Thứ năm, 02/05/2024,


“NGOẠI QUÊ”: Chân dung quý bà thời @ (Lâm Thanh Sơn) (24/06/2012) 

Xưa nay, trong văn chương có biết bao nhiêu thi nhân, văn nhân, nghệ sĩ đổ mực trên giấy để viết về những người phụ nữ. Cả cổ kim, đông tây, cùng cất lên một giọng thánh ca trong cùng một thể từ ấy. Mỗi thời một khác, một phong vị, một dư ba riêng biệt...Nhưng cốt lõi đều thấm đượm tính nhân văn cố hữu muôn thuở mà người Pháp gọi là “Nomfeminin” (giống cái) đó chính là thiên chức của người phụ nữ.

             Đọc bài lục bát “Ngoại quê” của Trịnh Anh Đạt, hình ảnh một quý bà Việt Nam đã được tác giả khai thác theo một góc nhìn hoàn toàn bất ngờ, theo một phương diện khác: Đó là tính thời đại.
            Mới ngày nào chân dung người phụ nữ Việt Nam đã được khắc họa trong thi ca:“... mưa dầm ướt áo tứ thân...” (Tố Hữu) cùng với :“...này áo đồng lầm quần lĩnh...” (Nguyễn Bính); cho đến những năm đầu của thế kỷ XX thì họa sĩ Lenur Cát Tường trên cơ sở chiếc áo tứ thân đã cách tân và phục trang cho người phụ nữ Việt Nam bằng chiếc áo dài tân thời tha thướt đến tận ngày nay Đó là một sự hội nhập thời đại theo tinh thần “Âu hóa” ngày ấy, và họa sỹ Cát Tường đã được thời đại ấy vinh danh.
            Sở dĩ người viết phải dài dòng như vậy; bởi thơ của Trịnh Anh Đạt, bằng thể thơ cũ kỹ đã có sự cách tân táo bạo như họa sĩ Lenur Cát Tường thuở xưa, mang hơi thở và trang phục cho... một thời đại thơ ca.
            Đọc lướt qua, đọc giả bị lạc hướng bởi những câu chữ bề nổi về một “bà ngoại” thương yêu con cháu như lẽ thường tình. Nhưng tác giả là một cây lục bát cự phách, đã rất tinh quái gài vào những câu sáu tám cả một thời đại @! Thời đại bùng nổ thông tin, nối mạng toàn cầu, của kinh tế thị trường thời hội nhập, mở cửa. Đọc giả hãy lưu ý những từ ngữ gạch chân dưới đây:
 
“...Tám thơm đã đổ vào nồi
Điện đâu có bật, gạo ôi trương phềnh...”

“... Một ngày ra chợ mấy lần
Khi quên cân thịt, lúc nhầm mớ rau...”

“...Hôm đi siêu thị mua hàng
Đồ chơi, váy, áo... ngỡ mang tuốt về...”

“...Vắng tin cháu ngoại, xem chừng bất an...”

             Chỉ bằng bấy nhiêu câu chữ, hình ảnh, ta nhận ra ngay một quý bà thành đạt ở một thành phố lớn, một bước lên ngựa, xuống xe, mặc đồ đầm, dùng hàng hiệu. Để cháu ngoại vui, có thể khuân cả góc siêu thị về làm của riêng. Từ “tuốt” ở đây thật đắc địa và thần tình. Nó đã dựng lên một cái phông lung linh đầy sắc màu kỳ ảo của một xã hội và thời đại sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy quý bà ấy phấn kích trong sự sung sướng khi có “con đầu cháu sớm”: -“ ...Gặp ai thì cũng bắt đầu: cháu cưng...” là sự thường tình, thế mới có chuyện “cười ra nước mắt” quên cả cân thịt khi đã trả tiền rồi, đến nỗi phải “-...Mỗi ngày ra chợ mấy lần...” Mỗi ngày “đi chợ” có một lần, nhưng phải “ra chợ mấy lần” vì để quên và mua nhầm, bởi tâm trí lúc nào cũng nghĩ về cháu...Ta chợt nhận ra cách dùng chữ rất kỹ của thi nhân.
            Đây là hình ảnh cụ bà ở thế kỷ trước trong thơ Lê Đình Cánh: “...Run run mẹ bước lên tàu/ Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà...” và “... Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào...” Đó là người phụ nữ cả đời lam lũ ở chốn quê, cả đời gắn bó với lũy tre làng, với chiêm mùa hai vụ...Còn quý bà trong thơ Trịnh Anh Đạt là hiện thân của những người phụ nữ ở chốn phồn hoa, đô hội. Một quý bà thành đạt trong thời mở cửa, hội nhập. Các quý bà tự lái xe con đi siêu thị, “lên thang” tàu bay ra nước ngoài như đi chợ, chứ không phải “lên thang” của một khu chung cư tồi tàn thời bao cấp! Các bà giao tiếp thẳng với tây với tàu chẳng cần “thông ngôn với phiên dịch” Các bà gõ phím, lên mạng giao dịch với toàn cầu thành thạo, chẳng kém gì các nữ nhân viên trong “Nhà trắng” Hoa Kỳ... Thơ của Trịnh Anh Đạt là như vậy.
            Thiên chức của bất cứ người phụ nữ Á đông nào, dù ở cương vị cao bao nhiêu vẫn giữ nguyên cái “đức” hy sinh cho gia đình, trong đó có chồng,con, cháu chắt...Bà Mai Kiều Liên (58 tuổi) Chủ tịch HĐQT Cty sữa Vinamik, khi trả lời câu hỏi của phóng viên :-“...Khi ở Cty, bà là người lãnh đạo có uy tín, còn khi về nhà thì sao?...” Bà Liên đã trả lời :-“ Về nhà, tôi làm...Osin! Buổi sáng dậy sớm lo thức ăn cả ngày cho cả nhà... Vào thứ bảy, chủ nhật, tôi đi siêu thị để mua thức ăn cho cả tuần...” Bà Mai Kiều Liên được tạp chí danh tiếng Fobes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Bà đứng ở vị trí thư 25 trong bảng xếp hạng!). Các quý bà thời nay là như thế đấy. Muôn đời vẫn đội chữ “đức hy sinh” trên đầu mà vẫn thấy nhẹ tựa lông hồng!
             “Ngoại quê” bằng nghệ thuật mã hóa câu chữ, Trịnh Anh Đạt gửi gắm một thông điệp thời đại thông qua hình ảnh người phụ nữ Á đông, người phụ nữ Việt Nam “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Dù xã hội loài người hiện đại đến mấy cũng không làm phai mờ bản sắc ngàn năm đất Việt, mà từ xa xưa câu “Tứ đức, tam tòng” như một gien di truyền qua bao nhiêu thế hệ của những người phụ nữ thuần Việt ấy...
“Ngoại quê” của Trịnh Anh Đạt rất chân... quê! Nhưng cũng thật phồn hoa, phong lưu, đài các!...Dấu ấn để lại trong từng thi phẩm của nhà thơ là sự cách tân, khám phá không ngừng nghỉ, mở ra góc quan sát, và sự cảm nhận rất hiện đại, trên một thể loại thơ truyền thống, cũ càng.
 
Lâm Thanh Sơn
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: