Dòng đời - con nước vèo qua
Trái tim mắc cạn trong tà áo bay
Cỏn con một sợi lông mày
Mà đem cột trái đất này vào anh.
Trần Mạnh Hảo
'Dòng đời - con nước vèo qua', 'con nước' đó trôi đi rất mạnh, rất nhanh - 'vèo qua'. Và, với một động thái mạnh - nhanh như thế, chắc chắn nó sẽ cuốn phăng tất cả mọi vật, mọi thứ. Ai ngờ, riêng trái tim anh lại bị 'mắc cạn trong tà áo bay' của em! 'Con nước' dòng đời không đủ mạnh để cuốn trôi đi được trái tim anh? Hay là do trái tim anh đa tình quá, đam mê quá, đến nỗi bị... 'mắc cạn'? Tà áo em, tưởng mỏng manh thế mà lại có sức mạnh hơn hẳn 'con nước vèo qua' của dòng đời. Thật là lãng mạn và cũng thật là thơ mộng.
Nhà thơ Trung Quốc Lý Diên Niên, đời Hán, ca ngợi nụ cười mỹ nhân, làm nghiêng thành, nghiêng nước. Còn trong thơ Trần Mạnh Hảo mới chỉ 'cỏn con một sợi lông mày' (của người đẹp) mà đã làm 'anh' (chủ thể trữ tình trong bài thơ này) phải trồng cây si và bị 'cột' vào trái đất này mất rồi. Ngoài các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, tăng tiến mà tác giả sử dụng rất thành công, thì từ 'cột' trong câu thơ 'Mà đem cột trái đất này vào anh', thật đắc địa: nó vừa thể hiện được tính chắc - chặt của nghĩa đen từ vựng, lại vừa thể hiện được sự 'khuất phục đáng yêu' của 'anh'. Phái đẹp ý thức rất rõ 'thế mạnh trời cho' của mình:
Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết
(Phùng Quán)
Thảo nào 'giới mày râu' muôn đời cứ vậy ngơ ngẩn, đam mê...
Phải chăng 'Trái tim mắc cạn' là bài thơ về một mối tình đầu trong quan hệ tình yêu của con người? Đã là con người hầu như ai cũng có mối tình đầu để thương, để nhớ của mình trong đời. Phải chăng hình ảnh 'Trái tim mắc cạn' chính là biểu tượng của mối tình không thể dứt ra được?
Theo tác giả Minh Quang
Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 07/09/2016 5:11:54)
NỬA ĐỜI |