Chủ nhật, 22/12/2024,


Kỹ thuật thơ Việt Nam hiện đại và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ (04/12/2008) 

 

Đoạn 6: Âm điệu

 

 

     Tiếng Việt là một ngôn ngữ tự nó đã có âm điệu, 6 thanh tạo nên một thang âm trầm bổng. Cho nên bài thơ nào cũng có âm điệu, chỉ có vấn đề là hay hoặc dở. Âm điệu phụ họa được với ý thơ là hay, âm điệu trúc trắc là dở.

     Người biết ngâm thơ có thể ngâm bất cứ bài thơ nào. Tuy nhiên, có những bài thơ chỉ để đọc hoặc chỉ nên đọc, chứ không ngâm bởi vì âm điệu gần như văn nói. Thí dụ như một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhất là trong tập "Tôi không còn cô độc". Hãy xem một bài :

 

tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền

(Thanh Tâm Tuyền - Phục sinh)

 

     Thơ Việt nam hay hơn thơ Tây phương về âm điệu, diễn ngâm không nhất thiết cần lấy giọng và làm điệu bộ như kịch sĩ, bài thơ hay tự nó đã chứa âm điệu phù hợp với nội dung. Những lời thơ trong Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm chẳng hạn, là chứng minh hùng hồn cho âm điệu tuyệt tác.

    

     Thơ mới cũng không thiếu những âm điệu đủ mọi phong thái. Thí dụ :

    

     Âm điệu hùng tráng:

 

Sóng lớp lớp rượu ba tuần thuở ấy
Tiếng vang vang như thần kêu qủy hét,
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét
Gọi qúa khứ vị lai những u hồn
Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết

                     (Lý đông A - Chính khí Việt)

 

     Âm điệu hào sảng, khí khái:

 

Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay

(Thâm Tâm - Tống biệt hành)

 

     Âm điệu dồn dập:

 

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
...
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu

(Tô Thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)

 

     Âm vận và ngữ âm là những yếu tố của âm điệu

 

     Âm vận gồm nhiều vần trắc có âm thái sắc cạnh có khả năng diễn tả những tình cảm mạnh. Thí dụ:

 

Một ngày lạnh nước người không tri kỷ
Ta vỗ án hét thành ca chính khí
Ðông thê thê như gió thổi u hồn
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

(Lý đông A - Chính khí Việt)

 

     Bài thơ có nhiều âm bằng cho âm điệu ngang ngang phù hợp với tâm trạng buồn bã, hoang mang, bàng hoàng... Thí dụ:

 

Sương lan mờ, bờ sông tường gần nhau
Sương lan mờ và hồn tôi nghe đau

(Xuân Diệu - Sương mờ)

*

Sài Gòn chiều nay trời còn mưa không em
Ðường về hình như nhà ai đang lên đèn
Sầu tư nghe về nghìn trùng trong tim
Trời còn mưa, mưa hoài, mưa trong đêm

(Huy Phương - Mưa chiều)

 

     Phần lớn những bài thơ loại này có ý thơ sáo rỗng, gượng gạo, vì cố tìm cho ra những âm bằng.

 

 

     Sự thay đổi nhịp trong thơ lục bát

 

     Nhịp là chỗ ngắt giọng thoáng qua trong một câu thơ để làm rõ ý nghiã của câu thơ.
     Du Tử Lê viết trong Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng: "Căn bản, tôi chia lại nhịp đi của thể lục bát. Thay vì giữ lại nhịp 2/2/2 hoặc 3/3 trong câu sáu và nhịp 2/2/2/2 hoặc 4/4 trong câu tám, tôi dùng nhịp lẻ (như nhịp chỏi/syncope của âm nhạc)"


     Thí dụ :

 

phố cao, gió nổi, bóng mờ (nhịp 2/2/2)
đêm lu, trời lặng, tôi gù lưng, đi (nhịp 2/2/3/1)

(Bài cuối - Du Tử Lê)

 

     Tôi thiết tưởng nhịp thơ không bó buộc nhà thơ. Nhịp thơ trong câu sáu lục bát không nhất thiết phải là 2/2/2 hoặc 3/3 và trong câu tám cũng không nhất thiết phải là 2/2/2/2 hoặc 4/4. Người làm thơ có thể thay đổi nhịp thơ theo nhu cầu của ý thơ, cho nên việc "cách tân" của Du Tử Lê chẳng có gì mới lạ.

     Hãy xem nhịp 3/3/2 trong các câu 8 dưới đây:

 

Mịt mùng gió lửa hiu hiu,
Bóng nào khóc, bóng nào kêu, não nùng
...
Quê người lạ chỗ gối đầu
Lạ trăng sao, lạ cả màu chiêm bao

(Hái rau - Tô Thùy Yên)

 

     Hay là:

 

Ðổ thêm nước vào nồi canh
Bớt củi nồi cá, chậm, nhanh, từ từ (nhịp 4/1/1/2)

(Bùi Giáng)

 

     Sự thay đổi thanh trắc trong thơ lục bát

 

     Du Tử Lê nói rằng ông là người đầu tiên đổi âm trắc "bắt buộc" của chữ thứ tư trong câu sáu của thể lục bát ra âm bằng:

 

sương, trần thân mây chia, ly
nhập chung nỗi chết: sầu khô, héo về

(Khúc 19 tháng 9 - Du Tử Lê)

 

     Ở đây tôi xin mượn mấy câu do Hoài Tâm trích dẫn trong Tập San Thi Ca số 20 ra tháng 11/99 để nói rằng cố gắng của Du Tử Lê cũng chẳng mới lạ gì trong thi ca:

 

Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi

(Gửi T.T. Kh - Thâm Tâm)

*

Ðàn ai trầm cung mênh mang
Nguồn đau thương vọng từ hàng lệ rơi

(Hoài Khanh)

 

     Sự thống nhất âm điệu

 

     Thơ lục bát và thất ngôn có âm điệu trầm bổng đặc biệt. Còn thơ tự do có âm điệu gần với văn nói hơn. Một câu thơ 6 chữ trong thể lục bát với một câu thơ 6 chữ trong thể tự do có âm điệu khác hẳn nhau. Khi ta làm thơ, chính âm điệu của câu thơ đầu tiên dẫn đến các câu sau theo một thể thơ nào đó.

 

     Một số người cho rằng bài thơ không như bản nhạc, cần thống nhất âm điệu để có một âm hưởng thuần nhất. Do đó không nên xen lẫn hai thể thơ trong một bài, như chêm mấy câu lục bát hay thất ngôn trong một bài thơ tự do.

 

     Phân biệt âm điệu và hơi thơ

 

     Hơi thơ ví như khoảng cách giữa những dấu lặng hoặc chỗ ngân dài trong một bản nhạc. Hơi thơ góp phần thay đổi âm điệu, có thể là những chỗ xuống dòng hay dấu chấm câu trong bài thơ. Cũng có khi một hơi thơ bao gồm cả mấy dòng thơ, tùy theo ý thơ.

 

     Thể thơ là yếu tố chính của hơi thơ. Thể thơ càng dùng câu thơ dài thì hơi thơ càng dài. Hơi thơ ngắn dùng để diễn tả những âm thanh ngắn như lời tán thán, hô khởi, tiếng nức nở, nghẹn ngào, tiếng mưa rơi, vân vân. Hơi thơ dài dùng để diễn tả những tình ý tha thiết, lời kêu gọi hùng hồn, vân vân. Như đã nói trong thể thơ.

 

     Kết luận

 

     Ta có thể rút ra những yếu tố của một bài thơ hay theo thứ tự ưu tiên:

 

     1. Ý mới, chi tiết mới.
     2. Bút pháp chọn lọc.
     3. Không dùng từ ngữ cũ. Từ ngữ mới càng hay.
     4. Hợp vận.
     5. Âm điệu và hơi thơ thích hợp.
     6. Dàn ý hợp lý.

 

     Ý thơ và bút pháp là những yếu tố quan trọng nhất

     Ý niệm "mới" hay "cũ" đề cập ở trên là dựa vào kinh nghiệm đọc thơ nhiều.

     Ðó là tiêu chuẩn xét một bài thơ hay về phương diện khách quan. Về phương diện chủ quan, đánh giá một bài thơ hay còn tùy thuộc trình độ kiến thức của người đọc. Tốc độ cảm nhận thơ cũng vậy, nhưng nó còn tùy thuộc cả kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đọc thơ. Người có kiến thức rộng, người đã từng trải hoàn cảnh như trong bài thơ và người đọc thơ nhiều sẽ cảm nhận bài thơ mau chóng hơn những người khác. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để có thể đánh giá một bài thơ làbài thơ phải có thể hiểu được. Vâng, không hiểu thì làm sao biết thơ hay?

 

     Nói cách khác, bài thơ phải tự giải thích được, không cần tác giả giảng nghĩa. Với những bài thơ khó hiểu, tác giả cần phải tự hỏi mục đích làm thơ của mình là gì : để thưởng thức riêng mình hay cho người khác cùng thưởng thức. Nếu có một vài người khác tự họ hiểu được bài thơ, thì cũng coi như bài thơ có thể hiểu được. Còn không ai có thể hiểu được thì nhà thơ nên đặt lại vấn đề : có thể diễn tả một cách dễ hiểu hơn mà vẫn giữ được bản sắc kỹ thuật của mình hay chăng ? Nếu không thì tác gỉa sẽ muôn đời cô độc.

 

     Thơ của Thanh Tâm Tuyền là một thí dụ. Tôi chắc rằng ông đã tự đặt những câu hỏi như trên và đã trả lời được những câu hỏi trên cho nên thơ của ông, từ những bài rất khó hiểu ban đầu, đã có những bài mà mọi người đều thú vị.

Theo tác giả Nguyễn Vũ Văn

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: