KHÚC HÁT BIỆT
Không đất mọc một mặt trời
Lại đêm
Leo lét những lời cho nhau
Em đi đâu?
Em về đâu?
Ngày mai ai đến bắc cầu em sang?
Nát duyên nát cả đá vàng
Trăm năm lời nguyện bẽ bàng trăm năm…
Vỡ tan một mảng trăng rằm
Sâu thăm thẳm mắt
Lời găm
Nghẹn lời
Giời ơi,
Ngày mai em cười
Ngả nghiêng bến ấy
Rồi vơi
Rồi đầy
Lại chèo phách đắm say ngây
Phơi ra gan ruột bạc phây cánh cò…
Em đi
Héo cả rừng mơ
Một tôi nửa bóng tiếng tơ chết dần
Người ta
Đào ửng mặt xuân
Mà tôi,
Xuân tuột áo quần xuân đi
Ngày mai vườn cũ còn gì?
Hương lan hương huệ thơm vì ai kia…
Tác giả Trần Đức Lộc (Hải Phòng)
LỜI BUỒN CHO MỘT TỔ ẤM GIA ĐÌNH ĐÃ VỠ
Bạn tôi, một Nhà văn, bảo: “Dại nhất là làm thơ, bao nhiêu gan ruột phơi bày ra hết cho thiên hạ xem”. Riêng tôi thấy điều đó đúng. Trong thơ, chẳng ai giấu nổi điều gì. Thơ như lưỡi dao của bác sĩ giải phẫu lành nghề, bóc tách những tầng sâu của tâm hồn, đôi khi nằm ngoài dự liệu của tác giả. Tuy nhiên, chỉ những người đọc thơ bằng trái tim, mới hiểu được những điều trái tim gửi gắm.
Bất chợt bị ám ảnh bởi Khúc hát biệt của Trần Đức Lộc. Thể thơ lục bát vốn êm ái, mượt mà. Nhưng ở đây, những câu lục bát biến thể đã bị đứt rời, gãy vụn. Như một người đang cố gắng tìm từ để giãi bày tâm tư. Như những tiếng khóc khô, cố ghìm nén của người đàn ông. Bài thơ gây cảm xúc mạnh cho người đọc bởi đó là Khúc hát biệt của người đàn ông nặng tình khóc mái ấm gia đình đã vỡ.
Đã từng có một ngôi nhà hạnh phúc được tạo dựng bởi người đàn ông và một người đàn bà đẹp với “Đào ửng mặt xuân”, với tiếng cười trong như ngọc để khi xa rồi vẫn gieo vào lòng người đàn ông nỗi nhớ khôn nguôi. Người đàn bà ấy hồn nhiên sống theo bản năng và dường như cũng có đôi phần lơi lả, đắm say
Ngả nghiêng bến ấy
Rồi vơi
Rồi đầy
Lại chèo phách đắm say ngây
Nhưng, “Sâu thăm thẳm mắt” và cũng sâu thăm thẳm là lòng dạ đàn bà. Ai đã quá lời nguyện ước đá vàng với ai rồi lại sớm phai tình nhạt ước, để “Nát duyên nát cả đá vàng/ Trăm năm lời nguyện bẽ bàng trăm năm…”. Đã “Vỡ tan một mảng trăng rằm”, trong căn nhà không còn được vầng mặt trời ủ ấm mỗi ngày, trong những đêm dài leo lét nỗi buồn chỉ còn lại người đàn ông day dứt cùng kỉ niệm.
Người đàn ông ấy hẳn đã từng nhiều lần bị tổn thương khi “Lời găm” vào trái tim đau đớn, chỉ còn biết “Nghẹn lời” chẳng nói được chi. Với thiên hạ, người đàn bà ấy ngát thơm “hương lan hương huệ”; duy chỉ người trong cuộc mới chứng kiến những lúc “Xuân tuột áo quần” để phơi ra những trần trụi tầm thường, để “Phơi ra gan ruột bạc phây cánh cò”. Lòng người lạ lùng. Sao đã biết thế rồi mà còn đau đớn, còn nuối tiếc, còn ghen tuông? Hai chữ “Giời ơi” buột ra chẳng phải vô tình mà nặng hơn đá núi, đong đầy những cảm xúc ấy. Mà chẳng phải một lần đâu. “Lại đêm” có nghĩa là đã nhiều đêm rồi, người đàn ông ấy vẫn leo lét nhớ, vẫn thầm hỏi mình hay vọng hỏi một người xa
Em đi đâu?
Em về đâu?
Ngày mai ai đến bắc cầu em sang?
Giời ơi! “Anh đi đường anh, tôi đường tôi” rồi, còn hỏi để làm gì? Phải chăng trong sâu thẳm lòng người vẫn còn chút hi vọng hàn gắn mong manh? “Em đi” rồi, “Xuân đi” thật rồi. Nếu không thể níu giữ được nữa thì hãy để người ta đi. Đã biết “Hương lan hương huệ thơm vì ai kia…” thì cũng can đảm lên. Chìm trong sầu thương bi lụy, đến nỗi “Héo cả rừng mơ/ Một tôi nửa bóng tiếng tơ chết dần” vì một người đàn bà như thế, liệu có đáng không?
Nghe nhói lòng khi đọc Khúc hát biệt trong gió heo may, khi mọi người đang bộn bề với mùa cưới hỏi. Ngoài phố rộn ràng xe hoa đưa những lứa đôi về xây tổ ấm. Đời người ngắn ngủi lắm. Ước mong mỗi người hãy vun cho tình yêu của mình nở hoa kết trái. Ước mong cuộc đời này mãi trong veo tiếng cười con trẻ. Ước mong khúc biệt ly này sẽ chỉ còn là kỉ niệm mà thôi...
Mùa cưới 2012
Nhà thơ Chử Thu Hằng.