Trong kho tàng thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ của cố nữ sĩ Xuân Quỳnh đã để lại niềm yêu thích đối với độc giả. Bài thơ 'Mẹ của anh' là một trong những tác phẩm hay của chị về tình cảm mẹ chồng - nàng dâu.
Mẹ của anh
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Nhưng em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức, lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh.
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa có núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em...
Xuân Quỳnh
Bài thơ có ba nhân vật: Mẹ, Anh và Em. Nhưng tựa đề bài thơ cho người đọc biết được: Bài thơ không nói về Anh, cũng chẳng nói về Em mà nói về Mẹ. Anh là cái cớ để Em có Mẹ và thể hiện trực tiếp tình cảm của mình với Mẹ. Em -người đã khéo léo giới thiệu mình là ai trong mối quan hệ với 2 người kia:
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà
Chị là vợ của anh. Nhưng mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh chưa giới thiệu chị là 'dâu trong nhà'. Với cách vào đề tự nhiên, lời thơ mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, chị bộc bạch quan điểm của mình với chồng:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Nhưng em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Cái chân lí đơn giản ấy ai mà không biết, nàng dâu nào mà chẳng biết, nhưng chỉ có nàng dâu Xuân Quỳnh mới nói ra. Bởi nói ra là 'tuyên bố', là gắn trách nhiệm của mình suốt đời với mẹ chồng, là bình đẳng cùng chồng về trách nhiệm làm con đối với mẹ.
Cả bài thơ là lời tâm sự với chồng nhưng thực ra chị đang giới thiệu với mọi người về mẹ chồng của chị. Đó là bà mẹ đã có một thời xuân sắc 'Ngày xưa má mẹ cũng hồng'. Đó là bà mẹ thương con nhất mực, hy sinh tất cả cho con 'Bên anh, mẹ thức, lo từng cơn đau/Bây giờ tóc mẹ trắng phau/Để cho mái tóc trên đầu anh đen'. Đó là bà mẹ tần tảo, lam lũ vì con 'Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần'. Mẹ cũng là bà mẹ nông thôn Việt Nam đã dạy con yêu quê hương làng xóm từ những lời hát ru ngọt ngào và những câu chuyện cổ tích xưa dạt dào tình nghĩa. Hơn thế nữa, mẹ có lòng nhân hậu bao dung của một bà mẹ chồng độ lượng 'Mẹ không ghét bỏ em đâu'. Nàng dâu tự tin ở mình và hiểu rất sâu sắc về mẹ chồng. Vì thế, chị càng thương bà như thương chính mẹ đẻ của mình.
Vẫn bằng lời thơ mộc mạc, nàng dâu Xuân Quỳnh kết thúc bài thơ với 2 câu đằm thăm vô cùng:
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em...
Đọc, thấy một nàng dâu rất hiểu về mẹ chồng và cũng sâu sắc biết bao: Hình như người mẹ kia sinh ra đứa con trai là để dành cho chị chứ không phải ai khác trên đời.
Bài thơ 'Mẹ của anh' là tình cảm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Nhưng ẩn đằng sau còn là tình cảm của chị với chồng. Chị yêu mẹ chồng vì chị là người vợ rất yêu chồng:
Thương anh thương cả bước chân
... Yêu anh, em đã là dâu trong nhà
Bài thơ được nhiềungười yêu thích vì lời thơ chân tình mộc mạc, chất thơ đằm thắm đôn hậu, ý thơ ý nhị sâu xa và còn bởi nó phản ánh tình cảm tốt đẹp giữa nàng dâu - mẹ chồng, một mối quan hệ mà xưa nay vẫn bị nhiều người cho là phức tạp, xa lạ, khó dung hoà.
Nguyễn Thị Mai
(Nguồn: hlhpn.org.vn)
nguyen hong ngoc - ngockimduc@gmail.com - 09828378987 - ha noi
(Ngày 7/03/2011 02:24:49 PM)
bai tho kha hay do minh rat thich
|