CỐI XAY MỘT THỜI
Mẹ đem cay đắng đổ vào
Rồi xay ra những ngọt ngào cho con
Mồ hôi theo những vòng tròn
Thấm cay khóe mắt héo hon mỗi chiều.
Đã mòn năm tháng mòn theo
Cũng chưa bằng mẹ vẹo xiêu đời người
Giờ tìm đâu nữa mẹ ơi
Gió ru cối hát những lời cỏ cây.
Nhớ thương năm tháng mỗi đầy
Bánh ngon phần mẹ tháng ngày chẳng vơi.
Lương Thế Phiệt
Thơ anh tôi mới được đọc. Nếu nói là có rung động, có cảm hứng, có nôn nao cuốn hút thì mới đúng từ một năm nay, khi Hồn quê thi phẩm khai đề ngày công bố thành lập Câu lạc bộ Lục Bát Hải Phòng, rất hồn quê và cũng không kém rực màu hoa phượng. Từ Cối xay một thời đến Chợ đời, Giếng làng, Xẩm, Mắt buồn, Lục bát cho em… Bài thơ nào của anh cũng đọng trong tôi nhiều cảm xúc, nhiều cảm nhận cứ quấn quýt, xoắn xuýt và thôi thúc tôi viết.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(Ca dao)
Sông có lúc cạn, suối có khi khô. Nhưng nước nguồn thì vô cùng tận. Ví nghĩa mẹ như nước nguồn, là thứ sẵn như vậy, đương nhiên như vậy vì thiên nhiên vốn như vậy. Nghĩa mẹ bao la đấy, vô tận đấy nhưng vẫn có cái thuận của lẽ đời. Ca dao cổ ví người mẹ là thân cò lặn lội vất vả khổ cực kiếm tìm cuộc sống cho con hoặc như tình mẹ luôn hy sinh nhường nhịn trong câu hát:
Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng phần con
hay là
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con
Thì cũng vẫn trong cái tình mẹ nặng về hy sinh dành trọn ấy.
Với Cối xay một thời của Lương Thế Phiệt thì tình mẹ đâu chỉ có khai thác thụ động, mẹ đâu chỉ có lam lũ vật lộn kiếm tìm, phân chia, nhường nhịn, mà mẹ còn biết biến đổi, biết tinh luyện, chuyển thứ đắng cay thành thứ ngọt ngào cho con được hưởng, biến cay đắng đời mẹ thành ngọt ngào hạnh phúc đời con.
Mẹ đem cay đắng đổ vào
Rồi xay ra những ngọt ngào cho con
Giọt sữa ngọt của mẹ luyện từ chính sự lam lũ, tần tảo hai sương một nắng, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có hạt gạo “cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy” (Trần Đăng Khoa), mới kiếm được con tôm cái tép, mới tìm ra nắm rau tập tàng… Biết bao lần cua cắp gai cào, biết bao trưa hè nắng nung, đêm đông lạnh cắt… đắng cay, tủi cực suốt đời để cho con cái ngọt ngào, cái nhựa sống cho con lớn khôn nên người.
Thật kỳ diệu hai câu thơ mài tròn tưởng không thể tròn hơn nữa, khơi sâu nghĩ khó khơi sâu sắc hơn tình mẹ qua hình tượng này. Chỉ đọc hai câu khai đề này thôi ta đã mường tượng mồ hôi mẹ đổ vào vòng quay năm tháng, vòng quay cuộc đời sao đong đếm được. Nước mắt mẹ, sự hao mòn sức lực mẹ theo vòng quay ấy sao mà tính xuể. Tác giả còn tung thêm hai câu so sánh cũng thật chuẩn xác và rất thần tình.
Đá mòn năm tháng mòn theo
Cũng chưa bằng mẹ mòn xiêu đời người.
Đời mẹ là thế. Tình mẹ là thế. Công sinh thành, dưỡng dục mẹ cho con là thế. Mẹ chỉ mong nhận lại lòng hiếu thảo. Thế mà, có biết bao người mẹ chỉ còn nhận được ở con cái sự hiếu thuận từ hình ảnh hết sức muôn mằn (chưa kể là ê chê, đau đớn).
Có lẽ trong lớp người chúng ta đều có những người mẹ như hình mẹ trong Cối xay một thời của nhà thơ Lương Thế Phiệt, đều cùng tâm trạng, cùng nỗi lòng lúc tiễn đưa, vĩnh biệt mẹ thân yêu: Mẹ ơi! Đến lúc bớt khổ, đến lúc mẹ được hưởng sự chăm sóc của con thì sao mẹ vội ra đi…
Và Lương Thế Phiệt đã thốt lên lời ấy, thổ lộ tấm lòng thay chúng ta.
Rưng rưng những nén hương gầy
Bánh ngon phần mẹ tháng ngày chẳng vơi
Và lời kết bài viết này tôi cũng chỉ cầu mong đời này, tất cả những người con hãy ghi tạc công cha mẹ, hết lòng hiếu thảo với cha mẹ ngay từ khi cha mẹ đang sống cùng ta, cũng như khi mẹ cha đã tuổi già khuất bóng.
Tháng 7 năm 2012
Nguyễn Công Xình
ĐT: 01253759770
(Hải Phòng)