Thứ tư, 24/04/2024,


Thơ Lục Bát sẽ đi tới đâu? (Ngô Văn Phú) (17/09/2013) 

Bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, đã giữ cho lục Bát có cái vẻ nền nã, tự đổi mới bằng cách tiên tiến, phù hợp với thể tạng sẵn có của thể thơ này! Nhưng còn thời kỹ thuật số, lục bát sẽ ra sao đây?
Lục bát là một thể thơ mang hồn Việt khá đậm và có thể nói thể này là một trong những thể thơ riêng của Việt Nam, được lưu hành cả trong Văn học dân gian và Văn học chính thống cùng với các thể song thất lục bát, thơ hát nói (ca trù), mang đậm tính Việt; cùng như thơ Đường của Trung Hoa và thơ Hai Ku của Nhật Bản v.v...


          Lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Hiện nay, chúng ta có một kho tàng ca dao mà đa phần là lục bát, có tới hàng ngàn, hàng vạn câu, nhiều câu đã vượt thử thách của thời gian. Ca dao cổ, ca dao thời chống Pháp, chống Mỹ... có rất nhiều câu hay, đến nay vẫn được lưu truyền. Nhiều làn điệu hát (dân ca, chèo, hát nói, ca, lý...) cũng đã được vận dụng thơ lục, bát.
           Nhiều tác giả lớn của thi đàn Việt Nam, đều có những bài thơ lục bát sáng giá để đời. Lục bát sáng giá nhất vẫn là Kiều của Nguyễn Du... Đào Duy Từ, Nguyễn Tư Trinh, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, đều có những bài thơ lục bát khá nổi tiếng. Tiếp sau đó là Tản Đà. Thời Thơ mới thì Nguyễn Bính là người viết lục bát nhiều, nhiều bài khá hay như Chân quê, Lỡ bước sang ngang... Ngậm Ngùi của Huy Cận chẳng là lục bát đó ư...! Trong một cuộc thăm dò của giáo sư Hà Minh Đức về phong trào thơ mới, Ngậm ngùi, được vào loại nhiều phiếu, được bình chọn là một trong khoảng hơn một chục bài hay nhất của Thơ mới. Rồi Màu thu năm ngoái của Hồ Dzếnh, Cổng làng của Bàng Bá Lân v.v... cũng đều là lục bát cả...
Nhiều thể thơ trước phong trào Thơ mới như thơ Đường luật, thơ song thất lục bát, thơ hát nói... sang thế kỷ thứ XX và cho đến nay, đã không còn thế mạnh như trước, chỉ được dùng ở một bộ phận người làm thơ song thất lục bát thì hầu như được dùng rất ít. Thơ lục bát trái lại, vẫn được cái thế hệ thơ sau này sử dụng đều đặn, và xem chừng lại còn vận dụng khá sáng tạo. Liên khúc Kính thưa liền chị của Nguyễn Duy sau đây, đã đầy màu sắc hiện đại, từ cấu trúc đến ngôn ngữ.
Kính thưa Thị Nở
Kính thưa Thị Nở tuyệt trần
Trăng ngồn ngộn trắng khỏa thân với người,
Nhớ không sông ộp oạp xuôi
Gió oằn oại, hổn hển trời phù sa.

Kính thưa Thị Mầu
Kính thưa thục nữ Thị Mầu
Yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người?
Mấy ai dám chịu, dám chơi
Dám ai vỗ cái mặt đời như em!

Kính thưa Thị Đốp
Kính thưa Thị Đốp đoan trang,
Mõm mom móm mõ gõ khan như gì.
Thôi mà ngúng ngoắng nhau chi!
Già rồi đấy, lấy nhau đi thì vừa!

Kính thưa Thị Kính
Kính thưa Thị Kính láng giềng,
Ái ân thì ít oan khiên thì nhiều.
Dấu xưa khuất nẻo chuông chiều
Nỗi đau còn lủng lẳng treo giữa trời...


          Thơ nghịch ngợm, phá cách cả về nhịp điệu, lối nói, ngôn từ chẳng còn thấy cái êm đềm, ngọt ngào, mượt mà thường thấy của lục bát mà đọc vẫn tìm được cái thú ngụ trong ý, trong lời...
Phạm Quang Đẩu cũng không thích nếu mình trong lối lục bát truyền thống nữa. Anh cũng đem cách nói, cách viết tung tẩy hơn, ở thể loại này:

Trên trời
Có những đám mây
Ở hạ giới cuộc tình đây rất thường
Mây thì côi cút lang thang,
Mây cũng tìm đàng kết lại thành đôi
Vậy mà phút chốc than ôi
Nắng gay gắt, gió tuýt còi cho tan.
Bầu trời bỗng chốc sạch quang
Bầu trời thăm thẳm chẳng màng mê say.

Cuộc tình gió thoảng bay - lắt lay
Cuộc tình mây giỡn đùa - thật nhẹ
Cuộc tình trăng mê say - khuyết mòn
Cuộc tình sao xa hút - héo hon.
Kìa, xem Con Tạo xoay tròn
Tình tang biến đến ngọn nguồn
Lại hiện ra...

Vậy thì lục bát đâu có đứng yên một chỗ!

           Hình như những nhà thơ xuất thân từ chân quê thì cái hồn lục bát cũng vương vấn nhiều hơn các nhà thơ khác. Lê Đình Cánh hầu như chỉ làm thơ lục bát. Nhiều nhà thơ ở Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Thọ, Hải Dương cũng hay viết thơ lục bát. Lục bát thời hiện đại đã chuyển tải được những nội dung có tính trí tuệ hơn:
Thời gian như chuyến tốc hành
Mang theo lá đỏ và anh trở về
Tóc xanh vừa lỗi lời thề
Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang
Ngu ngơ chạm phải ao làng,
Sen chưa kịp hái đã tàn trong tay.
Trái đất ơi! Ngược vòng quay
Cho ta nhặt lại cái ngày Đầu tiên
(Bài thơ thời gian - Lê Quốc Hán)

Chất trữ tình, chất thơ, khi được các nhà thơ nhập thần được, thì câu thơ tự nhiên bay bổng:
Vàng dâu nhuộm khắp cây đồi
Xanh đầu thu trải kín trời thẳm xanh
Gió len rất nhẹ trang cành
Như em, thu chiếm lòng anh khi nào...
(Thu - Nguyễn Bao)
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)

Có lúc lục bát triết lý thế sự, thời cuộc cũng đến điều:
Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy thành lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi.
Cái gì rồi cũng rụng rơi
Quả trên vườn Cấm, hoa rơi Địa Đàng
Chỉ còn mãi sí thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ.
(Hư vô - Quang Huy)

Khi nhà thơ sẵn một tư duy hiện đại, thì lục bát cũng hiện ra sắc màu hiện đại:
Bỏ trăng gió lại cho đời,
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa.
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma,
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi.
Còn hai con mắt khóc người một con.
(Mắt buồn - Bùi Giáng)

Vậy là lục bát vẫn đồng hành không chịu thua kém với Thơ mới, với thơ Leo Thang, thơ Tượng Trưng, và gần đây là Thơ Sắp Đặt, thơ Vụt Hiện... Song, bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, đã giữ cho lục bát có cái vẻ nền nã, tự đổi mới bằng cách tiên tiến, phù hợp với thể tạng sẵn có của thể thơ này! Nhưng còn thời kỹ thuật số, lục bát sẽ ra sao đây? Ai mà nói trước được. Chúng ta cũng cần chờ tài năng của các thế hệ thơ trẻ trong hồi hộp, như trước đây chúng ta đã chờ!

Ngô Văn Phú

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đỗ Trọng Thành - dotrongthanh.gialoc@gmail.com - 0904489870 - Thôn Ngà-Gia Lộc-Hải Dương  (Ngày 28/10/2013 11:02:31)

Tôi đã đọc thơ Nguyễn Duy,Đồng Đức Bốn và cũng có cảm nhận mấy bài tác giả Ngô văn Phú nêu dẫn chưng về tính hiện đại của thơ lục bát hiện nay.
Tôi cho đó là một điều đáng mừng.lớp chúng tôi là những người lớn tuổi
điều đó không có gì là lạ.Tôi đươc biêt ở quê tôi nhiều em học sinh cũng
băt đầu thích làm thơ lục bát.Làng nghề Xuân Nẻo (Hưng Đạo,Tứ kỳ,Hải
Dương),các em có cả tập thơ ca ngợi làng nghề thêu tay,nội dung phong
phú,bác Ngô Văn Phú biết tin này chắc không thể không vui?

  Nguyen Xuan Ngocj - nguyenxxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiep son kinh mon hai duong  (Ngày 23/09/2013 16:36:14)

THƠ LỤC BÁT ĐI VỀ ĐÂU
THỊ NỞ
Thị Nở khi đã khoả thân
Trắng ngồn ngộn đã hiến dâng Chí phèo
Trời mưa ếch ộp bơi theo
Trôi bao nòng nọc và nhiều phù sa

THỊ MẦU
Thị Mầu yêu hết cỡ yêu
Đến tiểu cọn ghẹo để yêu nữa là
Yêu tha thiết yêu mặn mà
Mấy ai thục nữ đàn bà như em

THỊ ĐỐP
Thị Đốp hóm hỏm hòm hom
Đưa tay vào mồm xã trưởng bỏ hang
Đem đi rao mõ khắp làng
Cũng là gái đảm đoan trang kém gì

THỊ KÍNH
Thị Kính láng giềng Thị Mầu
Nỗi oan nhân thế nỗi đau nhân tình
Trời cũng chẳng thể phân minh
Án treo, treo án phẩm bình thế gian
Xuân Ngọc
Ngày23/09/2013

Các bài khác: