Thứ ba, 23/04/2024,


Nhà thơ Nguyễn Tấn On: "Thơ lục bát đã ngấm vào máu tôi..." (25/09/2013) 

Nguyễn Tấn On quê quán ở Quảng Ngãi, hiện sống và làm việc tại Đà Lạt. Anh đã in 6 tập thơ và mới in tập thơ thứ bảy 99 bài lục bát (NXB Văn Học). Anh đã đoạt giải thưởng thơ của các tạp chí: Áo Trắng, Sông Hương, Du Lịch TP.HCM, Lang Biang...


Nhà thơ Nguyễn Tấn On


* Tại sao anh yêu thích thơ lục bát hơn các thể thơ khác?
- Nhà thơ Nguyễn Tấn On: Thơ lục bát đã ngấm vào máu tôi từ khi bà tôi ru tôi và mẹ tôi ru các em tôi, nhẹ nhàng như hơi thở trìu mến và êm đềm với lời ca dao thâm trầm man mác, mộc mạc và hiền từ. Lục bát trong thơ đã có nhạc, thanh âm bổng trầm, luyến láy. Dễ diễn cảm cung bậc yêu thương, dễ trao gửi thầm kín thân phận. Ở đó, trái táo tình yêu được pha hương tô sắc, được cắn đau, được nâng niu, được mời gọi trong nỗi ngậm ngùi không nguôi. Ở đó, thi sĩ mở ra thiên đường, mở ra địa ngục, mở ra ngưỡng cửa lạ để chào đón và cũng để truyền đi thông điệp của mình.

* Thơ lục bát đã có từ lâu. Có nhà thơ muốn làm mới thơ lục bát bằng thơ lục bát ba câu, thơ lục bát vần trắc... Còn anh muốn làm mới thơ lục bát ở điểm nào?
- Chân trời nghệ thuật bao giờ cũng cần có người thám hiểm, phiêu lưu. Nhưng nếu chúng ta thêm quá nhiều hương vị, màu sắc, chúng ta sẽ làm nhạt màu, mất vị của lục bát. Rất nhiều lần tôi rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, đến tập 99 bài lục bát tôi mới hồi hướng, tĩnh tâm. Rằng, khoác lên chiếc áo mới cho lục bát bằng cách dùng từ ngữ rơi đúng vào ngữ cảnh. Vì ngôn ngữ Việt Nam rất giàu có và phong phú, chỉ một thi ảnh mà có nhiều từ diễn đạt. Ví dụ như: rơi, rớt, rụng. Về màu: đỏ lòm, đỏ loét, đỏ chói, đỏ rực... Có những từ ngữ gần gũi bình dân nhưng mang một triết lý, một tư tưởng, một chiều sâu bác học.

* Từ thi hào Nguyễn Du đến nay, anh thích thơ lục bát của ai? Thơ anh có chịu ảnh hưởng của nhà thơ đó?
- Tôi phục sát đất các vị tiền bối như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính. Ngưỡng mộ Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa... Nhưng thơ tôi không bị "thuốc mê". Đứa con tinh thần của tôi có thể bị "đột biến" chứ không bị "lai biến". Đôi khi thơ tôi bị "đụng hàng", phải chăng đó là sự giao thoa của cung bậc rung cảm? Hơn nữa tôi như gã "tri điền" mê thơ, tranh thủ thời vụ để xẻ luống cày trên sân thơ mà thôi.

* Trường phái thơ lục bát Bút Tre: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên / Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về. Anh có thích và sáng tác thơ theo trường phái này?
- Những món ăn dân dã bao giờ cũng là đặc sản cho các nhà hàng ở thành thị. Nhưng nếu chúng ta "sản xuất" ra quá nhiều nó không còn phục vụ chiêu đãi nữa mà trở nên đề tài cho trà dư tửu hậu. Nghệ thuật mang lại rung cảm con tim cho thế thái nhân tình. Thơ không phải câu chuyện tiếu lâm và thơ lục bát càng không phải sân chơi của ô chữ.

* Nếu chọn hai câu lục bát viết về quê hương Quảng Ngãi, anh chọn hai câu nào? Vì sao?
- Quê, nguồn cảm xúc của tôi bắt đầu từ đây. Đó là hành trang cho bước chân lữ thứ của tôi. Cuộc sống thành thị nơi xứ người cũng có lúc "đổ nhựa" cho lộ trình tha hương của tôi. Để một ngày nhìn về phía quê nhà, nhớ mẹ với bếp quê: Mẹ ngồi gom ánh chiều tà. Bừng lên ngọn lửa khói à ơi bay. Tôi rất tâm đắc hai câu này. Nó là cầu nối hoài niệm quê hương với mảnh đất tôi đang sống.

* Còn hai câu lục bát viết về Đà Lạt mà anh đắc ý?
- Phải nói Đà Lạt đầy cám dỗ. Nhưng cám dỗ mãnh liệt nhất với tôi là nắng thì lạnh và mưa thì mù sương. Nắng Đà Lạt trinh nguyên thuần khiết làm sao. Nó không sóng sánh như nắng miền Bắc, Không đổ lửa như nắng miền Trung, càng không bị đô thị hóa như nắng Sài Gòn. Còn mưa thì nhẹ nhàng thủ thỉ, một mình với cơn mưa bên triền dốc cô đơn: Trong veo nắng, nắng trong veo/ Gió hơi hơi thở mây theo theo tình. Hoặc: Đà Lạt tình, Đà Lạt mưa. Ta giờ ướt hết xin thưa bạn bè.

* Anh đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ lục bát do tập san Áo Trắng tổ chức năm 2000. Theo anh, cuộc thi thơ Bút Mới lần 10 năm 2013 có nên tổ chức thi thơ lục bát cho các bạn trẻ tham dự?
- Lục bát là "thương hiệu" của thơ Việt Nam. Theo tôi nên thường xuyên tổ chức để kích sức bật của người yêu thơ, để nhà thơ có một chút "doping" cho sáng tạo của mình. Chúng ta phải công nhận rằng thơ Việt Nam đang "lạm phát" và bị "phá giá", vì thế giải thưởng thơ phải "nặng ký" mới hấp dẫn.

* Tập thơ Thoát nắng của anh in song ngữ Việt - Anh. Những bài thơ lục bát khi dịch sang Anh ngữ, anh có thấy "hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều"?
- Tiếng Việt đơn âm. Tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm tiết. Khi chuyển ngữ từ thơ lục bát qua tiếng Anh, người dịch không thể chuyển tải các biện pháp tu từ như láy âm, láy nghĩa, gieo vần... của thơ lục bát mà nương theo tứ thơ, hình tượng thơ, ngắt câu, ngắt nhịp để bạn đọc nước ngoài cảm được "hương đồng cỏ nội" trong thơ lục bát. Đương nhiên thi vị cũng bị "bay đi ít nhiều".

 

THANH TRỊNH thực hiện

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: