NÓI VỚI CON CỦA CHỒNG
Sao con không nói một câu
Như lời nũng mẹ từ lâu chẳng còn
Sao con chẳng thể xưng "con"
Cho dì cảm thấy ấm hơn căn nhà?
Cứ lầm lũi bước vào, ra
Cho dì tủi phận mẹ gà con...ngan
Đời gì quá buổi chợ tan
Nhà con sảy nghé tan đàn khổ đau
Dì không hoa trắng cài đầu
Về nhà con chỉ cơi trầu nồng say
Con là con gái thơ ngây
Đàn ông, cha chẳng bù đầy được đâu
Dạy con kết tóc, gội đầu
Nấu ăn, giặt giũ, vá khâu áo quần
Bàn tay hiền dịu tảo tần
Bưng cơm rót nước ân cần trước sau
Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu, bí ơi!
Kệ cho bánh đúc mấy đời
Người ăn người lại nói lời nghiệt cay
Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con.
Nguyễn Thị Mai
Thường lời chúc phúc trong buổi thành hôn của những lứa đôi, dẫu thuật ngữ mỗi thời một khác, nhưng tựu trung vẫn là "Bách niên giai lão” "hạnh phúc trăm năm”. Song vì "sinh có hạn tử bất kỳ" nên nhiều người phải chịu nỗi bất hạnh," đứt gánh giữa đường ", hoặc do duyên phận, sống với nhau không hợp không thành, đành phải chia tay. Dù mức độ đớn đau khác nhau nhưng đều là tổn thương mất mát, mà đau khổ và thiệt thòi lớn nhất vẫn là những đứa con côi cút chịu mất mẹ, mất cha. Ở đời thường "Con chăm cha không bằng bà chăm ông” và vì nhiều lẽ khác nhau của hạnh phúc lứa đôi, của tổ ấm gia đình mà hầu hết những thân phận cơ nhỡ ấy cũng sẽ tìm được nhau để lập lại gia đình, đó cũng là lẽ rất thường tình. Những trở ngại lớn nhất, thường cơm không lành canh chả ngọt của những gia đình ấy là trường hợp những người đã có con riêng, con anh, con tôi. Hạnh phúc của họ đến đâu là tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm của "dì ghẻ với con chồng". Định kiến ngàn đời của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa con chồng với người mẹ kế. Nó đã trở thành tiềm thức của con người, thành ca dao, tục ngữ truyền tụng trong dân gian: Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng, mà biểu hiện đỉnh cao của mâu thuẫn đó là câu chuyện khuyết danh "Tấm, Cám”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã rất thành công với đề tài này trong bài thơ Nói với con chồng. Nói với con chồng, bài thơ được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ viết về đề tài gia đình do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994 của thế kỷ trước.
Người mẹ kế trong bài thơ: Nói với con chồng của nhà thơ Nguyễn Thị Mai thật điển hình trong cách giải quyết mâu thuẫn muôn thuở "dì ghẻ con chồng". Một người mẹ kế được hiện lên dưới ngòi bút nhân hậu đầy nữ tính của nhà thơ : chất phác, thật thương cảm, chân thành, khéo léo, rất đáng được nể trọng, đề cao. Sự khéo léo xuất phát từ khao khát thương yêu thật lòng mà có. Câu mở, cũng là một câu hỏi nghe thật ấm lòng: Sao con không nói một câu/Như lời nũng mẹ từ lâu chẳng còn. "nũng mẹ" có thể nói đây là mê thuật đầy thán phục của phép dùng từ. Tưởng dì ước ao chi, chứ chỉ ước ao được nghe con nói một lời nũng nịu. Thật bất ngờ, bất ngờ đến lạ lùng, sự bất ngờ ấy có lẽ không chỉ ở bạn đọc mà ngay cả với đứa con vốn chưa chịu chấp nhận, chưa có thiện cảm với dì. Bởi nếu khi con biết "nũng" với dì như với mẹ thì dì đã là nơi có thể gửi gắm tin yêu, là chỗ dựa của đời con rồi. Từ "nũng" thật lạ, như biết mở ra nhiều chiều tâm trạng. Câu thơ như biết dung hoà, như kéo được chùng xuống mọi căng thẳng nơi lòng dì lòng con vốn đang xa cách, nặng nề, con luôn tìm cách lảng tránh. Nào đâu dì đã dám đòi hỏi điều chi to tát, chỉ mong mỏi chờ đợi ở con một tiếng xưng "con". Nhưng chắc dì cũng hiểu tiếng "con" đang như một cửa ải phải vượt qua, một trướng ngại lớn trong mặc cảm, trong dèm pha định kiến của người đời, vì vậy vượt qua nó phải kiên nhẫn bền bỉ không thể một sớm một chiều. Bởi nếu con chấp nhận xưng "con" sẽ là một biến cố lớn, rất hệ trọng, nó sẽ xoá đi những mặc cảm ghẻ lạnh cách ngăn để căn nhà mình trở nên ấm áp thân gần. Càng tinh tế trong cách nhìn cách cảm, thì những bước chân lầm lũi nặng nề của con đã gieo vào lòng dì nỗi buồn tủi xa lạc - cảnh "mẹ gà con... ngan". Vẫn bằng những lời thủ thỉ ân cần như phân trần với con làm người nghe đến buốt ruột mủi lòng: Đời gì quá buổi chợ tan/Nhà con sảy nghé tan đàn khổ đau. Dì về nhà con nào có lọng tía xe hoa mà chỉ đơn sơ cơi trầu lễ mọn. Dì thương yêu bố con cũng vì thương cảnh "sảy đàn tan nghé", về nhà con là muốn cùng bố con chung tay chia sẻ khổ đau bù đắp cho nhau mất mát trong đời. Song có lẽ nguyện vọng lớn nhất của bố con cần ở dì là người biết thay thế xứng đáng mẹ con trong việc dạy dỗ nuôi con khôn lớn nên người. Mà "con là con gái thơ ngây" đang hình thành nhân cách, phải ân cần tỷ mỷ từ tết tóc, gội đầu, và mọi việc thuộc nữ công gia chánh làm sao cha "đàn ông " có thể làm được? Dì không mang nặng đẻ đau/Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi! Tấm lòng dì là vậy, là muốn cùng bố vun đắp cho con để hạnh phúc nhà mình sum suê tươi tốt như "bầu bí chung dàn" chứ đâu dám để bố vì dì mà xao nhãng việc chăm sóc lo lắng cho con. Có lẽ những lời gan ruột chân thành của dì cũng đã xúc động cảm hoá được tình con. Bằng trực cảm, linh cảm tinh nhạy do kinh nghiệm trường đời mách bảo, con đã tin dì nhưng vẫn còn chút băn khoăn e ngại về những dè bỉu đố kỵ của xóm giềng. Nắm bắt được tâm lý, những do dự nghi ngại này, dì đã thẳng thắn, quyết liệt hơn: Kệ cho bánh đúc mấy đời/Người ăn người lại nói lời nghiệt cay. Thật thú vị khi câu thơ mang hơi hướng ca dao. Ở trạng huống này có lẽ chỉ ca dao phản ca dao thì lời khuyên mới thấm thía và có tác động tâm lý mạnh mẽ hơn.
Dẫu thơ chưa một lời khảng định ngã ngũ cuối cùng về quyết định của con, song bạn đọc có thể gặp sự thanh thản tràn đầy hy vọng cùng" Dì " ở khổ kết:
Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con
Tôi võ đoán, có thể tai "Dì" chắc chưa nghe rõ tiếng "con", bởi lần đầu xưng hô như vậy thì lời con đâu đã dễ tròn vành rõ chữ. Nhưng còn con tim "Dì" thì đã nghe được rất rõ rồi. Có thế, "Dì" mới khái quát được việc thuyết phục con, ví như một chuyến đò đầy sông sâu, mong manh đầy bất trắc "run cả vòng tay đôi bờ" nhưng đã "sang ngang", đã cập bến. Và cặp câu: Đêm nay cánh cửa khép hờ/ Dì không ngủ được nằm chờ bước con. Có lẽ "Dì" không ngủ được đêm nay không chỉ lo con đi tối về khuya, mà còn hồi hộp phấp phỏng để được nghe rõ hơn tiếng "con" như lòng dì hằng mong đợi.
Nói với con chồng là một bài thơ có những diễn biến tâm lý vừa nhiều chiều vừa là những khúc quanh tâm trạng rất khó nắm bắt. Chỉ với lối độc thoại giãi bày của "dì" , bằng thể thơ lục bát thẫm đẫm hồn vía ca dao, rồi xử dụng ca dao phản ca dao, mang lại thành công không ngờ với một đề tài tưởng dễ mà khó. Trong đời thực cổ kim, đã có mấy bà mẹ kế biết thắng nổi chính mình để thắng những định kiến xã hội. Dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã xuất hiện bà mẹ kế như mong mỏi của những ông chồng, của những đứa con riêng trong hoàn cảnh "rổ xề cạp lại". Bài thơ chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc, là tiếng nói nhân văn, cũng là sự phản kháng mạnh mẽ với những định kiến ích kỷ hẹp hòi từng tồn tại tự bao đời. Nó đã ra đời và được trao giải thưởng văn học gần 30 năm, giờ vẫn được nhiều người ngưỡng mộ tìm đọc. Đồng thời còn nguyên tính thời sự, trong đóng góp xây dựng kết cấu gia đình đang có những xộc xệch lỏng lẻo do những tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Đó là giá trị đích thực, sức sống bền lâu của một tác phẩm văn học - niềm mơ ước của mọi nhà văn.
Ninh Bình, Ngày 08 tháng 6 năm 2012
Lâm Xuân Vi
Đ/C Hội VHNT Ninh Bình