi đây tiếp tục được sử dụng làm nơi giam giữ tù nhân của chế độ mới. Năm 1993, nhà tù Hỏa Lò được chuyển đổi chức năng. Một phần lớn của khu đất được xây dựng thành trung tâm thương mại, phần nhỏ còn lại được dùng làm khu Di tích lịch sử của Hà Nội.


Với hai câu mở bài, nhà thơ Lê Đình Cánh quả là đã có một phát hiện thú vị. Đúng là "Bốn cột khen ai khéo khéo trồng" (thơ Hồ Xuân Hương). Thì bạn cứ thử đi khắp nước này, không dễ gì cùng trên một trục đường mà tập trung được cả: Chùa chiền, bệnh viện, nhà pha và trụ sở đài phát thanh (Đài Tiếng nói Việt Nam). Tất nhiên đùa vậy, đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên - nhưng hàng ngày chúng ta đi qua đi lại nơi đây, mấy ai đã nhìn ra, và, như tác giả - biết gom gộp thành một bố cục:


Chùa Quán Sứ, bệnh viện K
Nằm kề hai phía nhà pha Hỏa Lò!


          Từng là một cán bộ biên tập của Đài, ngày ngày từ tầng gác cơ quan lặng ngắm phố phường, bất chợt lúc nào đó nhà thơ giật mình phát hiện ra rằng: Cõi nhân gian này đến là mênh mông mà khổ đau hình như chỉ thu vào có từng ấy, bằng ấy, ở đấy. Ngày xưa, trong chế độ cũ, Tố Hữu đã khái quát "nghĩa đời": "Nghĩa đời trong ba tiếng". Đó là tiếng máy điện (công xưởng), tiếng chuông đạo (nhà thờ), tiếng kẻng tù (nhà ngục). Con người luôn bị ám ảnh bởi ba thứ tiếng ấy "Mỗi tiếng riêng một giọng/ Mỗi giọng, riêng một lời". Ở đây, có 3 "điểm" chúng ta cần phải nói đến trước tiên: Chùa chiền, bệnh viện, nhà pha. Theo phép đăng đối của thơ lục bát thì "Chùa Quán Sứ, bệnh viện K" sẽ đi với "Nơi vô lo, Chốn đang lo". Câu thứ hai đi với: "Các nơi Thiện Ác giằng co con người" (câu thứ tư). Như thế chính xác hơn cả. Ta có thể hiểu: Nơi vô lo gắn với chùa. Chốn đang lo (chú ý chữ đang) đi cùng với bệnh viện. "Các nơi Thiện Ác giằng co con người" chỉ nơi phạm nhân bị giam giữ, tức Hỏa Lò. Ba nơi có những đặc điểm riêng khác nhau, nhưng đều chung nhau ở một nét: "Cả ba nơi vắng tiếng cười", trong đó có hai nơi: "Đằng sau nước mắt là lời thở than" (bệnh viện và nhà pha). Và nước mắt, lời thở than ấy người ta muốn dành để bộc lộ ở nơi thứ ba, tức là ở chùa. Không dưng ở đây tác giả dùng nhiều chữ Hán Việt đến vậy (có người cho đấy là nhược điểm của tác giả. Riêng tôi thì tôi nghĩ, phải dùng như thế mới ra ngôn ngữ nhà chùa và mới tôn được vẻ nghiêm trọng của sự khổ đau):


Nào đâu kiếp trước đa đoan
Nào đâu túc trái tiền oan những ngày...


          Lẽ đời, chỉ "kêu" đến thế là cùng, biết sao giải được hết nỗi khổ đau giày vò tâm can và thân xác con người, dù rằng ở nơi "Quán Sứ bên này" - với những ăngten thu phát thông tin trong và ngoài nước, nhà thơ vẫn không "giải mã" được căn nguyên làm nên những bất hạnh ấy. Ông cảm thấy như mình bất lực, vì thực chất "Thấu sao được bức tường dày bên kia".

          Đó là bức tường của "vạn lý trường thành", bên trong là cả một thế giới khác biệt với những bí ẩn liên quan đến số phận mỗi con người.
Lê Đình Cánh là nhà thơ sở trường với thể lục bát. "Quán Sứ bên này" vẫn nối tiếp mạch thơ ấy. Bài thơ rất kiệm lời. Sau này, hình như cảm thấy mình mới khái quát vấn đề mà chưa đi vào cụ thể một số chi tiết, nhà thơ viết bài "Phố Hỏa Lò" như để bổ sung cho bức tranh trên. Vì khu nhà "đặc biệt" này sau đó đã được dỡ đi để thay bằng một công trình nhiều tầng hiện đại với một chức năng khác biệt nên tôi cứ xin được dẫn ra đây mấy câu của Lê Đình Cánh để các bạn tham khảo và cũng là để "lưu niệm" một dấu tích nữa:


Vào đây dù chỉ một lần
Ai mơ viếng Thánh, ai cần gặp ma!
Lối vào giăng mắc lối ra
U mê nhện hát bài ca tò vò
Thủ đô có phố Hỏa Lò
Ai xui kiếp vạc thân cò đến đây...

 

Phạm Nhật Linh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 07/11/2013 16:10:21)

QUÁN SỨ BÊN NÀY

"Chùa Quán Sứ bệnh viện K *
Nằm kề hai phía nhà pha Hỏa Lò"
Ba nhà ba cảnh đem so
Táng tâm độc ác Hỏa Lò đem vô

Vô tư Quán Sứ phụng thờ
Minh tâm cầu phúc muôn nhà yên vui
Viện K định mệnh số trời
Những là thần chết không người nào mong

Nam mô trời đất mênh mông
Đâu chỉ thiện ác vào trong Hỏa Lò
Trời còn khi nắng lúc mưa
Tiền oan hậu trái bao giờ mới thôi?!

Viện K ai đã mắc rồi
Đã bao khổ cực miệng đời rêu rao
Bên này Quán Sứ thấy đâu?
Bao nhiêu khổ cực nỗi sầu nhân gian
Xuân Ngọc
Ngày 07/112013

  Lương Bá Hòa - Luongbahoa@gmail.com - 0583538363 - Nha Trang  (Ngày 07/11/2013 10:09:59)

"Thủ đô có phố Hỏa Lò
Ai xui kiếp vạc thân cò đến đây..."

"Kiếp vạc,thân cò" là muốn nói tới thân phận những người lao động lam lũ, vất vả, nghèo khổ. Theo câu thơ thì chẳng lẽ Hỏa Lò là nơi giam giữ nngười lao động, nghèo khổ sao. Người lao động vất vả thì họ đâu có tội gì mà giam giữ họ. Mong tác giả xem lại.

Các bài khác: