Thứ bảy, 28/12/2024,


Chùm sơ ri của Nguyễn Thanh (Lê Dương) (02/10/2012) 

                                                                   
 
BỖNG DƯNG
Bỗng dưng lại quen một người
Bỗng dưng lại thấy buồn vui lòng mình
Bỗng dưng lại viết thơ tình
Bỗng dưng chợt hiểu - sao mình... bỗng dưng?
 
NGHIÊNG CHIỀU CA DAO
Hôm nào em vẫn người dưng
Mà hôm nay đã bâng khuâng nhớ nhiều
Nửa chừng thương, nửa chừng yêu
Như câu sáu tám nghiêng chiều ca dao!
 
NIỀM TIN
Đêm. Trăn trở những nghĩ suy
Yêu và thương mãi theo đi một đời
Trái tim nàng với của tôi
Niềm tin và cả khoảng trời nhớ nhung
 
EM
Chia tay lại nhớ em rồi
Cái nhìn ngơ ngác cái cười thì duyên
Cái má thì lúm đồng tiền
Cái thương, cái nhớ về miền thi ca...
 
KHÁT KHAO
Bên là tình, bên là thơ
Bên em thương nhớ thẫn thờ bên anh
Bên là ngọt, bên là lành
Khát khao ánh mắt long lanh - em cười
Nguyễn Thanh
 
 
 
Tôi yêu ca dao và yêu thơ lục bát, nhưng giữa yêu và chạm tới được điều mình yêu quý là cả một quá trình không mấy người làm được. Vì thế tôi thật lòng ghen tị với những ai biết làm thơ lục bát, nhất là khi đọc chùm thơ như chùm quả chín của Nguyễn Thanh thì cảm giác ấy lại trỗi dậy.
BỖNG DƯNG - Trái sơ ri xanh: mang sắc tươi mới của những anh lính trẻ. Trung đội ngôn từ này gồm 4 tiểu đội, mà có tới 5 anh lính trùng tên gọi “Bỗng dưng”. Anh thứ nhất nhỏ thó, vô tư với một điều niềm vui từ trên trời rơi xuống ”Bỗng dưng quen một người”. Đồng chí của anh ta là một chàng tính khí thất thường, đáng yêu “bỗng dưng lại thấy buồn vui trong lòng”. Mang đậm vẻ suy tư nhưng cháy bỏng là anh thứ ba: “Bỗng dưng lại viết thơ tình”... Mà anh này có vẻ đa tình – đã từng viết (Vì yêu), nay “lại” vì yêu mà viết.
Trong trung đội lính trẻ ấy tiểu đội bốn là đặc biệt nhất: Chàng tiểu đội trưởng “Bỗng dưng” đầy vẻ nhanh nhẹn, cùng với sự may mắn của người kề vai sát cánh mang tên “chợt” đã lập nên chiến công đầy trí tuệ, đậm chất khám phá – chiến công tên gọi “hiểu”. Đặc biệt hơn cả là chàng lính út ít trong đội hình, trùng tên với bốn người anh trước và cũng bự bằng bốn anh cộng lại. Bởi chàng ta là kết quả của cả một chuỗi suy ngẫm, trăn trở, tự hỏi, cân nhắc… rồi mới kết luận “Bỗng dưng chợt hiểu - sao mình - bỗng dưng”. Nguyễn Bính mà gặp bài thơ này chắc sẽ vỗ vai Nguyễn Thanh – chúc mừng cậu đã tìm chỉ ra căn nguyên và biểu hiện lâm sàng cho căn bệnh tương tư của tớ. Tất cả cũng chỉ tại “Bỗng dưng” thôi nhỉ. (Nghĩ đến đây tôi lại thấy ghen lộn lên rồi). Dù vậy cũng không thể không nói rằng tôi nể Nguyễn Thanh, anh đã quá khéo léo và mạo hiểm trong trò chơi sắp chữ : lặp từ mà không bị rơi vào thơ trôi, không nhàm chán, dễ mấy người làm được.
NGHIÊNG CHIỀU CA DAO - Quả chuyển màu: Người “bỗng dưng” ta gặp để rồi bỗng dưng bao có điều khác vẫn chỉ là “ngừơi dưng”. Dẫu ta vì em mà ta buồn vui, hay viết thơ tình thì cũng chỉ là điều bất chợt, là khoảnh khắc thoáng qua như hạt nắng buổi sớm chạy trên trái sơ ri nhỏ, chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng một ngày nắng không tới, trái sơ ri thấy rất thiếu vắng trống trải. Nhìn lại, thấy tự thân đã hồng sắc lửa tình yêu từ khi nào. Đó là một sự chuyển hóa theo đà nâng cấp độ tình cảm và vai trò. Từ buồn vui bất chợt ,đến “bâng khuâng nhớ nhiều” , người dưng thành người yêu. Ai bảo sự “Nửa chừng thương, nửa chừng yêu“ không phải là yêu kia chứ? Thương chưa chắc đã là yêu, nhưng yêu thì chắc chắn phải thương. Vì thế “nửa chừng” lại là yêu, biết yêu, rất yêu rồi. Chả thế mà hôm nào vì em anh bật lên cảm xúc để “bỗng dưng viết thư tình”, nay em đã “như câu sáu tám nghiêng chiều ca dao”. Tinh tế, uyển chuyển, cặp lục bát ấy như mật, tiếp thêm cho trái sơ ri thứ hai dư vị ngọt ngào và sắc hồng tươi thắm.
            NIỀM TIN - Điều khác biệt: Cả chùm thơ, duy nhất bài này anh không nhắc đến thơ. Vì thế tôi cho rằng nó khác biệt. Nhưng điều cơ bản góp thêm sự khác biệt ấy lại nằm ở một dấu chấm, nhỏ như hình chiếu của cuống trái sơ ri. ”Đêm. Trăn trở những nghĩ suy”. Cái chấm tròn tí xíu đặt sau từ  “đêm” tạo hiệu ứng đảo nhịp đột ngột, gây ấn tượng mạnh như cái đập chân đập tay, cái thở dài đánh thượt, cái trở mình trằn trọc của một chàng hay ghen khi phải xa “nàng”. Một lần nữa logic trái tim yêu đã chiến thắng: đã yêu phải tin, niềm tin là cơ sở cho tình yêu bền đẹp. Bởi vậy nhịp thơ lại nhanh chóng tìm về sự bình ổn vốn có như ca dao. “Trái tim nàng với của tôi, niềm tin và cả khoảng trời nhớ nhung”. Không khỏi tủm tỉm muốn hỏi Nguyễn Thanh rằng: “của tôi“ ấy là cái gì vậy? Vô ý hay hữu tình mà dí dỏm vậy ta? Trái này lạ thế nhưng tôi vẫn gọi đó là trái sơ ri bởi là sự ngọt ngào dành cho cô ấy – nàng bất chợt.
EM - Trái sơ ri lấp ló sau chiếc lá xanh. Nàng đẹp - Đẹp nhờ cách tả của chàng. Điệp từ “thì” và “cái” là một cách nói rất khẩu ngữ, tối kị trong thơ hiện đại, nhưng trong ca dao, hoặc thơ lục bát nó lại làm nên điều kì diệu: Chẳng những giúp tác giả giữ được vần luật mà còn nhấn mạnh một điều gì đó. Ở đây là ánh mắt ngơ ngác, nụ cười duyên, là lúm đồng tiền như núm sơ ri lấp ló sau lá biếc, gọi mời… Bởi thế vừa mới “chia tay đã nhớ em rồi”. Để “cái thương, cái nhớ về miền thi ca”. Gái sắc, trai tài. Chàng đã lồng tấm ảnh tuyệt mỹ của nàng vào cả môt vùng trời ngôn ngữ và cảm xúc đó thôi. Tôi đặc biệt thích âm hưởng i, a... mà anh đã sử dụng, nó gợi lên một làn điệu chèo hay một chút luyến láy của quan họ, khoáng đạt mà thân thương. Vậy là thi, ca, nhạc, họa có đủ trong EM rồi nhỉ. Ghen lắm đó...
KHÁT KHAO – Nàng thơ và thơ. Tham - cố tật của thi sĩ (Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính...) là tiêu biểu, nay có thêm Nguyễn Thanh. Nhìn cái cách anh đặt lên cân tiểu li mà đong đếm sự đời thật tức cười. Bên của em là: tình, thương nhớ, ngọt và ánh mắt long lanh, nụ cười hút hồn. Bên của anh là: thơ, thẫn thờ, lành và khát khao. Nếu chỉ đếm về số đối tượng đem cân đong thì chắc cái cán cân phía nhà thơ bị bổng vọt lên rồi. Nhưng có lẽ anh chẳng dại gì mà để vậy. Cái sự thẫn thờ và khát khao kia ai mà đong đếm nổi, vậy nên nặng nhẹ chẳng phụ thuộc vào “em” mà lại do anh quyết định. Người xưa hay nói “bầu rượu túi thơ”, cụ Nguyễn Khuyến thì ngâm nga “Một trà, một rượu, một đàn bà”. Thời hiện đại Nguyễn Thanh làm lục bát tình chỉ cần có nàng thơ mà đã cho ta cảm giác thế là đủ.
Sau khi đọc và cảm lục bát Nguyễn Thanh, xin hỏi nhỏ: Với anh, nàng thơ và thơ ai đến trước mà chùm sơ ri ngọt ngào đến vậy, như chứa cả men say?
Tôi hay viết thơ mới, bởi nó cho phép tôi tung hoành với cảm xúc của mình. Song lục bát (những bài thơ xinh xắn và ngọt ngào ca dao như của Nguyễn Thanh) lại là bức tranh hút hồn mà tôi hằng mơ tới. Ghen quá đi!

Lê Dương
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 25/10/2013 21:29:57)

BỖNG DƯNG
Bỗng dưng lại quen một người
Bỗng dưng sao lại buồn vui trong lòng
Bỗng dưng sao lại nhớ mong
Viết thơ tình để ngỏ lòng người thương

NGHIÊNG CHIỀU CA DAO
Ngày nào em vẫn người dưng
Mà nay em đã như chừng thân quen
Tấc lòng thương tấc lòng yêu
Bao nhiêu hẹn ước nghiêng chiều ca dao

NIỀM TIN
Đêm nằm trăn trở nghĩ suy
Yêu thương được mất... có gì tương lai
Trái tim em hòa tim tôi
Niềm tin chan chứa tình đời yêu thương


EM
Yêu em má núm đồng tiền
Cái nhìn sắc sảo cái duyên mặn mà
Cái thương cái nhớ thi ca
Chia tay lòng nhớ chan hòa niềm vui

KHÁT KHAO
Một bên tình một bên thơ
Có thương là nhớ, thẫn thờ là mong
Ngọt lành vào dạ vào lòng
Khát khao ánh mắt chờ mong nụ cười
Xuân Ngọc
Ngày 25/10/2013

Các bài khác: