Chủ nhật, 22/12/2024,


Đối thoại của nhân vật truyện Song Tinh (30/11/2008) 

 

     Bài viết trước lucbat.com đã giới thiệu với bạn đọc Tư liệu nghiên cứu của T.S Nguyễn Văn Hoa về tác phẩm Song tinh. Bài viết này Ban Biên tập sưu tầm và giới thiệu thêm với bạn đọc bài viết của tác giả Lê Thị Hồng Minh để bạn đọc có dịp hiểu thêm về một tư liệu Văn học quý của Việt Nam từ thế kỷ 18.

 

    Trong các truyện thơ Nôm đến nay còn lưu truyền văn bản Truyện Song Tinh (hay còn gọi là Song Tinh Bất Dạ), ra đời ở xứ Đàng Trong khoảng thời gian trước sau năm 1700 - được xem là tác phẩm truyện thơ Nôm đầu tiên trong dòng văn học viết của Việt Nam. Tác giả là Nguyễn Hữu Hào, một vị tường dướI đờI các chúa Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, viết dựa theo một cuốn tiểu thuyết loại thường, “không một tiếng vang” của  Trung Quốc được soạn vào khoảng thời gian giao tiếp Minh – Thanh dưới cái tên Định Tình Nhân. Truyện Song Tinh mở đầu cho dòng truyện thơ Nôm viết về đề tài tài tử - giai nhân, ca ngợi tình cảm lứa đôi trai tài, gái sắc.

 

     Đóng vai trò như một người mở lối đầy mới mẻ và khó khăn, Truyện Song Tinh đã có những thành công rất đáng trân trọng. Một trong những điểm đáng chú ý là những thành tựu của nó trong việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật, nhất là ngôn ngữ đối thoại.

 

     Chúng ta chú ý đến ngôn ngữ đối thoại của nhân vật không chỉ vì nó chiếm một số lượng đáng kể trong tác phẩm -  1044 trên tổng số 2396 câu (= 43,6%) – mà trước hết là vì chính những thành công của nó: phong phú về hình thức, hội tụ được khá đầy đủ các tính chất của ngôn ngữ văn chương bá học trung đại.

 

     1. Truyện Song Tinh có các hình thức đối thoại rất phong phú:

 

     Là người đặt những viên gạch đầu tiên cho truyện thơ Việt Nam, nhưng thật đáng ngạc nhiên, Nguyễn Hữu Hào đã xây dựng hầu như đầy đủ các hình thức đối thoại mà sau này các tác giả truyện thơ Nôm sẽ tiếp bước. Đó cũng là nền móng cho ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại về sau. Truyện Song Tinh có phát ngôn giữa hai người, ba người, nhiều người (một số nhà ngôn ngữ gọi là song thoại, tam thoại, đa thoại), có phát ngôn đơn và có cả phát ngôn kép, hoặc đối thoại tập thể. Có ngôn ngữ của cuộc sống, lại có cả ngôn ngữ tâm linh. Có đối thoại giữa người này với người kia, lại có cả hình thức đối thoại một phía (có người nói còn người nghe không hiện hữu, như trường hợp Song Tinh trách đất kêu trời chẳng hạn).

 

     Ở dạng phát ngôn kép (hai người cùng nói), Nguyễn Hữu Hào có khi sử dụng dạng phát ngôn cùng chiều mà về sau, ta thường bắt gặp trong văn học: ông bà Giang cùng nói với Dã Hạc; Dã Hạc, Thanh Vân cùng nói với Nhụy Châu … Nhưng độc đáo hơn là nhà thơ đã sử dụng dạng phát ngôn kép ngược chiều: hai người cùng nói một nội dung, nhưng không phải để nói với người thứ ba mà là nói cho nhau nghe. Khi Nhụy Châu và Thể Vân biết rõ căn bệnh tương tư của Song Tinh, Nhụy Châu quyết định đáp lại tình cảm của chàng. Quyết định táo bạo này chưa thể để lộ. Nhụy Châu và Thể Vân dặn dò nhau phải giữ bí mật. Lời thoại của hai người được tác giả gom vào trong một câu:

 

725. Nghị thôi, thầy tớ dặn nhau:

“- Tua gìn môi hở mày chau lộ hằn”.

 

     Chỉ một câu thơ thôi mà ta có thể hình dung được cảnh tả một cuộc đối thoại: hai cô gái đang chụm đầu vào cùng dặn nhau: “Phải giữ bí mật truyện này nhé !”.

 

     Một điểm đáng chú ý nữa ở Truyện Song Tinh là hình thức đối thoại. Trong đối thoại Nhược Hà sinh chuyện khiến Song Tinh lâm bệnh, Thể Vân mắng, Nhược Hà cãi lại. Cô ta chẳng những dẫn lại hầu như hoàn toàn chính xác lời của Song Tinh mà còn nhắc lại lời nói của chính mình. Có điều, đó là một lời nói chỉ chứa một nửa sự thật, và chính vì thế, lại một sự giả dối. Hà kể lại:

 

793. Khi người đến chốn Hoa Đình,

Hương câu hóng mát một mình ngợi ca.

Người rằng: “Có bạn rủa ta:

“Toan bề thật rể chẳng thà giả con”.

Tao rằng: “Lẽ ấy chỉn khôn,

Di luân phong hoá hãy còn luật công”.

 

     Như vậy, trong lời đối thoại của Nhược Hà với Thể Vân, có cả một cuộc đối thoại khác: đối thoại giữa Song Tinh với Nhược Hà. Lạ hơn nữa, trong lời nói của mình, Song Tinh còn thuật lại lời của bạn chàng. Lối đối đáp này chẳng những phản ánh đúng chức năng, vai trò kể chuyện của đối thoại trong giao tiếp ngôn ngữ mà còn tạo nên một cấu trúc đối thoại tầng tầng lớp lớp:

 

 

     Hiện tượng đối thoại cấu trúc hai tầng vốn đã hiếm trong truyện thơ Nôm bác học; có lẽ ta chỉ bắt gặp một, hai trường hợp trong Sơ kính tân trang và trong Truyện Kiều: Kiều thuật lại lời thầy tướng số, Vương Quang thuật lại lời người khách viễn phương… Còn cấu trúc ba tầng như của Truyện Song Tinh thì đây là trường hợp hy hữu. Nhờ lối đối thoại tường thuật trực tiếp này, Nhược Hà đã ngụy tạo cho lời nói của mình một sự khách quan “vô tư”. Lời thoại ở đây trở nên rất thật và sống động, phục vụ được ý đồ của người nói.

Phải đặt Truyện Song Tinh vào vị trí của nó - vị trí của kẻ khai sáng, vị trí của người mở đầu - mới thấy hết cái đặc sắc cũng như sự đóng góp của tác phẩm trong việc xây dựng những lời đối thoại kiểu như vậy.

 

     2. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật Truyện Song Tinh mang tính hiện thực:

 

     Truyện Song Tinh đã tái hiện được đời sống của ngôn ngữ giao tiếp thực tiễn. Tác giả đã dùng lời nói nhân vật để làm mọi công việc của giao tiếp hàng ngày: chào hỏi, xưng danh, giới thiệu nhân vật, hỏi thăm sức khoẻ, tình hình đời sống gia đình, nhắc lại lời người khác, kể chuyện này, chuyện kia, thậm chí, dùng kể kêu la, phàn nàn, mắng mỏ… Các nhân vật của Truyện Song Tinh, hầu như ai cũng thích kể chuyện. Thậm chí, có những tình tiết được kể nhiều đến độ thừa thải. Kể chuyện – theo Phan Ngọc – “là một chức năng quan trọng nhất của giao tiếp thông thường” (4, tr. 123). Và hội thoại đã góp phần làm chất tự sự của tác phẩm tăng tính khách quan. Những đặc điểm này rất gần với ngôn ngữ nhân vật trong văn học hiện đại.

Nguyễn Hữu Hào thực sự có sở trường trong việc tạo nên “đối thoại một câu” (một lượt lời nằm gọn trong khuôn khổ một câu thơ). Truyện Song Tinh có 20 nhân vật cá nhân và 5 “nhân vật tập thể” thì đã có 14 nhân vật cá nhân và 4 “nhân vật tập thể” sử dụng “đối thoại một câu”, với số lượt hội thoại là 63/ 256 lượt lời (khoảng ¼ số lượt đối thoại). Trong lúc đó, các tác phẩm khác như Sơ kính tân trang, Truyện Hoa Tiên, Truyện Nhị độ mai, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều… chỉ có từ 9 đến 12%. Có phải vì tính cách của người miền Nam bộc trực, hay nói thẳng, thậm chí nói gióng một, mà cái rào đón, khách sáo, nhiêu khê của xã hội quý tộc phong kiến không phá vỡ được tính cách này, đưa đến hiện tượng ngôn ngữ “đối thoại một câu” khá phổ biến trong tác phẩm, hay còn vì đây là một nét phong cách riêng của tác giả mà người ta hay gọi là thi pháp? Có lẽ có cả hai.

 

     Nguyễn Hữu Hào rất có tài trong việc chỉ dùng một vài từ mà tạo nên cả một không khí đối thoại. Buổi đầu tiên Song Tinh đến nhà, Giang Bà gọi Nhụy Châu ra chào.

 

345. Tới gần tác tiếp nghiêng mình,

Chào rằng: “-Muôn phúc ! Mừng anh, bội mừng!”

Ngươi Sinh đứng dậy sấy lưng,

Nghiêng đai đáp lễ tạ rằng: “Ơn thay!”

 

     Chỉ 4 câu thơ, ngôn ngữ nhân vật xuất hiện vỏn vẹn trong 8 từ, mà tái hiện sống động và hiện thực cả một cuộc gặp gỡ khách khí đầy nghi thức lễ giáo phong kiến: có chào hỏi, có chúc tụng, có cám ơn. Đủ cả. Cũng chỉ với hai từ thôi, bằng phương thức lặp, tác giả thể hiện được sự vồ vập, mừng mừng tủi tủi ngày Nhụy Châu và Thể Vân gặp lại:

 

Nàng cùng Vân thị ngả kề,

Than rằng: “Chị chị!”, “Dì dì!” tiếng vang.

 

     Hơi thở của cuộc sống như ùa vào cùng các chi tiết hiện thực.

 

     Truyện Song Tinh “là truyện bác học mà khí vị lại dân gian” (Lê Trí Viễn) (2, tr.8). Những từ ngữ thuộc lớp từ bình dân và những câu tục ngữ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hàng ngày đã góp phần tô đậm tính chất hiện thực của tác phẩm. Cuộc trò chuyện chân tình giữa Giang Ông và Song Tinh, tác giả dùng lối nói bình dân như ngôn ngữ cuộc sống tự nó vốn có. Giang Ông hỏi Song Tinh về tình cảm gia đình chàng:

 

217. Chẳng hay điền sản gia tư,

Mẹ con ngày tháng đói no thế nào?

 

     Song Tinh kể về gia cảnh, cách nói thanh lịch, nho nhã đấy, nhưng bình dị, thực đến từng chi tiết:

 

225. Lần hồi muối bạc cơm thô,

Đông chầy áo mỏng, bếp trưa khói tan.

 

     Có những câu nói duyên dáng, tình tứ như một câu ca dao:

 

226. Thăm hoa thì biết ý xuân,

227.Muốn coi nước nọ, phải gần bến kia.

 

     Tác giả Truyện Song Tinh sử dụng tục ngữ, thành ngữ trong nhiều lời nói:

 

- Khế sung cũng thể một lòng,

- Mạch rừng tai vách khôn ngừa tiếng bay.

- Chờ khi gió cả bẻ cây,

- Lại e mất thỏ hoạ lây đến rừng.

- Vào tai ra miệng, khá hay luật lề.

 

     Đặc biệt là lời nói đầy khí vị chua chát, ngao ngán của Thể Vân khi nói về thứ hạnh phúc hão mà cô được hưởng: đêm tân hôn, vợ chồng mỗi người một phong, và đức lang quân, lòng đang hướng về người khác.

 

2159. Vân rằng: “Khát đứng bờ ao,

Đói ăn bánh vẽ, chiêm bao thấy vàng!

Đèn xuyên hang tối không tường,

Dép xuyên khăn sửa, lẽ thường ai suy.”

 

     Những câu tục ngữ ở đây được sử dụng rất đắt. Nó giúp nhân vật diễn tả được một cách ngắn ngọn, súc tích, “đích đáng” sự vật, hiện tượng và tâm trạng, gọi đúng tên của nó, làm cho ngôn ngữ và tính cách nhân vật có chiều sâu, đồng thời tạo được mỹ cảm ở người đọc.

 

     Ngoài ra, khi dùng phương ngữ Đàng Trong với những từ ngữ như: “hôn nhơn”, “đọt cây”, “lén dòm”, “chốn ni”… hay các xưng hô “qua - bậu” (“Bậu về qua gửi thăm người ngọc hay”), cha đẻ của Truyện Song Tinh cũng đã đem lại cho tác phẩm những dấu ấn, những đặc điểm riêng rất thú vị, độc đáo, mà mãi đến 150 năm sau, ta mới bắt gặp lại trong tác phẩm của Cụ Đồ Chiểu.

 

     Ngôn ngữ hiện thực làm nhân vật giàu chất sống, góp phần phản ánh cuộc sống hiện thực sinh động hơn. “Qua phương thức diễn đạt và cách dùng từ ngữ cổ, ta có thể tìm thấy những tia hồi quang nào (đó) của đời sống tinh thần và hiện thực của xã hội Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII” (Nguyễn Thị Thanh Xuân) (2, tr.5).

 

     3. Ngôn ngữ nhân vật Truyện Song Tinh có tính ước lệ, tượng trưng:

 

     Đặc điểm nổi bật nhất của văn học, nghệ thuật trung đại là biểu đạt bằng ngôn ngữ tượng trưng, ước lệ. Là tác phẩm truyện thơ, Truyện Song Tinh vừa mang màu sắc hiện thực của truyện, vừa đậm chất ước lệ, tượng trưng của thơ.

 

     Được xem là người mở lối, Nguyễn Hữu Hào đã mở ra những con đường mới, làm nên diện mạo của văn học cổ điển sau ông, hay đặc điểm của thời đại đã in dấu trong tác phẩm của ông?

 

     Cũng như các truyện thơ Nôm ra đời ở giai đoạn sau, Truyện Song Tinh có tính ước lệ, tượng trưng khá rõ nét.

 

     Nhân vật Truyện Song Tinh hay nói chứ, dùng nhiều điển tích, điển cố, từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ Hán Việt. Các nhân vật chính đều ít nhiều nói năng văn chương, kiểu cách. Trong nhiều lời nói, ngôn ngữ được cách điệu hoá, có tính chất uyên bác, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của thời trung đại.

 

     Mang tính lý tưởng hoá, các nhân vật chính của Truyện Song Tinh là những người có nguồn gốc xã hội cao quý, có hình thức đẹp (chẳng hạn Nhụy Châu: “Vóc mai, hình liễu nõn nà, Hoa nhường, trăng thẹn, nhạn sa, cá chìm”). Họ có học vấn cao, và có tài (dù chỉ là tài làm thơ). Tình yêu của họ có một sự tương xứng cả về hình thức, tương xứng cả về trình độ, phẩm cách - rất đẹp đôi. Họ, suy cho cùng, cũng là những đại biểu của đạo đức phong kiến, dù có những tư tưởng, những hành động “phá rào”. Tình duyên của học không đi ra ngoài công thức: gặp gỡ - lưu lạc – đoàn viên.

 

     Nhân vật Truyện Song Tinh thường hay nói chữ. Những cách nói: “thức thì kiến cơ”, “khai khẩu lưỡng nan”, “phượng lữ duyên hài”, “đài phượng xuy tiêu”, “ngụ mi tư hoài bất an”… ta bắt gặp khá nhiều trong tác phẩm.

 

     Những điển tích, điển cố được dùng hết sức tự nhiên, như dùng một đơn vị từ vựng có sẵn trong tiếng Việt - một thói quen thời đại của tầng lớp trí thức phong kiến. Nói đến duyên tình, tác giả cho nhân vật của mình dùng điển “tơ hồng”, “xích thằng”, “Trăng già”, “Nguyệt lão xe tơ”, “phượng loan”, “sắt cầm”. Nói đến sự xa cách của người yêu đối với người yêu là nói đến Ngưu Lang, Chức Nữ và cầu Ngân Hán. Nói đến sắc đẹp là “nghiên thành, khuynh quốc”. Nói đến tốc độ thời gian là “ngựa qua song”. Nói đến thi cử thành đạt là “cửa Vũ hoá rồng”. Nói đến “đông sàng”, “chiêm phượng cầu huỳnh” là nói đến việc chọn người hiền kén rể… Điển tích điển cố giúp cho lời nói ngắn gọn, súc tích, có tính chất bác học, vừa tạo nên những hình ảnh đẹp, hoa mỹ, vừa gợi ra những liên tưởng sâu xa. Nhưng dùng nhiều quá thì cũng dễ tạo nên những lối mòn.

 

    Trong những trường hợp như thế này, ngôn ngữ ước lệ tượng trưng quả là lợi  hại: khi Nhụy Châu hỏi Thể Vân về đêm tân hôn:

 

2157. Nàng rằng: “Ngày đẹp hoa phòng,

Đào hoa gặp trận gió đông thế nào?”

 

     Một câu hỏi quá tò mò, thóc mách đối với một người con gái chưa từng biết đến chuyện chăn gối! Nếu hỏi bằng lời ăn tiếng nói hàng ngày, chắc chắn Nhụy Châu sẽ làm cho các nhà Nho phải chau mày, nhăn mặt, xã hội phong kiến phải tái mặt, giật mình. Người ta có cảm tưởng như nhà thơ đã đẩy nhân vật của mình đi đến bước cuối cùng trên một cái cầu cụt chênh vênh chìa ra bên bờ vực thẳm. Nhưng Nhụy Châu không ngã. Chính ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng giàu chất ẩn dụ đã giữ nàng lại, tạo cho nàng một hình ảnh đầy ấn tượng. Sự mạo hiểm đem lại cho nhân vật một sự độc đáo, một vẻ đẹp riêng, giúp cho sự tò mò rất đàn bà của nàng không rơi vào sự sống sượng, vô duyên. Trái lại, nó còn góp phần thể hiện được cái thẳng thắn, táo bạo ngầm ẩn bên trong tính cách nhân vật.

 

     Cũng chính nhờ dùng thành ngữ, tục ngữ và điển tích, điển cố, ngôn ngữ nhân vật Truyện Song Tinh không chỉ có tính hiện thực, tính ước lệ tượng trưng mà còn có một tính chất khác nữa:

 

     4. Ngôn ngữ nhân vật Truyện Song Tinh giàu tính triết lý:

 

     Nhiều câu đối thoại mang sức nặng và tầm khái quát lớn, khái quát thế sự, nhân tâm, khái quát đời sống tâm lý của nhân vật một cách rất đặc sắc.

 

     Triết lý về cách ứng xử hành, tàng, tiến, thoái của các nho sĩ xưa, lời Giang Ông tâm sự với Song Tinh chứa đựng cả một kinh nghiệm sống, một bài học lịch sử: “Riêng lo đầy ắt dễ trào, Từ quan học khách trí cao chơi hồ.”

 

     Thấy được cái hữu hạn của đời người, những bước đi vô hình vùn vụt của thời gian và cơ hội không dễ có của hạnh phúc tuổi trẻ: “Người đời dường ngựa qua song, Xuân qua thu lại má hồng dễ phai”, Thể Vân khuyên cô chủ “phá rào”, sống vớI tình cảm thực của mình, mạnh dạn đến với người mình yêu dấu.

 

     Khái quát cái bi kịch xã hội ghê gớm của thời buổi xã hội phong kiến suy tàn, Giang Ông cay đắng thốt lên: “Non mòn vì bởi hơi thu, Nó dùng nước lã vã hồ trêu ngươi”. Cả một nghịch lý, một sự trớ trêu: ngọn núi đồ sộ, vững chãi là thế, bão táp không thể chuyển lay, lại bị bào mòn, chết dần bởi cái hơi nước mong manh, vô hình, lạnh lẽo. Những tấn bi kịch của lịch sử: nhiều bậc đại nhân, nhiều đấng anh hùng từng bị hãm hại bởi mẹo vặt và sự xúc xiểm của những kẻ tiểu nhân, hạ tiện. Câu thơ khiến người đọc không khỏi bùi ngùi nhớ đến bi kịch thảm khốc của Nguyễn Trãi.

 

     Ngôn ngữ nhân vật Truyện Song Tinh có nhiều câu mang tính triết lý như vậy. Và chính nó đã làm nên tầm cao trí tuệ cũng như sức nặng tư tưởng cho tác phẩm. Tác phẩm do đó có sự khái quát hơn. Và tính triết lý cũng góp phần tạo nên những khoái cảm thẩm mỹ đối với sự thưởng thức văn học.

 

     5. Một số điểm đặc sắc khác:

 

     a - Ngôn ngữ đối thoại đã có những thành công nhất định trong việc thể hiện tâm trạng nhân vật:

 

     Truyện Song Tinh đã xây dựng được một số lời thoại thể hiện đặc sắc tâm trạng nhân vật. Như tâm trạng chua chát, chán chường của Thể Vân khi kể về đêm tân hôn, hay tâm trạng của Giang Bà khi nghe tin Giang Ông đồng ý cho Diêu Doãn đưa con gái tiến kinh:

 

1234.Giang Bà mảng tiếng gieo mình ngã rơi,

Nỉ non than đất kêu trời,

Trách ai tỏ mạch, giận người bày thăm.

Bâu thanh lệ nhỏ đầm đầm,

Mắng văng Giang lão, rủa thầm Hách Sinh:

“Cha mày vẽ dạng múa hình,

Nào lâu khuê phượng, nào bình bắn công.

Thằng Sinh thật đứa si đồng!

Đối chưa đặng luật lại hòng tranh châu.

Tuổi già ban xế cành dâu,

Vô nam dụng nữ sau hầu tự tông.

Bây giờ vào chốn thâm cung,

Lấy ai hú hí bạn cùng sớm khuya?”

Giang Bà bối rối lòng sơ.

 

     Bản thân ngôn ngữ tác giả mô tả ngôn ngữ nhân vật đã sinh động, mà lời nhân vật ở đây lại càng hay hơn nữa. Tác giả như thấu hiểu, tâm trạng, gan ruột của người mẹ. Có thể nói, Nguyễn Hữu Hào đã khá thành công khi xây dựng lời thoại này. Ở hai câu đầu, Giang Bà chì chiết, mỉa mai, trách móc việc chọn rể của chồng: ông bấy lâu đã tốn bao công sức, làm đủ cách để kén chọn rể hiền. Vậy mà nay được rể hiền rồi thì, nghe lời Diêu Doãn, tất cả công sức bỗng thành đổ sông đổ biển. Hai câu tiếp, bà nguyền rủa Hách Sinh, một kẻ bất tài, thô lậu và tiểu nhân đã bày mưu chia uyên rẽ thuý, không ăn được thì đạp đổ, rắp tâm hại con gái của bà. Hai câu tiếp theo, bà kể gia cảnh của mình. Gia đình bà không có con trai, chỉ có con gái. Tất cả trông cậy vào con. Nay, lúc tuổi già bóng xế, bỗng bị đốn mất chỗ dựa cuối cùng. Chơi vơi, hẫng hụt. Hai câu cuối, bà thương cảm sâu sắc, gan ruột tình cảnh của con bây giờ. Chồng bà xưa là thiếu sư, từng nắm vận mệnh quốc gia. Bà là phu nhân, từng sống ở chốn phồn hoa, đô hội. Bà hiểu cuộc sống ở chống cung đình hơn ai hết. Làm vợ hoàn thái tử đó, nhưng thân phận của một người cung phi vào chốn thâm cung, là sự đoạn tuyệt với thế giới sống, là cô đơn, là lẻ loi, đơn chiếc, là côi cút một mình một bóng “lấy ai hú hí bạn cùng sớm khuya?”. Từ “hú hí” của người bình dân đi vào câu thơ này thật đắt. Nó miêu tả sinh động tuyệt vời cái vui thú tâm tình, đùa giỡn trêu chọc nhau rất đời thường, rất con người. Cái vui vẻ, ấm cúng của tình cảm gia đình ở đây càng làm nổi bậc sự hụt hẫng, đớn đau, tuyệt vọng của người mẹ. Chỉ 8 câu thơ với 56 chữ, hướng tới 4 đối tượng, mà tâm trạng, mà hình ảnh của người mẹ như hiện ra trong từng câu, vật vã , tâm sự chất chồng. Ngôn ngữ bình dân ở đây được sử dụng hết sức sống động.

 

     b - Ngôn ngữ đối thoại đã ít nhiều khắc họa được tính cách nhân vật:

 

     Ngoài những đặc sắc trong thể hiện tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại Truyện Song Tinh đã ít nhiều khắc họa được tính cách nhân vật: ngôn ngữ của Hách Sinh là ngôn ngữ xấc láo hỗn xược của một kẻ ỷ thế lực, kém học hành. Đối thoại cho ta biết cái tính cách vừa táo bạo vừa thận trọng, e dè của Nhụy Châu - một cô tiểu thư cành vàng lá ngọc, Thể Vân là một thị nữ tâm phúc của cô chủ. Nguyễn Hữu Hào đã chuẩn bị ngôn ngữ cho nàng trước khi nàng bước chân vào chốn thượng lưu. Ngôn ngữ của cô vừa có uyên bác, hiểu biết, sách vở của giới quý tộc, vừa có cái sâu sắc, giản dị, thực tiễn và chân tình của người bình dân. Khi khuyên lơn thì lý lẽ đầy sức thuyết phục. Khi mát mẻ thì chua chát, mỉa mai cũng đến nơi, đến chốn. Đó là ngôn ngữ của một cô gái vừa khéo léo, vừa chân tình, có chút gì tinh nghịch và táo bạo, biết “lạt mềm buộc chặt”, cởi mà buộc chàng Song Tinh vào bức chúc thư của Nhụy Châu để đối thoại của Thể Vân là một thành công đáng kể của Nguyễn Hữu Hào trong xây dựng tác phẩm.

 

     Song để lại ấn tượng khó quên chính là ngôn ngữ đối thoại của Nhược Hà. Trong Song Tinh Bất Dạ, đây là một nhân vật được xây dựng khá thành công. Và, trong các chân dung người hầu mà văn học cổ trung đại từng xây dựng, thì chân dung cũng như ngôn ngữ Nhược Hà được xây dựng sinh động và thật hơn cả.

Ngôn ngữ của Nhược Hà là ngôn ngữ của người ăn, kẻ ở, có phần ít học, thậm chí có lúc vô lễ, và là ngôn ngữ của một cô gái đáo để.

 

     Nhược Hà chưa có được cái tầm cỡ như Iago trong Othello của Shakespeare, nhưng cũng là một nhân vật tiêu biểu cho loại người đưa chuyện, ưa đâm thọc vào chuyện của người khác, ranh mãnh, và ngụy biện có tài - một loại nhân vật tiêu nhân ta dễ bắt gặp, thường gặp trong đời sống. Bản tính ưa ganh ghét với cái hơn trội của người khác, Nhược Hà ganh tỵ với Thể Vân. Hơn thế nữa, còn ganh cả với cô chủ. Ả phá đám tình duyên của cô chủ vì ác tâm, ác ý gì đây hay chỉ vì muốn chọc phá chơi? Ả thấy thế này mà nói thế khác. Nắm bắt một vài chi tiết, sự kiện có thật, ả lách một cái, biến tấu một chút, mà sự việc bỗng thành đổi trắng thay đen.

 

     Lối nói của Nhược Hà rất ma mãnh. Bởi khi cần, ả có thể chối tội một cách trơn tuột. Biết ả là thủ phạm chính mà không làm gì được ả. Và ả vẫn có thể nhâng nháo mà nói rằng ả chỉ tỏ bày tâm sự, tỏ bày những suy nghĩ, quan niệm chính đáng chứ không phải là kẻ “thèo lẻo, thày lay”, mặc dù ả là một kẻ “thày lay” hơn ai hết.

 

     Cái đặc sắc của Nguyễn Hữu Hào khi xây dựng nhân vật này là ông đã tạo cho nhân vật một tính cách, một ngôn ngữ riêng. Nhược Hà hay có lối nói trùng điệp, chơi chữ:

 

628. Đời nào chẳng biết, đời ta chưa tường.

744. Biểu huynh cũng lánh, lữa là nghị huynh.

800. Thương ai chẳng biết, thương phong mặc người.

 

     Nhược Hà cũng hay thuật lại lời người khác theo lối tường thuật trực tiếp (đối thoại trong đối thoại), như khi kể lại việc cả nhà đều gọi Thể Vân là “tiểu thư” với ý mỉa mai (câu 1759), hoặc khi thuật lại cuộc nói chuyện của Song Tinh với cô ả (câu 795 – 798 đã nói trên). Lối nói này dễ bề ngụy tạo rằng lời nói của cô ta trung thực. Nhưng từ một vài chi tiết có thực, cô xuyên tạc, bóp méo chúng theo ý định chủ quan, làm cho sự việc bị biến tướng và mang một ý nghĩa khác.

 

     Chẳng hiểu sao, Song Tinh hay có “duyên” gặp cô ta, và lần nào cũng bị mắc vào lưới nhện, thậm chí có lúc rơi vào tình cảnh khốn đốn. Anh chàng khờ khạo si tình tin vào cô ta chỉ vì lối tường thuật trực tiếp này. Và cũng nhờ cách nói này, cô ta có thể chối tội trơn tuột, khiến Thể Vân, Nhụy Châu không thể bắt bẻ.

Lối lập luận của Nhược Hà cũng khác các nhân vật khác trong Truyện Song Tinh - một kiểu lập luận “phản pháo”. Thể Vân trách cô ta bịa chuyện khiến Song Tinh lâm trọng bệnh. Nhược Hà đâu có vừa. Cô “ăn miếng, trả miếng” ngay. Chẳng những chối bay tội, mà còn quay lại trách móc Thể Vân là người nhỏ mọn, ưa bới móc chuyện: cậu ấy thương ai hay thương phong cũng mặc! Con vật nó còn biết thương nhau huống chi là mày với tao là chỗ bạn bè, cùng cảnh mà nỡ buộc tội nhau, kiếm cớ bươi móc nhau… Với kiểu lập luận này thì người có lỗi không phải là cô ta mà hoá ra là …Thể Vân. Đúng là “vừa được ăn, vừa được nói”.

Văn học cổ Việt Nam có nhiều cô hầu, nhưng Nhược Hà là cô hầu đáo để, “thày lay”, tinh quái, là cô hầu này, chứ không phải là cô hầu khác.

 

     Với nhân vật Nhược Hà, Nguyễn Hữu Hà đã xây dựng được một ngôn ngữ đối thoại góp phần cá tính hoá nhân vật: qua lời nói mà thấy được tình cảm, hành động, tâm lý… tuy chưa đến mức điển hình đặc sắc như Nguyễn Du xây dựng ngôn ngữ của Tú Bà, nhưng cũng là một thành công đáng kể của văn học Việt Nam.

 

     Kết luận:

 

     Là một tác phẩm truyện thơ Nôm bác học mở đường nhưng Truyện Song Tinh đã có khá đầy đủ tất cả những đặc sắc của thể loại trong việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật: phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung. Sự học tập đầy sáng tạo những tinh hoa văn học truyền thống và văn chương sử sách trường quy đã đem đến cho Truyện Song Tinh một kết hợp hài hoà giữa tính chất bác học với tính chất bình dân, khiến ngôn ngữ nhân vật vừa mang chất hiện thực, tự sự, vừa có chất triết lý, uyên bác, góp phần thể hiện được khá đặc sắc tính cách nhân vật, qua đó, thể hiện được chủ để của tác phẩm. Dù đây đó còn một vài lời nói chưa được chau chuốt, nhưng chúng ta vẫn có thể nói rằng: ngôn ngữ nhân vật là một thành công đáng kể của Nguyễn Hữu Hào trong xây dựng Truyện Song Tinh. Với tác phẩm này, nhà thơ đã đặt nền móng vững chắc cho thể loại truyện thơ Nôm phát triển rực rỡ, mở đầu cho một giai đoạn được xem là tươi đẹp nhất của văn học Việt Nam.

 

Tác giả Lê Thị Hồng Minh

 

--------------------

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nguyễn Hữu Hào - Truyện Song Tinh – Hoàng Xuân Hãn biên khảo, giới thiệu – Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.

- Nguyễn Hữu Hào - Truyện Song Tinh - Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích – Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1984.

- Đặng Thanh Lê - Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm – Nxb Khoa học xã hộI, Hà Nội, 1979.

- Phan Ngọc – Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều – Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: