Thứ ba, 19/03/2024,


Phật của đời thường… (Cảm nhận bài thơ Nam mô của Nguyễn Thanh Hải) (17/07/2013) 
NAM
Nam mô… cần nước, ngò gai
Chúng mày đừng héo, bà mày đang đau
Cơn mưa còn duỗi nơi nào
Bà cong gàu nước từng gàu xót xa
 
Nam mô… xanh luống rau nhà
Để bà có cái đồng ra đồng vào
Chiều cong theo vạt áo nâu
Thúng rau quằn nặng những câu chào mời
 
Nam mô… con cháu xa xôi
Đứa nghèo đứa khổ cuộc đời áo cơm
Quê mùa côi cút rạ rơm
May còn cần nước, ngò thơm thì thầm
 
Nam mô… ráo một chỗ nằm
Hạt mưa còn hỏi xa xăm ông trời
Nam mô gần cuối cuộc đời
Bà đang vẫn trẻ những lời… nam mô
 
Nguyễn Thanh Hải
 

          Thanh Hải là một nhà thơ trẻ Tiền Giang. Nếu có lần bạn bước vào thế giới thơ của anh, sẽ thấy, bát ngát một khoảng trời Tây Nam Bộ, hoặc mênh mông một tấm lòng người mẹ, người chị, người bà vất vã nhọc nhằn mà đằm thắm yêu thương. Bài thơ Nam mô là một ví dụ. 
           Nhan đề bài thơ là Nam mô. Đây là câu niệm của các Phật tử. Câu niệm đầy đủ là Nam mô A-di-đà Phật. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, Nam mô A-di-đà Phật nguyên là một câu niệm được phiên âm từ tiếng Phạn. “Nam mô” là đem thân tâm về qui ngưỡng Phật, Pháp tức Quy y. Nam Mô có 6 nghĩa: kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng. A Di Đà là tên một vị Phật.
Người có lòng tin vào Quán Thế Âm Bồ Tát - vị đại Bồ Tát có lòng thương rộng lớn, thường lắng nghe sát tiếng kêu cầu đau khổ của chúng sinh trong thế gian mà thị hiện cứu độ - thì niệm Nam mô đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát. Thế thì, Nam mô trong bài thơ của Thanh Hải là gi?

Nam mô… cần nước, ngò gai
Chúng mày đừng héo, bà mày đang đau
Cơn mưa còn duỗi nơi nào
Bà cong gàu nước từng gàu xót xa

         
À, thì ra Nam mô ở đây là lời thủ thỉ của nhân vật trữ tình, người con, người cháu với “cần đước”, “ngò gai”. Cần đước, ngò gai là tên của những loại rau quen thuộc của người miền Tây. Nhưng với nhân vật trữ tình trong bài, chúng còn là bạn – những người bạn nhỏ, nên mới gọi “chúng mày” và ra lệnh “đừng héo”. Thanh Hải đang thổi hồn người cho cây cỏ trong vườn bà. Mấy chữ cuối trong câu bát chùn lại với 4 thanh bằng đi liền nhau “bà mày đang đau” đầy lo âu, như một tiếng thở dài. Rau rất cần nước, trời lại nắng, còn mưa thì hình như rất vô tâm, đang thoải mái la cà, rong chơi đâu đó “còn duỗi nơi nào” để bà phải xách từng gàu, từng gàu tưới xanh tươi rau. “Bà cong gàu nước”, người đọc tưởng chừng thấy cái gàu nước cũng cong theo tấm lưng còng khó nhọc của bà. “Gàu nước” rồi “từng gàu”, vất vã, khó nhọc biết bao nhiêu. Chừng như không thể kìm nén, câu thơ bật thành tiếng nức nở xót xa…
          Khổ thơ tiếp theo, vẫn với tiếng nam mô, người cháu nói thay bà những ước mơ nhỏ nhoi của phận nghèo :

Nam mô… xanh luống rau nhà
Để bà có cái đồng ra đồng vào

         
Người ta thì mơ tiền muôn bạc vạn, còn bà tôi chỉ dám mơ “có cái đồng ra đồng vào” ! Ừ, làm sao có thể mơ tiền muôn bạc vạn được khi gánh hàng của bà chỉ là rau! Kìa, dáng bà đang gánh mớ rau xanh từ nhà ra chợ

Chiều cong theo vạt áo nâu
Thúng rau quằn nặng những câu chào mời

          Câu thơ “Chiều cong theo vạt áo nâu” là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải. Nói đến tuổi già người ta thường nói đến mái tóc bạc. Thanh Hải phát hiện tuổi xế chiều của bà ở tấm lưng qua đường cong của vạt áo nâu. Phải đổ mồ hôi mới có được gánh rau. Nhưng bán được gánh rau ấy để có “đồng ra đồng vào” mà thực chất chỉ bằng những đồng tiền lẻ của người giàu thì cực nhục trăm chiều. Phải mời mọc, phải ngọt ngon, phải năn nỉ ỉ ôi, thậm chí than thở với từng người, từng người một… Mà chắc gì đã bán được mớ rau! Thanh Hải tế nhị dồn giấu “Thúng rau quằn nặng những câu chào mời
          Đến khổ thơ thứ ba, từ lời người cháu, Thanh Hải để người bà trực tiếp tâm sự chuyện gia đình mình. Chuyện của người đàn bà quê có gì ngoài chuyện con, chuyện cháu? Toàn chuyện buồn rớt nước mắt :

Nam mô… con cháu xa xôi
Đứa nghèo đứa khổ cuộc đời áo cơm

          Mẹ đã nghèo thì cháu con sao được giàu sang? Cái nghèo, cái khổ đeo đẳng từ đời mẹ đến đời con cháu như số phận truyền kiếp. Thế mà bà vẫn không gục ngã bởi bà vẫn những hi vọng

Quê mùa côi cút rạ rơm
May còn cần nước, ngò thơm thì thầm
          Bà niệm nam mô, có thể là Nam mô đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát nhưng lại tin “May còn cần nước, ngò thơm thì thầm”. Rất đời.   

         
Trong lời tự kể của bà, ta thấy rõ nỗi lo và nghị lực của người phụ nữ Việt Nam.
Khổ thơ cuối cùng dập dồn tiếng Nam mô của người cháu với mơ được ngủ yên trong đêm mưa

Nam mô… ráo một chỗ nằm
Hạt mưa còn hỏi xa xăm ông trời

         
Một mơ ước bình thường thậm chí nhỏ nhoi giống như thằng Bờm chỉ muốn được nắm xôi! 
          Hai câu thơ cuối, người cháu có một cái nhìn ngộ nghĩnh nhưng xa xót về bà của mình

Nam mô gần cuối cuộc đời
Bà đang vẫn trẻ những lời… nam mô

         
Phải chăng cháu ước muốn bà luôn trẻ để sống mãi với cháu con? Câu thơ không một chữ thương mà sao vẫn thấy yêu thương ngập tràn!
           Thanh Hải đã chọn thơ lục bát để viết về bà. Đó là hình ảnh một phụ nữ truyền thống mà ta dễ bắt gặp trong cuộc sống đời thường. Nhịp thơ chẳn, đều đặn gợi âm thanh tiếng gõ mỏ, tụng kinh của con người phật.
Tiếng nam mô lặp đi lặp lại không dứt và càng về cuối càng dày hiển hiện những ước muốn bình thường của những người khốn khổ trong cuộc đời. Ngôn ngữ thơ dung dị, đời thường mà cũng rất sáng tạo và tinh tế. Thanh Hải có lúc nhập vào vai người cháu, có lúc vào vai người bà một cách tự nhiên để bày tỏ lòng yêu thương, quí trọng với những người bà, người mẹ Việt Nam vất vã tảo tần mà ngời sáng yêu thương và đức hi sinh. Trong ý nghĩa đó, Bà chính là Phật sống, Phật của đời thường.
                                                                                 NGUYỄN KIM LOAN 
                                 Trường THPT Vĩnh Bình – Gò Công tây – Tiền Giang
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Kim Loan - nguyenkimloangc@yahoo.com.vn - 0977788861 - ấp Hưng Hòa, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang  (Ngày 05/06/2015 21:35:40)

Kim Loan cảm ơn BBT đã đăng bài. Kim Loan cũng cảm ơn các bạn Nguyễn Xuân Ngọc, Nguyễn Đình Trung, Dương Hoàng Hữu đã chia sẻ, động viên, góp ý bài viết.

  NGUYỄN KIM LOAN - nguyenkimloangc@yahoo.com.vn - 0977788861 - Trường THPT Gò Công Đông- Tiền Giang  (Ngày 12/01/2015 8:06:20)

Cảm ơn 2 bạn Trần Đại Hưng và Ngô Trọng Hải đã có sự đồng cảm, chia sẻ với bài viết. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thanh Hải đã giúp tôi có cảm nhận về cái hay, cái đẹp của thơ lục bát Việt Nam.

  TRẦN ĐẠI HƯNG - hanyentu1950@gmail.com - 0918 695 178 - CLB VHNT SóC SƠN - HÀ NỘI  (Ngày 26/09/2013 10:44:30)


MÔ PHẬT !

Bài thơ đã hay. Lời bình còn hay hơn. Tuyệt! Cảm động mà ngọt ngào
bởi hương vị "cái tâm" đã nhập thế cho cả hai tác giả Thanh Hải,
Kim Loan.
Nam Mô A - Di - Phật !

  Ngô trọng Hải - lanviphong@yahoo.com,vn - 01236030641 - 79 Ngõ Một Khâm thiên Đống đa Hà nội  (Ngày 05/09/2013 9:47:50)

Đọc bài NAM MÔ của Thanh Hải cho ta cảm và nặng lòng với nỗi lo trần thế đến già vẫn chưa hêt "lo", Biết thế đấy lo cũng chẳng để cải thiện được gì nhưng vẫn cứ lo... nếu chưa vào thế giới Phật.

Cám ơn bài phân tích của cô giáo NGUYỄN KIM LOAN làm cho ta hiểu rõ hơn triết lý của đời thường lo có khi chỉ để lo để làm cho cuộc sống hoàn chỉnh hơn mọi trốn tránh nỗi lo đôi khi làm cho cuộc sống của người ta thấp hèn đi , có lo mới chắp cánh cho ta sống tiếp qua những khốn khó của đời thường. Bài thơ NAM MÔ và bài phân tích của NKL hình như đã bắt nhịp được với nhau làm cho tôi và bạn đọc thấy cái hay cà vẻ đẹp của thơ Lục Bát trong cuộc thi Lục Bát lần này.

NAM MÔ là của đời thường
Phật đem vào Chùa thần tượng quý thay
Bỏ Buông trần thế ăn chay
Là do ta có những ngày lo toan ...

  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Són, Kinh môn, Hải Dương  (Ngày 04/09/2013 16:26:31)

BÀ CÒNG(NAM MÔ)
Thân già chưa muốn ai nuôi
Gánh rau ra chợ kiếm vài đồng tiêu
Gánh rau đổ lửa nắng chiều
Mồ hôi bà đổ bao nhiêu kia bà?!

Từ khi reo hạt rau ra
Đến khi thu hoạch rất là khổ công
Còn trời nắng hạ mưa giông
Sức bà tuy yếu vẫn không ngại à?

Nam mô con cháu bà xa
Cái cảnh nghèo túng nên bà phải chăm.
Gánh rau nặng, lưng bà còng
Cùng đường về chợ con mong giúp bà

Vẫn may con có đồng quà
Tuy rằng ít ỏi gọi là của con
Mải chuyện chợ đã đến rồi
Con tìm chỗ rộng bà ngồi bán rau

Ra về tôi thấy lòng vui
Được giúp chút ít cho người già nua
Lại nhớ câu bà nói đùa:
“Kìa cha mẹ chị! Gánh chưa bằng bà”
Xuân Ngọc
Ngày 04/ 09/ 2013



 

  nguyen dinh trung - nguyendinhtrung1969@yahoo.com.vn - 0908632383 - sai gon  (Ngày 16/08/2013 10:04:59)

Cám ơn Cô giáo NGUYỄN KIM LOAN đã cảm nhận bài thơ vói cách nhìn phật giáo tuyệt vời không có gì sai chánh pháp và cũng không có gì đùa nghịch và bỡn cợt với phật giáo hết...PHẬT tại tâm..

Tâm bất dục, Tâm tươi, Tâm sáng,
Tâm dục tình như áng mây đen,
Tha Tâm ngăn chận đảo điên,
Bình Tâm thanh thản, an nhiên giữa đời.

----

Thắm thoát trôi. Trôi mấy mươi năm.
Vẫn tay cầm bút viết âm thầm.
Văn chương chữ nghĩa không thông suốt.
Vậy mà mãi moi óc mài tâm ! ! !

  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 0914233684 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 24/07/2013 0:08:05)

Cô giáo NGUYỄN KIM LOAN đã cảm nhận bài thơ Nam mô của NTH có chút thân tình, ngưỡng mộ. Nhưng gọi là bình cho trọn thì chưa. Gọi là cảm nhận là đúng. Tôi cũng nhân đây nói thêm cảm nhận gọn nhất của tôi về bài thơ. Đó là bài thơ mộc mạc, buồn,hoài niệm. Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ bắt đầu bằng từ Nam mô. Nam mô là diệp ngữ xuất hiện như vậy sẽ là sự nhấn mạnh có dụng ý. Tìm ra dụng ý nghệ thuật của điệp ngữ này chính là yêu cầu tất yếu khi bình bài thơ này, có như thế bài bình mới trọn. Theo người bình,''Nam mô ở đây là lời thủ thỉ của nhân vật trữ tình, người con, người cháu với'' các đối tượng liên quan. Chỉ là lời thủ thỉ không thì chưa đủ. Và như thế thì điệp từ nam mô chẳng mấy ý nghĩa. Và nếu dùng nam mô như một từ đưa đẩy thì không ổn. không thể đem kinh kệ nhà Phật ra bỡn cợt dù trong môi trường thanh cao như thơ. Tuy đã đọc lại nhiều lần , bản thân tôi vẫn còn khó hiểu cái sâu sắc của nam mô trong bài này. Vì vậy tôi chỉ viết mấy dòng góp thêm vào bài của người bình chứ không lạm bàn tất cả. Thân ái.

Các bài khác: