Lao động sáng tác văn học nghệ thuật là lao động quá khứ và mang dấu ấn đậm nét cá nhân. Những quá khứ thường được nhắc đến lại hay là những hoài niệm của người viết. Những hoài niệm ấy có thể là những trăn trở, những suy tư, những kỷ niệm của một thời, một giai đoạn người đó đã sống, đã trải nghiệm. Những hoài niệm ấy đã đi cùng với những năm tháng cuộc đời, dồn nén, chưng cất để thành câu chữ nói hộ nỗi lòng mà những ngôn từ ấy không dễ mấy ai có được. Nó là nét riêng, nét độc đáo, sống động để tạo nên trong những trường liên tưởng cho người đọc. Những trường liên tưởng ấy chính là những rung cảm của cảm xúc từ người viết truyền sang cho người đọc. Sự lan tỏa của câu chữ càng rộng, càng sâu càng đem đến cho người đọc sự đồng điệu trong tâm hồn, trong lối nghĩ và cách cảm. Và có một người trong số nhiều người đã khéo léo đem những nỗi niềm đó, nối những sợi dây cảm xúc của cá nhân đến với bạn đọc như vốn có của tự nhiên cuộc sống đã và đang diễn ra gợi nhất, lắng nhất và sâu sắc nhất có lẽ là Lê Minh Dung với “Thời gian cong” của mình. Một khúc hoài niệm rất đời, rất người và cũng rất thơ.
Bìa tập thơ Thời gian cong
“Thời gian cong” của Lê Minh Dung là khúc hoài niệm bắt đầu ngay từ lời đề từ cho tập thơ. Lời đề từ dẫn giải cho bạn đọc đến một trường liên tưởng khi đọc tập thơ “Thời gian cong” này.
“Lời vô ngôn gói hoang đường
Trò chơi con chữ vô thường vậy thôi...”
Lời nói mà không có ngôn từ, nó chỉ như một thứ vỏ bọc dùng để gói ghém những chuyện không đâu, chuyện không có thực trên đời, nó chỉ là một trò chơi của đời, của nhân gian không như những trò chơi bịt mắt bắt dê hay chơi ô ăn quan, chơi khăng chơi đáo. Chỉ có điều, đây là trò chơi con chữ hay nói cách khác là lấy chữ nghĩa để chơi. Chơi như thế, dám như thế, trên thế gian có được mấy người. Đó cũng chính là cái tôi, cái bản ngã được thể hiện. Nếu hiểu ngược hai từ “trò chơi” thì cũng có thể thành “trời cho” đấy. Trời cho như thế còn gì hơn.
Và trò chơi con chữ ấy, cái mà trời cho Lê Minh Dung cũng rất khác người, khác lắm, nói rõ cho bạn đọc biết, bạn đọc tường.
Tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm lại mình
Từ lúc thời gian uốn vào góc khuất
Ảo ảnh đời hư hư thực thực…
(Thời gian cong)
Quả là, trong những đoạn đường người, có thể chỉ là vô tình, cũng có khi là cố tình, mà cái đó thì dễ lắm, nhất là trong cuộc mưu sinh, vì một lý do nào đó, vì một ý nghĩ nào đó, hay vì một hoàn cảnh nào đó, chúng ta đã đánh rơi, làm thất lạc và có thể để mất đi những ký ức, những hoài niệm đã gắn bó, là dấu ấn trong đời. Vẫn biết, đời người, dù muốn hay không, dù chờ đợi hay không chờ đợi, mong hay không mong, vẫn có đủ hỉ nộ ái ố. Bởi trong cuộc sống, bản thân sự thành công cũng đã tiềm ẩn hàm chứa sự thất bại. Cái mà con người khó đoán định, thường bị bất ngờ nhất. Nhận ra được “góc khuất”, nhận ra được những điều hư hư thực thực phải tỉnh lắm, phải sâu sắc lắm và có được nó, có lẽ, cái giá phải trả cho những chiêm nghiệm ấy cũng đủ sã vai, nhất là có thể rút lòng để nên con chữ trong thơ. Kỷ niệm vẫn mãi là kỷ niệm, nhưng đó phải là những ký ức đóng dấu cuộc đời. Kỷ niệm đã chuyển sang ảo ảnh chứ không còn là những nét sống động. Có lẽ vì thế mà nhiều người viết cũng như bạn đọc thường cho rằng, thơ là sự kết tinh của những chiêm nghiệm từ buồn tủi.
Nắng - mưa và những đêm gầy
Thốc ngược miền buốt dại
Lầm lũi độc hành bất chợt tôi gặp lại
Thuở tôi xưa - chân đất đầu trần…
(Thời gian cong)
Có lẽ điều này cũng như mọi người làm thơ khác, những câu thơ thường bắt đầu từ những ký ức của tuổi thơ, những hoài niệm về một thời thơ ấu. Cái thời sự vô tư, trong trẻo đến thánh thiện. Và khi, nắng mưa thời gian, nắng mưa đời người, những vấp ngã đớn đau, những va đập đắng đót của kiếp mưu sinh, bất chợt, khi ta đối mặt với chính mình, với đêm trắng, những ký ức xưa lại ùa về, lên tiếng. Ở đây, Lê Minh Dung nói rõ, nói một cách trần trụi về hoàn cảnh, về nắng mưa của đời mình chính là “lầm lũi độc hành”, chỉ một mình mình làm cả một đắng cay. Sự cô độc đến tận cùng của sự cô độc. Những ký ức ùa về ấy đã đốt, đã cháy, cháy trong tâm tưởng để cháy vào câu thơ. Hoài niệm cháy.
Những vỉa tầng ký ức tro than
Những cánh đồng đằm đằm mùi đất thở
Tôi như người mắc nợ
Trước chuỗi thời gian cong
(Thời gian cong)
Câu thơ cháy, câu thơ của ký ức, của hoài niệm tự nó thúc giục, tự nó cất tiếng trong cái nhìn mới, nhìn khác của Lê Minh Dung. Trong tự nhiên, thời gian một chiều, cứ nhích từng giây về phía trước. Khi người thơ nhớ lại, khi hoài niệm trở về, ấy là quá khứ. Nhưng ở Lê Minh Dung là con đường cong, thời gian không một chiều, là thắt nối của từng giây, từng phút. Và mỗi giây trôi qua ấy, Lê Minh Dung nhìn lại, tự thấy, trong mỗi giây trôi qua là mỗi điều còn vương vấn. Cuộc đời có thể vui, có khi buồn nhưng nó vốn là thế và nó cũng vẫn là điều cuộc đời đã có, đã cho, mắc nợ với chính những điều như thế.
Thì đây, ngay lời của tình yêu cũng đã vương vất của nỗi đau, một câu hỏi mà không phải dễ trả lời.
Một lời thôi bão lật cánh buồm nâu
Bao kỷ niệm trôi tràn ra biển cả
(Bài thơ đã viết)
Để từ đó mà
Còn đây
chút nhớ - quên này
Đem ra đốt giữa xanh mây - hóa vàng
(Đơn phương)
Tôi thích và tôi yêu cách ví von, cách so sánh và cả cách nói thô mộc, ram ráp, cái cách “không giống ai” rất đời của Lê Minh Dung. Khi đọc nó, bạn đọc có cảm giác nắm được, sờ được và thấy được bằng nguyên khối thường ngày vẫn gặp. Bởi có lẽ, nhiều người khi đọc thơ, những cách đọc, cách đánh giá rằng thơ phải trìu tượng từ thuở cắp sách, ngồi học ngày nào ở bậc học phổ thông bây giờ nó khác, nó là cách nói hình tượng nhưng lại rất cụ thể.
Bản thân tôi cũng thường suy nghĩ về những năm tháng đã qua, và có lẽ, cũng như mọi người, những năm tháng mà ký ức hay nhớ nhất, kỷ niệm hay trở về nhất và cũng là những hoài niệm đau đáu nhất là khoảng tuổi trẻ, thời thanh niên, thời khát khao yêu. Với Lê Minh Dung tuy cũng vẫn là những trạng thái tâm lý đó nhưng nó lại ở một sắc thái khác, một góc nhìn khác. Góc nhìn của Lê Minh Dung, mang cái tôi đậm đặc Lê Minh Dung.
Ta long đong cuối trời gom ảo vọng
Đời đa mang tìm sương gió ru mình
(Cho người xứ lụa)
Thiên hạ gom nhặt may mắn, gom nhặt niềm vui, còn Lê Minh Dung, gom ảo vọng. Mà gom ảo vọng để sương gió ru mình bởi chính cái đa mang của mình. Vẫn biết, nhà phật thường cho rằng, đời là bể khổ. Biết là khổ mà có mấy ai tránh được bể khổ đâu? Vẫn biết tình là dây oan, mà có ai không vướng vào dây oan trái ấy? Biết khổ mà không tránh, biết trái oan mà không ngại vướng, đó cũng là cách biết chấp nhận và dám chấp nhận, bởi biết mình, hiểu mình, dám đối mặt với chính mình. Và những điều đó, nó như cây nến, cứ cháy, cháy đến tận cùng ruột bấc dẫu biết rằng sự cháy ấy “đổi lấy những mong manh”.
Trong bát khổ đời người, yêu mà không được yêu cũng khổ, nhớ mà không được nhớ cũng khổ, thậm chí, được yêu, được nhớ cũng khổ. Tuy nó mang hai sắc thái khác nhau nhưng lại rất chung trong một mẫu số “nỗi khổ”. Đó chính là, muốn cháy mà không được cháy, mặt đối mặt và sao cách xa lòng?
Cứ lầm lũi - vờ quên như xa lạ
Anh trở lại, con đường hoang cỏ dại
Nhặt chiều xưa làm kỷ niệm riêng mình...
(Có thể nào)
Không thể gọi đêm dài thêm
Ta nhân những khát khao với nhiệm màu phủ dụ
Trong vô thức rực cháy lên miền nhớ
(Nỗi buồn đêm)
Với một số người viết, tôi thường được họ nói rằng, khi viết, họ thường “chìm” trong trạng thái “thiền”, nghĩa là, câu chữ bản thân tự nó chảy ra, trôi ra và cất lên. Tất nhiên là tôi không tranh luận vì nó chính là cái tôi của họ, cái tôi “đặc trưng” khu biệt. Nhưng với Lê Minh Dung, ngoài những sự thô ráp, ngoài những cách nói đến cụ thể để bạn đọc có thể sờ, nắm thì Lê Minh Dung cũng tỉnh lắm. Tỉnh hơn cả người tỉnh. Và đây, lại cũng là cái khu biệt của Lê Minh Dung chăng. Và tôi tin, rất tin Lê Minh Dung rất tỉnh, cực tỉnh nên mới có thể nhận ra được những điều như thế này trong thơ. Chỉ có điều, tỉnh đấy nhưng cũng say lắm đấy. Nếu không, làm sao Lê Minh Dung nhận ra “thời gian cong”?
Không thể
xây lâu đài trên cát
Không thể
dựng nhà trên tảng băng trôi
(Không thể)
Đã lâu cỏ trong vườn không chờ mong ta nữa
Những chú chim non gác cửa
Chẳng còn ríu rít say mê
(Tự khúc)
Đọc “Thời gian cong” của Lê Minh Dung, trải suốt cả tập là sự hoài niệm về cuộc sống, về tình yêu, về nỗi nhớ. Nó là sự trải nghiệm, chắt lọc từ những đắng đót cuộc đời. Khi đọc “Thời gian cong” của Lê Minh Dung, tôi cứ thường liên tưởng đến một loài chim đã được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ văn sĩ Colleen McCullough, khi cất tiếng hót hay nhất của cuộc đời là khi, chiếc gai đâm xuyên thấu qua tim. Những trăn trở, những day dứt từ trong hoài niệm của Lê Minh Dung, có phải chăng, nó cũng là những điều như thế. Tự chính cuộc sống của Lê Minh Dung đã cất lên những tiếng nói thơ rồi.
“Thời gian cong” là khúc hoài niệm của Lê Minh Dung hay nó là tiếng hót của trái tim chất chứa bao thổn thức cất lên lời thi ca?
Phạm Trần