Thứ bảy, 28/12/2024,


Đôi nét cảm nhận về thơ Lương Thế Phiệt (Nguyễn Thị Thúy Ngoan) (12/09/2012) 
Tôi biết Lương Thế Phiệt đã lâu. Thơ anh cũng như con người anh vậy, dung dị, đằm sâu một nỗi niềm trăn trở của người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, nơi đó là quê cha đất tổ, là mảnh đất bốn mùa mưa nắng, là nơi chôn nhau cắt rốn, là mái tranh nghèo cho ta cất tiếng khóc chào đời.
 
Những kỉ niệm của một thời lam lũ ấy theo anh suốt những năm tháng dài day dứt, suy tư từ trong sâu thẳm tâm hồn.
 
“…Nghe cuộn cuộn giữa gieo neo/ Nghe nao nao những đói nghèo chưa tha/ Nghe thu chầm chậm đi qua/ Nghe đau quằn quại xót xa nhân tình…” (Nghe thu đi).
Tấm lòng của người con hiếu thảo sâu nặng nghĩa tình. Nhà thơ Lương Thế Phiệt hiểu một cách thật sâu sắc về đạo làm con với đấng sinh thành. Trong những thập kỉ trước của thế kỉ XX, đất nước còn nghèo, cha mẹ thời ấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, dầu dãi nắng mưa, thắt lưng buộc bụng nuôi con.  “Gái ba mươi tuổi đã toan về già” (ca dao) hay trong bài “Về quê” tôi viết “Mẹ chưa kịp trẻ đã già/ Tuổi xuân ngồi vá đường xa mũi gần”.
                Còn với nhà thơ Lương Thế Phiệt trong bài “Cối xay một thời” đã khái quát và phác họa được hình ảnh người mẹ nói chung với đầy đủ đức tính của người phụ nữ VN tần tảo, hy sinh, chịu đựng trong muôn vàn gian khổ, đắng cay của một thời lam lũ ấy, vun vén cho ngôi nhà dù nghèo đói mà hạnh phúc, ấm êm:
“Mẹ đem cay đắng đổ vào/ Rồi xay ra những ngọt ngào cho con/ Mồ hôi theo những vòng tròn/ Thấm cay khóe mắt héo hon mỗi chiều…” (Cối xay một thời).
Tình yêu của mẹ cứ dằng dặc theo con suốt năm tháng cuộc đời, hình ảnh của cha mẹ mỗi ngày một đầy thêm day dứt mãi trong thơ Lương Thế Phiệt: “Nhớ thương năm tháng mỗi đầy/ Bánh ngon phần mẹ tháng ngày chẳng vơi” (Cối xay một thời).
Tình của người mẹ thật bao la như biển cả…
Anh luôn trăn trở với những nhân tình thế thái cuộc đời. Đất nước đang trong giai đoạn hội nhập, phát triển và đổi mới. Con người cũng thay đổi theo, nhiều người sống với cơ chế thị trường đã đánh mất chữ tâm, họ mãi mê vun vén làm giàu. Trước nhân tình thế thái đầy vơi ấy, nhà thơ Lương Thế Phiệt không khỏi băn khoăn, suy ngẫm: “…Hỏi xem chốn cũ bây giờ/ Còn ai vật lộn bên bờ sông quê/ Và ai cúi mặt khi về/Những ai ăn cháo rồi chê bát sành”(Đổi thay).  
Giữa đô thị phồn hoa ồn ào, náo nhiệt này, anh xót xa cho thân phận người hát xẩm: "Tiếng như mảnh vỡ rạch vào nhân gian/ Tiếng thì nắng xối mưa chan/ Tiếng đem trong đục hòa tan cõi người/ Bây giờ từng tiếng xẩm rơi/ Vẫn như xa xót kiếp người trong ta”(Xẩm).
Với gia đình vợ con anh dành cả tình yêu thương và làm tròn trách nhiệm của người chồng, hiểu vợ, yêu vợ hết lòng. Bởi người vợ đã cùng anh chia sẻ buồn vui, như là chia sẻ giá trị của đời sống, cùng anh gánh vác xây dựng ngôi nhà hạnh phúc. Bất chợt thấy mái tóc dài duyên dáng ngày xưa giờ đã điểm bạc, trong lòng xót xa mà nhân lên một tình yêu thương gấp bội:
 “Nhặt lên môt sợi sớm nay /Giật mình xa xót vai gầy ngày xanh/ Nửa thì em trút  cho anh / Nửa cho con mãi ngọt lành tình em…” (Tóc bạc vợ hiền).
Còn nhiều nữa, nhưng trang viết chỉ cho phép trong khuôn khổ.
 
Ban Vận động thành lập CLB Lục Bát Hải Phòng
 
Thơ anh nặng nghĩa, nặng tình. Tập thơ “Thức với miền quê” NXB Hải Phòng năm 2007 để lại ấn tượng cho người đọc với một góc nhìn riêng. Lương Thế Phiệt chung thủy với phong cách thơ truyền thống, với ngôn từ mượt mà, đằm thắm, trữ tình, giàu cảm xúc, giàu chất thơ, đến với người đọc tự nhiên, không  gò bó, anh nặng tình với sự đời và nghiệp thơ.
Đã từng làm Chủ nhiệm CLB thơ Trung tâm thành phố Hải Phòng. Chủ nhiệm CLB thơ Làng Văn hóa Vân Tra. Anh đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè yêu thơ, làm thơ của Hải Phòng nói riêng, và bạn bè văn chương nhiều tỉnh nói chung. Và là thành viên tích cực nhất của Ban vận động thành lập CLB Lục bát Hải Phòng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Năm 2011 anh được nhận giải ba cuộc thi thơ “Ngàn năm hồn Việt  do trang mạng Lucbat.com, báo Gia đình và thời đại cùng báo Người cao tuổi tổ chức . Giải khuyến khích cuộc thi thơ viết về danh nhân Chu Văn An và thi hào Nguyễn Trãi do Hải Dương và CLB thơ Việt Nam tổ chức năm 2010.
Với tác phẩm gây được ấn tượng trong bạn đọc, và sự đóng góp tâm huyết với phong trào thơ ca thành phố, không chỉ riêng cá nhân tôi, mà nhiều hội viên bảo sao anh không làm đơn xin vào Hội nhà văn Hải Phòng? Tôi động viên nhiều lần nhưng anh chỉ cười và lần nào cũng bảo cảm ơn chị cứ để từ từ khi đủ độ chín và tiêu chuẩn. Mỗi người một quan điểm rất riêng, nhiều người có cần vào hội gì đâu mà tác phẩm của họ, tên tuổi của họ sống trong lòng bạn đọc. Chưa dám nói đến có những nhà văn, nhà thơ tên tuổi không vào hội .
Chúc nhà thơ “Thức mãi với miền quê” sức khỏe - hạnh phúc và ngày càng giàu sức sáng tạo mới.
 
Hải Phòng, ngày 25/8/2012
Nguyễn Thị Thúy Ngoan
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  lương thế phiệt - luongthephiet2@yahoo.com - 0977491935 - Vân Tra ,An Đồng, An Dương, Hải Phòng.  (Ngày 17/09/2012 23:00:35)

Cảm ơn anh Nguyễn Cường rất nhiều. Anh dành cho LTP và chị Thúy Ngoan nhiều ưu ái quá. cảm ơn anh một lần nữa

  Nguyễn Cường - ngcuong08@gmail.com - 0985733502 - CLB thơ Việt Tiệp HP  (Ngày 12/09/2012 11:43:45)

Thúy Ngoan cảm nhận về thơ Lương Thế Phiệt thật sâu xa và nghĩa tình. Xưa người ta hay dùng chữ: "giấy vắn tình dài", chắc hẳn là còn nhiều điều chưa nói hết.
Riêng tôi cảm nhận thơ LTP vẫn đang sung sức lắm, dẫu rằng anh làm thơ đã lâu. Thơ anh mỗi ngày một sâu, sắc nét và nhuần nhuyễn hơn. Mong anh sớm ra mắt những tập thơ tiếp theo để bạn bè gần xa thưởng lãm.
Chúc TN, LTP cùng các bạn thơ vui khỏe

Các bài khác: