Chủ nhật, 22/12/2024,


“Nói với em”- Bài thơ của tấm lòng một người chị (21/12/2008) 

Nói với Em

 

(Thân tặng Tâm An)

 

Em à, chị cũng như em
Cũng cười, cũng khóc... nỗi niềm ngổn ngang
Phận đàn bà... lắm đa đoan
Chuyện người lại cứ đa mang vào mình


Đời người... được mấy chữ tình
Đời thơ... một kiếp ba sinh có vừa
Em giờ như chị ngày xưa
Niềm vui ít
Chỉ dư thừa nỗi đau


Giá mà sẻ được cho nhau
Chị xin gánh hết nỗi sầu cho em
Cho thơ lại ấm nỗi niềm
Cho môi hồng lại vẹn nguyên nụ cười


Giấu lòng đi nhé, em ơi..!

 

Thu Hằng

 

 

         Thu Hằng không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp. Chị cũng giống như tôi, như bạn và như bao người bình thường khác. Nhưng đọc bài thơ chị viết, tôi không khỏi xúc động bởi vẻ đẹp của một tấm tấm lòng, chứa đựng trong những câu thơ giản dị, mang đậm chất  thi ca.

 

         Bài thơ “Nói với em”  là lời tâm sự, sẻ chia của một người chị, với một cô  gái ngoài đời, mà chị coi như em gái. Tình cảm trong thơ đằm thắm, lời thơ dịu dàng, pha một chút buồn man mác. Thế giới của những người phụ nữ, tình cảm giữa họ có vẻ đẹp rất riêng. Những tâm sự thầm kín của phái nữ luôn là những khắc khoải của nỗi lòng, những tiếng thì thầm của tâm cảm. Khi những cây bút nữ, trải lòng mình lên những trang thơ, không khỏi làm chúng ta bất ngờ trước vẻ đẹp tâm hồn, và tấm lòng của họ trước cuộc đời và thân phận con người:

 

“Em à, chị cũng như em
Cũng cười, cũng khóc...nỗi niềm ngổn ngang
Phận đàn bà... lắm đa đoan
Chuyện người lại cứ đa mang vào mình”

 

          Trong thơ, người chị đã lấy chiêm nghiệm của chính cuộc đời mình, để nói với em. Ngày xưa, “Chị cũng như em, cũng cười, cũng khóc”, cũng “nỗi niềm ngổn ngang”. Người phụ nữ thời đại nào cũng vậy, “đa đoan” lo lắng cho cuộc sống, “ đa mang” những buồn vui của cuộc đời. Người phụ nữ, dường như mang trong mình, tất cả vui buồn, khổ đau và hạnh phúc của thời đại mà mình đang sống, song hành cùng với những nỗi niềm riêng, đau đáu trong lòng:

 

“Đời người... được mấy chữ tình
Đời thơ... một kiếp ba sinh có vừa”

          Hai câu thơ se lòng, ẩn chứa một chút xót xa cho thân phận người con gái;  Một thoáng, như là tiếc nuối thời thiếu nữ,  đầy khao khát và ước mơ. Một chút đắng lòng, ngậm ngùi cho tâm hồn thơ mộng và tài hoa của cô gái, khi mà hạnh phúc chưa về. Có lẽ bạn đọc dễ dàng nhận ra, người em gái trong thơ, cũng là một cây bút nữ.

 

          Tác giả đã trải lòng mình trong thơ, để thấu hiểu lòng người con gái, khi đương thời đầy ắp suy tư. Lời thơ tự nhiên đi vào lòng người,  bởi chính  tình cảm chân thành của người viết:

 

“Em giờ như chị ngày xưa
Niềm vui ít
Chỉ dư thừa nỗi đau”

 

          Câu thơ giản dị như một lời tâm sự, an ủi vỗ về,  và rồi được đẩy lên một cung bậc tình cảm mới, cao đẹp hơn giữa con người với nhau. Đó chính là sự khao khát được sẻ chia:

 

“Giá mà sẻ được cho nhau
Chị xin gánh hết nỗi sầu cho em
Cho thơ lại ấm niềm tin
Cho môi hồng lại vẹn nguyên nụ cười


Giấu lòng đi nhé, em ơi..!”

 

          Sự khao khát, muốn được sẻ chia trong bài thơ thật mạnh mẽ,  như là  sẵn lòng hy sinh cho nhau. Tình cảm trong bài thơ phát triển một cách logic, từ thấp lên cao, làm cảm xúc người đọc cứ đầy dần, đầy dần.. một cách trọn vẹn, và rồi bỗng như thảng thốt, xót xa trong câu thơ cuối:

 

“Giấu lòng đi nhé, em ơi..!”

 

           Với riêng tôi,  đây là câu thơ ấn tượng nhất trong bài thơ. Một câu thơ đầy nữ tính. Nữ tính ngay cả khi đau khổ, buồn vui. Người phụ nữ nói chung, các cô gái nói riêng, luôn  thầm kín trong tâm tư, như là một vẻ đẹp, một phẩm chất thiên phú. Có lẽ chỉ những người phụ nữ mới thấu hiểu nhau; thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi; thấu hiểu những tổn thương tâm hồn, những hy sinh,  mất mát lặng thầm... của người phụ nữ  trong cuộc đời.

 

           Đọc đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến hai câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tôi xin trích dẫn ở đây, vì ý thơ phù hợp trong hoàn cảnh này:

 

“Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

Nở hoa vàng dọc suối để ong bay”

 

            Giấu đi vị đắng  của lòng mình, để làm đẹp cho đời, dâng cho đời hương thơm, mật ngọt… Người phụ nữ Việt Nam luôn là như vậy. Thật không quá lời, khi nói rằng: Không chỉ là hạnh phúc, mà ngay cả trong nỗi buồn của người phụ nữ,  cũng phảng phất một vẻ đẹp thiên thần..  

 

           Bài thơ “Nói với em” là khúc tâm tình đầy yêu thương, mang đến cho bạn đọc, nhất là những bạn đọc nữ, một tình cảm chân thành, xúc động và sẻ chia. Đây chính là giá trị nhân văn, mang lại thành công cho bài thơ./.

 

TpHCM- 30/11/2008

Việt An

(ĐT: 0988533996

Email: viet_an_06@yahoo.com)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 03/10/2017 0:00:00)

KHUYÊN EM (Ngày 01/10/2017 11:10:07 - Gửi bởi: Nguyễn Xuân Ngọc - Địa chỉ: Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương - Điện thoại: 01677225720)

KHUYÊN EM


Ngày xưa chị cũng như em
Cũng cười cũng khóc nỗi niềm khát khao
Đàn bà sao lắm khổ đau
Phận Kiều lỡ bước hay đâu lại mình

Mấy ai thấu hiểu chữ tình
Ba chìm bẩy nổi chung trinh vẹn tròn
Cắn răng dồn nén rỗi hờn
Tiếng chì tiếng bấc dại khôn đủ điều

Cốt sao giữ trọn tình yêu
Ấm êm lập nghiệp là điều ước mong
Khối người sôi hỏng bỏng không
Là hoa hay héo nẫu lòng vì yêu

Cuộc đời sướng ít khổ nhiều
Vần xoay con tạo có chiều một ai
Xây đời hạnh phúc tương lai
Công chồng công vợ chung vai cộng đồng

Cổ nhân nói ;”gái có công
Chẳng chồng nào phụ” chị mong nhớ lời
Chồng Nam vợ Bắc thì ôi!
Nghĩ lại vại vỡ, còn nồi mất vung

Xuân Ngọc

Các bài khác: