Thứ sáu, 29/03/2024,


Thế sự trong thơ Lục Bát Nguyễn Thế Kiên (Phạm Văn Lam) (01/03/2013) 

Giữa cơ chế thị trường hôm nay, Nguyễn Thế Kiên đột ngột xuất hiện bằng một chiếc thuyền nan và bơi trên một dòng sông lục bát đã cũ. Vậy mà con thuyền ấy rất mới. Nó không phải là cái chân quê Hoa chanh thơm giữa vườn chanh của Nguyễn Bính. Nó cũng không phải cái bất cần Trần gian choang choác sự đời tùy em của Nguyễn Duy.

          Nguyễn Thế Kiên có một giọng điệu riêng. Những câu thơ của anh như những lớp sóng xoáy vào đời sống hôm nay. Anh viết như tuyên ngôn: Mang câu lục bát nói lời thường dân. Anh cũng viết thơ anh do: Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành. Những câu thơ dưới đây của Nguyễn Thế Kiên cứ ám ảnh tôi: Một thời thơ bỏ xa thơ/Ngây ngô ru ngủ bến bờ nhân gian/Đem khoe những cái nghèo nàn/Thành gia sản giữa miên man thánh thần. Mấy câu thơ trên gợi tới một thời văn chương minh họa cho một tư tưởng đã định sẵn. Những quan niệm máy móc và sự hiểu sai lệch về văn chương đã gây ra biết bao nhiêu hệ lụy cho văn nghệ sỹ. Những câu thơ của Nguyễn Thế Kiên có giá trị cảnh tỉnh. Cái thời mà thơ không còn là nghệ thuật nữa. Một thời ta đã đem cái nghèo nàn làm niềm tự hào. Sự giàu sang trở nên đối địch. Người ta cứ nghĩ con người càng bần cùng thì càng cách mạng!(?) Cái cốt lõi của văn chương là đi sâu vào nỗi đau của thân phận con người, nỗi đau của dân tộc và rộng lớn hơn là nỗi đau của nhân loại. Vậy nhưng đôi khi ta lại suy nghĩ một cách máy móc và làm ngược lại: Một thời giờ hóa khói sương/ Văn chương từ mặt đau thương kiếp người/Bình minh mắc ngược chân trời/ Con chim khiếu hót những lời vu vơ. Những câu thơ của Nguyễn Thế Kiên nhắc nhở chúng ta nhìn lại chính mình để không tự huyễn hoặc: Một thời dẫm gót rạ rơm/ Mà ra rả những âm hồn ngày mai.

          Thơ Nguyễn Thế kiên là loại thơ trải nghiệm, mang tính thế sự câu thơ có sức gợi rất sâu: Thảo thơm một nén nhang trầm/Xá cho tất cả lỗi lầm là… dân/ Con đường hun hút mắt trần/Tiếng cười trong trẻo ngỡ gần mà xa. Hàng ngàn năm nay chịu đựng nỗi đau chiến tranh, đói khổ, bệnh tật cũng là dân. Và xá cho mọi lỗi lầm cũng là dân. Có thể nói lòng vị tha của người dân trong một dân tộc trải qua nhiều biến động đau thương như thế cũng là hiếm có trên mặt đất này: Những trang lịch sử nối dài/Ngây thơ đứng giữa cả hai lối về/Một phần tỉnh, chín phần mê/Luân hồi khép cửa từ bi mất rồi.
Nguyễn Thế Kiên nói lên cái bản chất nhất của cuộc sống. Nhân dân đồng nghĩa với cỏ cây, mưa gió, sự chịu đựng nỗi đau, tính nhân văn, bản chất tốt đẹp và làm nên các giá trị cuộc sống: Hình như ở phía rạ rơm/Mấy mươi năm trước đã thơm một lần?/Hình như có một mùa xuân/Bao nhiêu cỏ dại hóa thân thành người...

           Mọi sự nghiệp đều xây dựng trên cái nên móng là nhân dân. Các ông quan và sự thành đạt của họ cũng từ dân mà ra: Giật mình nhìn xuống gót chân/ Miếu văn dựng giữa mấy lần cỏ xanh. Nhân dân vốn âm thầm mà làm nên các giá trị: Trời cao mây trắng tóc người/Đất thâm mọc cỏ không lời thì xanh

           Nhân dân cũng là người chịu đựng, hy sinh: Chỗ hớn hở, chỗ chau mày/ Nhân dân im lặng cầm tay chính mình
Với Nguyễn Thế Kiên nhân dân cũng là chuẩn mực để đánh giá đạo đức của người làm quan: Nhân dân vĩ đại muôn đời/ Ngược xuôi thay đổi mượn lời nhân dân/ Bao nhiêu tiêu chuẩn dưới trần/ Nhân dân còn lại mấy phần hôm nay?

           Có trường hợp làm quan bắt đầu xa dân: Trăm tu vừa được làm người/ Đã toan tính dạy xa rời nhân dân. Và trở về với dân không dễ khi đã có khoảng cách quá xa: Con đường về với nhân dân/ Chênh vênh đi giữa chín lần gió mưa.

           Nguyễn Thế Kiên có bài Lời ru mẹ Âu Cơ gửi đảo viết về biển đảo rất hay. Có những câu thơ làm ta phải trăn trở: Nhà ta kẻ cắp rập rình/ Quên lời mẹ, tưởng bình minh là hồng/ Em cầm nón trắng sang sông/ Phút nông nổi lỡ mang giông bão về. Anh viết về đất đai ở quê trong cơn biến động nhưng lại có câu đúc kết trải nghiệm: Cúi đầu thì gặp đất đai/ Thời nào chẳng có chông gai thế này. Hoặc: Nghe từ gió cả sông sâu/ Dạy chung sống với lo âu vạn đời.

           Những câu thơ thế sự của Nguyễn Thế Kiên viết bằng sự trải nghiệm, đúc kết. Anh viết trực diện từ cách nghĩ của nhân dân, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nhiều câu thơ như một tuyên ngôn. Thơ thế sự nhưng mang giàu yếu tố nghệ thuật. Anh đã đưa được hình ảnh, đặc biệt là tâm trạng, sự trăn trở vào trong thơ. Chính vì thế câu thơ anh không bị trượt đi trong trí nhớ người đọc. Hình ảnh câu thơ cứ ám ảnh và buộc người đọc phải suy ngẫm.

           Thơ Nguyễn Thế Kiên như những bông sen thoát thai từ bùn đất và thơm lên bốn mùa. Anh sáng tác bằng ngôn ngữ thường ngày của người dân. Anh hay trăn trở về thế sự và có cái cười rân rấn trên khóe mắt. Tôi thấy lấp lánh đâu đó trong thơ Nguyễn Thế Kiên cái nồng nàn phúc hậu của chân quê. Những câu thơ phảng phất thuyết nhân quả, thoát thai và thăng hoa trên cái nền triết lý của Phật giáo.



Phạm Văn Lam (Bình Phước)
Email:phamlamtk@yahoo.com.vn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lục Thị Bích Hạnh - tuoixechieu113@yahoo.com.vn - 01665460480 - Thanh Trì- Hà Nội  (Ngày 15/03/2013 19:19:09)

Tôi cũng được đọc rất nhiều thơ Nguyễn Thế Kiên.Phải nói rằng lời bình của bạn Phạm Văn Lam quá tuyệt vời, gần như nó đã đi sâu vào thơ Nguyễn Thế Kiên từng cm , có thể nói rất nhiều nhà thơ có những phong cánh thơ hồn nhiên, thơ không vướng nỗi bất hạnh như chính cuộc đời họ vậy, họ chỉ viết dòng thơ tình lãng mạn, hay những dòng thơ cảnh thiên nhiên tuyệt vời , hay những tấm gương trong sáng mà họ đã từng gặp.
thơ NTK hoàn toàn khác hẳn, từng trải trong lời thơ, thổn thức nỗi lòng sâu kín, phải " Đau vì thơ như Đau chính cuộc đời mình vậy" thì NTK mới viết được những vần thơ ấy.Mọi người có thể viết nhiều , nhiều thơ lắm, nhưng NTK cứ từ từ......từng bài một , như những bước thăng trầm trong số phận đến đâu, thơ tuôn trào ra đến đó.Thật bất ngờ trong sân lục bát lại có một NTK như vậy.
Phải nếm trái đắng mới hiểu được đắng cay, còn không thì chỉ biết nhưng không hiểu thì đó không phải là thơ NTK.
Chúc mừng Phạm Văn Lam người đã phân tích thơ Nguyễn Thế Kiên một cách hoàn hảo nhất.

  Dương Hoàng Hữu - daituyphong@gmail.com - 09142336843 - Tuy Phong, Bình Thuận  (Ngày 02/03/2013 10:20:54)

Lời bình rất nồng nhiệt, thu hút. Nên trích chọn giới thiệu đoạn thơ để chúng minh thì dễ cảm nhận hơn. Cuối cùng nên chọn vài bài tiêu biểu cho phong cách thơ tác giả này để mọi người cùng đọc và ngẫm ngợi thêm vì rất nhiếu người không có tác phẩm hay chưa được biết thơ của NTK

Các bài khác: