Thứ ba, 19/03/2024,


Cảm nhận bài thơ "Quan họ ngỏ lời” của tác giả Vũ Tuấn Anh (09/07/2013) 

QUAN HỌ NGỎ LỜI

Bằng lòng em nhé làm dâu?
Miền quê có khúc sông Cầu trong xanh
Kinh Dương Vương, phủ Thuận Thành
Có dòng Đuống đỏ, có tranh Đông Hồ

Có chùa Phật Tích, đền Đô
Thiên Thai hai núi mộng mơ chung tình
Có cây trúc mọc đầu đình
Hội Lim đến hẹn chúng mình chênh chao

Áo the chen nón quai thao
Hát câu quan họ gửi trao xuân về
Tình người mộc mạc chân quê
Làng lên phố, vẫn giữ lề gia phong

Nước sông cũng rõ đục trong
Từ truyền thuyết đã sẵn lòng vị tha
Em về chung một mái nhà
Có mẹ tần tảo có cha nhân từ...

Có niềm tin cõi chân như
Có anh mong đợi...
Hãy ừ nhé em!

Vũ Tuấn Anh

Tôi may mắn được nhận món quà là hai tập thơ "Quan họ ơi đừng" và "Thì thầm đường quê" từ tác giả Vũ Tuấn Anh. Nhận thấy trong thơ anh có sự đồng điệu nên tôi đã chọn trong số đó một vài bài mà tôi có cảm xúc đặc biệt để viết cảm nhận của mình. Qua trang lucbat.com tôi xin phép được gửi đến lời cảm nhận của tôi về bài thơ "Quan họ ngỏ lời" như một lời chúc mừng đến tác giả Vũ Tuấn Anh nhân sự kiện chùm thơ của anh được chọn đăng trong chuyên mục dự thi Tổ Quốc và đạo pháp.

Có thể thấy “Quan họ ngỏ lời” là một bài thơ mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh, với những lời giao duyên rất ý nhị và nhẹ nhàng. Cả bài thơ như một bức tranh quê với những hình ảnh tươi sáng, mang nét đẹp từ truyền thuyết tới đời thường. Với ý thơ mượt mà, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với thơ ca dân gian Việt Nam khiến nó đã đi vào lòng người đọc như một nét duyên riêng có.

Cũng dễ dàng nhận thấy bài thơ gồm có ba phần: phần đầu để giới thiệu đến độc giả về một miền quê Kinh Bắc với rất nhiều những địa danh nổi tiếng khác nhau, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, không chỉ là niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh và còn là niềm tự hào của cả nước; phần hai để nói lên tình người nơi đó; phần ba là tình yêu đôi lứa được đặt trên nền tảng của tin yêu, của sự chở che, đón đợi trong đại gia đình.

Ngay từ cái tên của bài thơ “quan họ ngỏ lời”, khi đọc lên đã thể hiện được ý chí của người viết. Mặc dù mở đầu bài thơ là một câu mời gọi người con gái về làm dâu, “Bằng lòng em nhé làm dâu…” nhưng đấy không chỉ là lời mời của một “liền anh” cụ thể, đó là lời ngỏ của một miền quê với “một nửa” thân yêu của mình! Cái khéo léo của tác giả là biết đặt tình yêu đôi lứa trong tình yêu quê hương xứ sở để vừa giới thiệu đến người đọc một miền quê mang nhiều nét đặc thù riêng có; một mặt khác có thể hình dung ra những con người nơi đây là những con người “biết yêu” thật sự, bởi họ đã biết đặt chữ yêu trong lề thói gia phong, nơi “có mẹ tần tảo có cha nhân từ/ Có niềm tin cõi chân như…”

“Quan họ ngỏ lời” như lời mời gọi thiết tha “hãy về với anh”, với quê hương có khúc Sông Cầu xanh trong mà bao đời nay đã là đề tài cho thơ, ca, nhạc, họa được thăng hoa; Có đền thờ Kinh Dương Vương, bậc thánh trí thông minh nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về thân phận; Có những ngôi chùa, những đền thờ mang nét đẹp huyền bí; Có dòng Đuống đỏ quạch phù sa bồi đắp như tình yêu đôi lứa đã vượt qua thử thách được vun bồi và lớn dậy cùng tháng năm; Và đây nữa, hội Lim rộn ràng “đến hẹn lại lên” - nơi giao duyên của các liền anh liền chị khi tháng Giêng về trong mùa Xuân của đất trời.

“Anh” đã ngỏ lời rồi đấy, “em” hãy về nhé, về không chỉ bởi lời anh mời gọi thiết tha, mà về bằng cả nỗi xốn xang mang theo trong lòng từ câu hát dân ca nữa nhé! Quê hương anh đã đổi thay từng ngày, từng ngày theo chiều hướng tích cực, “làng đã lên phố” nhưng tình người thì vẫn mộc mạc, chất phát, chân quê, vẫn giữ được lề thói gia phong mà bao đời nay lớp lớp các thế hệ cha ông đã giữ gìn và phát huy. Cuộc sống có khi vui, khi buồn, như khúc sông có khi đầy khi cạn, có khi đục khi trong... nhưng với lòng vị tha sẵn có sẽ thì mọi trở ngại khó khăn hẳn là sẽ vượt qua được hết thảy.

Còn chần chừ gì nữa khi “anh” đã mời “em” bằng cả tấm chân tình của người trai Kinh Bắc, người trai ấy được sinh ra trong niềm tự hào quê hương, trong sự gìn giữ và không ngừng phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia phong của nếp nhà. Với những tin yêu “anh” đã dành cho “em”, ta đã dành cho nhau thì “hãy ừ” em nhé!

Qua bài thơ tác giả đã khái quát được những nét đặc trưng của quê hương mình với những địa danh đã đi vào sử sách, với những giá trị truyền thống thể hiện ở lề thói gia phong và nếp nhà. Hơn nữa là tình yêu với quê hương được tác giả lồng vào trong từng ý thơ rất duyên dáng và giàu cảm xúc chân thành.

Hoàng Như Mai.


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyen Xuan Ngocj - nguyenxxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiep son kinh mon hai duong  (Ngày 17/09/2013 18:53:43)

QUAN HỌ NGỎ LỜI

Ngỏ lời quan họ rất hay
Miền quê rất đẹp mẹ thầy rât thương
Áo the khăn xếp…tứ thân
Gái trai quan họ mười phân vẹn mười


Còn câu hỏi sau lời mời
Hãy ừ em nhé!...Anh ơi em chờ
Tình người quan họ như mơ
Xa xưa và cả bây giờ đẹp sao


Trầu têm cánh phượng mời chào
Liền anh liền chi lời nào cũng hay

Xuân Ngọc

Ngày 17/09/2013

  Lê nguyên hà - lenguyenha2@gmail.com - 01674953566 - TH  (Ngày 12/07/2013 14:24:40)

Khi đọc bài thơ, thấy thật thích thú với những câu thơ gần gũi, nhẹ nhàng. Nhưng khi đọc bài cảm nhận của Hoàng Như Mai mới thật sự thấy hết những ý nghĩa sâu sắc, thấy hết tình cảm yêu quê hương tha thiết của tác giả. Bài cảm nhận thật chân thành mà sâu sắc, như chắp cánh cho những lời thơ đi sâu hơn vào lòng người... Cảm ơn tác giả bài thơ và cảm ơn người đã viết bài cảm nhận đã đem lại cho tôi những cảm xúc tuyệt vời về quê hương yêu dấu!

  Trương Thúc  - dieukhacgia772@gmail.com  - 0986999772 - Bình Phước   (Ngày 11/07/2013 21:02:06)

Bài thơ trên của nhà thơ không ngắn nhưng củng không dài, nhưng có lẽ đã đủ sức truyền tải những điều " rất thật " nếu là phụ nữ chưa có gia đình thì chắc mình củng... xiêu lòng !
Chắc có lẽ những điều tôi nhận thấy từ bài thơ trên đã " cuốn hút " tác giả NHƯ MAI đã viết xuất sắc bài bình này . Biết nói gì thêm khi mà NHƯ MAI đã nói hết về bài thơ một cách thật nghiêm túc qua bài bình này từ ngôn từ đến cấu trúc bài ...
Nói tóm lại tôi xin phép được phát biểu rằng cả hai tác giả đều viết hay
TUYỆT VỜI

  Tran Hien Luong - hien.luong219@yahoo.com.vn - 01295142557 - HCM  (Ngày 11/07/2013 18:26:44)

Bài thơ "Quan họ ngỏ lời" của Vũ Tuấn Anh rất hay mà bài bình của Như Mai cũng rất tuyệt! Bài bình giống như bản nhạc, đã nâng đôi cánh cho bài thơ, làm cho người đọc hiểu sâu sắc hơn bài thơ.
Cám ơn tác giả, cám ơn NM đã cho người đọc cảm xúc về vùng quê Kinh Bắc, về 1 bài thơ hay

  Làng hoà ninh - langhoaninhqb@gmail.com - 0905111185 - Đà Nẵng  (Ngày 11/07/2013 10:46:47)

Tôi đã đọc nhiều thơ của Vũ Tuấn Anh và cũng may mắn được tiếp xúc với anh đôi lần ở ngoài đời, nên phần nào cảm nhận được ở thơ anh và con người anh một sự chân thành, thân thiện, gần gủi và rất đáng yêu. Đọc thơ anh ta thấy ở trong đó một tâm hồn lạc quan,yêu đời. Thơ anh rất bình dị nhưng cũng tinh tế lắm lắm. Bởi vậy,khi đọc ta cảm giác như được trải lòng cùng với tác giả.
Nay vào trang "Lục bát xưa và nay" bắt gặp thơ anh và bài bình của tác giã Hoàng Như Mai cho bài thơ "Quan họ ngỏ lời", với cách phân tích và cảm nhận của chị càng làm cho tôi hiểu sâu hơn và yêu hơn thơ của Vũ Tuấn Anh. Lời bình của chị nhẹ nhàng,khách quan đã lột tả được cái thần hồn đẹp đẽ, trong sáng của bài thơ như chính tâm hồn của người Quan họ vậy.

  Nguyễn Lương Thành - nlthanh55@gmail.com - 0945392500 - Văn quán Hà Đông  (Ngày 10/07/2013 15:42:59)

Tôi vốn đã rất thích thơ của Vũ Tuấn Anh - Người Lẩm Cẩm ngay trừ khi đọc những bài anh đăng trên blog Người Lẩm Cẩm, bởi thơ anh ít triết lý, câu từ rất dân dã dễ hiểu. Rồi tôi cũng được đọc cả hai tập thơ "Thì thầm đường quê|" và "Quan Họ ơi đừng" của anh. Nhưng thú thật tôi không thể cảm nhận được sự sâu sắc tinh tế trong thơ anh như các nhà phê bình, như bạn bè yêu thơ của anh. Hoàng Như Mai là một người như thế. Các bài viết của chị rất sâu sắc. Chị có những nhận xét thật bất ngờ. Cám ơn chị Như Mai đã cho tôi cảm thêm bài thơ này của Vũ Tuấn Anh.

  Lê Thị Kim Thoa - kimthoa_hvtnd@yahoo.com.vn - 0912223331 - Nam Định  (Ngày 10/07/2013 13:37:17)

Đọc bài thơ : "Qua họ ngỏ lời" của Vũ Tuấn Anh tôi cảm nhận được tình yêu hương tha thiết, cháy bỏng của người con xa quê nhưng vẫn đau đáu nhớ về quê với những kỷ niệm đẹp. Bất chợt hôm nay đọc được lời bình của Như Mai tôi càng hiểu rõ hơn về nội dung bài thơ mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc. Đúng như tác giả Như Mai đã nhận xét: " Quan họ ngỏ lời" là bài thơ mang âm hưởng dân ca quan họ Bắc Ninh với những lời giao duyên rất ý nhị và dịu dàng..."Cảm ơn Như Mai đã thổi lên ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về mảnh đất Kinh Bắc - nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp. Tác giả Tuấn Anh viết bài thơ đã hay, Như Mai đã tiếp thêm lửa cho bài thơ giúp người đọc càng cảm nhận được cái hay cái đẹp, cái dung dị của bài thơ!

  Hoàng Mạnh Đức. - duchoangmanhdh@gmail.com - 0912386022 - Đồng Hới  (Ngày 09/07/2013 22:52:46)

Một bài thơ dân dã, nhẹ như ngọn gió xuân thổi vừa đủ cho khúc giao duyên của chàng trai bờ bên này, vọng sang bờ bên kia có người con gái đang nghe. Bài thơ, đúng hơn là lời một khúc ca, giãi bày một nỗi niềm sâu, lặng lẽ. Thể lục bát rất đắc địa cho hát quan họ. Vì vậy tôi cho rằng, nếu không có dải lụa là âm thanh của liền anh liền chị, mấy câu lục bát trên sẽ khó mà thành một bài thơ hay.
 

  Lê Thanh Bình - Nguamoichanroi@gmai.com - 0914277787 - Đà Nẵng  (Ngày 09/07/2013 22:01:03)

Đã đọc bài thơ "Quan họ ngỏ lời” của tác giả Vũ Tuấn Anh nhiều lần, nhưng nay đọc bài cảm nhận,tôi mới hiểu sâu sắc thêm những nét đẹp về con người và văn hóa của miền quê Kinh Bắc. Phải là người hiểu Quan họ lắm lắm, mới có cảm xúc da diết về "Quan họ ngỏ lời" của người Quan họ đến thế! Chúc mừng tác giả. Cám ơn Hoàng Như Mai.

Các bài khác: