Là một trong số những nhà thơ làm thơ từ khi đất nước còn trong những năm tháng chiến tranh cho đến khi hòan tòan độc lập và chuyển mình thay đổi cùng thời cuộc, Nguyễn Duy luôn luôn trăn trở và luôn tìm cách đổi mới giọng điệu để thích hợp với hòan cảnh. Vốn từng “ca hát quá nhiều về tiềm lực”, lúc cần thiết phải thay đổi, Nguyễn Duy sẵn sàng trở thành người vận động mọi người “đánh thức tiềm lực”, sẵn sàng làm những “câu thơ tuẫn tiết” khi không còn “rưng rưng”, không thể “tình tang phiêu lưu”.
Nhà thơ Nguyễn Duy
Đến thời kỳ của nhà thơ Nguyễn Duy, những thể lọai của Thơ mới và thơ sau Cách mạng tháng Tám đã ổn định và đã đạt được những đỉnh cao giá trị. Bên cạnh việc vận dụng dựa trên những thành tựu của Thơ mới, các nhà thơ giai đọan này còn phải cố gắng vượt ra khỏi cái bóng của những người đi trước. Hơn nữa, thơ ca đương đại trong sự cố gắng tìm ra diện mạo riêng của mình đã phải cạnh tranh cùng với nhiều lọai hình nghệ thuật phục vụ nhu cầu tinh thần khác để đến được với người thưởng thức, bởi trình độ tiếp nhận của người đọc lúc này đã khác, họ có thêm nhiều đòi hỏi khắt khe với thơ hơn. Vì vậy, để tìm lại vị trí cho thơ, khẳng định gương mặt mình trong bức tranh chung của thi ca dân tộc hiện đại, nhiều nhà thơ đã phải nỗ lực rất nhiều. Lúc này, có nhiều nhà thơ (nhất là các nhà thơ trẻ – những người thích sự thể nghiệm và không ngại thất bại) đã học tập và tiếp thu các yếu tố cơ bản của thơ hiện đại chủ nghĩa phương Tây như: chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực… và thể hiện nó qua các việc biến hóa hình thức thơ sao cho phù hợp với ý đồ diễn đạt của mình.
Riêng nhà thơ Nguyễn Duy, trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề hiện đại hóa thơ ca, đã tìm ra được hướng đi riêng của mình, khẳng định được phong cách của riêng mình giữa bối cảnh thơ ca khá phức tạp hiện nay. Nhà thơ nhận ra tầm quan trọng của bản sắc dân tộc trong thời đại tòan cầu hóa, thế nên bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ, chất liệu hình ảnh gần gũi, nhà thơ còn tìm về lục bát – một thể thơ truyền thống của dân tộc – đang dần bị bỏ quên trước những trực giác, tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại v.v…, nâng niu và biến lục bát thành “thương hiệu riêng” của mình. Có thể thấy được tình yêu đặc biệt của nhà thơ với thể lọai này khi khảo sát trong tuyển tập thơ vừa xuất bản của ông: có đến 152 bài thơ lục bát trong tổng số 280 bài thơ. Một tỉ lệ áp đảo!
Mỗi người Việt Nam ngay từ lúc nằm nôi, chẳng mấy ai lại không được đưa nôi theo nhịp điệu dịu dàng của lục bát, chẳng mấy ai lại xa lạ với cánh cò, cánh vạc, với sung chát, đào chua… Lục bát, đó là hồn phách của dân tộc Việt, là “khuôn mặt riêng giữa những khuôn mặt làng văn thế giới, … có những đường nét độc đáo không thể tìm thấy ở nơi nào, ngòai Việt Nam” [1]. Câu thơ lục bát có sự phối hợp hài hòa giữa dòng 6 chữ và dòng 8 chữ, cùng với nhịp điệu mềm mại và cách phối vần lưng đặc trưng của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á đã sống cùng với nhiều thế hệ Việt Nam trong suốt gần 5 thế kỷ nay (bắt đầu từ cuối thế kỉ 15, khi nó được sinh ra cùng với người anh em song thất lục bát). Sự dung dị, mềm mại và khả năng dung nạp đựơc cùng lúc nhiều nội dung đa dạng của đời sống đã khiến cho thể thơ này có sức sống trường tồn. Chỉ hai câu lục bát, cũng đã là một câu chuyện hòan chỉnh:
“Hồn tôi như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bay đầy áo em”
(Nguyễn Bính)
Và từ hai câu lục bát gọn gàng như một giọt nước ấy, cũng có thể biến hóa thành giòng sông chuyên chở cả “cõi người ta”. Không hiếm những dòng sông đã chảy xuyên qua tâm thức nhiều thế hệ Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Hoa tiên ký, Phạm Công – Cúc Hoa…
Khi Nguyễn Duy đến với lục bát, thơ Việt Nam đã có quá nhiều đỉnh cao về thể thơ này. Bóng râm của những cây đa, cây đề từ ngày xửa ngày xưa như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, rồi gần hơn là Tản Đà, tiếp đến là Nguyễn Bính, Tố Hữu… gần như che phủ địa hạt lục bát trên thi đàn. Đó là chưa kể đến những gương mặt xuất chúng cùng thời như Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Trọng Tạo … vốn là những tay chơi được – và chơi khá điêu luyện “cây đàn bầu” lục bát của tổ tiên để lại. Nhưng, theo cách riêng của mình, bằng tình yêu đặc biệt với cây đàn bầu cũ kỹ ấy, nhà thơ Nguyễn Duy đã nâng niu bao bọc, tìm đường mở lối cho “câu thơ sáu nổi tám chìm” tiến lên trong “thời xa lộ thông tin kẹt đường” hiện nay:
“Tôi mê người lắm người ơi
Cái tai thì cạn cuộc đời thì sâu
Lẩy lên đi hỡi đàn bầu
Những tâm tình ở đằng sau tâm tình”
(Đàn bầu)
Và vì như thế mà thi ca đương đại có “lục bát Nguyễn Duy”, một thứ lục bát rất khác, rất lạ, đến nỗi, chỉ cần đọc lên là thấy ngay bóng dáng của điệu cười “cực bụi” lẫn cái nhíu mày “cực nghiêm” của Nguyễn Duy.
1. Nói về thể thơ lục bát của Nguyễn Duy, người viết thích liên tưởng đến chiếc áo dài – quốc phục của người Việt chúng ta. Đó vẫn là chiếc áo dài truyền thống với tà trước tà sau, nhưng là chiếc áo dài đã được cách tân với nhiều chất liệu vải, nhiều kiểu cọ khác nhau. Trông trẻ trung, duyên dáng và đầy vẻ tự tin…
Bản chất của thơ lục bát là đều đặn, nhà thơ Nguyễn Duy trong công cuộc làm mới lục bát vẫn luôn trân trọng đặc tính đều đặn này. Trong tất cả 280 bài lục bát rút từ tuyển tập thơ của ông, không hề có một bài nào có dạng biến thể, cũng không một bài nào xuất hiện câu thơ sử dụng tòan thanh trắc. Tất cả đều êm ái và đều đặn với thanh trầm đặc trưng của tiếng nói Việt Nam, cũng là đặc trưng của âm vực lục bát (“những tác phẩm lục bát luôn tràn đầy thanh bằng và có khuynh hướng ngả về âm vực trầm ở cuối câu, do tất cả các vần đều là thanh bằng” (dẫn theo Tại sao lục bát của Nguyễn Thị Thanh Xuân[2]). Thêm nữa, lục bát của Nguyễn Duy cũng không thuộc vào dạng hiếm của thể lục bát từ xưa đến nay, khảo sát tòan bộ 280 bài thơ lục bát của nhà thơ, người viết chỉ gặp được duy nhất một bài thơ xuất hiện lối hiệp vần giữa chữ thứ 6 của câu lục với chữ thứ 4 của câu bát – mà cũng lại rơi vào trường hợp “lưỡng khả” (tức cũng có thể là hiệp vần 6-4, mà cũng có thể là hiệp vần 6-6):
“Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em”
(Bầu trời vuông)
Lối hiệp vần này là lối hiệp vần của lục bát cổ, theo như nhà nghiên cứu Phan Ngọc thì “có lẽ đã chấm dứt từ thế kỷ 17”, xin lấy ví dụ bằng một đọan trong Thiên Nam ngữ lục, tác phẩm xuất hiện ở thế kỷ 17, thời mà lục bát chưa thực sự ổn định:
“ Những màng lần lữa tháng ngày
Bộ Lĩnh tuổi rày đã đến mười hai
Thanh cao tính khí khác người
Bàn bạc sự đời mấy kẻ trượng phu
Cửa nhà chút chẳng đóan lo
Sự mọn hồ đo, sự cả hẳn hoi
Việc văn chẳng có trông coi
Những lăm ra đời mà lập công danh
Rằng người đã vả trời xanh
Phú quý đã đành, sang trọng đã chia”
Đó là những đặc điểm để chúng ta khu biệt tính dân dã và quen thuộc ở lục bát Nguyễn Duy so với lục bát của các nhà thơ khác. Điều dễ dàng nhận thấy là những câu thơ “chìm nổi với đám đông” của nhà thơ rất gần gũi với ca dao, hay nói đúng hơn là hồn vía ca dao nhập cả vào thơ của Nguyễn Duy. Có nhiều câu nhà thơ sử dụng phép “tập ca dao” (cũng như là hiện tượng “tập Kiều” vậy!) rất nhuần nhuyễn, nhiều khi người đọc không để ý kỹ sẽ không thể nhận ra đâu là thơ, đâu là ca dao:
“Thơ ơi ta bảo thơ này
Để ta đi cấy đi cày nuôi em”
(Bao cấp thơ)
“Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búm lưỡi lừa cá xương”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
“Bồng bồng cái ngủ trên tay
Nghe trong gió có gì say lạ lùng
Chừng như cây lúa đơm bông
Chừng như trái bưởi vàng đung đưa cành”
(Lời ru mùa thu)
“Ai làm ra lúng liếng sông
để đưa tu hú sổ chồng sang ngang”
(Vải thiều)
Một vài trường hợp, Nguyễn Duy sử dụng nguyên vẹn cả câu ca dao, một vài trường hợp khác, nhà thơ sử dụng những chất liệu quen thuộc của ca dao để trộn vào những bài lục bát của mình. Nhưng ở trường hợp nào cũng vậy, việc sử dụng ca dao không hề là một cách làm trang trí, làm duyên. Mỗi bài thơ lục bát có lẫn ca dao của Nguyễn Duy đều gợi ra những góc nhìn mới mẻ, những suy nghĩ sâu sắc về lẽ đời:
Cái cò …sung chát… đào chua
Câu ca mẹ hát, gió đưa về trời”
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
“Được yêu như thể ca dao
Đủ phờ phạc đất đủ lao đao trời
Tây Tàu thì cũng thế thôi
Y chang cay đắng ngọt bùi khổ đau
Không trầu mà cũng chẳng cau
Làm sao cho thắm môi nhau thì làm”
(Được yêu như thể ca dao)
Vào thơ Nguyễn Duy, ca dao như được “nhuận sắc” - hiện đại và độc đáo, hơn nữa lại trở thành một công cụ diễn đạt nhuần nhị những thông điệp, những chân lý có vẻ như giản đơn nhưng lại tận cùng sâu sắc:
“Nghìn năm trên dải đất này
Cũ sao được cánh cò bay la đà
Cũ sao được sắc mây sa
Cũ sao được khúc dân ca quê mình”
(Khúc dân ca)
“Bạn tôi kể chuyện quê nhà
Chiều trong câu chuyện lan ra chín chiều”
(Người đang yêu)
Nguyễn Duy còn có những bài thơ tập phong cách phương ngôn, gợi nhớ các đặc sản vùng miền và đặc biệt là hình bóng con người, bài thơ Hỏi thăm là một ví dụ tiêu biểu:
Ớt Đông Ba có còn cay
Gạo de An Cựu độ này còn thơm
Hỏi thăm hoa phượng bên đường
Sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong
Quán cơm âm phủ còn không
Cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa?
Sự vòng vo trong cách hỏi thăm làm ta liên tưởng đến lối đối đáp giao duyên của các đôi trai gái ngày xưa, cũng cái kiểu ỡm ờ “Đêm qua tát nước đầu đình – Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”(Ca dao) rồi rào trước đón sau những chuyện xin áo, chuyện “vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu”, cuối cùng mới lộ ra ý định muốn tính chuyện trăm năm. Ở đây cũng vậy, hỏi thăm những chuyện không đâu rồi cuối cùng mới là Cô gì hôm ấy theo một cách “rất tình cờ”. Sự giả vờ rất duyên này chúng ta sẽ còn gặp trong một bài lục bát khác:
“Chờ em từ bấy đến giờ
Lại làm ra vẻ tình cờ qua đây
Tình cờ gió thổi lá bay
Hóa ra đã hẹn từ ngày chưa quen”
(Ca dao vọng về)
Sắc thái dễ thương của tình yêu tuổi hoa niên kiểu “làm ra vẻ tình cờ” được Nguyễn Duy thể hiện bằng những câu lục bát đậm chất ca dao dễ khiến ta liên tưởng ngay đến cái kiểu “giả vờ cố ý” của thi sĩ Nguyễn Bính vài chục năm trước:
“Cái ngày cô chửa có chồng
Đường gần tôi cũng đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu lắm nhưng hơi mất lòng
Biết đâu, ồ chả nói chòng
“Làng mình khối đứa phải lòng mình đây”
(Qua nhà)
Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa trong thơ Nguyễn Duy là ông thường dùng ca dao để làm “đề từ” cho các bài thơ của mình, và từ tứ của những câu đề từ ấy, nhà thơ tạo ra tứ mới. Thậm chí, có khi chỉ thay một, hoặc hai từ thôi mà chuyển tải được những sắc thái tình cảm phức tạp và đa diện hơn. Chẳng hạn từ câu ca dao “Yêu ai quá đỗi mà mê tiếng đàn” chuyển sang câu thơ “Mê ai quá đỗi mà ghê tiếng đàn” (Đàn bầu) là một ví dụ. Tương tự như vậy với câu ca dao “Con ơi mẹ dặn câu này – Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua” đến những câu thơ “Cũ xưa đến vậy là cùng- Sao sông nước cứ trẻ trung thế này - Ai xui người trở về đây - Mẹ răn vẫn nhớ xuồng đầy vẫn đi” (Xuồng đầy). Những ý tứ khai thác nhiều khi đối lập với ý tứ quen thuộc của ca dao, nhưng là sự đối lập không triệt tiêu. Trong sự đối lập ấy “cả ca dao và cả thơ cùng bay bổng hơn, sống động hơn, sâu sắc hơn”. “Phản” nhau nhưng lại nâng nhau lên, làm rõ nhau hơn trong mạch đời hiện đại, đa dạng, đa chiều”[3].
Nguyễn Duy không chỉ tận dụng những chất liệu nội dung của ca dao mà còn tận dụng những chất liệu hình thức để chỉnh trang cho câu thơ lục bát của mình. Có những câu thơ sử dụng những cặp sóng đôi tương đồng quen thuộc trong ca dao:
“Nợ nần chưa trả đã vay
Chim muông trả vía, cỏ cây trả hồn
Trả cho mơ chút thiên đường
Trả cho nhau chút xót thương luân hồi”
(Xin đừng buồn em nhé)
Cả những kết cấu đối lập mà ca dao thường sử dụng;
“Kính thưa Thị Kính láng giềng
Ai ân thì ít , oan khiên lại nhiều…”
(Kính thưa Thị Kính – Kính thưa liền thị)
“Vợ cười chưa uống đã say
Ngọt bùi thì nổi, đắng cay thì chìm”
(Mời vợ uống rượu)
“Lòng thì ngọt, vỏ thì cay
Má thì cứ đỏ hây hây chết người”
(Cam – Chùm quả)
Các đại từ nhân xưng thường gặp trong ca dao như mình, ta, người dưng, liền anh, liền chị gắn với lời ăn tiếng nói dân gian cũng được nhà thơ nhặt lấy cho vào lục bát:
“Thôi ta về với mình thôi
Chân trời đành để chim trời nó bay”
(Đường xa)
“Giá như em đã có chồng
Để bòng bong khỏi rối lòng người dưng”
(Lạng Sơn, 1989)
Những hình ảnh quen thuộc của ca dao, dân ca như cây đa, sân đình, con trâu – cái cày, nón mê, nón quai thao, bí bầu… cũng có những vị trí trân trọng trong thơ lục bát của Nguyễn Duy. Ngòai ra, chúng ta còn bắt gặp những bài thơ lục bát có tính chất hài hước như những bài ca dao nói ngược của thơ ca dân gian trong thơ Nguyễn Duy. Ở những bài ca dao nói ngược, thì cái trái khóay làm rõ hơn cái thuận lý, ví dụ:
“Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một trăm quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà mâm rượu nuốt người lao đao”
Ở thơ Nguyễn Duy, những cặp phạm trù sóng đôi đối nghịch nghĩa được hiện đại hóa và mang ý nghĩa khái quát lớn nhờ vào cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo, hiện đại:
“Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm
Siêng làm xúc phạm phàm ăn
Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng
Đàn kêu tưng tửng từng tưng
Con trâu xúc phạm sợt thừng cột trâu
Bông hoa xúc phạm con sâu
Con cá xúc phạm lưỡi câu ao nhà
Ông bụt xúc phạm con ma
Lão say khướt xúc phạm bà tỉnh queo
Cái sang xúc phạm cái nghèo
Cái ngay xúc phạm cái khèo bẩm sinh
Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh
Cái tâm xúc phạm cái hình vô tâm
Cõi dương xúc phạm cõi âm
Cõi thiêng xúc phạm cõi trần tục gian
Đàn kêu tang tảng tàng tang
Nàng chơi đẹp xúc phạm chàng xấu chơi
Ngứa nghề hát ngọng ngheo thôi
Người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau”
(Xẩm ngọng)
Những yếu tố hiện đại thông qua việc tiếp thu và cải tiến những chất liệu ngôn ngữ cũng như giọng điệu của ca dao ở thơ lục bát của Nguyễn Duy còn nhiều điều đáng phải bàn. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về khía cạnh này khi đi sâu vào nghiên cứu các phương tiện biểu đạt.
Có thể thấy hiện tượng ca dao lẫn vào thơ, thơ trở thành ca dao rất dễ tìm khi đọc lục bát của Nguyễn Duy. Có lẽ cái giọng tâm tình ngọt ngào của ca dao, của những khúc hát ru đã mê hoặc được trái tim và tâm hồn nhà thơ. Là đàn ông, lại là một người đàn ông tự nhận mình là thô kệch, xa lạ với những mềm mại, những dịu dàng, những thanh thóat, nghe nhạc giao hưởng như “nghe xay thóc”, nhìn “nốt trắng, nốt đen trên khuông kẻ” là “luống đỗ nảy mầm”, lại “u ơ ú ớ ù ờ kinh niên”… vậy mà trong thơ lại có rất nhiều lời ru. Nào là “Lời ru con cò biển”, “Lời ru trong bão”, “Lời ru mùa thu”, Lời ru đồng đội”, “Lời ru từ Mũi Cà Mau”, rồi cả “Tập ru con” lẫn “Liền anh đi chợ”… rồi cả Thị Mầu, Thị Kính, Thị Đốp, Thị Nở, cả những Tố nữ, những bà, những mẹ, những “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” … Những con người đến từ cuộc sống dân dã, đến từ khúc ca dao, dân ca… Tất cả đều ẩn hiện trong những câu thơ “sáu nổi tám chìm” đằm thắm của Nguyễn Duy.
Dẫu biết quan điểm “Người thơ phong vận như thơ ấy” của Hàn Mặc Tử không phải khi nào cũng đúng, nhưng đọc thơ lục bát của Nguyễn Duy, khó có thể kìm được cái mỉm cười dịu dàng trước một nét duyên ngầm, rất lôi cuốn ở cả thơ lẫn người. Nét duyên ngầm ấy – giống như núm đồng điếu trên khóe môi cười thiếu nữ, như chiếc răng khểnh trong nụ cười hiền – là nét duyên ngầm có ở một người đàn ông biết sẻ chia và đồng cảm đến tận cùng với nửa thế giới còn lại! Có ai mà không rung động, có ai mà không cảm thấy lòng mình dịu nhẹ khi bắt gặp người nghiêng xuống vành nôi con trẻ và cất tiếng hát ru không phải là người mẹ dịu dàng mà là người cha dẫu vụng về nhưng thành thật? Đó là nét duyên đến từ sự chân thành và bình dị – đó cũng là nét phong cách quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Duy.
2. Tuy nhiên, cứ mềm mại, cứ êm đềm thì vẫn chỉ là dáng vẻ của chiếc áo dài cổ điển. Lục bát của Nguyễn Duy là chiếc áo dài tân thời với những đường nét mới, táo bạo và quyến rũ, hiện đại và đầy sinh lực. Chúng ta sẽ thấy câu thơ lục bát của Nguyễn Duy dù khuôn trong sự đều đặn bất di bất dịch của dòng 6 và dòng 8 nhưng vẫn không dấu được vẻ ngang tàng, phóng túng, mạnh mẽ… Dấu hiệu này thể hiện rõ nhất qua hai khía cạnh: nhịp thơ và ngôn ngữ thơ.
Thường thì thể lục bát có một lọai nhịp cơ bản, trực tiếp tạo nên âm luật cho nó là nhịp gồm hai tiếng (gọi tắt là nhịp hai), nghĩa là các dòng lục bát dựa trên sự tổ hợp trực tiếp từ các nhịp gồm hai âm tiết. Như vậy, theo thông lệ, dòng lục gồm 3 nhịp hai, dòng bát gồm 4 nhịp hai:
“Êm đềm/ trướng rủ/ màn che
Tường đông/ ong bướm/ đi về / mặc ai”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Cày đồng/ đang buổi / ban trưa
Mồ hôi/ thánh thót/ như mưa/ ruộng cày”
(Ca dao)
“Buồn gieo/ theo gió/ ven hồ
Đèo cao/ quán chật/ bến đò/ lau thưa”
(Huy Cận)
Nhưng thực tế, không phải lúc nào, câu thơ lục bát cũng chia một cách máy móc thành từng nhịp hai một như thế “Vì nếu làm như vậy, câu thơ chỉ còn một cái khung tách khỏi lời nói, mà thật ra nhịp điệu dù tính theo đơn vị nào cũng gắn chặt với cảm xúc và tư duy được diễn đạt qua lời thơ”, nói như Timôfêép thì nhịp điệu chính là “đơn vị của ngữ nghĩa và ngữ điệu”[4]. Các tác giả của công trình Thơ ca Việt Nam – Hình thức và thể lọai đã chia dòng 6 chữ của lục bát có 6 dạng ngắt nhịp phổ biến và dòng 8 chữ của lục bát có 10 dạng ngắt nhịp phổ biến. Ở thơ Nguyễn Duy, dạng phổ biến và dễ thấy nhất ở câu bát bên cạnh nhịp chẵn (bao gồm, 2-2-2-2; 2-6; 2-4-2; 4-4) là dạng nhịp lẻ 3/3/2 (tần suất sử dụng nhịp này là xấp xỉ 15%) - đây là dạng ngắt nhịp không thấy trong số 10 dạng ngắt nhịp phổ biến của dòng 8 chữ mà các tác giả của công trình nói trên đề cập đến:
“Bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo/ những vui buồn/ xa xôi”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
“Gió mùa thu đẹp đêm rằm
mẹ ru con/ gió ru trăng/ sáng ngời”
(Lời ru mùa thu)
“Nhớ không sông ộp ọap xuôi
Gió oằn ọai/ hổn hển trời/ phù sa”
(Kính thưa Thị Nở)
Dạng ngắt nhịp như thế này chúng ta cũng có thể tìm thấy ở lục bát thế kỷ 18, chẳng hạn trong Truyện Kiều:
“Nửa chừng xuân/ thoắt gãy cành/ thiên hương”
“Đĩa dầu hao/ nước mắt đầy/ năm canh”
“Lời tan hợp/ chuyện xa gần/ thiếu đâu”
Đến thời Thơ Mới, Nguyễn Bính cũng có những câu thơ được ngắt thành nhịp lẻ 3/3/2:
“Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các / bướm giang hồ/ gặp nhau?”
(Tương tư)
“Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu/ cánh buồm nâu/ cánh buồm”
(Cánh buồm nâu)
Đến thi ca đương đại, những câu thơ với dạng ngắt nhịp như vậy cũng xuất hiện:
“Thập thò trong bụi tre gai
Hoa dong riềng/ của nhà ai/ nở hồng”
(Hoa dong riềng – Đồng Đức Bốn)
“Ba mươi năm một chuyến đò
Chưa xong chuyến/, lại thân cò /sang sông”
(Mong em về trước cơn mưa – Thu Bồn)
“ Gia tài chỉ có bàn tay
Đường gân xanh/ vết chai dày/ thuở xưa”
(Thơ viết tặng anh – Xuân Quỳnh)
Nhưng, con số 15% không phải là một tỉ lệ nhỏ nếu so sánh trên mặt bằng chung. Con số này đã chứng minh rõ ràng tính ưa nhịp lẻ ở lục bát Nguyễn Duy. Trong thơ lục bát truyền thống, những nhịp lẻ thường xuất hiện trong câu lục khi có tiểu đối, ví dụ “Mai cốt cách/, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều); “Người đón liễu/ kẻ đưa hoa” (Sơ kính tân trang); “Non cao tuổi/ vẫn chưa già” (Thề non nước – Tản Đà), và xuất hiện trong câu bát khi có hình thức đối ở 6 tiếng đầu, như ở những ví dụ đã nêu: Đĩa dầu hao/nước mắt đầy/ năm canh”; “Lời tan hợp/ chuyện xa gần/ thiếu đâu” (Truyện Kiều). Còn với thơ hiện đại, hiện tượng ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát ngòai lý do nêu trên, có thể còn là do nhịp điệu tâm hồn của nhà thơ chi phối. Cái đều đặn của nhịp chẵn không đạt hiệu quả cao trong mục đích muốn diễn đạt những sắc thái phức tạp của đời sống nội tâm, nhưng nhịp lẻ thì có thể làm tốt việc này. Ngắt nhịp lẻ sẽ thấy câu thơ gần với lời nói thường nhật, thấy nhịp điệu thơ gần với nhịp đời và lời thơ vì thế mà dễ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người ta hơn:
“Ai buông lửng một cái tình
Để ngân nga/ đến rung rinh/ lòng người”
(Đàn bầu)
“Được yêu như các cụ xưa
Cũng trăng gió/ cũng mây mưa/ ào ào”
(Được yêu như thể ca dao)
Nhà thơ Nguyễn Duy từng tâm sự : Văn chương thời nào cũng cần “đụng đến kinh mạch của xã hội” , nếu không được như vậy thì văn chương chỉ là “thú kể chuyện vặt qua ngày... Để có văn thật đã khó, được người đời chấp nhận đó là văn thật lại càng khó hơn. Làm văn chương thật là phải rũ gan ruột mình ra…” (Theo Lưu Trọng Văn, Nhà thơ Nguyễn Duy: Dù ở đâu tổ quốc vẫn trong lòng (bình luận), www.evan.com.vn). Nhưng hiện thực thì vốn muôn hình vạn trạng, còn bức tranh nội tâm thì lúc nào cũng phức tạp, thế nên thơ, nhất là câu thơ lục bát muốn sống được và hòa nhập được trong thời đại “xa lộ thông tin kẹt đường” hiện nay chắc chắn phải thay đổi phần nào cái tính êm đềm cố hữu của mình. Sẽ dễ thấy ở lục bát Nguyễn Duy nhiều cách ngắt nhịp khác thường, đó có thể là sự can thiệp của các lọai dấu chấm câu, mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là hiện tượng vắt dòng. “Biện pháp vắt dòng hướng tới một mỹ cảm của sự phá bỏ đối xứng đều đặn, cố làm cho dòng thơ diễn ra tự nhiên theo lối nói thường. Nghĩa là từ ngữ và câu văn xuất hiện theo trật tự tuyến tính vốn có của câu văn xuôi, và bởi vậy mà dòng thơ lục bát bắt đầu gần gũi với câu thơ tự do, mặc dù trên đại thể, nó vẫn “phục tùng” khá nghiêm chỉnh âm điệu của thi luật lục bát”[5]. Sự cách tân này nảy sinh từ cách xử lý mối quan hệ giữa cấu trúc âm điệu dòng thơ với cấu trúc cú pháp ngữ nghĩa của câu thơ, chúng ta vẫn thấy hiện tượng này trong thơ ca hiện đại, chẳng hạn như trong Tiếng sáo Thiên Thai của Thế Lữ (Trời cao xanh ngắt. Ô kìa – hai con hạc trắng bay về Bồng lai), trong Mùa hoa loa kèn của Ngô Quân Miện (Mưa phùn vừa dứt. Tiếng ve – Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây), trong Cổng làng của Bàng Bá Lân (Cổng làng rộng mở. Ồn ào – Nông phu lững thững đi vào nắng mai) v.v… Ở thơ Nguyễn Duy, biện pháp vắt dòng khá phổ biến không chỉ ở thơ lục bát mà còn có ở các thể thơ khác. Vì vậy mà có rất nhiều bài thơ của ông, ở những chỗ xuống dòng, chữ đầu không viết hoa bởi là ý nối tiếp của câu trên, dưới đây là một vài ví dụ ở thơ lục bát:
“Nắng. Hoa đồng nội chói chang…”
(Rau muối)
“Gió luồn tóac lỗ càn khôn. Giá mà…”
(Khải Hòan Môn)
“Chiều đang sâu thắm một màu
Tự dưng lộp độp ngang đầu – ồ mưa!”
(Mưa trong nắng – nắng trong mưa)
“Em – Hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân”
(Lạng Sơn, 1989)
“Em – Thần nhan sắc trời sai giáng trần”
(Nét và hình)
Tính phá cách ở câu thơ lục bát còn thể hiện ở việc nhà thơ đưa những câu nói, những đọan đối thọai của cuộc đời thực tế vào trong thơ:
“Biết rồi!... Vai cứ kề vai
kệ cho mấp mé cả hai mạn xuồng”
(Xuồng đầy)
“Ối giời ơi…nõn nà chưa
Bột trinh bạch đấy – trời vừa rây xong…”
(Trắng… và trắng…)
“Em đừng trách nhé em thương
- Nào ai biết được giữa đường gặp mưa
Tiếng em như tiếng gió lùa:
- Thôi đừng nói giọng người xưa, buồn cười…”
(Mưa trong nắng – nắng trong mưa)
Ngòai ra còn xuất hiện một số dạng ngắt nhịp ít gặp – và thường là nhịp lẻ:
“Ô kìa! Đột ngột trăng lên
Trăng/, trời/, trăng láng bạc trên lá rừng
(Trăng)
“Đắng cay chua chát đã từng
Mơ Chùa Hương /cũng chua từng ấy thôi”
(Nếm mơ)
“Lan báo hỉ nở tình cờ
Bông ngô đồng/ rụng xuống bờ Hương giang
(Nhớ bạn)
“Em ơi gió – gió tâm thần
Tầng bình yên/ phía trên tầng bão giông”
( Em ơi, gió…)
“Sáu mồm hai mũi ba tai
Một con mắt / đú đởn vài con ngươi”
(Tập ru con)
Dạng lục bát tách dòng, tức ngắt dòng thơ thành nhiều đọan nhỏ – hoặc chia thành dạng bậc thang từng xuất hiện trong thơ tự do cũng được nhà thơ sử dụng ở lục bát :
“Tre xanh
xanh tự bao giờ
chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…
…Năm qua đi tháng qua đi
tre già măng mọc có gì lạ đâu
mai sau
mai sau
mai sau
đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
(Tre Việt Nam)
“Gió trên vách đá ù ù
nghe
tù và dội xuống từ cao xanh…”
(Ai Chi Lăng)
Cách trình bày các dòng thơ lục bát thành bậc thang hay thành nhiều dòng thơ có thể có tác dụng gợi ý cách ngắt nhịp thích hợp, song trên đại thể, đây chủ yếu vẫn là phép tu từ trên trang giấy. Dựa vào tác dụng thị giác, rõ ràng biện pháp “leo thang” và “tách dòng” khiến cho các khổ thơ lục bát đều đều với dòng ngắn dòng dài trở nên lạ lẫm, chỉ khi nào đọc lên mới phát hiện ra sự quen thuộc của nhịp điệu lục bát quen thuộc. “Chính là đi giữa cái lạ và cái quen, cái ẩn và cái hiện, độc giả sẽ tìm thấy cho mình những hứng thú thẩm mỹ trong hình thức thơ ca”[6] . Rõ ràng là nếu diễn đạt theo mô hình bằng phẳng, thì những câu lục bát dẫn ra ở trên của Nguyễn Duy sẽ bớt đi rất nhiều tâm trạng… Sự cải tiến dòng thơ lục bát kiểu như thế này của Nguyễn Duy và của rất nhiều nhà thơ cùng thời khác đã chứng minh sức mạnh nội tại trường tồn của thể thơ dân tộc. Một mặt nó thay đổi về diện mạo để thích ứng và hòa nhập vào dòng chảy chung của thơ ca thời đại mới, một mặt khác, cho dù biến hóa thế nào đi nữa thì thể thơ này vẫn giữ được cốt cách âm luật của riêng mình như nó vẫn được gìn giữ từ bao đời nay. Có lẽ, với bản lĩnh này, lục bát chắc chắn sẽ không thể là thứ đồ cổ cũ kỹ để trên bàn thờ tổ tiên mà vẫn có giá trị thực tiễn đối với nền thi ca Việt Nam đương đại. Vấn đề chỉ còn tùy thuộc vào những người sử dụng món đồ cổ này, phải sử dụng sao cho thật khéo, thật sáng tạo để đem lại những năng lực biểu hiện mới…
3. Điều đáng bàn ở thơ lục bát của Nguyễn Duy không phải là sự mới lạ do gia công thêm vào mà là sự vận dụng rất sáng tạo những thành quả sẵn có của lục bát truyền thống. Những kiểu tách dòng, ngắt dòng, tạo nhịp theo nhiều hình thức khác nhau chưa phải là những cách tân đáng kể và phổ biến của Nguyễn Duy với lục bát. Yếu tố chủ yếu tạo nên diện mạo riêng của lục bát Nguyễn Duy chính là cách vận dụng những biện pháp từ chương học trong việc lựa chọn lối diễn đạt phù hợp mà tiêu biểu là phép trùng điệp trong tòan bài thơ và lặp từ trong từng dòng thơ.
Chúng ta vẫn biết, đặc điểm cơ bản của lục bát dân gian là chữ dùng giản dị, thiên về biện pháp láy âm và điệp từ, không thích điển cố, lại càng không thực hiện biện pháp đúc chữ, một biện pháp mà các nhà thơ hay chữ ngày trước rất thích. Xin dẫn ra một ví dụ có sử dụng biện pháp này:
“Trải vách quế, gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oan chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào?”
(Cung óan ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Tác giả dùng gió vàng mà không dùng gió thu là có chủ ý. Gió vàng được dịch từ chữ kim phong, và kim là vàng, theo ngũ hành thì mùa thu thuộc kim, cho nên gió vàng là gió thu. Dùng gió vàng mới chọi được với chữ như đồng ở câu dưới. Tương tự dùng chữ phận bạc để chọi với má đào. Tất nhiên tư duy mộc mạc của thơ ca dân gian sẽ không dung nạp được những hình thức cầu kỳ như thế này, mặc dù vậy, sử dụng thành thạo và nhuần nhuyễn những biện pháp của thơ ca dân gian không hề đơn giản. Hàng trăm năm trước, đã từng có trường hợp một bậc thầy chữ nghĩa như Nguyễn Khuyến ngả mũ khâm phục trước hành động dám “nhả ngọc để thành rồng” của Nguyễn Du khi ông chọn lối diễn đạt của “những người trồng dâu, trồng gai” để tạo tác nên khúc Đọan Trường Tân Thanh kỳ vĩ.
Biện pháp lặp từ với nhiều chữ “nước” rất hay thấy trong ca dao, đây là một biện pháp chủ đạo:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?”
Hay
“Cầu này cầu ái cầu ân
Một trăm con gái rửa chân cầu này”
Việc đúc chữ cùng những khuôn mẫu gò ép của những phép đăng đối tất nhiên không còn là phương pháp ưa thích của các thi nhân hiện đại, khi mà hình thức câu thơ cần phải cố gắng hết sức để chuyên chở những sắc màu phong phú của cuộc sống hiện nay. Nhưng phải thừa nhận việc sử dụng mạnh dạn và triệt để những mức độ khác nhau của các phép trùng điệp, lặp từ là một đặc điểm khá nổi bật ở thơ Nguyễn Duy. Như đã phân tích ở phần trước, phép trùng điệp được Nguyễn Duy sử dụng với tỉ lệ rất cao trong thể thơ tự do, nay ở lục bát, tỷ lệ này cũng chiếm đến gần 20%. Nhiều nhất là trường hợp điệp từ trong trong khuôn khổ của câu thơ, đặc biệt là dạng lặp từ cách quãng đều đặn:
“Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn”
(Trên sân trường)
“Giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy”
(Bao cấp thơ)
“Mình sang với bạn sang cùng thu sang”
(Chút thu vàng)
“Vô tư như thực như mơ như gì
…Không ngây không dại không đành phải không”
(Vô tư)
Chỉ khảo sát riêng trong thể thơ lục bát, dạng lặp từ cách quãng nói trên đã chiếm tỉ lệ sử dụng xấp xỉ 60% (29 lần/48 bài có sử dụng phép trùng điệp). Có thể khẳng định đến ngay cả ca dao cũng không thể có một tỉ lệ áp đảo như thế (xét trên tổng thể)! Nếu cảm nhận theo cảm tính, biện pháp lặp này tạo ra sức nặng đặc biệt cho ý nghĩa của câu thơ. Đó là sức nặng của cảm xúc nội tâm. Khi nội tâm tràn đầy cảm xúc thì ngôn ngữ thể hiện cũng phải chứa đựng một mức độ thừa thãi khá cao, nói như nhà nghiên cứu Phan Ngọc thì “cái thừa đó là cái thừa nghệ thuật”[7]. Những câu thơ mà cảm xúc của chủ thể rơi vãi cả ra ngòai khuôn ngôn ngữ chứa đựng nó thừơng luôn dành được sự chia sẻ mãnh liệt và tận cùng của người đọc, bởi một lẽ duy nhất : nó chân thật như cảm xúc lúc tức thời. Chẳng hạn như việc ta ngậm ngùi trước nỗi đau mất bạn của Nguyễn Khuyến khi đọc những câu thơ như tiếng lòng nấc nghẹn “Bác Dương thôi đã thôi rồi… Rượu ngon không có bạn hiền – Không mua không phải không tiền không mua” (Khóc Dương Khuê), hay xót xa buồn với “Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình” (Truyện Kiều) của nàng Kiều. Điệp từ luôn có ý nghĩa là nhấn mạnh, nhưng nhiều khi, nếu biết dùng sáng tạo, đặc biệt là biết chú ý đến tính hài hòa của nhịp điệu, âm thanh và hình ảnh, thì biện pháp này còn làm được nhiều hơn thế nữa. Thử tìm hiểu những câu lục bát êm như một điệu valse mùa xuân dưới đây của Nguyễn Duy, chúng ta sẽ thấy ngay:
“Này em cành lấp ló chồi
Tẹo hoa tí cỏ chợt vui giữa buồn
Chợt phai chợt thắm con đường
Chợt quên chợt nhớ chợt thương lần thần”
(Thời gian)
Những từ “chợt” được lặp lại đều đặn như những nhịp nghỉ trong bản nhạc, đó là xét về khía cạnh âm điệu. Còn nếu ta hình dung cùng với “phai”, “thắm” rồi “quên”, “nhớ”, “thương”, “lần thần”, thì hình dung đó sẽ là một bức tranh rất thơ mộng về bước đi êm ái của mùa, cũng là bước thời gian đang đi bồi hồi trong tâm hồn thi nhân. Cuộc đời mỗi người ai cũng vậy, bao giờ cũng là “Niềm vui mấp mé nỗi buồn – Ban mai ngấp nghé chiều hôm kiếp người” (Kính thưa liền thị – Kính thưa Tố Nữ), nhưng niềm vui thường nhanh chóng ra đi còn nỗi buồn thì luôn thích bám víu ở lại. Do vậy mà người ta luôn cảm thấy mình quen với nỗi buồn hơn là niềm vui, và cũng do vậy mà những hiện thực đơn giản nhỏ nhoi như “tẹo hoa tí cỏ” bên con đường “chợt phai chợt thắm” cũng khiến cho người ta rưng rưng “chợt vui giữa buồn”. Những câu thơ lục bát vốn nhiều chữ “nước” đâm ra lại tạo ra được một khung cảnh vừa có nhạc, vừa có họa lại vừa có hồn. Kỳ ảo mà sinh động. Đó cũng có thể được xem như là một sự “thừa thãi nghệ thuật” lắm chứ ! Nguyễn Duy còn rất nhiều những câu thơ như vậy. Đặc biệt là có những bài thơ sử dụng kết hợp lối điệp từ với thủ pháp láy âm (allitération) – một thủ pháp của thơ Pháp mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng sử dụng rất thành công trong bài Đây mùa thu tới (“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang – Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng…”), xin lấy một bài thơ với vần “ăng” làm chủ vận của nhà thơ để minh họa:
“ Người gì người trắng như trăng
trăng gì trăng nói lăng nhăng như người
Trăng đau trăng bạc như vôi
người đau người khuyết người vơi người mờ”
(Người trăng)
Người và trăng lẫn vào nhau, tình và cảnh lẫn vào nhau, đời người và thời gian lẫn vào nhau – tất cả những sự giao thoa và tan hòa ấy đã nói rất nhiều điều với người đọc. Thao tác kết hợp giữa điệp từ và láy âm của nhà thơ Nguyễn Duy còn thể hiện ở nhiều khía cạnh tài tình khác, đặc biệt là có những cặp lục bát được tạo ra chỉ tòan bằng những từ láy, hoặc phần nhiều là các từ láy:
“thất tha thất thểu văn chương,
kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài”
(Xin đừng buồn em nhé)
“Bia lon thỗn thện người lon
ễnh ềnh ệnh hỏn hòn hon thùi lùi”
(Boston, 21-6-1995)
Chúng ta sẽ quay lại những sáng tạo đặc biệt này khi khảo sát về những đóng góp cho ngôn ngữ dân tộc của nhà thơ Nguyễn Duy ở một lần khác. Còn ở đây, riêng về lục bát, nói qua để thấy rõ hơn cá tính mạnh mẽ bộc lộ qua những thể nghiệm táo bạo của nhà thơ với thể thơ vốn hiền hòa, êm ái của dân tộc.
Dung hòa được chất truyền thống và hiện đại, tạo ra cái mới mà không xung đột với cái cũ là một điều không phải dễ dàng gì đối với nhiều nhà thơ hiện nay. Có thể thấy Nguyễn Duy phần nào cũng đã khẳng định được phong cách nghệ thuật riêng của mình qua những thể nghiệm này. Tất nhiên là vẫn có những lúc quá đà (trong trường hợp của một số bài thuộc phần “Lục bát đi sứ”) gây cảm giác chóang cho người đọc, nhưng nhiều hơn, người ta vẫn thấy lục bát của Nguyễn Duy mang một vẻ đẹp vừa quen thuộc vừa độc đáo, vừa mang hồn phố những vẫn còn hồn quê …Và quan trọng hơn – khi ngâm nga những câu lục bát ấy, người ta biết đó là lục bát của nhà thơ Nguyễn Duy chứ không phải của ai khác!
Thơ lục bát cũng như thơ tự do của Nguyễn Duy đều ngầm chứa cái hồn dân gian bình dị ẩn trong vẻ ngoài hiện đại, khoẻ khoắn. Chúng hoàn toàn phù hợp với cá tính ưa suy ngẫm và thích mô tả chi tiết những “việc lớn việc nhỏ” đang ngày ngày diễn ra trong cuộc sống ở nhà thơ.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1- Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, NXB Văn hóa thông tin, 2000.
2- Khánh Chi, Với Nguyễn Duy, những bài thơ lục bát là phần quý giá nhất cuả mình, Báo đại đoàn kết, số 43, tháng 11- 1994.
3- Nguyễn Duy, Cát trắng(thơ), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973.
4- Nguyễn Duy, Mẹ và em (thơ), NXB Thanh Hóa, 1987.
5- Nguyễn Duy, Quà tặng (thơ), NXB Văn học, Hà Nội, 1989.
6- Nguyễn Duy, Ve (thơ), NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1989.
7- Nguyễn Duy, Sáu và Tám (thơ), NXB Văn Học, Hà Nội, 1994
8- Nguyễn Duy, Tuyển tập thơ, NXB Hải Phòng, 2002.
9- Nguyễn Duy, “Nỗi nhớ thời khó thở của Nguyễn Duy (tùy bút), www.tuoitre.com.vn ngày 21-1-2006.
11-Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu trong thơ trữ tình Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
12-Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên, Thơ ca Việt Nam hình thức và thể lọai, NXB Văn học, Hà Nội, 1967.
13-Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.
14-Nguyễn Thái Hoà, Tiếng Việt và thể thơ lục bát, Tạp chí Văn học số 2,1999.
15-Nhiều tác giả, Thơ – nghiên cứu, lý luận, phê bình, NXB Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.
16- Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2001.
17-Phan Diễm Phương, Lục bát và song thất lục bát, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
18-Phan Diễm Phương, Thể thơ dân tộc và sự lựa chọn của nền văn học mới, Tạp chí Văn học số 11 năm 1995.
Vũ Thị Mai