Thứ bảy, 28/12/2024,


Làm thế nào để có thơ hay (Nguyễn Khôi) (24/06/2013) 

Ai làm thơ chẳng mong có thơ hay: một bài, một câu, thậm chí một chữ độc đáo nổi tiếng để đời (ví dụ: chữ (từ) SÁNG trong câu:"một tiếng chim kêu sáng cả rừng" của Khương Hữu Dụng) đó là những hào quang của chữ nghĩa làm cho thơ bất hủ. Đó là trạng thái tâm hồn làm bừng phát tình yêu, khởi điểm của một ý thơ.

          Người làm thơ trước tiên phải có THI HỨNG (nói theo Max Jacob thì đó là trực giác, cái đó gọi là sự quyến rũ). Khi nội tâm gặp cảnh sinh tình bật ra cái HỨNG (sự khởi phát bột trào thành THƠ). Trước thời điểm đó là "chút linh cầu mãi không về, phân vân giấy trắng chưa nề mực đen" như Hồ Dzếnh đã tả, cái phút hứng chưa đến ấy được Tản Đà ghi lại bằng hình ảnh "đêm qua ra ra vào vào, quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì THƠ".

          Và "TỨ THƠ chỉ có khi cưỡi lừa đi trên cầu BÁ dưới trời tuyết" như Trịnh Khải xưa đã nói. Đó là vụ nổ Big-Bang để hình thành ra vũ trụ- cái ý tưởng vụt trào ấy trong hồn tung ra TỨ THƠ. Cái TỨ là sự linh ứng- nghĩ ra, phát hiện ra một cái gì đó nó co thể khiến cho cái THẦN (tinh thần) của nhà thơ cảm nhận thấy được sự vật để viết ra những câu thơ (nội dung) mang tư tưởng và tình cảm của tác giả. Ý là do suy nghĩ mà ra.

          LỜI là do Ý mà đến. Nhà thi sĩ bậc thầy (ông Hoàng của thi ca nước Việt) đã từng dạy "TỨ là hình tượng thơ diễn đạt được một ý trọn vẹn, từ chỗ có Ý sẽ đẻ ra TỨ, có TỨ tất có Ý, nhưng có Ý chưa hẳn có TỨ. Ví dụ: Ý là muốn nói tới sự say đắm si mê của chàng với nàng (đó mới là chung chung chưa rõ ràng), chỉ đến khi thi sĩ thể hiện bằng một hình tượng thơ cụ thể:

Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
(Lưu Trọng Lư)

thì đã là một TỨ thơ độc đáo. Có Ý (ý tưởng) nhà thơ phải tìm tòi sáng tạo để dựng TỨ (như khung nhà, kiểu dáng nhà trong cái ý muốn xây nhà) để thể hiện được sự trọn vẹn của Ý, gợi lên những cảm hứng gây xúc động lòng người, tạo ra những mối liên tưởng rộng mở, có giá trị thẩm mỹ cao(biến cái mông lung chưa có hình thù gì trong trí não thành hình tượng thơ, cấp cho nó một khuôn khổ nhất định). Thi sỹ vắt nặn ra TỨ THƠ khác nào nghệ nhân vắt nặn ra đồ gốm sứ vậy. Những câu thơ HAY thường là đã mang trọn vẹn một TỨ THƠ:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
(Chế Lan Viên)

Không ở rể mà vẫn là rể quý
Để mỗi năm lại lên Tết Chiềng Ly
(NK)

Dù tản mát khắp chân trời góc bể
Còn tấc lòng vẫn gửi gắm nơi quê.
(NK)

Tháng giêng ngúng nguẩy thẹn thò
Bàn tay ủ ấm đôi vò rượu tăm.
(Lê Đình Cánh)

          Thầy giáo dạy NK hồi cấp 3 đã nói: đọc thơ, về thực chất là ta đang thưởng thức một TỨ THƠ. TỨ trong toàn bài là một hình tượng THƠ xuyên suốt cả bài thơ, thể hiện tư tưởng nghệ thuật của bài thơ. TỨ THƠ mang đặc điểm của cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ.(mỗi người một cách).

          Như vậy công việc quan trọng cốt lõi của người làm thơ là phải tìm được TỨ THƠ (lao tâm khổ tứ là vì thế)- nó tương tự như nhà tiểu thuyết phải có "cốt truyện" vậy.Đầu để bài thơ nhiều khi đã chứa đủ cái TỨ THƠ trong đó, nói cách khác là: đầu đề thơ ôm trùm TỨ THƠ, khiến người đời đọc xong nhớ mãi, biến thành ấn tượng ăn sâu vào tâm hồn người đọc (Bóng cây Kơnia, Núi đôi, Gương mặt quê hương, Cuộc chia ly mầu đỏ...)

          Khi sáng tác cấu TỨ (vắt nặn ra TỨ THƠ) người làm thơ thường có hai cái lo: ai đó mà mạch suy nghĩ bế tắc thường thơ nghèo nàn. Kẻ lắm lời thường là thơ lộn xộn. Hiểu biết rộng thì cứu được sự nghèo nàn. Nắm lấy một điểm (ý chính) để xâu suốt tất cả, đó là thứ thuốc chữa bệnh lộn xộn.Tình cảm tư tưởng của bài thơ vô cùng phức tạp và khó nắm bắt. Hình thức của nó cũng khác nhau và thay đổi. Có khi lời thô kệch lại nảy sinh cái ý (Tứ) hay, có khi việc tầm thường làm toát ra ý mới.

          Một bài thơ đạt tiêu chí HAY phải là ý mới, tứ lạ, đồng thời còn lệ thuộc vào cái tài hoa trong việc diễn đạt tình cảm tư tưởng với ngôn từ điêu luyện(sáng tạo từ mới), không lặp lại các chữ (từ) đã sáo mòn cũng như thủ pháp triển khai cấu TỨ sao cho hình tượng thơ sống động... Trong một bài thơ phải có những câu đột xuất, chữ độc đáo (nhãn tự- chữ mắt) đầy hình tượng, gây ấn tượng sâu sắc vào lòng người đọc để cho bài thơ bất tử, trẻ mãi không già.

          Tóm lại TỨ THƠ là đặc sản của tâm hồn thi sỹ, mỗi người tạo ra cái riêng, cái cốt cách độc đáo của mình với một ngôn ngữ giọng điệu không giống ai. TỨ THƠ là giường cột kết cấu nên bài thơ làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ (chứa đựng triết lý sâu sắc nội dung có tầm bao quát lớn).

          Cái "Siêu" của một số nhà thơ có tay nghề cao là đã biết cắt tỉa bớt lá cành rườm rà của một Ý thơ để làm bật TỨ là phần tinh túy nhất của bài thơ (ví như bông hoa) để thêm phần rực rỡ (Là ngụy trang, Ngọn đèn đứng gác, Dáng đứng Việt Nam ).

          Theo thiển ý của NK thì ngoài những lý sự trên, người làm thơ muốn có thơ HAY phải là người có tâm hồn, nung nấu, ấp ủ một cái gì đó để rồi bất chợt tức cảnh sinh tình bật ra thi hứng, tạo ra TỨ THƠ... (chứ không phải cố nghĩ, cố rặn ra thơ, ghép vần rồi tự vỗ đùi "tuyệt tác!"). THƠ HAY không lệ thuộc vào thể loại cũ mới, vấn đề là có hồn hay vô hồn, ý mới, tứ lạ và có ĐẸP hay không? và THƠ HAY còn phải là thơ để cho người đời ngâm, đọc một cách thích thú nữa kia. Nói thì dễ, làm thì khó, thôi thì:

Ta dù lếch thếch lôi thôi
Mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng.
(Nguyễn Duy)

 

NGUYỄN KHÔI

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đỗ Thanh Cân - dtcan28@gmal.com - 0438698628 - 28- 259/9 Phố Vọng Hai Bà Trưng Hà Nôi  (Ngày 27/07/2013 22:49:24)

Thật may mắn khi em ơ ngay sau lưng nhà Anh, cùng trong khu tập thể này. Càng đọc càng thấy thấm thía khi ngồi nghe anh nói chuyện về thơ và đặc biệt đọc qua bài nói chuyện này đã giúp em hiểu về thơ lục bát nhiều hơn.

  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 0914233684 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 27/06/2013 23:31:58)

Thơ hay là gì? hoặc Thế nào là thơ hay? là những câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng dù trải qua không dưới ngàn năm. Vậy mà nhà thơ NK lại đặt câu hỏi Làm thế nào để có thơ hay? thật tự tin nắm chắc Thơ hay là gì chăng?
Tôi nghĩ, cách đặt vần đề này chỉ phiến diện là làm cho thơ sạch nước cản thôi chứ chỉ cho làm nên bài thơ hay thì đã là HLV các nhà thơ hay rồi còn gì.

Các bài khác: